Nói đến những thành công của ông, không thể không nhắc đến một người phụ nữ thầm lặng bên ông. Đó là bà Dương Thị Minh, người bạn đời, người bác sĩ đồng nghiệp của ông. Đấy là chỗ dựa tinh thần của ông trong những lúc khó khăn, khi xa nhà hoặc vào chiến trường, một tay bà nuôi dạy con cháu thành đạt. Hôm chúng tôi tìm đến nhà, giáo sư cùng bà đang ngồi xem báo. Vì đã hẹn trước nên bà chủ động nói với chúng tôi: “Ông nhà tôi dạo này sức khỏe yếu, trí nhớ không còn minh mẫn. Là người vợ, người cùng vào sinh ra tử với ông, tôi sẽ thay ông trao đổi với các đồng chí”. Theo những câu chuyện kể của bà, chân dung một con người cách mạng không những tài giỏi về trình độ mà còn giàu y đức dần dần được khắc họa. Những năm tháng hoạt động cách mạng hiểm nguy, những trăn trở trong nghề với bao câu chuyện buồn vui, cuộc hành trình vào Nam bằng con tàu không số và những khoảnh khắc bà không thể nào quên về người chồng của mình.
Quyết tâm chọn ngành y
Lớn lên trên mảnh đất Càng Long, Trà Vinh, vốn thông minh, học giỏi, chàng thanh niên Nguyễn Thiện Thành bấy giờ được Chính phủ Pháp cấp học bổng đặc biệt để sang Pa-ri nhưng ông từ chối và đi thi vào Trường Đại học Y Hà Nội. Khi cách mạng còn trong vòng bí mật, ông đã đi theo Việt Minh. Trái tim chàng thanh niên ngoài 20 tuổi quyết tâm chọn nghề y và đi con đường cùng nhân dân đấu tranh vì nền độc lập. Ông bắt đầu làm cách mạng bằng việc giúp mua thuốc gửi lên chiến khu.
Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Thiện Thành.
Cuối năm 1947, với năng lực và lòng nhiệt tình, bác sĩ Thành được điều vào công tác ở Nam Bộ, làm Vụ trưởng Quân y Khu 9. Năm 1950, trên đường công tác ngang qua tỉnh nhà, ông bị giặc bắt. Những chiêu dụ dỗ, đòn tra tấn của kẻ thù không thể đánh đổ trái tim người thầy thuốc cách mạng. Giặc Pháp đành phải chuyển ông từ khám Vĩnh Long qua Cần Thơ, rồi đưa lên Sài Gòn. Hồi ấy, như một duyên nợ với ngành y, trong tù, có vốn tiếng Pháp giỏi, ông làm quen với một người lính gác, vốn là sinh viên y khoa Pháp bị động viên vào quân viễn chinh. Từ đó, người lính này cung cấp cho ông các tài liệu y khoa. Ông có điều kiện tiếp cận và đặc biệt quan tâm đến phương pháp chữa bệnh của nhà khoa học Phi-la-tốp (Liên Xô). Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: Khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0 đến 40C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Năm 1950, ông được ra tù theo diện trao đổi tù binh. Trở về Khu 9, ông tiếp tục nghiên cứu các công trình của Phi-la-tốp và được sự ủng hộ nhiệt tình của bác sĩ Trương Công Trung, Viện trưởng Quân y viện Phân liên khu miền Tây Nam Bộ.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được Nhà nước cử sang Liên Xô học nghiệp vụ, nghiên cứu về lâm sàng hoạt động thần kinh cao cấp. Sau khi tốt nghiệp về nước, ông nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương lúc bấy giờ.
Chuyến vượt biển khó quên
Với mong muốn cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam đang kháng chiến chống Mỹ, ông đã trình bày nguyện vọng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho ông vào Nam. Năm 1964, ông vào chiến trường B2. Bà hay tin, muốn đi tiễn chồng nhưng không được vì hành trình của ông phải giữ bí mật. Chiến trường miền Nam khó khăn ác liệt với điều kiện sống trong rừng núi, ngay từ những ngày đầu, ông đã nhận ra “mục tiêu” đầu tiên và dồn sức nghiên cứu đó là: Bệnh sốt rét. Ông nhanh chóng xây dựng phác đồ điều trị hợp lý. Bằng tấm lòng và trách nhiệm, ông đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp điều trị suy dinh dưỡng do sốt rét ở thể địa non trẻ của các tân binh. Một đóng góp vô cùng quan trọng của ông là đã hoàn chỉnh phương pháp điều trị sốt rét ác tính, làm giảm tỷ lệ tử vong 50%.
Đến năm 1967, bà vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ và được đoàn tụ với ông. Lúc đó, ông mới kể cho bà nghe chuyến đi vào Nam của ông bằng con tàu không số. Chuyến tàu mang bí số 69, khởi hành ngày 19-12-1964. Chuyến đi này có đồng chí Bảy Vân, phu nhân cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Vì lý do sức khỏe, đến nay Giáo sư Nguyễn Thiện Thành không nhớ rõ ký ức về chuyến đi, nhưng theo lời kể của bà Dương Thị Minh thì lúc đó, ông có nói với bà sẽ tham gia chuyến đi nhiều gian nan vất vả nhưng ông không nói cụ thể vì phải giữ bí mật. Chỉ biết là trên thuyền có nhiều người đi, thuyền trưởng, thuyền viên đều mặc thường phục, đóng giả là ngư dân. Vũ khí giấu dưới hầm tàu. Đối với những thủy thủ khi nhận nhiệm vụ đi Tàu không số phải tâm niệm “sống để bụng, chết mang theo”, không được tiết lộ với cha mẹ, vợ con công việc hay lịch trình của mình. Trước lúc xuống tàu rời bến, phải gửi lại tất cả quần áo, tư trang, sổ sách, chứng minh thư… Mỗi lần ra đi là một lần truy điệu sống. Ban ngày nghỉ, ban đêm đi, tàu bị lạc hướng nhiều lần. Thời kỳ đó, tàu chiến của giặc phong tỏa, kiểm soát gắt gao suốt ngày đêm nên các chuyến đi của Tàu không số gặp không ít khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ của tàu đã lợi dụng vùng biển giáp ranh giữa ta và nước bạn, luồn lách qua các hòn đảo làm hạn chế khả năng trinh sát bằng sóng ra-đa từ các tàu chiến của Mỹ. Thuyền trưởng và các thuyền viên luôn thức suốt đêm để canh tàu và lái tàu, dũng cảm, mưu trí đưa con thuyền đến đúng địa điểm an toàn. Đặt chân đến nơi, mọi người mới biết là mình còn sống.
Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm mà bà nhớ nhất khi công tác cùng ông, bà kể lại trong niềm xúc động. Một lần, ông bị sốt rét nặng, đang nằm điều trị dưới hầm trú ẩn thì có một đồng chí liên lạc đến thông báo mời Giáo sư Thành đi cấp cứu cho các đồng chí lãnh đạo. Mặc dù bị sốt cao nhưng ông vẫn cố ngồi dậy. Lúc ấy, bà Minh hỏi ông có đi được không, ông khẳng định một câu chắc như thép: “Chỉ cần bỏ chân xuống đất là đi”. Thế là ông cùng mọi người băng rừng vào khu căn cứ. Sau khi làm xong nhiệm vụ, ông bị ngất và được các bác sĩ ở đó cấp cứu. Điều dưỡng ở đó hơn chục ngày, ông mới trở về Viện Quân y K71.
Bản thân là Viện trưởng, nhưng ông đã 11 lần hiến máu cứu các nhân viên của mình thoát cơn bệnh sốt rét, đái huyết sắc tố… và bằng phương pháp truyền máu trực tiếp. Là một giáo sư, bác sĩ nhưng ông cũng phải 10 lần lên bàn mổ vì bệnh: Dạ dày, túi mật, gãy xương đùi…
Suốt đời hoạt động không nghỉ
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành làm Chủ tịch Hội đồng sức khỏe Trung ương, kiêm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (đổi phiên hiệu từ Viện Quân y K71), tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lãnh đạo trung, cao cấp và khách quốc tế. Năm 1979, ông và bà chuyển ngành. Lúc đó, ông mang quân hàm đại tá, còn bà là thượng úy.
Năm 1986, ông được giao thêm nhiệm vụ Chủ nhiệm Bộ môn Tích tuổi học (Lão khoa) của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là người chủ yếu xây dựng chương trình giảng dạy, giáo án, giáo trình cho bộ môn này. Năm 1989, ông nghỉ hưu và có điều kiện tập trung sức lực, trí tuệ nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực tích tuổi học. Khi đời sống kinh tế có những chuyển biến tích cực, mức sống xã hội được nâng cao thì chuyên ngành tích tuổi học ngày càng phát huy vai trò. Lúc này, Bộ Y tế thành lập Trung tâm Tích tuổi học tại TP Hồ Chí Minh, ông được Bộ Y tế cử làm Giám đốc Trung tâm, có điều kiện tham gia điều trị những trường hợp khó, phức tạp và đi sâu vào nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ ngành y.
Hiện tại, vì tuổi đã cao, ông không trực tiếp tham gia các hoạt động như trước nữa, nhưng trái tim ông thành nhịp cầu nối những trái tim. Ông bà là chủ nhân của một quỹ học bổng cấp cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Và cả cuộc đời ông cũng đã là một nhịp cầu, bằng trí tuệ và tình yêu thương con người của mình, bằng tấm gương của mình đã đưa biết bao thế hệ vượt những khó khăn, cách trở để gần nhau hơn, để vững tin tiến về phía trước.
Vì những cống hiến lớn lao, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985), Thầy thuốc nhân dân (năm 1989).
LÊ HÙNG KHOA
Nguồn: www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/314/317/317/173330/Default.aspx