Giáo sư – Nhà văn Trương Tửu: Người “Kiêu khích” văn đàn

Người tiên phong phê bình khoa học

Cuộc gặp gỡ với Lan Khai (người phụ trách Tạp chí Tao Đàn) đã khẳng định tên tuổi Trương Tửu thành người “cầm cân nảy mực” trên văn đàn và báo chí thời bấy giờ.

Trương Tửu viết phê bình Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Nửa chừng xuân của Khái Hưng, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Vàng và máu của Thế Lữ,… Áp dụng phương pháp phê bình khoa học, khách quan trong phân tích và đánh giá sự kiện, hiện tượng; vận dụng lý thuyết khoa học của các chuyên ngành như tâm lý học, xã hội học, di truyền học,…

Trương Tửu đã viết: “Ông Thế Lữ để cảnh sắc xúc động giác quan nhưng biết tự chủ, không bị cuốn vào thiên nhiên. Trái lại, ông Lan Khai mê đắm cảnh vật như mê một tình nhân. Ở Thế Lữ cái rung động của giác quan truyền lên trí não nên ông tả được bình tĩnh; ở Lan Khai nó truyền vào tâm nên ông tả mung lung hồi hộp”.

Lối phê bình của Trương Tửu đối lập hẳn với lối phê bình cảm thụ truyền thống dựa vào trực giác chủ quan mà như Hoài Thanh tuyên ngôn “lấy hồn ta để hiểu hồn người”.

Giáo sư Trương Tửu (1913-1999)

Giáo sư Trương Tửu (1913-1999) Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Lối phê bình mới mẻ của họ Trương đã bị chỉ trích từ nhiều phía. Tuy nhiên, theo thời gian, phương pháp phê bình khoa học của Trương Tửu (tất nhiên ban đầu có phần thô sơ và dần dần được tác giả điều chỉnh, hoàn thiện, nâng cấp) đã có chỗ đứng trong lịch sử lý luận phê bình với những công trình để đời như Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956), Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958).

Tiếc rằng, trước một biến cố của cuộc đời, ông phải đột ngột chia tay với văn chương để rẽ ngoặt sang một hướng đi khác.

Một dấu son khá đặc biệt trong tiểu sử Trương Tửu, đó là ông là một trong số 29 vị giáo sư được phong đợt đầu tiên của Hội đồng Giáo dục Quốc gia (năm 1956).

Bằng kiến thức thực học của mình (tuy chỉ có bằng trung học), ông được ngang hàng với những vị giáo sư khác đã được đào tạo tại Trường Cao đẳng Sư phạm của Pháp như Đặng Thai Mai, thậm chí cả những vị tiến sĩ, thạc sĩ của Pháp đào tạo như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Ngụy Như Kontum, Lê Văn Thiêm… Đúng là đã có một thời trí thức thực học quyết định trong việc sử dụng nhân tài, còn văn bằng chỉ là thứ yếu.

Tự học để chiếm lĩnh đỉnh cao trong khoa học là con đường gắn bó với Trương Tửu ngay từ thuở thiếu thời. Sinh ngày 18-11-1913 trong một gia đình dân nghèo thành thị, tuổi trẻ Trương Tửu theo không khí sục sôi yêu nước đòi thả cụ Sào Nam Phan Bội Châu (1925), để tang cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh (1926).

Đang học năm cuối cùng ở Trường Tiểu học Hàng Than, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ bài thơ Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc: “…Vạch trời thét một tiếng vang/ Cho thân tan với giang san nước nhà…”, Trương Tửu tham gia rải truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khoá. Ngay lập tức cậu bị đuổi khỏi trường.

Trương Tửu vào học trường tư thục Trung học Trương Minh Sanh để có tấm bằng. Nhỏ con nhưng thông minh xuất sắc, Trương Tửu thường thi đua đứng đầu lớp về Quốc văn và Pháp văn với Lê Sĩ Quý – về sau có tên tuổi trong làng báo, viết phê bình với bút danh Thiếu Sơn.

Rồi Trương Tửu học nghề thợ tiện (tourneur) ở Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng. Học được một năm rưỡi, Trương Tửu bị đuổi học vì tham gia cuộc vận động anh em cùng trường bãi khoá, phản đối Ban Giám đốc nhà trường (đứng đầu là Cambolive) phải cho học tiếp môn lý thuyết về kỹ thuật.

Một lần nữa, bằng quyết tâm tự học thật kiên trì, mãnh liệt đến dữ dội, Trương Tửu học xong trung học. Theo thời gian, vốn tri thức dày dặn thêm thành tầng, thành vỉa.

Tham gia giảng dạy ở các trường Dự bị Đại học và Sư phạm Cao cấp Liên khu IV, Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay), Trương Tửu có một lớp học trò sáng danh trong khoa học xã hội ngày nay: Nhà phê bình văn học Văn Tâm, Phó giáo sư Ninh Viết Giao (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật), Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng…

Đường kiếm đầu tiên – Đường kiếm bậc thầy

Trong một cuộc trò chuyện song đôi, Nguyễn Mạnh Tiến – chàng du tử của Những đỉnh núi du ca – Một lối tìm về cá tính H’Mông, và tôi, đã cùng bình luận về công trình đầu tay của Trương Tửu – Kinh thi Việt Nam. Chúng tôi coi Kinh thi Việt Nam là đường kiếm bậc thầy của Trương Tửu.

Nặng lòng yêu dân tộc Trương Tửu mới viết nên Kinh thi Việt Nam, một viên ngọc quý bị lấp giữa cát bụi dân gian. Kinh thi của Trung Hoa xưa do Khổng Tử san định với câu nói nổi tiếng “bất học thi vô dĩ ngôn” (không học Kinh thi lấy gì mà nói).

Bộ sách Kinh thi Việt Nam sau ba tháng phát hành bị cơ quan kiểm duyệt thực dân Pháp tịch thu và rồi cái tên Trương Tửu cũng bị Pháp cấm, nên ông phải đổi bút danh thành Nguyễn Bách Khoa. Kinh thi Việt Nam có chỗ đứng riêng – một đỉnh cao riêng biệt. Đối với nghiên cứu văn học ở Việt Nam, Kinh thi Việt Nam có tầm vóc lớn với tương quan thành tựu nghiên cứu trong nước và đương thời.

Nguyễn Mạnh Tiến bình luận trong chủ đề chủ nghĩa dân tộc lãng mạn – trưng dụng các thành tố folklore mà nhất là các bài ca dân gian để định dạng bản sắc dân tộc Việt Nam vốn phổ biến đầu thế kỷ XX và cả sau này, thì: “Kinh thi Việt Nam là cuốn sách tốt nhất được viết bằng tiếng Việt. Còn Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam của Nguyễn Văn Huyên là cuốn sách tốt nhất được viết bằng tiếng Pháp”.

“Kiêu khích” Trương Tửu

Với học thuật tiếng Việt, nhất là nghiên cứu văn chương, Trương Tửu bao trùm ảnh hưởng trong học giới ngót một thế kỷ, sự ảnh hưởng không chỉ người ta kế thừa các quan điểm của ông, mà đáng chú ý, là người ta còn phản bác các luận điểm thường rất “kiêu khích” trong học thuật Trương Tửu.

Học trò mặc áo thọ mừng thầy Trương Tửu 80 tuổi (1992)

Học trò mặc áo thọ mừng thầy Trương Tửu 80 tuổi (1992)

Miền Bắc, sau năm 1960, có Văn Tân – Nguyễn Hồng Phong, Hồng Chương, Phan Cự Đệ… Miền Nam, trước năm 1975, có Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung… Mạch ngầm nghiên cứu về Trương Tửu sau 1975 vẫn âm thầm và bất ngờ trỗi dậy ở Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn.

Trong cơn lốc của thời đại, giữa sương mờ và bụi bặm trên chuyến xe bão táp ông đã đi qua, Trương Tửu – người trí thức tỉnh táo và sáng suốt vẫn giữ nhân cách và phẩm hạnh. Những năm cuối đời, gặp lại học trò, ông vui với không khí đổi mới của đất nước.

Ông tâm sự rằng: “Không khí đổi mới cũng phải có quá trình. Trong quá trình đổi mới ấy, cái tâm mình không dự vào đấy thì vui làm sao được. Cái tâm mình dự vào đấy thì bấy giờ mới thật là vui được”.

Ông hồ hởi nói chuyện về Tây Du Ký. Giọng ông còn sang sảng như đứng trên bục giảng: “Trời đất còn không có cái gì trọn vẹn nữa là chúng ta. Hay quá! Hay quá! Không có gì trọn vẹn cả. Chúng ta cũng thế thôi vì chúng ta là những con người nhỏ mọn, yếu hèn trong cuộc đời này. Miễn là sau khi mặt mình nhọ rồi, cơn mưa đến, ra mà rửa, chỉ thế thôi…”.

Trong toán học, số học là một lĩnh vực mà sự chính xác, sự chắc chắn ngự trị, ở trên mảnh đất vững chắc đó các khẳng định nói ra hoặc là đúng hoặc là sai. Nhưng đột ngột có một cú hãm phanh dòng suy nghĩ quen thuộc của mọi người.

Năm 1932 với định lý của Gơ–đen (Godel): “Mọi lý thuyết và cụ thể là số học, có những khẳng định mà người ta không thể chứng minh cũng như không thể bác bỏ”. Nói một cách khác, giữa hai phạm trù của cái đúng và cái sai, còn có phạm trù của cái “không thể quyết định được”.

Tôi thích nhất là đoạn “giữa cái đúng và cái sai, còn có cái không thể quyết định được”… Trương Tửu là người luôn tạo ra những vấn đề gây nhiều thảo luận không chấm dứt được, không thể nói là đúng mà cũng không thể nói là sai.

Các bộ Tuyển tập nghiên cứu phê bình (2007), Tuyển tập văn xuôi (2009) và Tuyển tập văn hóa (2013) của Giáo sư – Nhà văn Trương Tửu lần lượt đưa các tác phẩm “kiêu khích” trở lại với bạn đọc.

Trương Tửu còn trở lại với công chúng qua các hội thảo Kỷ niệm 95 năm ngày sinh (2008) do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, 100 năm ngày sinh (2013) do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, cùng Giải thưởng thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh Trương Tửu năm 2014 với số phiếu tuyệt đối của Hội đồng xét giải.

Kiều Mai Sơn

Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/