Giáo sư Phạm Gia Khải và lối rẽ kỳ lạ trong nghề bác sĩ

GS BS Phạm Gia Khải nguyên chủ tịch hội tim mạch Việt Nam.

Vị giáo sư vẫn miệt mài làm việc

Giáo sư Phạm Gia Khải là người có vóc dáng thấp, dù đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng ông vẫn khỏe mạnh với tiêu chí làm việc là “khi trái tim còn đập thì còn cống hiến”.

Không phải dễ gì, giáo sư Khải lại gắn bó với chuyên ngành tim mạch. Chính vì thế, mặc dù đã về hưu nhưng công việc của ông không khác gì lúc chưa về hưu. Ông vẫn làm hàng ngày, vẫn có khát vọng cống hiến cháy bỏng.

Năm 1973, lúc đó GS Khải sang Hungary học. Ông theo học chuyên về mạch máu nhưng kỹ thuật siêu âm tim đã cuốn hút người bác sĩ trẻ một cách kỳ lạ: “Tôi đã cố gắng học hỏi kỹ thuật này bằng tất cả say mê và khát vọng sẽ mang về bằng được kỹ thuật này phục vụ người bệnh. Bởi đây sẽ là khởi nguồn cho sự thay đổi có tính cách mạng của chuyên ngành tim mạch Việt Nam, có chẩn đoán đúng mới điều trị đúng…”

Những năm 90 của thế kỷ trước, bệnh nhân bị bệnh tim mạch đã gia tăng rất nhiều, nhiều bệnh nhân bị bệnh tim mạch các bác sĩ không thể can thiệp mà chỉ biết mổ phanh. Phẫu thuật tim vốn khó, việc mổ cho những bệnh lý tim mạch càng khó hơn.
SkipAdAdvertisement in 14 seconds

Trong khi đó, nền y học tim mạch của thế giới đã và đang vào giai đoạn phát triển. Giáo sư Khải lúc đó còn công tác ở Viện tim mạch Quốc Gia, ông đã nghĩ mình phải làm gì đó, thế giới làm được tại sao mình không làm được? Từ đó, ông đã xây những viên gạch đầu tiên cho nền y học can thiệp tim mạch của Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn 10 năm (từ 1997) tim mạch can thiệp Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, và đang là một trong những kỹ thuật y tế cao thành công nhất ở Việt Nam.

Thời gian đầu, tuy phải nhập và mua thiết bị từ các nước công nghiệp phát triển, phòng tim mạch can thiệp vẫn chỉ là một phòng nhỏ, kỹ thuật thô sơ. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn nỗ lực cố gắng, học hỏi và đọc các tài liệu nước ngoài với đầy nhiệt huyết, tất cả vì ngành y học nước nhà. Dụng cụ và vật tư tiêu hao rất đắt đỏ nên họ càng cố gắng tận dụng, làm việc với tinh thần hăng say, vui vẻ, nhiều khi quên ăn, quên ngủ.

Run rẩy trước những phút sinh tử của bệnh nhân

Thời đất nước mở cửa, các bác sĩ Việt nam đã mời các chuyên gia tim mạch ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu để đến “cầm tay chỉ việc”, và để chuẩn bị tốt, chúng ta phải đọc trước nội dung cần học, nên chỉ sau 1 thời gian ngắn, nền tim mạch can thiệp đã phát triển và trở thành một trong những kỹ thuật y tế cao tại Việt Nam.

Năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công nong van hai lá bằng bóng qua da thành công. Kỹ thuật này đã được đưa đi báo cáo ở các hội nghị khoa học quốc tế và được nhiều nước đưa bác sĩ sang học.
Trong số những thành quả nổi bật của ngành tim mạch học Việt Nam hiện nay mang đậm dấu ấn tài năng và trí tuệ của vị giáo sư này. Có thể kể đến như kỹ thuật siêu âm trong chẩn đoán các bệnh tim, kỹ thuật nong động mạch vành, đặt stent, nong van hai lá bằng bóng qua da, bít các luồng thông bẩm sinh trong các tổn thương vách ngăn các buồng tim, thăm dò điện sinh lý tim, dùng sóng radio triệt phá các ổ ngoại vị và các đường dẫn truyền bất thường gây loạn nhịp tim…

Giáo sư Khải được nhận nhiều giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ, thầy giáo nhân dân, anh hùng lao động. Ông được rất nhiều học trò quý mến. Chia sẻ về mình, ông chỉ nói “Bác sĩ kỹ thuật giỏi điều đó rất quan trọng nhưng khi phát triển, kỹ thuật phải được phát triển nhân rộng nếu kỹ thuật không được chia sẻ, thì đó chỉ là kỹ thuật chết, Giáo sư Khải rất tâm đắc với phương pháp cầm tay chỉ việc, bởi cầm tay chỉ việc đòi hỏi tay nghề thông thạo của người Thầy, và là truyền cảm xúc giữa những người học nghề và làm nghề. Chính vì thế, chỉ trong thời gian rất ngắn tim mạch can thiệp Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Tim mạch can thiệp đã vươn ra thế giới.

Nhờ thế, hiện nay người bệnh ở những nơi xa xôi đã bớt lo lắng khi mắc các bệnh tim mạch vì mạng lưới can thiệp tim mạch đã lan tỏa dần khắp cả nước. Giáo sư Khải tâm sự: “Khi tình thương được san sẻ, sự sống được hồi sinh và phát triển.” “Tôi thường nói với các đồng nghiệp của mình”: “Kỹ thuật sẽ già đi mau chóng, chỉ có tình người là còn lại mãi mãi. Với những bác sĩ không có gì tốt đẹp hơn là cuộc sống của người bệnh”.

Dù là giáo sư đầu ngành nhưng bác sĩ Khải nhiều lần run rẩy đối diện với phút sinh tử của bệnh nhân, ám ảnh đó luôn theo các bác sĩ để họ cố gắng hơn, trao trả lại mạng sống mới cho bệnh nhân.

Giáo sư Phạm Gia Khải không tránh được những thất bại đắng cay mà ông đã từng nếm trải trong nghề, ví như chuyện một thanh niên 17 tuổi mắc bệnh tim nặng không thể qua khỏi đã tặng ông món quà nhỏ là bao thuốc lá Tam Đảo cùng với lời nhắn gửi: “Cháu biết chú không chữa được bệnh cháu đâu, nhưng chú nhìn kỷ niệm này để sau này chữa được những trường hợp bị bệnh như cháu”. Điều đó càng thôi thúc khát vọng cống hiến của ông.

Phương Thúy

Nguồn:infonet.vn/giao-su-pham-gia-khai-va-loi-re-ky-la-trong-nghe-bac-si-post180271.info