Giáo sư Phan Huy Lê – Niềm tự hào của giới sử học nước nhà.

Niềm tự hào của giới sử học

Đầu tháng 7-2011, tên tuổi của GS Phan Huy Lê một lần nữa trở thành niềm tự hào của học trò, đồng nghiệp trong nước và quốc tế, bởi ông là người đầu tiên của ngành Khoa học xã hội Việt Nam có được vinh dự trở thành Viện sĩ hàn lâm Pháp. Điều này không những khẳng định những đóng góp to lớn, tài năng và uy tín của GS Phan Huy Lê mà còn là sự tôn vinh nền sử học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. GS, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người đồng hương, đồng môn và đồng nghiệp của GS. Phan Huy Lê khẳng định: Đây là một tin rất vui, tin mừng vì đây không chỉ là tôn vinh cá nhân mà là tôn vinh cả nền sử học của nước ta trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Theo tôi, với việc GS Phan Huy Lê được bầu vào Viện hàn lâm Pháp như vậy tạo điều kiện cho giới khoa học- xã hội VN nói chung và giới sử học nói riêng có điều kiện thuận lợi, có cơ hội để đặt quan hệ rộng rãi với sử học thế giới và trên cơ sở đó chúng ta đi vào thời kỳ hội nhập và phát triển thuận lợi hơn.

GS. Phan Huy Lê

 

GS.NGND Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cả hai dòng họ nội, ngoại của GS. Phan Huy Lê đều là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng với những danh nhân văn hoá lớn như: Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy… Cụ thân sinh là Phan Huy Tùng, tiến sĩ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm, phúc đức, nhân hậu, hết mực yêu con, quý cháu. Thừa hưởng truyền thống của gia đình và các giáo sư sử học lớp trước như: Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo… trong chặng đường hơn nửa thế kỷ nghiên cứu khoa học lịch sử, Giáo sư Phan Huy Lê luôn luôn là tấm gương kiên trì, nghiêm túc, có trách nhiệm cao với đất nước và nhân dân.

 

Công dân ưu tú của Hà Nội

 

GS Phan Huy Lê – người con đất Hà Tĩnh này được chọn là một trong số 11 công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội, bởi suốt cuộc đời của mình, ông đã có nhiều cống hiến đặc biệt quan trọng dành cho Hà Nội văn hiến và anh hùng, cho lịch sử và văn hoá Việt Nam đậm dấu ấn Rồng bay.

 

Trong suốt chặng đường hơn một chục năm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, có rất nhiều ngày giấc ngủ, bữa ăn của GS Phan Huy Lê cũng dành cho Thủ đô nghìn tuổi. Giáo sư đã góp phần rất quan trọng trong nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đăng ký di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội; tư vấn xây dựng hồ sơ Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám và hồ sơ lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Ông cũng là người chủ biên công trình về nghiên cứu đồ sộ về lịch sử Thăng Long- Hà Nội, dày 1.600 trang.

 

Điều GS Phan Huy Lê trăn trở là phải nỗ lực để bảo tồn và phát huy thật tốt các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội vì các di sản Hà Nội kết tinh các giá trị của văn hóa Việt Nam. Điều quan trọng là phải nâng cao hiểu biết các giá trị về di sản của người dân Hà Nội để họ tự nguyện bảo tồn. Niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn di sản phải thấm nhuần trong mỗi người dân Thủ đô.

 

Người thầy với tấm lòng cao cả

 

Bước lên bục giảng Đại học năm 21 tuổi, GS Phan Huy Lê đã nỗ lực không ngừng trong suốt nửa thế kỷ qua, được các thế học trò vinh danh là một trong “Tứ trụ” “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” của nền sử học hiện đại Việt Nam (Đó là các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng). Ông thuyết phục học trò bởi giọng nói trầm ấm, biểu cảm, khúc triết, vốn tri thức sâu rộng và một phong cách ung dung, một thế ứng xử đầy minh triết, một nhân cách khoa học toàn vẹn. Ông thường gắn kết những bài giảng của mình với các triết lý nhân văn, thể hiện tinh thần làm việc hăng say, hết mình cho sự thật, thổi bùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và khuyến khích sự sáng tạo của các thế hệ học trò.

 

Lời nói của thầy hết sức chỉn chu, nếu có một người tốc ký bài giảng của thầy sẽ là một bài viết hết sức hoàn chỉnh. Thầy là người đi trước nhưng rất tôn trọng các ý kiến của học trò, hết sức động viên lớp học trò đi theo chí hướng của thầy. Người thầy có nhiều học trò thành đạt là GS Phan Huy Lê. Từ khi tôi ở lại giảng dạy với thầy, thầy đã đưa chúng tôi cùng làm trong các công trình nghiên cứu. Chúng tôi đã hoàn thành nhiều công trình, trong đó có Bộ Lịch sử Việt Nam 4 tập, Bộ Lịch sử Hà Nội 1.000 năm gồm có 2 tập. Thầy rất hiểu chúng tôi, dẫn dắt chúng tôi vào cuộc, nên chúng tôi lớn lên bên thầy từ kinh nghiệm đến phương pháp nghiên cứu cụ thể- PGS- TS Phạm Xanh, một học trò của GS Phan Huy Lê và sau này vinh dự trở thành đồng nghiệp của GS ở Khoa Lịch sử- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói về người thầy đáng kính của mình.

 

“Chúng tôi không bị cướm dưới bóng của các cây đa cây đề là các thầy tôi. Đứng trước một cây cổ thụ cao quá thì nhiều khi cây ở dưới không mọc được. Đó là lẽ thường. Nhưng chúng tôi hạnh phúc được uốn nắn, được đưa vào một dòng nghiên cứu học thuật, Dấu ấn của thầy tôi ở trong thế hệ chúng tôi là sự cố gắng vươn lên, nghiêm túc với nghề. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau là ở bên thầy để thở dễ dàng hơn”– PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế (Trưởng Khoa Lịch sử- Trường Đại học KH-XH và NV) kể lại.

 

Cũng theo lời PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế, “Thầy Lê và chúng tôi có nhiều buổi tranh luận về học thuật và thầy lắng nghe chúng tôi. Thầy thường căn dặn rằng thầy giáo rất dễ tự kiêu, dễ coi mình là chân lý, nên phải tránh mình thành học phiệt… Chân lý thuộc về người nào đó tiệm cận khách quan, trung thực nhất với đối tượng nghiên cứu. Trung thực, khách quan- đó là điều chúng tôi học hỏi được ở thầy”.

 

Ngoài việc giảng dạy ở các trường đại học ở trong nước, GS Phan Huy Lê được mời giảng dạy ở Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)… Hàng nghìn học trò qua ông đào tạo, nhiều người đã thành đạt, đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy ở trung ương và địa phương, ở trong nước và nước ngoài.

 

Nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm túc và nhạy bén

 

Đồng thời với việc giảng dạy, GS Phan Huy Lê cũng viết rất nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị. Ngay khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã viết tác phẩm: “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ”. Tiếp đó ông viết nhiều tác phẩm được dư luận đánh giá cao như: “Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn”, “Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”, “Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”,”Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại”, “Lịch sử Việt Nam”.v.v… Tới nay, số tác phẩm mà ông là tác giả và chủ biên hơn 400 công trình, tập trung vào 4 lĩnh vực lớn là: lịch sử chống ngoại xâm, kinh tế – xã hội; văn hoá – truyền thống và tổng kết lịch sử đất nước.

 

Theo GS-NGND Đinh Xuân Lâm, GS. Phan Huy Lê có 4 đóng góp rất lớn được giới khoa học nước Pháp theo dõi và bầu làm Viện sĩ Hàn lâm Pháp. Đó là các công trình nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ, về biên giới phía Bắc, về biển Đông và Hoàng thành Thăng Long. Đó là những công trình thể hiện sự nhạy bén chính trị nhưng mang tính khoa học cao.

 

Là một Giáo sư Sử học danh tiếng với hơn 400 công trình nghiên cứu lớn nhỏ về lịch sử, văn hóa Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam với thế giới, GS Phan Huy Lê vẫn luôn tự nhắc nhở mình và các sử gia nguyên tắc tối thượng của người viết sử là tôn trọng sự thật lịch sử, cố gắng đến mức cao nhất đảm bảo tính khách quan trong nghiên cứu và biên soạn lịch sử.

 

Nâng cao vị thế của Việt Nam học trong thời kỳ hội nhập

 

GS Phan Huy Lê đã đặt nền móng xây dựng hai ngành học mới là Đông phương học và Việt Nam học. Ông là người đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng, các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo tổ chức thành công 3 cuộc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học, đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm của Việt Nam học toàn thế giới.

 

Theo sự phân tích của GS Phan Huy Lê, các nhà Việt Nam học nước ngoài thường họ có vai trò quan trọng trên các diễn đàn quốc tế. Họ chính là các sứ giả, giúp cho thế giới hiểu Việt Nam hơn. Những kết quả nghiên cứu Việt Nam học ở trong và ngoài nước đem lại hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.Để hội nhập thành công, điều quan trọng nhất là mình phải tự biết mình. Nhưng các góc nhìn của các chuyên gia nước ngoài rất quan trọng, giúp mình có cái nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn về chính mình. Hơn nữa, trong quá trình hội nhập thì mình cũng giúp bạn bè thế giới hiểu về mình hơn, nên phải giới thiệu các tư liệu, kết quả nghiên cứu, đối thoại trao đổi với nhau.- GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

 

Từ năm 1988 cho đến nay, GS. Phan Huy Lê liên tục đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Ông còn giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, là uỷ viên của nhiều Hội đồng Quốc gia và ở cương vị nào ông cũng đều có những đóng góp xuất sắc. Giáo sư Phan Huy Lê đã nhận được nhiều giải thưởng cao quí do Nhà nước trao tặng. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế Văn hóa châu Á Fukuoka năm 1996. Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.

 

GS Phan Huy Lê đã góp phần truyền lại cho những thế hệ người Việt Nam niềm tự hào về lịch sử – sức mạnh trường tồn của dân tộc. Bởi như nhà sử học của nhân dân này tâm niệm, chỉ khi biết trân trọng, kế thừa và phát huy sức mạnh tiềm tàng đó, chúng ta mới có thể phát huy nội lực, vươn lên đón nhận và hấp thụ tinh hoa của thời đại, của các nền văn minh trong khu vực và trên thế giới mà vẫn giữ được cốt cách, bản sắc dân tộc./.

 

 

Theo Báo điện tử Đảng CSVN

 Nguồn: dvhnn.org.vn/index.php