Giáo sư Phùng Văn Tửu: Thầy phải để cho trò nể phục…

PV: Thưa giáo sư, cuộc sống công nghiệp đang quá hối hả, dường như không ít người đang quên mất đạo nghĩa thầy trò. Có người đang cảnh báo và lo ngại, mối quan hệ vốn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã biến đổi về bản chất? Bằng chứng là thời gian qua, có nhiều vụ việc xảy ra khiến dư luận phẫn uất về sự xuống cấp của mối quan hệ vốn rất thiêng liêng này?

GS. Phùng Văn Tửu: Đạo thầy trò hiện nay về hình thái có những biến đổi so với trước kia, nhưng không phải là đã mất đi  bản chất tốt đẹp từ bao đời. Báo chí và các phương tiện truyền thông hiện đại bây giờ thường chú trọng đưa những thông tin “giật gân”, những chuyện tiêu cực có thật trong giáo dục, tất nhiên cũng nhằm mục đích tốt là để hướng dẫn dư luận, phê phán cái xấu; những chuyện hay về đạo thầy trò ít được quan tâm khai thác hơn; vì vậy dễ gây cho dư luận xã hội cảm tưởng về tình trạng xuống cấp của đạo thầy trò.

Bình tĩnh nhìn nhận, những hiện tượng đáng chê trách ấy chỉ là thiểu số, con sâu làm rầu nồi canh. Tôi xin phép kể một câu chuyện riêng. Bố tôi hơn ba chục năm liền là giáo viên Trường Tiểu học ở xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho tới những ngày đầu kháng chiến chống Pháp mới về nghỉ rồi qua đời năm 1970.

Các thế hệ học trò bố tôi thời ấy – nay nhiều người đã mất, người còn sống cũng trên dưới tám mươi tuổi – từ lâu đã thành lập hội đồng môn để hàng năm nhằm ngày giỗ họp nhau tưởng nhớ đến thầy, lại còn đề nghị và được huyện, tỉnh chấp nhận lấy tên bố tôi để đặt tên cho trường, từ đó trường được mang tên là “Trường Tiểu học Phùng Văn Trinh”.

Mới cách đây gần hai tháng, một đoàn các cụ “học trò” cùng với đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã và ba thế hệ hiệu trưởng của Trường Tiểu học Phùng Văn Trinh đã lặn lội đến nghĩa trang xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội để thắp nén hương thơm trên mộ thầy.

PV: Vâng, câu chuyện cảm động đó hẳn sẽ khiến nhiều người hôm nay phải suy ngẫm, bởi một bộ phận học trò bây giờ không được như xưa, thậm chí coi thầy như một bạn hàng, tiền đã trao (đóng học phí) thì cháo phải múc (cung cấp kiến thức)!

GS. Phùng Văn Tửu: Tôi thiết nghĩ, đạo thầy trò phải được nhìn ở cả hai phía. Tôi thường suy nghĩ, trăn trở dường như lâu nay, tôn sư trọng đạo ở ta chỉ nhấn mạnh khía cạnh trò đối với thầy. Cụm từ “tôn sư trọng đạo” dễ khiến ta quan niệm như vậy.

Có lẽ nên xem đây là mối quan hệ hai chiều: trò đối với thầy và thầy đối với trò. Trò tôn trọng thầy mà thầy cũng phải tôn trọng trò hiểu theo một nghĩa nào đấy; thầy biết tôn trọng trò thì trò càng tôn trọng thầy hơn. Bản thân tôi trong quá trình giảng dạy ở nhiều trường đại học, tôi tôn trọng sinh viên thực sự, không xem họ chỉ là học trò để mình truyền dạy kiến thức.

Tôi luôn tự nhủ thầy tất nhiên có nhiều mặt hơn trò, nhưng trò cũng có những điểm mà thầy có thể học hỏi. Thời xưa có câu “tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, hễ có ba người cùng đi với nhau thì thế nào cũng có một người mà mình có thể học hỏi được.

Huống chi đây lại là những sinh viên, những học viên cao học, những nghiên cứu sinh! Tôi thường nói với sinh viên văn học của tôi là chỉ nên xem bài giảng của tôi ở trên lớp như một tài liệu tham khảo, nghĩa là sinh viên có thể phát huy những suy nghĩ độc lập của mình, có thể khác với suy nghĩ của tôi ở khía cạnh này nọ, và tôi tôn trọng những suy nghĩ ấy, nhiều khi rất đúng đắn, góp phần bổ sung cho bài giảng của tôi. Quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa thầy và trò, tôi có nhiều dịp cảm nhận thấy rõ rệt ở nước ngoài.

Thế hệ chúng tôi hơn nửa thế kỷ trước đây được học nhiều bậc thầy đáng kính trọng ở đại học, mỗi thầy một vẻ, nhưng giáo sư Nguyễn Lương Ngọc là người để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm nhất về quan hệ thầy trò hai chiều như tôi vừa nói. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp của tôi chẳng bao giờ quên được cung cách tôn trọng sinh viên của thầy Nguyễn Lương Ngọc, và cũng chính vì thế mà chúng tôi càng tôn trọng ngưỡng mộ người thầy đã quá cố ấy. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy.

PV: Giáo sư có thể nói thêm về khái niệm dân chủ trong đạo thầy trò hiện nay, và liệu điều đó có mâu thuẫn với việc phát huy truyền thống lễ nghĩa?

GS. Phùng Văn Tửu: Nên hiểu khái niệm dân chủ trong quan hệ thầy trò một cách cởi mở thông thoáng. Đúng là không ít thầy cô giáo ở ta, từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học, và cả ở đại học, thường có thái độ áp đặt với trò. Sự áp đặt đó sẽ tạo nên tâm lý đối phó ở trò, như thế thì làm sao trò có thể nể phục được; mà đã không nể phục thì sẽ thiếu tôn trọng.

Tôi cũng xin nói thêm rằng có lẽ vì chúng ta cứ nghĩ là thầy bao giờ cũng phải tỏ ra hơn trò về mọi mặt – điều đó không đúng – do vậy chúng ta thiếu tự tin, luôn mang tâm lý e ngại rằng trò thấy được những mặt yếu, những hạn chế của thầy, dẫn đến chỗ là thầy phải dùng biện pháp áp đặt, đấy cũng là một cách đối phó.

PV: Vậy theo giáo sư, đạo thầy trò ngày nay ít nhiều có bị những tác động nhất định của cơ chế thị trường; thầy bán chữ nhưng không được phép bán nhân cách, cái ranh giới đó liệu có quá mong manh, thưa giáo sư?

GS. Phùng Văn Tửu: Tôi không tán thành từ “bán chữ”. Cái chữ là vô giá không thể bán và mua được. Trong xã hội ta hiện nay vẫn có rất nhiều thầy cô giáo đầy tâm huyết với trò; và khi đã là những thầy cô giáo có tâm huyết thì dạy học không phải là chuyện đem chữ trong đầu ra bán. Từ “bán” trong cụm từ “bán cháo phổi” khi nói về nghề dạy học là thuộc phạm trù khác và hiểu theo một nghĩa khác.

Quả là khi tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên ở các trường đại học và cơ sở giáo dục trong cả nước, tôi thấy có những mặt trái cần phải từng bước khắc phục, nhưng không nên xem đó là sự đảo ngược của toàn bộ đạo thầy trò ngày nay. Hàng năm tôi vẫn nhận được những luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ anh chị em sinh viên đưa đến để đọc phản biện; thao tác đầu tiên của tôi là lật xem có phong bì mà anh chị em thường kẹp vào đó hay không, để phê bình và trả lại ngay.

Tôi không biết những người khác thế nào, chứ nhiều đồng nghiệp của tôi, như các giáo sư Nguyễn Hải Hà, Đặng Anh Đào, Lưu Đức Trung… đều xử sự như tôi. Có lần sau buổi tôi kết thúc một khóa chuyên đề cho học viên cao học, lớp tặng tôi một bó hoa, tôi nhận nhưng không có ý định mang về vì sợ đi xe máy vướng víu, nguy hiểm; lớp liền cử người đem đến tận nhà cho tôi. Hôm sau tôi mới hiểu lớp đã bí mật giấu vào giữa những bông hoa tươi đầy tình cảm một chiếc phong bì đầy mùi tiền bạc. Sao lại phải giấu giếm nhỉ?

Nhất là trường hợp này có liên quan đến tiêu cực gì đâu? Tôi giận lắm! Lại có lần tôi nghe một cán bộ trẻ đưa ra lý lẽ “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để biện hộ cho việc nhận phong bì của sinh viên kẹp trong luận văn, vì tiền thù lao của Nhà nước cho công việc ấy chẳng đáng là bao! Tôi thấy buồn với lý lẽ ấy!

PV: Giáo sư vẫn có nhiều cái nhìn ấm áp về đạo thầy trò ngày nay. Nhưng qua những câu chuyện của giáo sư, chúng tôi thấy rõ một điều là “thầy nào thì trò nấy”. Đạo đức, nhân cách của người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trò.

GS. Phùng Văn Tửu: Điều đó cũng đúng. Nhưng có lẽ phải bổ sung thêm vế thứ hai là “trò nào thì thầy nấy” cho công bằng và nhất quán với suy nghĩ của tôi trong cuộc trò chuyện này.

PV: Xin cảm ơn giáo sư.

                                                                                                                                                                                     Khánh Linh (thực hiện)

Nguồnbaomoi.com/Home/GiaoDuc/antgct.cand.com.vn/Giao-su-Phung-Van-Tuu-Thay-phai-de-cho-tro-ne-phuc/5422427.epi