GS Trần Quốc Vượng trong một chuyến điền dã
Tiếp nối những di sản học thuật
Tôi không có may mắn là học trò của ông, nhưng được gặp ông khá nhiều tại các cuộc họp cách đây hơn chục năm khi di sản Hoàng thành Thăng Long phát lộ. Cũng có dăm lần được phỏng vấn ông. Vẫn nhớ, lần đầu tiên xin ông một cuộc phỏng vấn, ông đùa: “Chị ơi, tôi có làm gì mất an ninh đâu mà chị phỏng vấn tôi”. Nói rồi, ông vui vẻ nhận lời. Khi gặp, ông hỏi chuyện nhà tôi ở đâu?, “À, nhà ở phía Tây Hồ đó à, ở đó nhiều mộ cổ lắm”. Rồi ông say mê nói về mảnh đất quê tôi, ông thuộc như lòng bàn tay, nhớ cặn kẽ từng chi tiết, đình có gì, chùa có gì, câu chuyện của ông về nơi chôn rau cắt rốn của tôi thú vị và mới mẻ, vì có những điều tôi chưa biết bao giờ.
Tháng 8-2005 ông mất vì bạo bệnh. Ông ra đi trong sự tiếc thương của biết bao thế hệ học trò. Sau này, vừa là công việc, cũng vừa là may mắn tôi quen biết với nhiều học trò của ông như: PGS.TS Tống Trung Tín, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, TS Phạm Quốc Quân, TS Nguyễn Tiến Đông, T.S Nguyễn Hồng Kiên… Họ vẫn thường xuyên nhắc đến ông bằng tất thảy tấm lòng kính trọng. Những ngày lễ trọng học trò vẫn cùng nhau đến nghĩa trang Thanh Tước viếng mộ thầy. Hễ có dịp gặp nhau, ngồi với nhau, mâm cơm của họ bao giờ cũng dành một chỗ đặt một đôi đũa, một cái bát và một chén rượu để: “Mời cụ về với chúng con”.
Có lẽ, ở một nơi xa xôi nào đó, G.S Trần Quốc Vượng hẳn là sẽ cảm nhận được tình cảm ấm áp yêu thương mà các học trò vẫn luôn dành cho ông. Và cuộc tọa đàm lần này cũng thế, PGS.TS Lâm Mỹ Dung (Giám đốc Bảo tàng Nhân học) chia sẻ, cuộc tọa đàm này không phải để khóc thương cụ như những kỳ cuộc kỷ niệm người ta vẫn thường tổ chức mà là sự tiếp nối nghiên cứu những di sản học thuật mà thầy để lại cho đời.
Trong ký ức học trò
TS Phạm Quốc Quân nhớ về thầy của mình: “Thầy Trần Quốc Vượng luôn lấy bảo tàng là giảng đường thứ hai cho sinh viên. Ông đưa sinh viên năm thứ nhất đến bảo tàng, khi thì nhờ cán bộ bảo tàng hướng dẫn, khi thì trực tiếp trao đổi với họ. Với sinh viên chuyên ngành khảo cổ học, ông cặn kẽ, chi tiết tới từng hiện vật và tương tác với họ bằng những câu hỏi và trả lời, chứ không thao thao một chiều… Qua những buổi học ấy, ông còn phát hiện ra những từ tiếng Anh sai trong chú thích, những cách phục chế, tu sửa chưa chuẩn mực, những cách bày đặt hiện vật chưa nghiêm chỉnh… để rồi, góp ý trực tiếp với người làm”.
Còn theo PGS.TS Tống Trung Tín, trong lĩnh vực địa văn hóa, giáo sư là người có khả năng nhìn nhận và tư duy cực kỳ nhạy bén trên nền vốn tri thức phong phú khảo cổ học, sử học, văn hóa dân gian, dân tộc học, các lý thuyết về văn hóa, địa lý học lịch sử. Giáo sư viết về tất cả các vùng miền mà ông đã đi qua, như một nhà phong thủy học tài ba xuyên thấu các địa hình văn hóa các vùng đất, xuyên qua thời gian mà phục dựng văn hiến của ông cha.
Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học – PGS.TS Tống Trung Tín tiếc nuối: “Làng sử học, Khảo cổ học Việt Nam biết đến bao giờ mới có được một người như cụ Vượng. Lứa học trò khoa sử khóa 17 như tôi bây giờ đều lên ông, lên lão cả rồi. Vậy nên câu hỏi này cứ day dứt mãi trong tôi. Bây giờ, nhớ giáo sư tôi chỉ mong ước sao cho có các nhà nghiên cứu trẻ, đọc, hiểu thầy và cố gắng tiếp bước theo phong cách nghiên cứu khoa học của thầy”.
Nhìn thẳm sâu vào lòng Hà Nội
Các học trò của GS Trần Quốc Vượng khi viết về những đóng góp của ông cho ngành Hà Nội học cho biết: “GS Trần Quốc Vượng bắt đầu quan tâm nghiên cứu và viết về Hà Nội cũng gần như cùng lúc ông bước vào nghề nghiên cứu và giảng dạy ở Khoa Lịch sử. Nếu chỉ tính từ những bài viết đầu tiên vào các năm 1959, 1960, đến nay ông cũng đã có thâm niên 40 năm viết về Thăng Long-Hà Nội. Gần nửa thế kỷ là công dân Thủ đô, gắn bó máu thịt với Thủ đô, GS Trần Quốc Vượng chính là người đi đầu cày vỡ, thâm canh và gặt hái bội thu trên mảnh đất nghìn năm văn hiến này”.
Có thể khẳng định, ông là một trong những người đi tiên phong trong gây dựng và phát triển một ngành Hà Nội học hiện đại. Những công trình nghiên cứu đầu tiên về Hà Nội của GS Trần Quốc Vượng bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX. Hà Nội học trong nghiên cứu của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, khảo cổ, văn hóa dân gian, dân tộc học, địa lý học, sân khấu, ẩm thực, quy hoạch… những kết quả nghiên cứu đó đã tích hợp lại và làm cơ sở cho chúng ta hiểu biết sâu rộng hơn về Hà Nội trên nhiều phương diện-đó là một Hà Nội học theo phương pháp liên ngành, nhìn Hà Nội như một chỉnh thể, một khu vực, một không gian văn hóa.
Thạc sĩ Đỗ Danh Huấn (Viện Sử học – Viện Hàn lâm KHXHVN) cho biết thêm: “Với kinh nghiệm và những phát hiện nghiên cứu về miền địa lý Hà Nội cổ, GS Trần Quốc Vượng đã đứng trên quan điểm địa lý, sinh thái học đô thị mà tìm tòi, phát hiện những điều lý thú về Thủ đô xưa. Ông đã khám phá và tìm lại dòng chảy xưa của Nhĩ Hà, của Tô Lịch, các đầm, hồ cổ trong Thủ đô ngày nay, đó là các địa danh-vốn là những đoạn chết hay đổi dòng của Hồng Hà qua thời gian… Là một trong những giáo sư đầu ngành của Khoa học Lịch sử, đứng trên quan điểm của sử học, GS Trần Quốc Vượng cũng đã phác dựng lại quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội qua nhiều thời đoạn khác nhau, những thăng trầm của chốn đế đô, cũng như vai trò của từng triều đại đối với Kinh đô cổ kính này. Nói cách khác, ông đã nhìn vào sâu thẳm trong lòng Hà Nội”.
Quỳnh Vân
Nguồn:anninhthudo.vn/thoi-su/giao-su-tran-quoc-vuong-thac-la-the-xac-con-la-tinh-anh/628001.antd