Giáo sư triết học Phạm Công Thiện qua đời

Theo tiểu sử, giáo sư sinh năm 1941 tại Mỹ Tho, trong gia đình Công giáo. Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Từ những năm cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn.

Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Ðại Học Vạn Hạnh. Từ năm 1968-1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Một trong những tác phẩm được yêu thích của ông là "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học", ra mắt năm 1965 và được tái bản nhiều lần.

Ông rời Việt Nam năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Có thời gian là giáo sư Triết học Tây phương ở Đại học Toulouse, trước khi sang định cư ở Los Angeles, Hoa Kỳ năm 1983, giữ chức giáo sư viện Phật Giáo College of Buddhist Studies.

Đến năm 2005, ông sang Houston sống cho đến ngày qua đời.

Giữa thập niên 1960, Giáo Sư Phạm Công Thiện bắt đầu nổi tiếng với các tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn, mà cuốn đầu tiên gây chú ý nhiều cho giới văn nghệ và thanh niên sinh viên là Ý Thức Mới Trong Văn nghệ và Triết Học (1965), rồi đến Im Lặng Hố Thẳm (1967), Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967), Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967). Về tôn giáo có “Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền Tông” (1964), thơ thì có “Ngày sinh của rắn” (1967), các tác phẩm văn học thiên về tư tưởng: “Trời tháng Tư” (1966), “Bay đi những cơn mưa phùn” (1970). Tất cả các tác phẩm này đều do hai nhà An Tiêm và Lá Bối tại Sài Gòn ấn hành.

Trong thời gian ở Mỹ, ông cũng cho ấn hành nhiều tác phẩm về triết học và Phật giáo, như Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988), Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo (1994), Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995), Tinh Túy Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998), v.v…

 

 

 

Cuối thập niên năm mươi thế kỷ hai mươi nhà thơ Nguyễn Vỹ tác giả hai câu thơ :

“Thời thế bây giờ nghĩ cũng khó.
Nhà văn An nam khổ hơn chó”

khoe với tôi ông vừa khám phá ra một “thần đồng” sinh ra ở Mỹ Tho mới 15 tuổi đầu mà đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha và còn biết những Tử ngữ như Sanccrit [tiếng Bắc Phạn] và La Tinh và người đó có tên là Phạm Công Thiện.

Giữa thập niên 60 của thế kỷ hai mươi Phạm Công Thiện trở thành Tỳ kheo Thích Nguyên Tánh, Khoa trưởng hai khoa Phật học và Văn khoa của Viện đại học Vạn Hạnh và viết những bài nghiên cứu triết học nghiên cứu văn học trên tờ nguyệt san Tư Tưởng làm các bậc khoa bảng lúc bấy giờ phải cúi đầu “tâm phục khẩu phục”, làm những giáo sư đại học cỡ Nguyễn văn Trung không chê vào đâu được. Tôi hỏi ra mới biết Phạm Công Thiện chưa hề bao giờ đi thi Tú Tài nên cũng chưa bước chân vào học một trường đại học nào cả trong đời.

Thế rồi đầu thập niên bẩy mươi thế kỷ hai mươi Phạm Công Thiện khoác áo cà sa cùng thượng tọa Thích Minh Châu Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh đi dự một hội nghị quốc tế về đại học ở nước ngoài; dịp này Thiện đã trút bỏ áo cà sa lấy một cô vợ người Pháp rồi trở thành giáo sư đại học ở Pháp và xuất bản thơ.

Thế là thiên hạ đua nhau công kích thơ Phạm Công Thiện nhưng thơ Phạm Công Thiện càng bị đả kích bêu riếu bao nhiêu thì lại càng có nhiều người mê ngưỡng mộ thơ Phạm Công Thiện bấy nhiêu vì thơ Phạm có ngôn ngữ riêng; thế giới thơ Phạm Công Thiện là một thế giới đầy bí ẩn, đầy ẩn dụ đã huyễn hoặc người đọc.

Phạm Công Thiện dạy đại học ở Pháp có nhiều sinh viên cao học triết Đông Phưong đã xin làm môn sinh của Phạm Công Thiện nhờø Phạm hướng dẫn bảo vệ luận án tiến sĩ triết học Ấn độ cổ đại và ông đã hướng dẫn thành công.

Tới nay nhà thơ Phạm Công Thiện đã hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên cao học ở Pháp rồi ở Mỹ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học Đông Tây nhưng bản thân ông thì vẫn chưa hề bao giờ có bằng Tú Tài.

Phạm Công Thiện vẫn làm thơ vẫn viết những cuốn sách “đại luận” về triết học Đông Tây và đi vào những vấn đề gai góc nhất của triết học hiện đại. Phạm đã qua mặt những nhà triết học Hiện tượng luận. Phạm Công Thiện đi vào triết học Đức như đi vào thế giới không người khiến những bậc thầy triết học Đức phải ngạc nhiên cúi đầu kính phục.

Nhiều người bảo Phạm Công Thiện “điên chữ” nhiều người phê phán thơ Phạm Công Thiện là thơ “khùng” nhưng người thán phục Phạm Công Thiện thì lại ngày một đông không khác gì hồi thế kỷ 19 người ta tôn sùng Kỳ Đồng, một người Việt Nam được thiên tài hội họa của nhân lọai P.Gauguin tôn vinh là thi sĩ “bất hủ”

Tôi gọi Phạm Công Thiện là hiện tượng thơ, hiện tượng nghiên cứu triết học, một văn tài hiếm có và một người một khi đã trở thành một hiện tượng thì đời sống cũng hiện tượng có nhiều điều đáng “bị” phê phán như khoác áo cà sa ăn mày cửa Phật rồi bỏ chùa hoàn tục lấy vợ, rồi bỏ vợ sống không giống ai, điên điên khùng khùng ăn nói lung tung như người mê sảng; tuy nhiên Phạm Công Thiện có những tác phẩm triết học những bài thơ đáng giá cho đời nên mọi người có thể rộng lượng một chút với kẻ có đóng góp một chút gì đó cho đời dù kẻ đó có sống không giống ai và sống “ngược đời” thích ngồi ngồi xổm lên dư luận của xã hội.

Trích thơ Phạm Công Thiện:

THIÊN SƯƠNG

Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày

Tỉnh nhỏ quên rồi em ở đâu
Mây bỏ trời đi tìm sông sâu
Em về lồng lộng như sương trắng
Hồ chế trôi về Thương Hải Châu

Phạm Công Thiện

Nguồn: www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/GS_triet_Pham_Cong_Thien_qua_doi/

 

Phạm Công Thiện, Giáo sư Đại học không bằng tú tài dạy thiên hạ làm Luận án Tiến sĩ