Giáo sư Văn Tạo như tôi biết

Tám mươi lăm tuổi mà ông vẫn nhanh nhẹn minh mẫn, vẫn học, vẫn viết; và vẫn hát ca trù tự sự với làn giọng âm vàng, nồng nàn:

Bút “Tư mã” vẫn ruổi rong “Trường sử”

Tuổi “Trời cho” mà cũng tuổi “Đời cho”

Trời cho ông một thân hình mảnh mai, dễ đau ốm từ thuở nhỏ. Nhưng Đời đã cho ông một nguồn sống mãnh liệt để có thể trẻ trung mãi trong tuổi già.

Gần 60 năm làm công việc “Tư mã” ông đã để lại một “Trường sử” đồ sộ gồm hơn 10 cuốn sách viết riêng, khoảng 100 cuốn là chủ biên hay đồng tác giả, và hàng nghìn trang viết trên báo chí các vấn đề lịch sử và thời cuộc. Ngoài ra ông còn dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để viết hơn 60 kiến nghị về các vấn đề thuộc đường lối, chính sách gửi Trung ương Đảng và Chính phủ. Cùng với những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý (chẳng hạn Viện trưởng Viện Sử học 1980-1989) và đào tạo (hướng dẫn, phản biện gần 80 luận án Tiến sĩ), những thành tựu khoa học kể trên của Giáo sư đã làm cho bất cứ ai đã từng làm công tác nghiên cứu một cách nghiêm túc phải thán phục. Nhưng điều còn đáng thán phục hơn là ý chí tự lực vươn lên, tinh thần sáng tạo và lòng dũng cảm bảo vệ chân lý trong nghiên cứu sử học của ông.

Tôi vinh hạnh được giáo sư coi như một người bạn tâm tình vong niên; ngu ngơ trong lĩnh vực mà ông hết sức am tường, nhưng được ông quý mến có lẽ vì cũng như ông, tôi ham học hỏi. Còn đối với tôi thì ngay từ những ngày đầu gặp gỡ ông đã là thầy giáo: người thầy không chỉ trên trường lớp chính quy mà còn trong cả trường đời. Cuộc đời ông luôn luôn là một tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hơn noi theo.

Xuất thân là một thầy giáo ở Trường học miễn phí dành cho các học sinh nghèo, năm 1947 ông trở thành cán bộ Việt Minh trong Ban Tuyên huấn huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Sau đó ông tham gia mở trường Trung học Phan Bội Châu ở vùng lõm địch hậu và trực tiếp dạy các môn Văn, Sử, Địa. Năm 1951, ông lên Việt Bắc công tác ở Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Bắc. Cuối năm 1953, ông được Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc giới thiệu sang công tác tại Ban Văn Sử Địa, trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng, do nhà sử học Trần Huy Liệu làm Trưởng ban. Từ đây ông nghiễm nhiên trở thành nhà nghiên cứu lịch sử cận hiện đại Việt Nam, rồi suốt đời vừa học vừa làm, vươn lên không mệt mỏi để trở thành Giáo sư Sử học (1984) và Viện trưởng Viện Sử học (1980-1989).

Có lần ông tâm sự: “Ngay từ hồi trẻ mình đã ghét cái lối sống theo kiểu “trâu kéo mía”; vật lộn suốt này mà bốn chân không thoát khỏi được cái vòng tròn luẩn quẩn”. Tức là ông không bao giờ cam chịu cảnh tù túng về trí tuệ. Suốt đời ông đã không mệt mỏi tìm tòi, học hỏi những điều mới để mở mang trí thức. Ông bảo: “Nếu ngày hôm nay tôi không học tập, hiểu biết được gì hơn hôm qua; nếu ngày mai tôi không hiểu biết, học tập được hơn hôm nay, thì đó là tôi đã đánh mất đi cái quý giá nhất là trí tuệ mà Trời đã phú duy nhất cho Con người”.

Trí thức mới đối với ông cũng cần thiết như khí trời. Tôi đã có ấn tượng rất sâu sắc về tinh thần học tập suốt đời của Giáo sư khi được ông trao đổi về sự phát triển của các ngành công nghệ mới, đặc biệt là Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sinh học, về khái niệm Nền kinh tế Tri thức, Công nhân Trí thức…, khi ông đã sang tuổi “cổ lai hy” từ lâu. Rồi gần đây ông lại tìm hiểu đến ngọn ngành những điều tưởng như “nhạy cảm” ở ta, nhưng lại hết sức phổ quát ở nước ngoài, như Phản biện xã hội và Xã hội dân sự để soi vào lịch sử nước mình.

Ông tìm hiểu, học hỏi rồi vận dụng ngay những tri thức mới. Tính thực tiễn là một trong những tính cách nổi bật của Giáo sư Văn Tạo. Vì thế năm 2002 ông đã công bố công trình nghiên cứu về “Kinh tế tri thức và Công nhân trí thức” (Nxb Khoa học Xã hội, 2002), và năm 2009 ông cho đăng tiểu luận “Tổ chức và thực hiện nhiệm vụ Giám sát và phản biện xã hội của Nhà nước Việt Nam trong lịch sử” (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2, 3, 4 năm 2009).

Tính thực tiễn ấy xuất phát từ điều ông tâm niệm: “Đi vào khoa học tôi tự coi mình là một chiến binh, mà đã là chiến binh thì phải: bất cứ ở nơi nào, lúc nào và bất cứ trong hoàn cảnh nào, cũng tìm lấy “trận địa” để phát huy “hỏa lực”.

“Hỏa lực” công hiệu nhất của nhà sử học là nói lên sự thật lịch sử một cách công minh. Luận điểm “Công minh lịch sử, Công bằng xã hội” mà Giáo sư đề xuất từ năm 1995 đến nay đã được mười lăm năm. Trong mười lăm năm ấy Giáo sư đã dũng cảm đặt lại vấn đề, minh oan hoặc trả lại giá trị đích thực cho dòng họ Khúc, triều đình Mạc; cho Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Trịnh Cương v.v… Những năm gần đây giáo sư Văn Tạo cũng là một trong những người tiên phong trong việc xem xét lại giá trị văn hóa của Phạm Quỳnh và đề xuất việc tôn tạo di sản văn hóa của nhóm Tự lực văn đoàn (xem Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, số 7-2006 và số 1-2006). Ông khẳng định: “Với chức năng cao cả là luôn tiếp xúc với thực tiễn, phát hiện ra chân lý, khoa học lịch sử có thể và cần phải đánh giá đúng các nhân vật, sự kiện lịch sử để từ đó đóng góp vào việc thực hiện công bằng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc: Dân giàu; Nước mạnh; Xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Năm ngoái, khi biết tôi theo bạn bè đi Thanh Hóa dự Hội thảo khoa học về Triều Nguyễn, ông nhắn tôi đến nhà chơi. Sau khi nghe tôi tóm tắt nội dung và không khí Hội thảo ông trầm tư chia sử: “Nói lên sự thật là điều hết sức quan trọng. Nhưng nói vì động cơ gì? Nói như thế nào? Nói vào lúc nào? Và nói ở đâu?… cũng là những điều cần phải hết sức chú ý!”. Tôi hiểu nỗi băn khoăn của ông. Và đối với tôi, niềm trăn trở ấy, của một con người suốt đời đau đáu lẽ Công minh lịch sử và Công bằng xã hội, cũng là một bài học lớn.

Một bài học lớn nữa mà tôi lĩnh hội được ở Giáo sư là tinh thần tự lực cánh sinh tối đa và kiên quyết chống ỷ lại. Ý thức ấy trong ông đã được hun đúc ngay từ thời niên thiếu bằng lời dạy hết sức ngắn gọn và thông thái của người bà nội: “Ở đời không nên mượn hơi ai mà thở”. Đây chắc chắn là một minh triết đặc sắc trong kho tàng Minh triết Việt, đúng như nhận xét của ông: “Tôi đã đi nửa vòng thế giới và để ý tìm hiểu ở khắp nơi, nhưng chưa thấy ở đâu và trong ngôn ngữ nước nào, có câu châm ngôn hay đến như vậy!”

“Đừng mượn hơi ai mà thở”. Hãy sống bằng thể xác, tâm hồn và trí tuệ của chính mình, như người thầy giáo trong trường đời, người bạn lớn của tôi – Giáo sư Văn Tạo, đã kiên trì thực hành trong suốt 85 năm qua, và còn tiếp tục trong nhiều năm tới… (Hà Nội, Tết Canh Dần, 2010).

 GS, TS Chu Hảo

 (Nguồn: Lao Động cuối tuần, 14-3-2010) 

 http://nhantainhanluc.com/vn/402/3305/contents.aspx