Giáo sư Vũ Tá Cúc – người thầy suốt đời phấn đấu vì sức khỏe bộ đội và xây dựng ngành Quân y

 Tháng 2-1951, khi Bộ Chỉ huy Liên khu 1 mở mặt trận Hà Nội nhằm đánh phá các căn cứ hậu cần, quân sự của địch trong nội thành để triệt đường tiếp tế cho những đơn vị quân viễn chinh Pháp đang có nguy cơ thất thủ ở chiến trường Tây Bắc, ông được giao nhiệm vụ là Trưởng ban quân y Mặt trận Hà Nội. Tháng 8-1952, ông được cử làm Chủ nhiệm Quân y Đại đoàn 325, cùng đơn vị tham gia nhiều chiến dịch và trận đánh ở mặt trận Bình – Trị – Thiên, các vùng Trung Lào và Hạ Lào.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tháng 6-1954 ông được trên điều về làm Trưởng ban Huấn luyện thuộc Phòng Huấn luyện, Cục Quân y. Tháng 7-1955, ông được Bộ Quốc phòng cử sang Liên Xô học về phòng chống vũ khí hóa học và vũ khí nguyên tử, một chuyên ngành hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Tháng 7-1958 ông về nước, được cử giữ chức Chủ nhiệm Khoa Phòng hóa – Phòng nguyên, Trường Sỹ quan Quân y (nay là Học viện Quân y), trở thành người đặt nền móng xây dựng chuyên ngành y học quân sự này ở nước ta. Nhiều lớp bác sĩ chuyên ngành phòng hóa – phòng nguyên do ông trực tiếp đào tạo đã tỏa đi khắp các chiến trường, kịp thời đóng góp vào việc phòng chống các loại chất độc hóa học giết người, chất độc da cam/dioxin làm rụng lá cây do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam .

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn ác liệt nhất, năm 1967 ông rời bục giảng vào chiến trường, đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm quân y mặt trận B5. Tại thời điểm đó, mặt trận B5 gặp rất nhiều khó khăn về thuốc men và các trang bị, phương tiện cứu chữa thương binh bệnh binh. Ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ quân y mặt trận B5 vượt qua mọi gian khổ, thử thách để kịp thời tổ chức, triển khai các các cơ sở cấp cứu, điều trị phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, nhân dân chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tháng 1-1969, trở lại Trường Đại học Quân y, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Tháng 1-1974, một lần nữa ông được cử đi Liên Xô nghiên cứu chuyên sâu về độc học và y học phóng xạ.

Tháng 1-1976, ông về nước tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quân y. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta giành được thắng lợi trọn vẹn, cùng với nhiệm vụ củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, Trường Đại học Quân y đã có điều kiện phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu phục vụ quân đội trong tình hình mới. Trên cương vị Phó Hiệu trưởng, ông dành hết tâm huyết, trí tuệ và kinh nghiệm tích lũy được, góp phần từng bước đưa nhà trường phát triển theo hướng chuyên sâu, ngang tầm với các cơ sở đào tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học của ngành Y tế nhân dân.

Tháng 9-1980, ông được điều động và bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quân y, trực tiếp chỉ đạo công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Quân y. Trên cương vị này, ông đã quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo lại cho các cán bộ, nhân viên quân y đã nhiều năm phục vụ chiến đấu, chưa có điều kiện học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo cán bộ chuyên khoa sau đại học; tổng kết công tác bảo đảm quân y trong kháng chiến chống Mỹ. Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong trong ngành Quân y đạt được những thành tựu to lớn, là nền tảng để Cục Quân y chỉ đạo phát triển các chuyên khoa sâu tại các bệnh viện quân đội, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối quân đội.

Tháng 6-1985, Cục Quân y được Bộ Văn hóa Thông tin cấp phép xuất bản Tạp chí Y học Quân sự – một ấn phẩm khoa học của ngành Quân y. Trên cương vị Phó Cục trưởng, ông được cấp trên tin tưởng giao kiêm nhiệm Tổng biên tập tờ tạp chí. Bằng uy tín cá nhân, ông đã mời các chuyên viên đầu ngành có uy tín và tâm huyết vào Hội đồng Biên tập. Ngay từ những năm đầu mới xuất bản, Tạp chí Y học Quân sự đã được bạn đọc trong ngành Quân y quan tâm tìm đọc và cộng tác. Mạng lưới cộng tác viên của tạp chí từng bước được hình thành và mở rộng cả trong và ngoài quân đội. Chỉ sau 5 năm hoạt động, Tạp chí Y học Quân sự đã tạo được uy tín trong giới y học và có vị thế trong làng báo chí nước nhà.

Tháng 9-1989, sau khi thôi làm công tác quản lý, ông chuyên tâm vào nhiệm vụ chuyên viên đầu ngành độc học và y học phóng xạ thuộc Hội đồng Khoa học Y học Quân sự Bộ Quốc phòng. Tháng 4-1994, ông được nghỉ hưu nhưng tiếp tục có các hoạt động tư vấn cho Hội đồng; tham gia Hội Cựu sỹ quan quân y Hà Nội và các hoạt động y tế của thành phố Hà Nội về công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ông vẫn được các đồng nghiệp và bà con khối phố tin yêu, kính trọng.

Cả cuộc đời phục vụ quân đội và nhân dân, trong đó có 42 năm phục vụ trong ngành Quân y, bác sĩ Vũ Tá Cúc đã có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp cứu chữa thương binh, bệnh binh ở các chiến trường, đặc biệt là những đóng góp vào sự nghiệp đào tạo cán bộ chuyên ngành phòng hóa – phòng nguyên. Ông đã trực tiếp hướng dẫn và là Chủ tịch Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ cho 4 bác sĩ và hướng dẫn 4 bác sĩ khác bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Các nghiên cứu khoa học của ông tập trung vào các biện pháp phòng chống nhiễm độc hóa học, cấp cứu điều trị tổn thương do phóng xạ. Ông là tác giả và đồng tác giả của 5 đầu sách cùng hàng chục công trình nghiên cứu về các lĩnh vực này, trong đó những sản phẩm khoa học được ứng dụng trong thực tế có giá trị cao là: “Nghiên cứu sản xuất bao thuốc chống độc cho bộ đội và nhân dân”, “Chẩn đoán sớm bệnh phóng xạ cấp”, “Tác dụng của chế phẩm sinh học đối với tổn thương phóng xạ”, “Nghiên cứu theo dõi đánh giá tình hình sức khỏe của phi công Phạm Tuân trước và sau chuyến bay vào vũ trụ”…

Với những kết quả xuất sắc trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, ông đã được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư (năm 1980) và Giáo sư (năm 1984); được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Giáo sư Vũ Tá Cúc đã thanh thản ra đi vào một ngày đầu thu năm 2011, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò. Cuộc đời giản dị, thanh cao, phấn đấu hết mình vì sức khỏe bộ đội và đào tạo đội ngũ cán bộ quân y cùng những thành quả nghiên cứu khoa học của giáo sư mãi mãi có giá trị trong sự nghiệp cao cả của ngành Quân y.

BS. Nguyễn Ngọc Bích, BS. Hoàng Đức Hạnh (Cục Quân y)

Nguồn: www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/352/357/357/179075/Default.aspx