Từ ngày 14-6-2022, tờ giấy này sẽ được giới thiệu tại triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Năm 1956, ông Tạ Ngọc Hải được phân công giảng dạy tại trường cấp 2 Lương Khánh Thiện ở Hà Nam. Khi ấy, cụ Tạ Văn Cơ cho con trai Tạ Ngọc Hải chiếc xe đạp hiệu Mercier Dura của mình làm phương tiện đi lại. “Đó là tài sản duy nhất mà bố để lại cho tôi”, ông tâm sự. Năm 1957, được lãnh đạo trường Lương Khánh Thiện tạo điều kiện, ông đăng ký và thi đỗ vào liên khoa Cơ – Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 1962, để thuận tiện cho việc đi lại, ông mang chiếc xe đạp của bố lên Hà Nội.
Đất nước còn nghèo nên xe đạp cũng là một tài sản có giá trị lớn. Theo quy định, ông Tạ Ngọc Hải phải lên trụ sở của Sở công an thành phố Hà Nội đăng ký xe đạp. Ông nhớ lại: “Thủ tục đăng ký khá đơn giản. Tôi chỉ cần mang xe tới Sở để họ lấy số khung và chọn ngẫu nhiên biển số là UJ:802 rồi hẹn mấy ngày sau quay lại lấy giấy chứng nhận”. Mặt trước của giấy chứng nhận ghi đầy đủ thông tin về chủ sở hữu xe và các thông tin về xe như số khung, cỡ vành… Còn mặt sau của giấy ghi một số quy định với người sử dụng xe đạp. Tờ giấy chứng nhận cùng chiếc xe đạp luôn đồng hành cùng PGS Tạ Ngọc Hải trên mọi nẻo đường công tác, dù là lên trường giảng dạy hay sơ tán ở Lạng Sơn, Hà Bắc… Bởi vậy, dù đã trải qua hơn 50 năm, ông vẫn luôn nâng niu, gìn giữ nó như một kỷ vật quý giá.
Kính mời quý vị đến thăm Triển lãm tại Cao Phong, Hòa Bình để hiểu rõ hơn những câu chuyện xung quanh tấm giấy chứng nhận sở hữu xe đạp của PGS Tạ Ngọc Hải từ thập niên 60.
Lê Lợi