Quê gốc của Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Ngọc Giai vốn ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nhưng do biến cố thời cuộc, gia đình ông tản cư sang tỉnh Khammuane, Lào từ những năm 30 thế kỷ trước. Đầu năm 1946, quân Pháp đánh chiếm thị xã Thakhek (tỉnh Khammuane) và một số địa điểm khác của Lào. Nhiều gia đình Việt kiều trong đó có gia đình Phạm Ngọc Giai (lúc đó 9 tuổi) đã di chuyển sang huyện Phang Khon, tỉnh Sakon Nakhon thuộc vùng đông bắc Thái Lan lánh nạn.
Tại Thái Lan, cậu bé Phạm Ngọc Giai được Tổng hội Việt kiều cứu quốc tổ chức cho đi học tiếng Việt và tham gia đội thiếu niên. Rất nhanh, cậu có thể nói, viết tiếng Việt trôi chảy và bắt đầu tham gia các hoạt động của Tổng hội như dạy lớp bình dân học vụ, làm liên lạc… Năm 1953, bước qua tuổi 16, Phạm Ngọc Giai được Tổng hội lựa chọn và đưa về nước học tập. Đây là sự kiện vô cùng đặc biệt, đánh dấu bước ngoặt thay đổi cuộc đời Phạm Ngọc Giai.
Biết tin con trai được về nước học tập, mẹ Ngọc Giai vui lắm nhưng bà tuyệt đối phải giữ bí mật. Vì nhà nghèo, bà bán số thóc ít ỏi còn sót lại rồi cấp tốc đi may cho con 2 bộ quần áo kaki dài rộng, bà tính con trai đang độ tuổi lớn, có thể sử dụng lâu dài. Ngoài ra, Giai còn được Tổng hội Việt kiều cứu quốc chuẩn bị một ba lô đầy đủ gồm: 1 bút máy parker, 1 bút máy pilot, 1 gói sâm, 1 gói đường phèn, 1 lọ thuốc chống sốt rét, 1 áo len, 2-3 chiếc quần cộc và 1 đôi dép râu[1]. Trước lúc tiễn Giai lên đường, mẹ đãi cậu món “thịt gà tổng phản công” rất ngon. Gọi là “thịt gà tổng phản công” là bởi con gà đó được mẹ cậu nuôi theo chủ trương của Tổng hội để ủng hộ kháng chiến trong nước. Lúc tôi đi cả xóm vẫn chìm trong giấc ngủ, mẹ không được tiễn, cũng không dặn dò nhiều. Sau này, nghe bà con hàng xóm kể lại, ngay sau hôm tôi rời đi, mẹ đã ngất lịm vì thương nhớ tôi nhưng bà con chỉ nghĩ mẹ bị cảm còn tôi chắc đang đi liên lạc[2]– PGS Phạm Ngọc Giai chia sẻ.
Đầu tháng 11-1953, dưới sự giúp đỡ của ban liên lạc (Tổng hội Việt kiều cứu quốc), Giai đến bản Feng – điểm cuối cùng của chặng đường trên đất Thái Lan. Đêm 16-11-1953, từ bờ sông Mekong trên đất Thái Lan, cậu được các anh bộ đội (là con em Việt kiều) đang chiến đấu giúp Lào đánh Pháp, đưa qua bờ sông đối diện thuộc địa phận nước Lào. Sang đến đất Lào, tôi được một anh bộ đội cõng và chạy sâu vào rừng. Chúng tôi dừng chân một điểm tập trung, nơi đây có nhiều bộ đội làm nhiệm vụ đón và bảo vệ đoàn con em Việt kiều về nước học tập. Lần đầu tiên gặp các anh bộ đội Việt Nam với súng to, súng nhỏ, lòng tôi trào dâng cảm xúc tự hào và ngưỡng mộ[3]– PGS Phạm Ngọc Giai nhớ lại. Cùng đợt về nước học tập với Giai còn có 14 bạn nữa, độ tuổi từ 10-18 do anh Hoài làm trưởng đoàn. Để tránh địch phát hiện, đoàn vừa đi vừa định hướng, khai thông những lối đi nhỏ giữa những cánh rừng chưa dấu chân người, vượt qua những con suối hung dữ và những ngọn núi dựng đứng.
Sau gần một tháng hành quân, đoàn của Phạm Ngọc Giai nghỉ chân tại bản Na Thoong[4] với khoảng 20 nóc nhà, nằm rải rác trong một thung lũng thuộc vùng giải phóng của quân Pathet Lào. Đã được báo trước nên vừa thấy bộ đội Việt Nam cùng đoàn của Giai, dân bản ai cũng tay bắt mặt mừng như đón những người thân đi xa trở về. Trong nhà có con gà hay đơn giản là vài con ếch, con nhái mới bắt được, dân bản cũng góp vào làm liên hoan với đoàn. Sự đùm bọc của dân bản khiến đoàn vô cùng xúc động, ấm áp như cảm giác được trở về quê hương, xóm làng.
Chia tay bản Na Thoong, đoàn được tiếp tế đầy đủ lương thực để tiếp tục hành quân về dãy Trường Sơn. Chiều tối, đoàn nghỉ chân tại một bãi đá tương đối bằng phẳng, ba phía đều là sườn đồi thoai thoải, dưới chân đồi một bên là con suối lớn chảy xiết, một bên lại là con suối đã cạn khô. Anh Hoài phổ biến kế hoạch hành quân để kịp về cột mốc biên giới Việt – Lào vào buổi trưa. Nếu hành quân thuận lợi, có thể đoàn sẽ sớm về đến làng Vều, nằm sát chân dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Nghệ An. Trước đó, nhiều đêm, Giai và các bạn ngồi trên những đống củi khô ngắm trăng, mường tượng ngày trở về Việt Nam và tự hỏi không biết dáng vẻ của quê hương như thế nào? Mong mỏi sớm được về quê hương làm ai cũng háo hức, quên hết mệt nhọc, tất cả bắt tay ngay vào công việc, người tìm củi đốt lửa xua thú dữ, người nấu cơm, người chuẩn bị chỗ ngủ, người canh gác…
Sau bữa tối, cái mệt khiến cả đoàn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ một cách ngon lành, chỉ còn âm thanh của núi rừng hoang dã. Sáng tinh mơ hôm sau, đoàn khẩn trương sắp xếp đồ đạc, nhận khẩu phần ăn để chuẩn bị lên đường. Bất thình lình một tiếng nổ vang làm rung động cả núi rừng, cách điểm tập kết khoảng 30 mét. Ngay sau đó là tiếng súng nổ ran tứ phía. Vì quá bất ngờ, mọi người vội tản ra khắp nơi tìm nơi ẩn nấp, một số người trúng đạn ngã gục xuống.
Hóa ra, đêm trước bọn địch cũng đóng quân ngay sát con suối khô nên tình cờ phát hiện ra nơi nghỉ chân của đoàn nên bí mật bao vây và tấn công. Rất may là chúng bắn quá dởm, mặt khác thời điểm đó (cuối năm 1953), quân ta đang thắng lớn trên mọi chiến trường, có thể chúng sợ gặp quân chủ lực của ta nên rút ngay. Nhờ đó nhiều anh em mới chạy thoát[5] – PGS Phạm Ngọc Giai kể. Khi rút, địch lấy đi tất cả ba lô và lương thực, chỉ sót một số thuốc kháng sinh và kim tiêm…
Đợi địch rút hẳn, theo các ám hiệu đã quy định, mọi người tập hợp lại. Sau trận đột kích bất ngờ ấy, 5 đồng chí người Lào (đi theo đoàn về Việt Nam nhận vũ khí) và 3 bạn nhỏ Việt kiều trong đoàn hy sinh, 2 người bị thương nặng. Nhờ số thuốc kháng sinh lượm được, những người bị thương nặng mới giữ được tính mạng. Anh Hoài cũng bị đạn bắn xuyên qua đùi, vết thương nhanh chóng hoại tử khiến anh đau đớn vô cùng. Vì người dẫn đường và nhiều người bị thương nên tạm thời, đoàn chưa thể tiếp tục hành quân.
Suốt ba ngày giữa rừng sâu, trong hoàn cảnh không lương thực, không phương tiện liên lạc, cả đoàn lả đi. Đúng lúc đó, từ bờ suối bên kia, một nhómkhoảng 10 người xuất hiện. Khi nhận ra đó là những người dân bản Na Thoong, cảm xúc của cả đoàn như vỡ òa. Tất cả đứng phắt dậy, reo lên vui sướng. Mừng mừng tủi tủi, họ kể cho dân bản nghe tên từng người đã hy sinh. Nhiều dân bản cũng khóc theo vì thương các anh bộ đội, thương các em nhỏ. Họ cho biết, sau khi đoàn rời ít hôm thì một trung đội địch càn quét qua bản bắt đi nhiều lợn, gà. Lo sợ đoàn sẽ gặp nguy hiểm, chờ địch đi xa, dân bản đi tắt qua rừng tìm đoàn. Những người bị thương được dân bản Na Thoong băng bó cẩn thận bằng các loại thuốc từ lá rừng, những người hy sinh được chôn cất chu đáo. Mỗi một ngôi mộ đều được xếp đá cao, khắc tên từng người bằng cả tiếng Việt, tiếng Lào.
Trước lúc chia tay, dân bản Na Thoongkhông ngần ngại nhường chút lương thực ít ỏi của mình vì biết cả đoàn phải nhịn đói mấy ngày. Tuy chỉ là mấy con cá suối nướng nhỏ bằng ngón tay cái, vài ba giỏ xôi, chia ra mỗi người được một nắm xôi con con, nhưng đúng như câu tục ngữ “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Phó Giáo sư Phạm Ngọc Giai xúc động nhớ lại: Ban đầu, chúng tôi không nhận số lương thực này vì biết dọc đường trở về bản còn rất xa, dân bản sẽ không có gì ăn. Nhưng các pò (bố), các mè (mẹ) động viên chúng tôi không cần lo lắng, họ có thể nhịn ăn một ngày. Các anh em trong đoàn tay run run đỡ lấy mấy giỏ xôi, không ai bảo ai, nước mắt cứ trào ra[6].
Nhờ những giỏ xôi tình nghĩa của người dân bản Na Thoong, đoàn của Phạm Ngọc Giai được tiếp thêm nguồn năng lượng vượt qua dãy Trường Sơn và cuối cùng đã về đến Việt Nam vào một ngày nắng đẹp của tháng 12-1953. Mặc dù trông ai cũng xanh nhợt vì những trận sốt rét rừng, vì thiếu ăn, tóc dài và xơ xác nhưng ánh mắt họ không giấu được niềm xúc động trước khoảnh khắc hoàng hôn trong ngày đầu tiên trở về Tổ quốc. Đối với Phạm Ngọc Giai, hình ảnh ấy đẹp hơn tất cả những tưởng tượng trước đó của cậu về Việt Nam: Bầu trời phủ màu hồng. Xa xa là những túp lều tranh, những rặng cau in bóng trên nền trời và những ống khói của bếp chiều. Tất cả mọi người lặng đi, nhiều anh em không kìm được nước mắt. Sao lại đẹp đến thế![7]
Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Ngọc Giai (hàng thứ 2 từ trên xuống, thứ 8 từ trái,) và các bạntrong đoàn Việt kiều về nước học tập, Vinh, tháng 7-1956(Nguồn: Cuốn lưu niệm của phân đoàn Kiều sinh “Một thời còn nhớ mãi” )
Đến nay cậu học trò Phạm Ngọc Giai trong câu chuyện trên đã ở tuổi 81 – một Thiếu tướng công an, vị Thủ trưởng gương mẫu luôn hết mình vì công việc và nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Chưa giây phút nào ông quên công ơn của Đảng, sự chăm sóc của bà con Việt kiều, đồng bào các nước Thái Lan, Lào và rồi không ngừng phấn đấu học tập, làm việc để bày tỏ lòng tri ân. Đối với PGS Phạm Ngọc Giai, những ký ức trong hành trình trở về cội nguồn, trong đó có câu chuyện về sự giúp đỡ của các pò, các mè bản Na Thoong luôn mang lại xúc cảm đặc biệt mỗi lần nhớ lại. Có lẽ hành trình gian khó ấy là quãng thời gian “vàng” rèn giũa nên nhân cách con người ông.
Nguyễn Thị Điệp
_________________________
*Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Ngọc Giai, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an.
1Dép râu còn gọi là dép lốp, dép cao su được làm từ săm và lốp xe. Dép râu được bộ đội Việt Nam sử dụng phổ biến trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
2 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Phạm Ngọc Giai, 5-5-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.