Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành Giáo dục, GS.TS Lê Quang Long chuyên tâm làm công tác đào tạo các thế hệ học sinh qua 16 trường phổ thông và sinh viên của 37 trường đại học và cao đẳng Việt Nam và nước ngoài. Dấu ấn của hoạt động này của Giáo sư Long được phản ánh sâu đậm trong khối tài liệu hiện vật của ông.
Ông Ngô Thiếu Hiệu phát biểu tại Lễ Tiếp nhận
Bộ sưu tập tài liệu hiện vật cá nhân của GS Lê Quang Long
Dưới đây tôi xin giới thiệu tóm tắt khối tư liệu gồm các nhóm tài liệu sau:
Nhóm Bản thảo: Tài liệu thuộc nhóm Bản thảo là nhóm tài liệu quan trọng nhất với số lượng nhiều nhất và phần lớn là các bản viết tay của Giáo sư Long bằng tiếng Việt và một số không ít bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Khối Bản thảo này tập trung ở các giáo trình viết cho bậc đại học, các công trình nghiên cứu khoa học và viết sách của Giáo sư Long.
Quá trình giảng dạy Bộ môn Sinh lý ở các trường đại học, Giáo sư Long đã viết các giáo trình và dạy trực tiếp 12 giáo trình cơ sở và 8 giáo trình chuyên đề, như: Giáo trình sinh lý người và động vật; Sinh học đại cương; Động vật không xương sống; Động vật có xương sống; Giải phẫu và sinh lý người; Giáo trình học pháp sinh học và địa chất học; Cơ sở tiếng Nga; Toán thống kê sinh học, v.v… Về giáo trình chuyên đề như: Sinh lý hoạt động thần kinh cao cấp; Cơ sở sinh lý học hiện đại; Cơ sở sinh lý cá v.v…
Ngoài ra, Giáo sư Long còn làm giáo trình biên soạn gồm 3 giáo trình phổ thông và 22 giáo trình đại học và trên đại học. Bên cạnh những giáo trình nêu trên, Giáo sư Long còn dịch 14 cuốn sách từ tiếng Nga và 5 cuốn sách từ tiếng Anh phục vụ cho việc tham khảo.
Để chuyển tải các kiến thức nêu trong giáo trình đến sinh viên, Giáo sư Long đã dùng đèn chiếu những nội dung mà Giáo sư đã vẽ hay viết lên bảng làm cho sinh viễn dễ nhận thức và hiểu tốt hơn. Phương pháp diễn giảng này thô sơ nhưng mang lại hiệu ứng tốt cho sinh viên thời đó. Những hiện vật này hiện còn lưu phần nào trong khối bản thảo của ông cùng với số lượng rất lớn câu hỏi cùng nhiều người gửi đến nhờ Giáo sư giải đáp.
Hướng dẫn các nghiên cứu sinh làm tiến sĩ: Bản thân Giáo sư Long làm và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1970. Trong khối bản thảo còn lưu lại có đề cương luận án và bản luận án tiến sĩ của Giáo sư.
GS Lê Quang Long đã hướng dẫn cho 5 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ và tham gia Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cho nhiều nghiên cứu sinh. Trong khối tư liệu của Giáo sư còn lưu lại rất nhiều Luận án tiến sĩ của các nghiên cứu sinh qua các Hội đồng bảo vệ mà Giáo sư Long đã tham gia.
Nghiên cứu khoa học và viết sách: Ngoài nghiên cứu viết các Giáo trình, Giáo sư Long còn tham gia nghiên cứu khoa học và viết rất nhiều sách.
GS Lê Quang Long đã tham gia một số đề tài khoa học cấp quốc gia như: Sexuality and Reproduction mang mã số VIE/83/P10; Family Planning (UNESCO-UNFP mã số VIE 89-P9 đều viết tay bằng tiếng Anh và bản thảo bằng tiếng Việt: “Sinh đẻ có kế hoạch” có mã số VIE/88/P10. Những bản thảo này đều có trong khối tư liệu hiện vật của Giáo sư.
Giáo sư Long cũng đã nghiên cứu 12 nhóm đề tài gồm 63 báo cáo khoa học đã được thông báo tại các hội nghị khoa học và đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và ngoài nước như: Một số hoa cỏ miền Nghệ Tĩnh (sưu tập bách khoa, vẽ họa đồ và chú thích); Góp phần định khu chức năng trên não cá chép; Sinh lý thuần hóa cá rô phi vào Việt Nam (gồm 17 báo cáo); Nghiên cứu việc thúc đẩy cho cá con lớn nhanh (gồm 6 báo cáo); Nghiên cứu cải tiến thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn (7 báo cáo); Các báo cáo phục vụ cho quốc phòng (6 báo cáo); Nghiên cứu cải tiến nội dung giảng dạy và xây dựng chương trình sinh học các cấp (17 báo cáo), v.v…
GS Lê Quang Long đã viết trên 100 đầu sách, trong đó kể từ khi nghỉ hưu (1991) đến nay, Giáo sư đã viết trên 50 đầu sách, bao gồm: Thực vật Đà Nẵng (bản viết tay); Động vật Đà Nẵng (bản viết tay); Bản thảo: “Những khả năng kỳ diệu của con người”; Bản thảo: “Sinh lí người và động vật” năm 2004 gồm tập I và tập II; Sinh lí – sinh thái động vật; Bản thảo đề cương: thời gian sinh học… và một số từ điển: Từ điển sinh học Nga – Việt (20.000 thuật ngữ), xuất bản năm 1962; Từ điển sinh học Nga – Việt (30.000 thuật ngữ) xuất bản năm 1976; Từ điển hoa; Từ điển cây; Từ điển cá; Đồng biên soạn và hiệu đính “Từ điển sinh học Anh – Việt”.
GS Lê Quang Long còn dịch sách từ tiếng Việt sang tiếng Anh, Pháp, Nga và ngược lại được trên 50 đầu sách, như: Việt Nam đất nước, con người; Rừng Đông dương; Kiến thức cơ bản trong giáo dục môi trường (từ tiếng Anh sang tiếng Việt)
Nhóm sổ sách ghi chép: Sổ sách trong khối tư liệu hiện vật của GS Lê Quang Long khá nhiều, trong sổ ghi lại diễn tiến công việc hàng ngày của Giáo sư. Đây là nguồn tư liệu phụ trợ giúp cho nghiên cứu tìm hiểu cuộc sống và việc làm của Giáo sư Long.
Tài liệu ghi lại những hoạt động xã hội của Giáo sư Long: GS Lê Quang Long đồng sáng lập và tham gia một số tổ chức xã hội, như: Phó chủ tịch Hội Sinh lý Việt Nam, Ủy viên BCH Trung ương Hội các ngành sinh học Việt Nam. Trong khối tư liệu hiện vật của Giáo sư đều có tài liệu phản ánh mối quan hệ này của Giáo sư với các hội.
Tài liệu cá nhân: Trong nhóm tài liệu này có một số lượng lớn thiếp chúc mừng của đồng nghiệp và học trò gửi đến Giáo sư. Thư từ trao đổi của nhiều nhà khoa học, của Lãnh đạo Nhà nước (Thủ tướng Phạm Văn Đồng), và của đồng nghiệp, bạn bè gửi cho Giáo sư. Về Ảnh tư liệu cũng khá phong phú, gồm ảnh khi đi học; Ảnh về hoạt động khoa học, Ảnh về việc giảng dạy của Thầy ở nhiều trường đại học, cao đẳng và liên kết quốc tế giảng dạy tiếng Pháp; Ảnh tham gia các hoạt động xã hộp; Ảnh đồng nghiệp, bạn bè, học trò từ phổ thông lên đại học.
Là nhà giáo và nhà khoa học, nhưng Giáo sư Long rất yêu thơ, nhiều bạn bè và đồng nghiệp yêu thơ đã gửi đến thầy Long những sáng tác của mình, hoặc chép nhiều thơ gửi đến Thầy. Đặc biệt Giáo sư Lê Quang Long đã làm rất nhiều thơ. Nội dung các bài thơ của Thầy đa dạng nhưng đều toát lên tình cảm, suy nghĩ của Thầy. Thí dụ như bài thơ “Ơn thầy”, Giáo sư viết ra để tỏ lòng tri ân thầy Nguyễn Lân hay bài thơ nhân ngày 8 – 3 vừa vui vừa mang tính trào lộng.
Sách, báo, tạp chí: Nhiều sách, báo, tạp chí được Giáo sư Lê Quang Long sưu tầm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình cũng là nguồn tư liệu giúp tìm hiểu nghiên cứu về hoạt động sáng tạo của Giáo sư.
Hiện vật khối: GS Lê Quang Long cũng giao một số đồ dùng, vật dụng của Giáo sư cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, như: đồng hồ, mũ phớt, balo… và đặc biệt có giá chụp ảnh tự chế phục vụ trong công việc của Giáo sư.
Khối tư liệu của GS Lê Quang Long là lớn và rất có giá trị về nhiều mặt, đã được Giáo sư giữ gìn cẩn thận, sắp xếp trật tự giúp rất nhiều việc nghiên cứu khai thác khi cần và nay đã được Giáo sư chuyển giao cho Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam. Di sản này của Giáo sư nay đã thành một phần di sản văn hóa quý giá của dân tộc ta và sẽ được Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam giữ gìn và bảo quản an toàn và nhất là tổ chức phát huy giá trị của những di sản này phục vụ nhu cầu nghiên cứu khai thác của các nhà khoa học, các thầy cô giáo và những người muốn tìm hiểu nghiên cứu hôm nay và mai sau.
Rất chân thành và cảm ơn sâu sắc GS Lê Quang Long đã tin tưởng chuyển giao những tư liệu của cả đời mình cho Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam.
Hà Nội, tháng 6/2014
Ngô Thiếu Hiệu
Nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu giữ Quốc gia I Hà Nội