Trong không khí cởi mở, nhóm tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm trong hơn 3 năm thực hiện cuốn sách này. Đại tá Nguyễn Xuân Mai – nguyên Tổng Biên tập báo Phòng không-Không quân, một tác giả và cũng là một nhân chứng của sự kiện “12 ngày đêm” cuối năm 1972 đã kể về việc ông đã tìm, liên lạc với những nhân chứng để phỏng vấn như thế nào, những khó khăn, thuận lợi gặp phải trong quá trình làm sách. Những mẩu chuyện thú vị trong quá trình gặp gỡ với các nhân chứng đã gợi mở ra nhiều điều đối với công việc hiện tại của các nghiên cứu viên trẻ ở Trung tâm.
Tọa đàm tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Bà Đào Thanh Huyền-Phóng viên, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng cuốn sách không có tham vọng làm thay nhiệm vụ của những nhà nghiên cứu lịch sử mà chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận, hình dung của mỗi cá nhân qua ký ức mà các nhân chứng lịch sử kể lại. Để có thể tiếp xúc với các nhân chứng trong sự kiện cuối năm 1972 đáng nhớ ấy, nhóm tác giả phải sưu tầm và đọc nhiều những tài liệu liên quan, từ quân sự, kinh tế, chính trị,… để hiểu về bối cảnh thời điểm đó. Một kinh nghiệm rất quý báu với những người nghiên cứu trẻ là phải tạo được niềm tin với người đối thoại, thông qua sự chân thành, tin vào họ cũng như những ký ức do họ kể lại. Có lẽ, tâm huyết và sự nhiệt thành ấy thể hiện trong cuốn sách đã có sức lan tỏa lớn tới bạn đọc.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai, một trong số các tác giả cuốn sách
Ông Đặng Đức Tuệ- Phóng viên ảnh, họa sĩ thiết kế, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) – người xây dựng ý tưởng thiết kế cuốn sách cả về nội dung, hình thức và cũng là một người rất kiên quyết khi thực hiện ý tưởng này cho biết: Việc sưu tầm các bức ảnh quý, việc tìm gặp và thuyết phục để phỏng vấn các nhân chứng…đều đã rất khó khăn, nhưng cũng khó khăn không kém, đó là quyết định “bỏ gì giữ gì” trong số những tư liệu quý giá đó để cuốn sách thể hiện ý tưởng một cách hiệu quả nhất. Rất may mắn là nhóm tác giả chúng tôi, kể cả người cao tuổi nhất là Đại tá Nguyễn Xuân Mai đến người trẻ nhất như Trần Phúc Thái-Phóng viên ảnh, họa sĩ thiết kế Công ty Ngày mới – đều đi đến được quan điểm thống nhất. Ngay cả việc đặt tên cho cuốn sách cũng gây nhiều tranh luận trong nhóm, nhưng rồi tất cả nhóm đều rất hài lòng với cái tên Đối mặt với B-52, vừa đơn giản, ngắn gọn, xúc tích mà cũng mang lại hiệu quả về mặt đồ hoạ.
Một phần tác nghiệp của nhóm tác giả khi làm sách khá tương đồng với hoạt động nghiên cứu sưu tầm của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bởi vậy hàng loạt câu hỏi của các nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm được đặt ra, như về quá trình chọn lọc nhân chứng, liên hệ đặt vấn đề, thực hiện phỏng vấn các nhân chứng, rồi chọn lọc thông tin, ảnh minh họa, ý tưởng bố cục nội dung sách… Nhóm tác giả đã giải đáp cởi mở, tường tận những kinh nghiệm rất bổ ích như: Làm thế nào để kiểm chứng nguồn thông tin khi nó chỉ là ký ức về một sự kiện lịch sử đã qua 40 năm; Xử lý sự mâu thuẫn thông tin của các nhân chứng; Xử lý nguồn tư liệu ký ức và nguồn tư liệu văn bản; Việc tận dụng các nguồn tư liệu khác như nhật ký, sổ tay, các văn bản chính thống…. Ngoài ra các nghiên cứu viên cũng được chia sẻ về những kinh nghiệm khi lên đề cương phỏng vấn, đặt câu hỏi phỏng vấn như thế nào cho đạt hiệu quả,… Thêm vào đó là kinh nghiệm biên tập, chỉnh sửa các bài phỏng vấn như thế nào để vẫn trung thành với sự thực mà không làm mất đi giọng văn của người kể,…Đặc biệt maket, kỹ thuật đồ họa thể hiện trong cuốn sách thật sự đã mang lại hiệu quả hấp dẫn của cuốn sách.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại buổi tọa đàm
Đánh giá về cuốn sách cũng như buổi tọa đàm với nhóm tác giả Đối mặt với B-52, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Cố vấn chuyên môn của Trung tâm chia sẻ: Chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ các bạn… Đây là cuốn sách đi vào lòng người, đem lại xúc cảm cho người đọc từ một góc nhìn lịch sử rất sống động và chân thực. Khi một cháu học sinh lớp 2 đã đọc cuốn sách này không biết chán, đó là thành công của cuốn sách…
Cán bộ Trung tâm và nhóm tác giả sách Đối mặt với B-52
Bằng niềm đam mê, cái tâm trong sáng cộng với sự sáng tạo, nhóm tác giả Đối mặt với B-52 đã cho ra đời một ấn phẩm độc đáo, đi vào lòng độc giả. Việc gặp gỡ, trao đổi với các tác giả cuốn sách thật sự hữu ích đối với một mảng công việc mà các nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang thực hiện.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam