Góp phần thúc đẩy hoạt động bảo tàng tư nhân





Kính thưa GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh,

Kính thưa bà Võ Thị Ngọc Lan,

Kính thưa các nhà khoa học.

Tôi thật may mắn được bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học MEDLATEC, đơn vị đầu tư cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, mời phát biểu tại lễ tiếp nhận. Ngày hôm nay, Trung tâm đón nhận khối lượng tài sản quý giá gắn với cuộc đời hoạt động của một nhà khoa học nổi tiếng của đất nước chúng ta. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, tôi đã rất ủng hộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngay từ khi Trung tâm mới thành lập. Đến nay Trung tâm đã hoạt động gần 10 năm, chúng ta đã thấy được từng bước trưởng thành và vai trò rất quan trọng kết nối các nhà khoa học của Trung tâm.

Tôi cũng muốn nhân dịp này để nói lên kỷ niệm của mình và thấy vai trò của các nhà khoa học rất đáng phải quan tâm như thế nào. Lúc tôi mới có 17, 18 tuổi, tức là vào những năm 1966-1967 khi tôi là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Moskva, tôi vô cùng ngưỡng mộ khi được GS Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Văn Hiệu đến nói chuyện. Buổi nói chuyện ngắn gọn ngày đó chính là sự thôi thúc, cổ vũ cho chúng tôi rất lớn trong việc hăng say học tập, nghiên cứu khoa học. Đối với tôi đó là động lực lớn để tự phấn đấu và ngày nay tôi cũng trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ trong ngành di sản. Theo tôi, những tư liệu gắn với cuộc đời hoạt động của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh sẽ có giá trị to lớn trong việc xây dựng lịch sử nền khoa học Việt Nam ta nói chung. Cá nhân tôi cũng rất cảm ơn Giáo sư bởi trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản thế giới UNESCO về tài sản quý hiếm về động thực vật, thì trong cuốn Sách đỏ Việt Nam thể hiện hai tiêu chuẩn và được vào Sách đỏ thế giới, đã góp phần xác định tính đa dạng sinh học của đất nước chúng ta là một di sản thế giới. Có lẽ nhân đây tôi phải bày tỏ lòng biết ơn của mình với những thành quả khoa học, đóng góp của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã giúp cho chúng tôi có căn cứ để xây dựng đa dạng sinh học cho Hạ Long, Cát Bà và cho Phong Nha – Kẻ Bàng. Đúng là nhờ có thành tựu khoa học đó mà thế giới công nhận lần hai cho Phong Nha – Kẻ Bàng với tư cách đa dạng sinh học ở nước ta.

Nhân đây tôi cũng muốn bày tỏ, tôi đã nhiều lần đến thăm kho lưu trữ của Trung tâm và đã trực tiếp góp ý, trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Huy về định hướng hoạt động của Trung tâm. Tôi rất mong là có một ngày nào đó chị Võ Ngọc Lan sẽ tổ chức cho chúng ta lên Hòa Bình khi khánh thành được Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam. Và tôi cũng tin tưởng hoạt động của Trung tâm sẽ đóng góp làm tăng thêm thương hiệu MEDLATEC. Và tôi cũng tự hào, với tư cách là Phó ban soạn thảo Luật Di sản văn hóa năm 2011, tôi đã cùng PGS Lưu Trần Tiêu khi đó là Thứ trưởng của Bộ, đã hai lần bảo vệ thuyết luận của mình trước Bộ Chính trị về sự ra đời của Bảo tàng tư nhân. Đến nay sự phát triển trưởng thành của Trung tâm cho thấy rõ định hướng của chúng tôi khi xây dựng Luật Di sản văn hóa và đã thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước phê duyệt, cho phép xây dựng các sưu tập tư nhân và bảo tàng tư nhân là phù hợp, đã đi vào đời sống xã hội, và đến nay đã được đơm hoa kết trái bởi những hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Chúng ta cùng nhau có mặt tại đây để vinh danh một nhà khoa học nổi tiếng – GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, một tấm gương sáng về đạo đức, về tài chí sẽ là nguồn động viên không những con cháu trong gia đình mình, dòng họ mình, mà cho cả các thế hệ các nhà khoa học trẻ của đất nước. Và tôi cũng thật vinh dự khi cùng dòng họ Đặng với Giáo sư…, và tôi cũng đánh giá cao hoạt động của Trung tâm đã từng bước xây dựng được một kho ký ức về các nhà khoa học.

Nhân sự kiện hôm nay, tôi xin có hai lời chúc mừng, thứ nhất, chúc mừng GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã có những cống hiến khoa học xuất sắc, nhưng cống hiến cho tương lai là đã trao những tài liệu ghi dấu ấn cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình vào một cơ sở đáng tin cậy là Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Thứ hai, xin cám ơn chị Võ Thị Ngọc Lan cùng Ban lãnh đạo đã mạnh dạn đầu tư và kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học lớn mạnh không ngừng và tương lai sẽ trở thành Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam cho đất nước.

PGS.TS Đặng Văn Bài