Giáo sư Trịnh Văn Minh là sinh viên trường Đại học Y tại Hà Nội[1] niên khóa 1952-1959. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc(1954), ông tiếp tục theo học trường Đại học Y, khi ấy được tổ chức lại. Năm 1956, trường Y tổ chức thi tuyển Trợ lý giải phẫu, từ nguồn chủ yếu là sinh viên của trường. Đây là khóa thi cuối cùng được thực hiện theo chương trình từ thời Pháp. Có 13 người thi thì 7 người trúng tuyển là: Trịnh Văn Minh, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Đình Kim, Nguyễn Hữu Hồng, Đàm Trung Lưu, Nguyễn thị Liên, Trần Thị Mai. Những người này bắt đầu tham gia hướng dẫn thực tập cho sinh viên Y1-Y2 và giảng một số bài lý thuyết cho sinh viên Y1 niên khóa 1956-1957…
Chỉ một năm sau đó (1957) trường lại tổ chức thi tuyển “Nội trú bệnh viện”. Sinh viên Trịnh Văn Minh và các Trợ lý giải phẫu năm 1956 đều trúng tuyển, kiêm nhiệm cả 2 vai trò “Trợ lý giải phẫu” và “Nội trú bệnh viện”. Theo bác sĩ Trịnh Văn Minh thì đó là khoá “Nội trú” cuối cùng theo hình thức đào tạo của người Pháp, vì sau đó khá lâu trường Y mới tái lập chế độ thi tuyển sinh viên “Nội trú”[2].
Mùa hè 1958, trường Y thực hiện chủ trương đưa các sinh viên năm cuối đi thực tế ở nông thôn từ 6-12 tháng. Việc giảng dạy Giải phẫu cho sinh viên Y1-Y2 không thể thực hiện được vì bị thiếu vắng 6 trợ lý giải phẫu, bởi họ là những sinh viên năm cuối. Về nông thôn được 3 tháng hè, thì 2 Trợ lý giải phẫu Trịnh Văn Minh và Nguyễn Văn Đức được nhà trường gọi về để giảng dạy tiếp cho sinh viên Y1-Y2 khoá 1958-1959. Đó cũng là khóa cuối cùng “Trợ lý giải phẫu” được lên bục giảng.
Sau vài năm ổn định cơ sở vật chất, năm 1959, trường Y thành lập bộ môn Giải phẫu. Năm người đầu tiên được cử về bộ môn là Lê Quang Cát (Quân Y kháng chiến, khóa 1949-1957), Trịnh Văn Minh (Dân Y Nội thành Hà Nội, khóa 1952-1959), Nguyễn Quang Quyền (Dân Y nội thành Hà Nội, khóa 1952-1959), Nguyễn Văn Khê và Nguyễn Văn Cảnh (Dân Y kháng chiến 1952-1959). Những người được cử về bộ môn Giải phẫu không theo nguyện vọng cá nhân, mà theo chỉ định của nhà trường nên chưa được bao lâu thì bác sĩ Nguyễn Văn Khê và Nguyễn Văn Cảnh xin chuyển đi nơi khác. Bộ môn Giải phẫu khi ấy chỉ còn có 3 người. Đến năm 1960 thì được bổ sung thêm một bác sĩ vừa mới tốt nghiệp.
GS Trịnh Văn Minh cùng vợ và các cháu, 2018
Giáo sư Trịnh Văn Minh cho biết, qua nhiều lần được làm việc với GS Tôn Thất Tùng tại Bệnh viện Việt – Đức từ 1959 đến 1962, ông được GS Tùng đề nghị Ban Giám hiệu trường Y cho chuyển hẳn sang bộ môn Ngoại để có điều kiện phát triển nghiên cứu khoa học phục vụ lâm sàng. Song bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, Hiệu trưởng trường Đại học Y cương quyết giữ bác sĩ Minh ở lại để xây dựng bộ môn Giải phẫu. Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ giao cho bác sĩ Minh đề tài: “Nghiên cứu giải phẫu dây thần kinh X phục vụ các phẫu thuật cắt dây thần kinh X chọn lọc cho dạ dày để điều trị loét dạ dày-tá tràng”.
Đội ngũ cán bộ đầu tiên, giai đoạn 1959-1965, của Bộ môn Giải phẫu luôn có biến động, thêm bớt, cuối cùng chỉ còn lại 6 người, đó là những người cốt cán có công xây dựng Bộ môn, gồm Lê Quang Cát, Trịnh Văn Minh, Nguyễn Quang Quyền, Nguyễn Kim Lộc, Đặng Đinh Nhân, Vũ Duy San. Tất cả làm việc dưới sự chỉ đạo của GS Đỗ Xuân Hợp, Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu trường ĐH Y Hà Nội, đồng thời là Hiệu trưởng và Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu, Đại học Quân Y. Tập thể đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ đầy năng lực, nhiệt huyết đã cùng nhau làm việc, học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng Bộ môn với một cường độ cao. Họ đã đạt được những thành tựu lớn và là một trong những bộ môn mạnh nhất của trường ĐH Y Hà Nội thời bấy giờ. Thành quả đầu tiên của bộ môn là xây dựng được chương trình giảng dạy giải phẫu các lớp Y1-Y2, bắt đầu từ năm 1959. Nội dung giảng dạy phải chắt lọc những điều cơ bản cần thiết nhất cho thực tế lâm sàng và yêu cầu thời chiến. Phương pháp, tốc độ giảng cũng phải thích nghi với trình độ người học. Trong thời gian thực tập, mỗi khoá có 4-5 lớp, mỗi lớp chia thành 4 tổ, mỗi cán bộ giảng dạy phải phụ trách 4-5 tổ (cả Y1 và Y2), mỗi tổ mỗi tuần 2 buổi thực tập. Thầy hướng dẫn được coi như “tiểu đội trưởng” của từng tổ sinh viên do mình phụ trách.
Tuy khó khăn vất vả, song bác sĩ Trịnh Văn Minh cùng đồng nghiệp đã góp phần đào tạo hàng trăm bác sĩ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó, bộ môn còn bổ túc cho lớp Y sĩ cao cấp khoá đầu; Bổ túc giải phẫu cho lớp Y sỹ biệt phái vào phục vụ chiến trường miền Nam… giảng về giải phẫu người cho nhiều nơi, như: khoa Sinh trường ĐH Tổng hợp (1962-1963), ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn (1963-1964), ĐH Dược (1963-1964)…Mặc dù khối lượng công việc rất nhiều nhưng bác sĩ Minh cùng đồng nghiệp quyết tâm làm việc mỗi người bằng hai, bằng ba, để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ phục vụ cho xây dựng miền Bắc, đấu tranh ở miền Nam và thống nhất đất nước. Không chỉ giảng dạy, cán bộ trong bộ môn còn tích cực trau dồi ngoại ngữ để bổ trợ cho nghiên cứu khoa học. Ngoài vốn tiếng Pháp, tiếng Anh sẵn có, ông lao vào học thêm tiếng Nga, tiếng Đức.
Việc xuất bản giáo trình, sách giáo khoa và các tài liệu khác phục vụ giảng dạy cũng được bộ môn Giải phẫu quan tâm thực hiện. Theo ông, do trình độ sinh viên khi vào trường chênh lệch nên giáo trình, tài liệu in sẵn là một nhu cầu cấp bách. Năm 1960, ông đề nghị Bộ môn cho in roneo từng bài giảng và tranh vẽ của từng thầy, phát cho sinh viên hàng tuần để làm tài liệu học tập và dễ theo dõi bài giảng. Đến năm 1962, bác sĩ Nguyễn Quang Quyền (cán bộ của bộ môn) đề nghị tập hợp các bài giảng đó lại để in ronéo thành 2 tập giáo trình cho 2 học kỳ, dùng cho sinh viên Y1-Y2 hệ chính quy. Các tập giáo trình in ronéo đó được Bộ môn chỉnh sửa, in lại hàng năm trở thành tài liệu hữu ích cho nhiều khóa sinh viên. Lần in cuối vào khoảng 1973-1974. Sau đó, các tập bài giảng giải phẫu in ronéo lần lượt được xuất bản, phục vụ nhu cầu của các đối tượng khác nhau: cho các lớp Y bổ túc (Y hàm thụ, Y chuyên tu, Tổ chức y tế); cho sinh viên khoa Sinh, trường ĐH Tổng hơp HN; ĐH Thể dục Thể thao… Bác sĩ Trịnh Văn Minh còn đóng góp hàng trăm bài dịch và thông tin y học của các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, cho phòng Tu thư Bộ Y tế, Thư viện Y học Trung ương… phục vụ bạn đọc toàn ngành Y.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, phải kể đến những công trình tiêu biểu của bác sĩ Trịnh Văn Minh trong thời gian này là: “Phân chia cây phế quản, các mạch phổi, và phân thuỳ phổi” (cùng bác sĩ Nguyễn Quang Quyền) phục vụ cho phẫu thuật cắt phổi của GS Hoàng Đình Cầu ở Viện Lao Trung ương; “Các đường mạch mật trong gan và phân thuỳ gan” là đề tài nghiên cứu dài hơi của ông, phục vụ cho phương pháp cắt gan Tôn Thất Tùng và các phẫu thuật gan mật khác… Theo ông, dù thành công ít hay nhiều nhưng những đề tài nghiên cứu đã tạo nên không khí nghiên cứu khoa học sôi nổi. Để có được những thành quả nói trên không thể không nhắc đến sự chỉ đạo, động viên của GS Đỗ Xuân Hợp – người thầy đáng kính của ngành Giải phẫu Việt
Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ được chú trọng trong những năm đầu khi bộ môn mới được thành lập. Giáo sư Trịnh Văn Minh cho biết, khi ấy các phương tiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học: xác, tranh, mô hình… hầu như trống rỗng, các bể chứa xác dự trữ từ thời Pháp để lại cũng đã cạn kiệt dần. Bộ môn Giải phẫu đã cùng nhau bàn bạc hướng khắc phục và giao cho bác sĩ Trịnh Văn Minh tổ chức thực hiện. Để giải quyết những vấn đề đó, bác sĩ Minh phải liên hệ khắp các bệnh viện Hà Nội và tỉnh lân cận để đặt vấn đề xin xác không người nhận. Ông đề nghị nhà trường trang bị cho một ô tô riêng chuyên đi nhận xác và xin bộ môn Giải phẫu xây dựng một phòng tưởng niệm người đã khuất: có ban thờ, chỗ đặt áo quan và cũng là nơi tiếp đón người nhà đến tìm thân nhân. Ông cũng đưa ra sáng kiến xin xác trẻ sơ sinh để sinh viên phẫu tích, bù cho thiếu xác người lớn.
Ngoài ra, bác sĩ Trịnh Văn Minh còn xây dựng phòng vẽ tranh và kho tranh về giải phẫu phục vụ cho giảng dạy. Thời gian đầu, ông phải tự vẽ và hướng dẫn kỹ thuật viên cùng vẽ, bằng cách chiếu các tranh về giải phẫu ở trong sách lên giấy vẽ treo tường để tô theo. Rồi sau đó, ông liên hệ xin tranh về giải phẫu từ viện trợ của CHDC Đức, chọn tranh từ các sách giải phẫu Pháp, Nga, dịch và chú thích tiếng Việt, đưa lên phòng Giáo vụ, nhờ tổ hoạ sĩ riêng của trường vẽ theo yêu cầu. Kết quả là ông đã xây dựng được một kho tranh minh họa về giải phẫu riêng cho bộ môn, giao kỹ thuật viên đóng nẹp, bồi tranh bằng vải xô chống rách, sắp xếp và bảo quản trên giá treo, để phục vụ giảng dạy thực tập cho sinh viên.
Để giúp sinh viên học hiệu quả hơn, bác sĩ Trịnh Văn Minh còn tự thiết kế nhiều mô hình vải đặc biệt, giúp sinh viên hiểu một số bài giảng khó mà tranh vẽ hoặc mô hình thạch cao không diễn đạt hết được. Có thể kể đến một số mô hình như: mô hình vải về phúc mạc ống tiêu hoá và sự phát triển phôi thai phúc mạc; mô hình các đường dẫn truyền thần kinh bằng sợi dây thép xuyên qua các thiết đố băng bìa cứng từ tủy sống lên đại não… Ông cũng hướng dẫn các kỹ thuật viên của bộ môn hoàn thành các loại tiêu bản phẫu tích những phần khác nhau của cơ thể, các bộ xương lắp giáp lên khung, các hộp sọ sơn màu, tiêu bản ăn mòn các hệ mạch, tiêu bản bơm màu…
Một trong những đóng góp quan trọng của ông là góp phần xây dựng phòng nghiên cứu giải phẫu vi thể. Theo sự góp ý của GS Golev – chuyên gia Liên Xô đang công tác ở Việt Nam, bác sĩ Trịnh Văn Minh chọn một phòng có diện tích phù hợp, có bàn lát gạch men và bể thoát nước xây sẵn từ thời Pháp cũ; trang bị tủ lạnh, tủ kính để dụng cụ, hoá chất; đến từng bộ môn xin viện trợ các trang thiết bị: dao cắt microtome, kính hiển vi, kính loupe, máy quay ly tâm, bình khí lạnh, các chai lọ, hoá chất, giá đỡ, lam kính, hộp đựng…
Bác sĩ Trịnh Văn Minh cũng là người đi đầu trong việc xây dựng kỹ thuật làm tiêu bản ăn mòn phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Điều ấy xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu giải phẫu phân thùy gan và các tạng khác. Khi thực hiện việc này, không có tài liệu nào hướng dẫn, ông cùng đồng nghiệp phải tự tìm tòi, sáng tạo, rút kinh nghiệm dần. Sau một quá trình thử đi thử lại, tẩy rửa, ngâm nước các tiêu bản, bộ môn đã có được những tiêu bản ăn mòn đẹp và hữu ích, hiếm thấy ở nơi nào. Các tiêu bản ăn mòn không chỉ phục vụ đắc lực cho nghiên cứu và giảng dạy giải phẫu, mà còn cho việc sáng tạo các kỹ thuật phẫu thuật khác nhau, đặc biệt cho phương pháp cắt gan Tôn Thất Tùng. Hàng chục tiêu bản ăn mòn gan của bác sĩ Trịnh Văn Minh được lưu giữ trong phòng làm việc của GS Tôn Thất Tùng tại Bệnh viện Việt Đức để Giáo sư thường xuyên nghiên cứu tìm cách thực hiện các ca cắt gan khác nhau, và giới thiệu với khách quốc tế. Trong cuốn sách “Phẫu thuật cắt gan” đầu tiên của GS Tôn Thất Tùng xuất bản tại Hà Nội (Chirurgie d’exerese du foie, Tôn Thất Tùng, Hanoi, Edition en langues etrangeres, 1962) cũng có hình ảnh những tiêu bản ăn mòn của bác sĩ Trịnh Văn Minh.
Đối với công tác giảng dạy thì bác sĩ Trịnh Văn Minh là người được giao đào tạo về mặt chuyên môn cho lớp kỹ thuật viên đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội (1958-1959) cử về bộ môn Giải phẫu. Lớp ấy có 7 người là Nguyễn Vi Khải, Trịnh Văn Tân, Thẩm Hoàng Điệp, Bành Uyển Nghi, Trần Liễn, Phạm Trọng Viên, Đỗ Xuân Tuyên. Kết quả là đã đào tạo được một đội ngũ kỹ thuật viên xuất sắc, thực hiện mọi nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Từ năm 1964 trở đi, nhóm bác sĩ Trịnh Văn Minh, Lê Quang Cát, Trịnh Văn Minh, Nguyễn Quang Quyền được giao nhiệm vụ đào tạo bác sĩ chuyên khoa Giải phẫu khóa 4 (1964-1965). Nhóm bác sĩ này thay nhau lên lớp giảng bài lý thuyết, cả về nội dung lẫn phương pháp sư phạm. Bác sĩ Minh có sáng kiến “giảng dạy tích cực” bằng cách giao bài cho sinh viên chuẩn bị trước, sau đó mời một người lên giảng thử, ba người còn lại góp ý, nhận xét về nội dung và phương pháp giảng dạy. Sau cùng thầy giáo là người tổng kết, bổ sung và thống nhất mọi ý kiến đóng góp. Không chỉ đào tạo về thực hành phẫu thuật và các kỹ thuật chuyên môn, bác sĩ Minh còn dạy tiếng Pháp cho sinh viên, để họ có thể đọc được nhiều tài liệu, phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu, thực hành.
Còn nhiều câu chuyện về bộ môn Giải phẫu trong những năm đầu mới thành lập vẫn in đậm trong tâm tưởng GS Trịnh Văn Minh, như những kỷ niệm quý giá. Những di sản ký ức ấy chính là một phần lịch sử của Bộ môn Giải phẫu trường Đại học Y Hà Nội.
Nguyễn Thanh Hóa
[1] Lúc ấy còn tồn tại một trường Đại học Y ở Việt Bắc, khác với trường Đại học Y đóng ở nội thành Hà Nội.
[2] Tại Hà Nội trước 1954, “Ngoại trú và Nội trú bệnh viện (Externe et Interne des Hôpitaux” là một chế độ đào tạo thực hành bệnh viện đặc biệt dành cho sinh viên giỏi đã trúng tuyển, được tiếp xúc với bệnh nhân nhiều hơn và khác với các sinh viên thực tập thông thường. Sau khi đã là “ngoại trú” (vào năm thứ 2, 3, 4) và đã trúng tuyển “nội trú“ (vào năm thứ 5, 6). Sinh viên “nội trú ” được quyền thăm khám và kê đơn điều trị bệnh nhân như một bác sĩ phụ, dưới sự kiểm soát của bác sĩ chính, và được ăn ở, thường trực trong bệnh viện để giải quyết những trường hợp cần thiết khi vắng mặt các bác sĩ chính. Nội trú là sinh viên những năm cuối nên đã theo một chuyên khoa nhất định.