Góp phần xây dựng ngành Tai Mũi Họng Việt Nam (kỳ 2)

Vượt qua gian khó

Hòa bình lập lại, bác sĩ Trần Hữu Tước về Hà Nội tiếp quản Bệnh viện Bạch Mai và bắt tay vào xây dựng ngành tai mũi họng trong hoàn cảnh mới. Trước tình hình miền Bắc vừa phải khắc phục những hậu quả của cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa phải làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, ngành đã gặp phải vô vàn khó khăn. Đầu tiên là việc tuyên truyền, thuyết phục trong nhân dân và cả trong y giới biết được tầm quan trọng của ngành, từ đó mở rộng và xây dựng ngành ở cả tuyến trung ương cũng như ở các địa phương. Vào thời điểm đó, ngành tai mũi họng còn chưa được chú trọng và quan tâm nhiều, do vậy bác sĩ Trần Hữu Tước phải trực tiếp giải thích, nhiều khi tranh luận để các cơ quan chức năng và nhân dân thấy được tầm quan trọng cần phải phát triển ngành.

Trang thiết bị thời kỳ này cũng gần giống như những năm kháng chiến, thiếu thốn đủ mọi bề, từ chiếc ghế khám, dụng cụ giải phẫu lại càng thiếu trầm trọng, nhất là với những phẫu thuật phức tạp như mổ điếc thì hoàn toàn không có thiết bị. Mãi đến năm 1958 khi đi dự một hội nghị tai mũi họng quốc tế, GS Trần Hữu Tước mới xin được một bộ dụng cụ để mổ điếc.. Tình hình đó đặt ra vấn đề là phải gấp rút đào tạo cán bộ, tổ chức mạng lưới cơ sở rộng khắp và được củng cố  về mọi mặt, tổ chức giảng dạy và nghiên cứu… Nhưng theo GS Trần Hữu Tước: “Yêu cầu thì như thế hay nói cho đúng hơn, ý đồ chúng tôi là như thế, nhưng hoàn cảnh không phải hoàn toàn thuận lợi cho lắm, nhất là cho đến nay (năm 1966), cũng chưa phải mọi người đều đã nhất trí nhìn thấy yêu cầu thực sự của nhân dân cho rằng cần phát triển ngành tai mũi họng một cách thật gấp rút, và từ đó mà chiếu cố giúp đỡ một cách thật thích đáng”[1].

Cho đến năm 1966, ngành tai mũi họng vẫn chỉ là một khoa trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai (đến năm 1969 mới  thành Viện Tai Mũi Họng Trung ương), tuy vậy sự phát triển của ngành đã có những bước tiến vượt bậc so với năm 1954. Mặc dù giữ nhiều cương vị khác nhau như Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học, Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ… nhưng bác sĩ Trần Hữu Tước vẫn dành sự quan tâm bậc nhất cho việc xây dựng và phát triển ngành Tai mũi họng. Ngoài giảng dạy theo học trình đào tạo ở trường Đại học Y, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng ông còn tranh thủ thời gian, hướng dẫn các cán bộ ngoài giờ, buổi trưa, buổi tối, chủ nhật, ngày lễ hay bất cứ lúc nào. Đối với việc nghiên cứu, ông từng viết: “tôi cũng không ngừng nghiên cứu một cách hết sức tranh thủ, vì các công việc khác cũng bận lắm. Tôi thường tranh thủ buổi tối khuya, ngày chủ nhật, ngày lễ vào việc nghiên cứu, và nghĩ rằng khó khăn là khó khăn chung, nên không hề đòi hỏi ưu tiên điều kiện này khác để mình có được thuận lợi hơn”[2].

Trong công tác đào tạo những ngày đầu, GS Trần Hữu Tước chú ý nhiều đến việc xây dựng quan điểm y học đúng đắn cho học viên và đề cao phương pháp học tập suy nghĩ một cách độc lập, khoa học, sáng tạo. Do trình độ của những cán bộ đi học không đồng đều , có những lớp chỉ có 3 người, chương trình khác nhau, do vậy việc soạn tài liệu đòi hỏi rất công phu, mất nhiều thì giờ, theo từng loại đối tượng, khi giảng dạy còn phải linh hoạt ứng dụng vào tình hình thực tế của người bệnh… Khi khám bệnh hay làm phẫu thuật, để thị phạm, GS Tước chú ý đến tác phong thái độ của mình, nhất là sự nghiêm túc, thận trọng. Mục đích đó nhằm gây cho học viên ý thức tốt trong nghề nghiệp, tôn trọng bệnh nhân trên hết. Với nhiệt huyết của của ông, các học trò đều rất chịu khó, hăng say rèn luyện và đều trở thành những người thầy thuốc tốt.

Những thành tựu bước đầu

Cùng với các giáo sư khác của trường Đại học Y Hà Nội như GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Vũ Hỷ, GS Vũ Công Hòe, GS Đỗ Xuân Hợp, GS Nguyễn Xuân Nguyên… GS Trần Hữu Tước đã khắc phục khó khăn, đúc rút kinh nghiệm thực tế qua 9 năm kháng chiến chống Pháp để từng bước xây dựng và phát triển chuyên khoa tai mũi họng.

GS Trần Hữu Tước cho rằng điểm quan trọng đầu tiên khi xây dựng ngành tai mũi họng là đề cao công tác điều trị và phòng bệnh. Ở khía cạnh này, GS Trần Hữu Tước luôn đề cao công tác tuyên truyền, vận động để y giới và nhân dân biết đến những bệnh nguy hiểm về tai mũi họng như áp xe đại não, tiểu não, viêm màng não do tai, viêm tĩnh mạch bên… gây nhiều tử vong. Là một giáo sư của trường Đại học Y, đồng thời cũng là một bác sĩ trực tiếp chữa bệnh cho nhân dân, ông luôn quan niệm: “đặt quyền lợi bệnh nhân lên trên hết, không làm gì hại cho bệnh nhân, trên mọi trường hợp khó khăn nan giải, lấy tư tưởng ấy chỉ đạo để giải quyết và thường truyền đạt cho cán bộ công nhân viên, tránh  những xu hướng đơn thuần: khoa học vì khoa học, hay vì danh vị, tiếng tăm mà phải xác định: tất cả vì bệnh nhân trước đã”[3]. Coi người bệnh như người thân nên ông luôn có tinh thần sẵn sàng phục vụ không điều kiện, dù ngày hay đêm, dù mệt nhọc đến đâu nhưng khi người bệnh cần là có ngay. Thời kháng chiến, trong đêm tối ông vẫn lặn lội đến các túp lều để cứu chữa cho người bệnh thì thời hòa bình ông vẫn không bỏ thói quen ấy, khi có những ca khó hay cấp cứu các bệnh nhân nặng thì bất cứ lúc nào, giờ nào, ông đều đến ngay. Ông từng viết: “Có những buổi hàng giờ bên cạnh bệnh nhân nặng để trông nom, theo dõi, nghiên cứu những biểu hiện mới để điều trị tốt hơn, và cũng là để anh em trẻ có một tập quán phục vụ khẩn trương, vô điều kiện”[4].

Trong công tác điều trị bệnh, GS Trần Hữu Tước đã chỉ đạo tập trung giải quyết các bệnh hiểm nghèo về tai mũi họng mà từ trước chưa  phát hiện được. Cho đến cuối những năm 1960, ngành tai mũi họng  đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng như: Phát triển những phương pháp chữa trị mà trước đây chưa áp dụng ở Việt Nam như các cách mổ tai, mổ mũi, mổ họng; Phát triển ngành soi nội quản, giải quyết mỗi năm 500-600 người hóc đường ăn và hàng ngày mấy chục người hóc đường thở, giảm thiểu số lượng tử vong; Thực hiện được một loạt thủ thuật mới, có thể mở khí quản trong 2-3 phút cho các trường hợp ngạt thở, hoặc quan tâm đến việc tổ chức tiểu phẫu, hậu phẫu của tổ cấp cứu, giải quyết hàng năm trên 900 ca cấp cứu rất nặng với tỉ lệ tử vong rất thấp 5-6%… Đặc biệt, kể từ năm 1958, khi lực lượng cán bộ ngày một tăng lên, có thêm được phương tiện máy đo điếc, dụng cụ đo điếc, máy thanh học… GS Trần Hữu Tước đã chỉ đạo cán bộ của mình sử dụng những phương pháp tiên tiến, hiện đại nhất để phục vụ bệnh nhân, như mổ điếc với các sáng kiến cải tiến thích hợp, thay miếng trung gian bằng sụn… Ông viết về những thành tựu đạt được: “Có thể nói về phương diện điều trị và thủ thuật thì không có một thủ thuật hiện đại nào ở nước ngoài mà tai mũi họng Việt Nam không làm được và có nhiều kinh nghiệm, cải tiến đáng kể. Đó là niềm tự hào chính đáng của ngành tai mũi họng không những ở trung ương mà một số cơ sở địa phương đã làm được những thủ thuật tiên tiến”[5].

GS Trần Hữu Tước (giữa) cùng các học trò Trần Hữu Tuân, Đinh Thị Nguyệt nhân ngày thành lập Viện Tai Mũi Họng Trung ương, 1969

Trong việc xây dựng các chuyên khoa nhỏ của ngành tai mũi họng hay việc trực tiếp điều trị bệnh cho nhân dân thì việc đào tạo đội ngũ cán bộ y bác sĩ kế cận là vô cùng quan trọng. Trước năm 1946, cả miền Bắc chỉ có một bác sĩ tai mũi họng người Pháp, trong kháng chiến chống Pháp bác sĩ Trần Hữu Tước đã đào tạo đội ngũ cán bộ bằng cách cầm tay chỉ việc. Sau năm 1954, công tác này được tiến hành một cách bài bản hơn rất nhiều, có cán bộ giỏi thì công tác điều trị, nghiên cứu mới tốt được. GS Trần Hữu Tước nhấn mạnh: “trong giảng dạy đại học là làm sao truyền đạt được một phương pháp tư tưởng, một lề lối suy nghĩ khoa học, khách quan, hệ thống, biết phân tách sâu sắc và biết tổng hợp gọn gàng, sắc bén, đó là cách học tập suy nghĩ khoa học, mà các cán bộ bệnh viện cần phải nắm vững…”[6].

Lúc đầu, công tác giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn, vì người học thường có xu hướng thích có những cái gì làm sẵn, ứng dụng ngay, nhưng trên  thực tế việc đem một số kiến thức đến cho sinh viên, cán bộ sẽ không giúp ích cho sinh viên, cán bộ tự suy nghĩ, để dần dần có được lề lối, một phương pháp tư tưởng độc lập. GS Trần Hữu Tước cho rằng, học đại học không phải là học các khái niệm tri thức mà chủ yếu là nắm được biện pháp tư tưởng, lý luận. Cho nên trong cách thức, nội dung giảng dạy, chú trọng đến lý luận chỉ đạo, hệ thống tư tưởng của từng môn học, bài học, làm sao nổi lên được vị trí của từng vấn đề trong toàn chuyên khoa tai mũi họng, trong toàn thể y học, và đưa ra những điểm lịch sử khoa học, để sáng tỏ một vấn đề, đặc biệt trước khoa học hiện đại và biện chứng.. Và qua thực tiễn chứng minh, quan điểm giảng dạy của ông được xác nhận là đúng đắn.

Song song với việc nâng cao trình độ, nội dung giảng, từ năm 1963, GS Trần Hữu Tước đã đề xuất thành lập các phân môn trong Bộ môn Tai Mũi Họng (trường Đại học Y Hà Nội), mạnh dạn đề bạt, bồi dưỡng cán bộ trẻ, và tạo điều kiện để họ đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Từ trước đó, năm 1960 ông đã gửi rất nhiều lớp luân khoa như nhi, ngoại, nội, truyền nhiễm, Xquang, răng hàm mặt… đến thực tập, nghe giảng ở Bộ môn Tai Mũi Họng của trường Đại học Y Hà Nội. Với cách làm như vậy, số sinh viên đại học phải học qua ngành tai mũi họng tăng lên đáng kể, mà cán bộ của Bộ môn Tai Mũi Họng chỉ có 4-5 người, thành ra khối lượng giảng dạy của GS Tước lên rất cao, có tháng phải giảng 30, 33 giờ lý thuyết (không kể các giờ hướng dẫn, mổ, thực tập). Có khi ông vừa mổ xong, lại lao vào giảng 2-3 giờ, trung bình phải đảm nhiệm khối lượng giảng dạy gấp 8-10 lần so với tiêu chuẩn.

Ngoài ra, ông còn viết nhiều tài liệu in trong các tạp chí, tập san, đồng thời đã làm xong 2 tập bài giảng tai mũi họng dày 800 trang để phục vụ giảng dạy đại học và viết tài liệu tai mũi họng giảng cho đối tương trung cấp và hàm thụ. Với quyết tâm và nỗ lực không biết mệt mỏi, tính đến cuối năm 1966, trên toàn miền Bắc đã có gần 200 cán bộ tai mũi họng, bác sĩ, y sĩ, so với năm 1946 chỉ có 1 người, năm 1954 chỉ có 2 người.

Là một cán bộ làm công tác lâm sàng, GS Trần Hữu Tước cho rằng vấn đề nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã chủ trương tập trung cho nghiên cứu khoa học, thực hiện thử nghiệm philatop trên bệnh trĩ mũi, bệnh điếc xốp xơ… và áp dụng những phương pháp mới, đồng thời sưu tầm tài liệu để nghiên cứu một số vấn đề khác. Từ hòa bình lập lại, ông lại càng chú ý tranh thủ, miệt mài nghiên cứu, mặc dầu bận rất nhiều việc.

Khi các phương tiện xét nghiệm chưa phát triển, ông đặt vấn đề trọng tâm là nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm, tập trung cho các dấu hiệu lâm sàng, làm cơ sở để đặt ra vấn đề nghiên cứu cơ bản vững chắc, và thực tế hơn. Từ sau 1954, ông tập nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu những vấn đề như hóc đường ăn, dị vật đường thở, viêm tai xương chũm trẻ em, viêm tai gây nhiễm độc thần kinh. Đặc biệt, nghiên cứu kỹ những vấn đề ung thư vòm mũi họng (lần đầu tiên ở Việt Nam); những dấu hiệu Xquang của cholesterone ở Việt Nam[7]. Khi các phương tiện khám, chẩn đoán tương đối nhiều hơn, GS Trần Hữu Tước đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề cao hơn, sâu hơn như: mổ điếc, ung thư thanh quản hạ họng, u quanh họng (phương pháp mổ cải tiến), áp xe não, tiểu não…

Từ năm 1955-1965, GS Trần Hữu Tước đã đóng góp 20 đề tài nghiên cứu chính, trong đó có 10 đề tài quan trọng. Nổi bật nhất là đề tài “phương pháp tận dụng niêm mạc xoang lê trong phẫu thuật ung thư thanh quản hạ họng” nghiên cứu trong những năm 1960-1965, được Ủy  ban khoa học Nhà nước đánh giá cao và được Chính phủ tặng thưởng. Ngoài ra, ông và các học trò đã công bố nhiều công trình có giá trị thực tiễn như: Viêm tai xương chũm hài nhi (1956); Điều trị điếc (1977); Dị vật thanh quản, thực quản (1957); Khối u đặc vòm mũi họng (1958); Khối u quanh họng và đường mổ mới; Điều trị chấn thương tai mũi họng (1964); Ung thư vòm  mũi họng (1964); Ung thư hạ họng thanh quản (1965)…

Trong nghiên cứu thời kỳ này, GS Trần Hữu Tước dành nhiều tâm huyết với vấn đề Ung thư thanh quản hạ họng. Đây là loại ung thư rất phổ biến ở Việt Nam, bệnh nhân đến khám thường quá chậm, không ăn được, không nói được, khó thở. GS Trần Hữu Tước viết về vấn đề này: “Trước đây khi định bệnh là loại ung thư này tức là một tuyên án tuyệt vọng, nhưng chúng tôi không sao để như vậy… Phải tìm một phương pháp nào. Chúng tôi ngày đêm nghiên cứu tài liệu, thí nghiệm hiểm hóc này”[8]. Ở các nước khác, vấn đề ung thư thanh quản hạ họng không có những trường hợp bị lan quá rộng như ở Việt Nam và thường được phát hiện sớm để điều trị ngay bằng X quang, bằng phẫu thuật đơn giản. GS Trần Hữu Tước cùng các học trò đã mầy mò nghiên cứu và thấy rằng vấn đề đặt ra là: “trong loại ung thư này phải cắt thanh quản, cắt một phần lớn hạ họng, lấy đi mất nhiều niêm mạc, như vậy còn lấy đâu cho đủ niêm mạc để làm lại một ống ăn đẩy lưỡi đến miệng thực quản. Nghiên cứu miệt mài gần 2 năm trời, chúng tôi tìm ra cách giải quyết chắc chắn là lấy niêm mạc ở vùng xoang lê bên lành hay tương đối lành, có thể làm được một ống ăn mới, trong một thì, nếu khâu một cách đặc biệt. Chúng tôi cùng phân môn thanh học lại nghiên cứu các âm tố Việt Nam để hướng dẫn bệnh nhân  cắt bỏ thanh quản do ung thư, tập nói giọng thực quản, đạt kết quả dễ dàng khả quan, bệnh nhân không bị mất tiếng nói…”[9].

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc đào tạo cán bộ, tổ chức khám chữa bệnh, GS Trần Hữu Tước đã nỗ lực trong việc thúc đẩy mở rộng các cơ sở của ngành tai mũi họng trên toàn miền Bắc. Nếu như năm 1954, toàn miền Bắc chỉ có 1 cơ sở tai mũi họng ở Hà Nội với 60 giường, 6 ghế khám, 2 phòng mổ, 1 bác sĩ, 4 sinh viên quân và dân y thì đến năm 1966, ở miền Bắc đã có gần 100 cơ sở tai mũi họng, gần 200 cán bộ, bác sĩ, y sĩ. Về trình độ chuyên môn, ở các tỉnh đã làm được các thủ thuật thông thường. Ở vài bệnh viện tỉnh quan trọng đã làm được những thủ thuật cao như áp xe đại não, tiểu não hay một số loại ung thư. Ở khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, từ năm 1963 đã cho thành lập các phân môn tai mũi họng nhi, tai mũi họng thính học, tai mũi họng thanh học, tai mũi họng nội quản, tai mũi họng đông y, tai mũi họng nghề nghiệp, tai mũi họng cơ bản…

Điểm lại quá trình phấn đấu của bản thân trong ngành tai mũi hong Việt Nam trong suốt những năm khó khăn của đất nước, GS Trần Hữu Tước viết: “tôi bồi hồi nhớ lại những ngày sống tha hương, xa Tổ quốc, luôn luôn hướng về Tổ quốc với lòng mong muốn quê hương đất nước thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, thực hiện cuộc sống tự do hạnh phúc, trong đó ngành chuyên khoa của mình phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực nhân dân lao động, và bản thân mình trở thành một người thực sự của nhân dân”. Với sự cố gắng và hi sinh quên mình, GS Trần Hữu Tước đã góp phần xây dựng, phát triển ngành tai mũi họng một cách toàn diện, nhanh chóng về mặt lâm sàng và kinh nghiệm không kém gì nước ngoài.

Trong hoàn cảnh khó khăn, con người càng bộc lộ hết khả năng đặc biệt của mình, và những trí thức như Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa… đã bộc lộ tài năng của mình một cách như thế. Chắc hẳn, tình yêu đất nước, tình cảm dành cho nhân dân là động lực sâu thẳm để họ vươn tới. Trong gian khổ, ý chí của họ càng vững chắc, càng quyết tâm hơn. Sinh thời, GS Trần Hữu Tước thường lấy câu thơ của Đỗ Phủ làm phương châm hành động cho bản thân: “Trừng mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. Cả cuộc đời mình, ông đã sống, đã làm việc hết lòng để làm tròn nhiệm vụ người đầy tớ của nhân dân – trung thành và tận tụy!

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam của GS Trần Hữu Tước, 1966.

[2] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam…, tài liệu đã dẫn.

[3] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam …, tài liệu đã dẫn.

[4] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam  …, tài liệu đã dẫn.

[5] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam   …, tài liệu đã dẫn.

[6] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam   …, tài liệu đã dẫn.

[7] Hai vấn đề nghiên cứu này được trình bày ở hội nghị tai mũi họng quốc tế diễn ra tại Leningrat (1958).

[8] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam   …, tài liệu đã dẫn.

[9] Bản đánh máy Những năm phấn đấu trong ngành Tai Mũi Họng Việt Nam   …, tài liệu đã dẫn.