“Đây là bài báo tôi viết về một người thầy. Thật ra, anh Cao Chi không dạy tôi giờ nào cả, nhưng các câu chuyện của anh, cách cư xử của anh có ảnh hưởng đến tôi rất sâu sắc, đúng như một người thầy thực sự”.
Nhà báo Vũ Công Lập chia sẻ với chúng tôi như vậy về bài viết đăng trên mục “Nhân vật hàng tuần” của báo Tuổi trẻ TP.HCM nhân dịp GS Cao Chi 80 tuổi. Bài viết rất dài và kỹ lưỡng, vẽ nên chân dung một nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam trong lĩnh vực Vật lý. Do khuôn khổ của chuyên mục, chúng tôi xin phép chỉ trích đăng một phần bài viết.
(…)
“Thần đồng Bình Định, Lomonoxov và Doubna”
Nghe anh Cao Chi nói, chúng ta tưởng anh là người Huế. Thái độ luôn điềm tĩnh, giọng nhỏ nhẹ, từ tốn nhưng lôi cuốn, không chỉ do nội dung, mà còn ở cách diễn đạt. Nhưng thực ra, Cao Chi sinh năm 1931, tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Sau này anh học ở Trường quốc học Võ Tánh, Bình Định. Anh Thái Quảng, thời làm chủ nhiệm Khoa khoa học cơ bản, Học viện Kỹ thuật quân sự hay kể chuyện về anh Cao Chi, luôn nhấn mạnh :”Ngày đi học, “Thần đồng Bình Định” là biệt danh của anh ấy”. Rồi anh gật gù: Nổi tiếng lắm đấy.
Sau thời đi học, anh Cao Chi dạy học ở vùng chiến khu kháng chiến. Sau năm 1954, anh tập kết ra Bắc và được chọn trong lứa học sinh Việt Nam đầu tiên đi đào tạo tại Liên Xô. Thoạt đầu, trong danh sách nghề nghiệp, Cao Chi đi học ngành Thủy điện. Trong quá trình học ngoại ngữ, cô giáo bảo “đáng ra em nên học ngôn ngữ và văn học Nga”. Nhưng rồi cuối cùng, Cao Chi trở thành sinh viên khoa vật lý, nơi anh đã được nghe những bài giảng thần thoại của Landau, Ivanenco…, khi giảng đường còn đông đảo hơn bất cứ một buổi biểu diễn văn nghệ nào. Bây giờ nhớ lại, Cao Chi vẫn luôn nói rằng, đấy là số phận của anh, và anh luôn ghi nhớ cái trang nghiêm cao cả của giảng đường Lomonoxov, “đúng, phải nói rằng đấy là một thánh đường”. Rồi Cao Chi trở thành một nhà vật lý lý thuyết, cùngvới Đào vọng Đức, người sống chung phòng với anh thời gian học ở Matxcova.
Là một nhà vật lý, GS Cao Chi cũng là một nghệ sĩ bẩm sinh
Năm 1962- 1963, thầy Cao Chi dạy học ở Đại học sư phạm Hà Nội, như những năm sau anh đọc bài giảng khá thường xuyên ở nhiều cơ sở khoa học. Chị Lê hương Quỳnh, tiến sĩ vật lý hạt nhân, kể lại một câu chuyện vui: món quà mà chị chọn để tặng người yêu của mình ngày đi học, anh Lê Đình Phương- một người làm điện ảnh, là mời anh đi dự nghe… một bài giảng của thầy Cao Chi về cơ học lượng tử. Ngày ấy, các thầy dậy vật lý có sức hút thực lớn, cái sức hút để tạo nên đội ngũ đông đảo các nhà vật lý sau này, dù đó không phải là nghề nghiệp dễ dàng.
Năm 1963, cùng với một số nhà vật lý khác, anh Cao Chi được gửi đi làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Doubna- Liên Xô. Anh nhớ lại :”Đích thân anh Tạ Quang Bửu chọn người. Đích thân anh Tạ quang Bửu gọi lên giao nhiệm vụ”. Rồi anh kể thêm, nhiệm vụ lúc ấy không phải là học vị hay học hàm gì đâu, không nhất thiết phải bảo vệ luận án, nhưng nhất thiết phải theo kịp trình độ khoa hoc tiên tiến, trong một lĩnh vực tiên tiến, để rồi tìm ra cách đưa nền khoa học Việt Nam tiến lên toàn diện. Lại chính cố Bộ trưởng Tạ quang Bửu là người khởi xướng môt chiến lược mới về khoa học công nghệ. Chúng ta biết, ở Doubna có GS Nguyễn đình Tứ làm về thực nghiệm. Còn đây là nhóm lý thuyết do GS VS Nguyễn văn Hiệu đứng đầu. Cả hai nhóm đều đã thu được những thành tựu xuất sắc. Có thể nói, từ Doubna, nền vật lý non trẻ của Việt Nam đã bắt đầu góp mặt với cả thế giới.
(….)
Nghệ sĩ Cao Chi
Nhìn lại những bước đường đã qua của GS Cao Chi, có một điều nổi bật: anh như chưa hề giữ qua một chức vụ hành chính đáng kể nào. Đấy là một “chuyên viên cao cấp” điển hình, nghĩa là phi hành chính, chỉ có khoa học và … nghệ thuật. Cũng không có gì là nói quá lên, nếu chúng ta nói anh Cao Chi là một nghệ sĩ.
Bây giờ nhìn lại, anh Cao Chi vẫn nói những ngày đi học ở Tuy Hòa là những ngày rất đẹp. Đấy là mảnh đất cuả Hàn mặc Tử, của Chế lan Viên, của Xuân Diệu, của Yến Lan…Và nếu tiếp xúc với GS Cao Chi, chúng ta dễ thấy ở anh cái tính nghệ sĩ trong tác phong, trong giọng nói, trong dánh vẻ và cả trong suy nghĩ. Trong “Tạp chí nghệ thuật” số 5/1983, Cao Chi có một bài viết khá độc đáo:”Đối xứng, sự phá vỡ đối xứng và nguyên lý của cái đẹp”. Bên cạnh đó là bài “Khoa học và nghệ thuật, đôi cánh của nhân loại”. Đây cũng là nội dung, là chủ dề trong phần 4 và phần 5 của cuốn sách vừa xuất bản của anh. Những bài viết ngay từ đầu đã có tiếng vang và có sức cộng hưởng, đã để lại nhiều suy nghĩ về sau.
Cao Chi đã nghiên cứu về đối xứng và biến điệu trong văn chương, đối xứng trong âm nhạc, trong hội hoạ, kiến trúc và trong phim ảnh để đi tới kết luận rằng : trên nền một đối xứng cơ sở, vi phạm đối xứng là một quy luật của tự nhiên. Đấy là nguồn gốc của cái đẹp, là sự thống nhất giữa khoa học vật lý và nghê thuật. Lẽ đương nhiên, nhà khoa học và nghệ sĩ có sứ mệnh khác nhau, có phương pháp làm việc khác nhau, nhưng luôn gắn bó và có quan hệ tương hỗ với nhau. Cao Chi đã chứng minh rằng, lỗ đen trong vật lý lý thuyết hiện đại đã có mặt trong truyện “Một cuộc đi xuống vực xoáy” của Edgar Poe và hơn nữa, đã được trình bầy trong một bức trang khắc gỗ từ thế kỷ XIX mang tên “Maelstrom”. Ông viết :”Những khía cạnh đó có thể là cuộc đời, có thể là cách mô tả thế giới khách quan, có thể là cách vận dụng tư duy và trí tưởng tượng. Những khía cạnh đó có nhiều điểm giống nhau mặc dù quá trình sáng tạo khoa học và nghệ thuật đi qua những mê lộ khác nhau của logic và trực giác”.
Với giáo sư Cao Chi, với thầy Cao Chi, với anh Cao Chi, với nghệ sĩ Cao Chi, thì tất cả những hía cạnh ấy đã thống nhất làm một.
GS TS CAO CHI
Sinh ngày 25/04/1931, tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
Tốt nghiệp Trường quốc học Võ Tánh
Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxov
Bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân Doubna
Chuyên gia vật lý lý thuyết, vật lý hạt nhân.
Tác phẩm chính:
“ Vật lý hiện đại, những vấn đề thời sự từ
Bigbounce đến vũ trụ toàn ảnh”.
“ Lược sử thời gian” (đồng dịch giả).
Nhiều bài viết, công trình về đối xứng,hấp dẫn, năng lượng hạt nhân, ứng dụng hình học vào lý thuyết trường…
Nguồn: www.khampha.vn/toi/gs-cao-chi-nha-vat-ly-voi-tam-hon-nghe-si-c8a406.html