“GS Chung để lại trong tôi nhiều dấu ấn”

Trong buổi làm việc với các nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ký ức về một thời đã xa được tái hiện trong GS Nguyễn Khánh Trạch khá rõ nét.

Con đường đến với ngành Y

Học xong phổ thông, chúng tôi mỗi người đi mỗi ngả. Chẳng có ai tư vấn, chẳng có ai chỉ bảo, chúng tôi phải tự tìm việc để làm, tìm chỗ để học. Lúc bấy giờ học xong một số được cử đi học nước ngoài, còn phần lớn là ở lại học trong nước. Kết thúc năm học cũng là lúc giải phóng thủ đô, tôi cũng tiến về Hà Nội thi vào trường Đại học Sư phạm. Chương trình học ở vùng tạm chiếm và vùng tự do, và giữa các trường trong vùng tự do với nhau cũng có sự chênh lệch nên khi đi thi chúng tôi không làm được bài. Không thi được tôi quay về Ninh Bình. Một thời gian sau tôi lại ra Hà Nội để tìm trường để học. Tôi và một số bạn khác vào Bộ Giáo dục gặp được ông Nguyễn Khánh Toàn (lúc vào chỉ thấy có một ông đầu hói trông quắc thước, chứ không biết ông là ai). Chúng tôi hỏi: kỳ thi vừa qua chúng cháu không làm được, bây giờ Bộ có những lớp nào thì chỉ cho chúng cháu để chúng cháu học. Ông nói chúng tôi chờ thêm một thời gian nữa, Bộ sẽ tổ chức thi lại. Và đúng như những gì ông đã nói, khoảng 1 tháng sau chúng tôi thi đợt 2. Hầu hết những ai thi đợt này đều đỗ cả, và được xếp vào lớp dự bị Đại học Sinh, Lý, Hóa (PCB) trong 1 năm. Học xong chúng tôi được chọn hoặc là học trường Dược, hoặc là học trường Y. Đại đa số mấy anh em năm đó đều chọn học trường Y.

Việc học của trò

Khi học ở trường Y, năm cuối tôi được phân công học chuyên ngành Vi trùng học. Khi ra trường (năm 1960), tôi được phân công về trường Đại học Y Hà Nội dạy môn Vi trùng. Một năm sau tôi được điều về Bộ môn Nội chỗ GS Đặng Văn Chung. Lúc đầu tôi gặp không ít khó khăn. Hai năm làm việc ở bệnh viện sẽ học được biết bao nhiêu, nhưng 2 năm ấy tôi  làm việc trong các Labo. Do đó khi về Bộ môn Nội công tác, tôi phải cố gắng rất nhiều để theo kịp các anh em được đào tạo đầy đủ ở đây. Ban ngày đi làm, tối về tôi tự đọc sách, mượn sách vở để học thêm. Trong quá trình thực tế tôi cũng phải lăn lộn hơn với bệnh nhân, đặc biệt tôi đã bỏ ra một thời gian rất dài 6- 7 năm để làm một việc ít người muốn làm đó là theo dõi mổ tử thi. Lúc bấy giờ việc mổ tử thi cũng dễ dàng thôi. Hầu như tất cả các bệnh nhân tử vong ở bệnh viện đều được mổ tử thi kể cả trẻ em. Việc mổ tử thi giúp ích rất nhiều cho bác sĩ lâm sàng.

Thời gian này các máy móc, phương tiện rất ít (máy xquang cũ, labo nhỏ, xét nghiệm cận lâm sàng ít) chủ yếu khám bằng lâm sàng tức là nhìn, sờ, gõ, nghe, thăm khám trên người bệnh là chính. Chính vì thế nên chẩn đoán dễ sai, không chuẩn xác và chỉ khi mổ tử thi các thầy thuốc mới biết rõ bệnh. Tôi nhận nhiệm vụ theo dõi mổ tử thi, cứ buổi sáng giao ban xong tôi nắm được tình hình bệnh nhân có bao nhiêu người chết, ở phòng nào, khoa nào. Và cứ đến giờ đọc mổ tử thi (10 giờ) do GS Vũ Công Hòe phụ trách ở Khoa Giải phẫu tôi xuống theo dõi, ghi chép. Hôm sau tôi báo cáo lại cho GS Đặng Văn Chung và cho tất cả anh em cùng nghe. Việc đó giúp cho cả thầy và trò học được rất nhiều, lớn lên rất nhiều.

Học trò Nguyễn Khánh Trạch hồi ức

về thầy Đặng Văn Chung

Bài học từ thầy

Ngày trước GS Đặng Văn Chung chẩn đoán bệnh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Chỉ bằng đôi tay, đôi mắt, đôi tai mà cụ chẩn đoán những bệnh hiếm và khó rất đúng. Ví dụ bệnh U tủy thượng thận hay u ở tụy, cụ chẩn đoán hầu như không sai. Khi đưa lên GS Tôn Thất Tùng mổ thì đúng như GS Chung đã chẩn đoán. Bây giờ chẩn đoán những bệnh như thế dễ dàng hơn nhiều vì có phương tiện hiện đại. Thời ấy việc chẩn đoán bệnh là cực kỳ khó khăn, có những biểu hiện lạ chẩn đoán nhầm bệnh thần kinh. Nhưng khi mời GS Đặng Văn Chung hội chẩn thì chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ Giáo sư khẳng định không phải điên và sau đó làm thêm xét nghiệm thì đúng không phải là điên mà do có u ở tụy tạng. Và khi bệnh nhân được GS Tôn Thất Tùng mổ cắt khối u đó thì khỏi bệnh hoàn toàn.

Những ai được GS Đặng Văn Chung khám, chữa bệnh thì rất yên tâm. Các phương tiện hiện đại bây giờ giúp ích rất nhiều cho các thầy thuốc chẩn đoán bệnh mà bằng mắt không phát hiện được. Thầy nói: Máy móc rất lợi hại nhưng lợi hại gì thì cũng không thể bỏ qua con người được. Máy móc rất chính xác, rất khoa học nhưng nếu không có con người  biết sử dụng nó thì nó cũng giảm hiệu quả. Thầy có dặn: đừng quá tin vào máy móc, phải kết hợp máy móc với con người. Giáo sư  luôn bảo chúng tôi mỗi khi chẩn đoán phải dựa vào dấu hiệu xác thực chứ không được chẩn đoán theo cảm giác hay cảm tính. Phải dựa trên dấu hiệu rất chính xác, đầy đủ, từ những dấu hiệu ấy mới đi đến chẩn đoán và như vậy sẽ bớt đi sai sót. Còn nếu chẩn đoán theo cảm giác thì có thể dẫn đến chết bệnh nhân. Ngoài ra, Giáo sư còn luôn dặn chúng tôi phải bám sát, theo dõi người bệnh, bệnh nhân vào viện ta chữa cho họ đỡ hoặc khỏi nhưng khi về nhà, ta cũng phải theo dõi xem người ta có khỏi hẳn không. Có những người theo dõi một thời gian sau thì họ chết, qua cái chết đó, ta sẽ biết được ta đúng hay sai, và đúng sai như thế nào. Có như thế mới rút được kinh nghiệm.

Về mặt sư phạm Giáo sư cũng là người thầy rất tuyệt vời. Năm thứ nhất chúng tôi học các môn cơ sở, đến năm thứ 2 đã đi thực tập ở bệnh viện rồi. Lúc đấy thầy thuốc còn ít lắm, ví dụ như ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ có BS Đặng Văn Chung, BS Đỗ Đình Địch và BS Nguyễn Ngọc Sang. Ngoài ra còn có những sinh viên khóa trên như anh Vũ Văn Đính, chị Nguyễn Thị Trúc, chị Dương Thị Cương. Và lớp các anh, các chị khóa trước lại kèm cặp lớp sau như bọn tôi. Học tự giác là chính. Không phải bài nào các thầy cũng giảng, các thầy giảng rất ít mà chủ yếu chúng tôi phải tự tìm tòi đọc sách và soạn bài. Khi chúng tôi đã tốt nghiệp và chuẩn bị giảng dạy thì Giáo sư Chung rất quy củ và nghiêm ngặt trong đào tạo. Trước khi được lên bục giảng cho sinh viên, chúng tôi phải giảng thử. Tôi được GS Chung giao giảng bài khám tim, nghe tiếng tim; thế là tôi phải soạn một bài chỉnh chu, xong rồi một buổi tối Giáo sư triệu tập hết anh em chúng tôi lại. Tôi phải giảng cho Giáo sư và các anh em khác nghe thử. Hôm đó tôi giảng không đạt, nên Giáo sư bắt tôi phải về sửa lại. Hôm sau, tôi giảng lại. Giảng đến khi nào đạt thì Giáo sư mới cho phép giảng cho sinh viên.

Về nguyên tắc đạo đức đối với bệnh nhân, GS Chung căn dặn: mình có chữa cho bệnh nhân được hay không là một việc, nhưng ít nhất mình đừng làm cho bệnh nhân đau đớn thêm. Giáo sư coi ai cũng như ai, cả người giàu, người nghèo, người thân, người không thân đã đến với Giáo sư thì  Giáo sư đều ưu ái và đều quan tâm như nhau cả, những động tác Giáo sư khám bệnh rất nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Giáo sư thường không nói cho bệnh nhân biết về bệnh tình nguy hiểm của họ.

GS Đặng Văn Chung thăm khám bệnh nhân

Dấu ấn đọng lại

Có thể nói GS Đặng Văn Chung đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Về mặt kiến thức, Giáo sư không phải là người truyền hết được kiến thức (vì kiến thức rộng mênh mông lắm) nhưng Giáo sư để lại cho chúng tôi phương pháp và những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Phương pháp đấy là không bao giờ được chủ quan tin vào cảm tính, nhận xét sơ sài mà phải đi đến tận cùng của hiện tượng, phải xác định chắc chắn rồi mới đi đến chẩn đoán và điều trị, đấy là nguyên tắc bất di bất dịch mà tôi học được từ Giáo sư.

Về Bộ môn Nội muộn hơn, kiến thức ít và chậm hơn so với anh em khác, nên ban đầu Giáo sư không chú ý đến tôi. Nhưng qua những công việc hàng ngày, tôi làm việc chăm chỉ cần cù, những việc Giáo sư giao tôi làm đến nơi đến chốn. Đặc biệt khi theo dõi việc mổ tử thi (Giáo sư là người rất giỏi về mổ tử thi) mà báo cáo không đúng là “chết” với Giáo sư ngay (mặc dù Giáo sư không dự mổ tử thi). Dần dần tôi cũng theo kịp anh em trong Bộ môn nên Giáo sư rất quý tôi. Bây giờ nhiều anh em thường bảo “thấy tôi giống cụ Chung lắm từ động tác đến cử chỉ”.

Một kỷ niệm khó quên về GS Đặng Văn Chung, GS Trạch kể: Trong thời gian Giáo sư bị ốm, Giáo sư được các học trò thăm nom, chăm sóc rất tận tình chu đáo. Tôi còn nhớ vào một buổi sáng, chúng tôi đến thăm Giáo sư tại Khoa Cấp cứu A4 Bệnh viện Bạch Mai, tôi đứng cạnh giường, Giáo sư lấy tay ra hiệu cho tôi cúi xuống. Bằng giọng miền Nam run run yếu ớt thầy bảo: các anh chị tốt với tôi quá, tôi rất cảm ơn các anh chị. Lúc đó linh tính báo cho tôi biết giờ phút thầy vĩnh viễn ra đi sắp đến. Tôi nói: xin thầy cứ yên tâm, chúng em rất biết ơn thầy. Hai ba giờ sau thầy ra đi mãi mãi. 

Luôn tôn trọng và nhớ về người thầy đáng kính – GS Đặng Văn Chung, GS.TS Nguyễn Khánh Trạch đã viết bài “Dấu ấn Đặng Văn Chung”. Bài viết được đăng trên Báo Nhân dân và được các đồng nghiệp khen ngợi. Giáo sư Trạch còn cho biết, năm 2012 một cuốn sách về GS Đặng Văn Chung – cuộc đời và sự nghiệp, sẽ được xuất bản.

 

                                                          Nguyễn Thị Phương Thúy

                                       Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam