GS Đặng Văn Chung, người thầy thuốc Nội khoa tiêu biểu

Đặng Văn Chung sinh năm 1910, quê ở Sa Đéc, học tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat, một “trường Tây” ở Sài Gòn trước cách mạng, khét tiếng “kén học trò giỏi”.

Tôn Thất Tùng sinh năm 1912, quê ở Huế, học Trường Bưởi, Hà Nội. Hai người bắt đầu thân nhau từ khi cùng vào học Đại học Y – Dược Hà Nội, rồi cùng thi đỗ nội trú: Tôn Thất Tùng trực tại Bệnh viện Phủ Doãn, Đặng Văn Chung tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cả  một lớp bác sĩ, dược sĩ ngày đầu cách mạng, những con người lòng đầy nhiệt huyết, như Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng, Đỗ Xuân Hợp, Vũ Văn Cẩn, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Trinh Cơ, Đỗ Tất Lợi, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Huỳnh Quang Đại…, sau “cái đêm mười chín” – đêm Kháng chiến toàn quốc bùng nổ – đều nhất quyết giã từ ba mươi sáu phố phường, lên rừng xanh Việt Bắc.

Một số quây quần quanh GS Hồ Đắc Di – người thầy thuốc lớp trước, thường được mọi người gọi là “Cụ Di” – mở Đại học Y – Dược kháng chiến tại làng Ải, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. 

Bỏ chiến khu, “vào tề”

BS Đặng Văn Chung cũng đã lên Chiêm Hoá, cùng GS Hồ Đắc Di và BS Tôn Thất Tùng giảng dạy ở Trường Y, khám chữa ở bệnh viện thực hành của trường. Trường đóng tại làng Ải, bên con ngòi Quẵng rộng như một con sông nhỏ, nước trong xanh, chảy giữa hai bờ cát trắng. Xa xa là vùng rừng thẳm lắm hổ, nhiều beo.

Đầu xuân Nhâm Dần - 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà riêng chúc Tết GS Đặng Văn Chung (người đeo kính trắng) và gia đình.

Đầu xuân Nhâm Dần – 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà riêng chúc Tết GS Đặng Văn Chung (người đeo kính trắng) và gia đình.

Ngày 7/10/1947, chỉ một ngày sau lễ khai giảng của trường ở Chiêm Hoá, Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc. Quân dù đổ bộ xuống Bắc Cạn. Quân thuỷ gồm nhiều ca-nô, tàu chiến ngược sông Lô. Từ Bắc Cạn, chúng tiến về Khe Khao, Đầm Hồng, theo hướng Chiêm Hoá. Nhà trường và bệnh viện sơ tán ngay các kho tàng vào bờ bụi dọc đường cái.

Những năm cuối đời, GS Đặng Văn Chung làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm cuối đời, GS Đặng Văn Chung làm việc tại TP.HCM

Thầy và trò rời trường sở ở làng Ải lánh vào rừng sâu. Vợ con các giáo sư, bác sĩ đi mảng qua ngòi Quẵng chuyển sang tạm lánh ở làng Bình. Quân Pháp đóng lạị tại huyện lỵ Chiêm Hoá suốt một tháng. Ngày nào chúng cũng lùng sục vùng quanh. Chúng hung hãn càn quét làng Ải, nơi trường đóng, cách huyện lỵ 60 km.

Sáng hôm ấy, tiếng tiểu liên tôm-xơn nổ mỗi lúc một gần. Từ làng Ải chúng vượt ngòi Quẵng sang làng Bình. Đạn bay vèo vèo trên đầu. Một toán lính lê dương tiến đến gần chỗ ẩn nấp của các vị giáo sư, bác sĩ và gia đình, mũ sắt lấp loá nhấp nhô. Tiếng loa của một tên Việt gian nghe rõ mồn một, kêu gọi các vị trở về làm việc tại Hà Nội: “Quân đội Pháp sẽ hết sức trọng đãi”! Chúng tôi biết các vị đang ẩn nấp quanh đây. Nếu không ra trình báo, sẽ nguy hiểm đến tính mạng!” Tiếng loa oang oang.

Trong giây phút nguy hiểm tột cùng, BS Đặng Văn Chung đành buông xuôi! Ông cùng gia đình “vào tề”, quay về làm việc tại Trường Y trong vùng địch chiếm.

Năm 1952, ông sang Paris thi lấy bằng thạc sĩ y khoa, học vị cao nhất trong ngành y (khác với bằng master hiện nay). Bằng cấp có cao hơn, cuộc sống có ô-tô, nhà lầu, nhưng sao mà trong lòng chẳng lúc nào được yên tĩnh thảnh thơi. 

Bức thư không đóng dấu bưu điện

Chiếc xe hơi sịch đỗ trước ngôi nhà ba tầng ở một ngõ vắng đầu phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Xuống xe, theo thói quen, GS Chung tra chìa vào ổ khoá, mở hòm thư riêng ở cánh cổng sắt. Vừa bước lên bậc thềm, ông vừa đọc lướt qua những dòng chữ đề ngoài bì thư. Chắc là thư của một người bệnh nào đó vừa được ông chữa khỏi gửi đến cảm ơn, hay của người quen, bè bạn nhờ giúp đỡ chuyện gì đây? Bỗng để ý thấy trên bì thư không dán tem – hẳn là người gửi không chuyển qua đường bưu điện, mà bỏ hẳn vào hòm thư riêng này – ông tò mò bóc ra xem ngay:

“Anh Chung thân mến,

Mấy năm qua, ở ngoài này bọn tôi vẫn hỏi thăm anh luôn  đó. Được biết anh chị và các cháu vẫn mạnh giỏi, tôi mừng lắm. Xin báo để anh chị biết: Nhà tôi, tôi và các cháu đều khoẻ. Bọn tôi đang sửa soạn trở về Thủ đô.

Mong anh ở lại, cùng bạn bè  chung lòng góp sức xây dựng nền y học Việt Nam. Hẹn gặp anh tại Hà Nội!”

Phải một lúc sau, GS Chung mới nhận ra chữ ký ở  cuối thư. Đúng! Đó là chữ ký của người bạn cũ: Tôn Thất Tùng.

Đêm hôm ấy, ông đưa cho vợ xem bức thư của GS Tùng. “Trong đời, tôi đã một lần phạm sai lầm đau đớn – ông nói. Giờ đây, không thể phạm lần thứ hai!” Ông bàn với bà cách tạm lánh ra vùng tự do một thời gian để khỏi bị quân Pháp và chính quyền Bảo Đại ép đi nam.

Chẩn đoán bệnh như thần

Sau ngày Hà Nội giải phóng, theo đề nghị của GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung được Nhà nước ta tin cậy bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội (Hiệu trưởng là GS Hồ Đắc Di) kiêm Chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai. Vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, vừa làm công tác điều trị tại bệnh viện đa khoa lớn nhất miền bắc, GS Chung rất bận. Mỗi tuần có bảy ngày, thì cả bảy ngày – không trừ chủ nhật – ông đều làm việc.

Sáng hôm ấy, theo lệ thường, ông khoác áo choàng trắng, đeo ống nghe đi khám bệnh ở dãy nhà C. Theo lời đề nghị của bác sĩ điều trị, Giáo sư dừng lại bên một bệnh nhân “đặc biệt”, một người béo tốt, hồng hào, khác hẳn đám bệnh nhân xanh xám, gầy nhom. Anh ta ngồi xếp bằng trên cái giường sắt, quanh mình bày một nải chuối tiêu đã bẻ mấy quả, một lọ đường, một hộp kẹo mở nắp và một gói bánh quy.

– Sao anh không xếp những thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh kia lên cái bàn con đầu giường, mà lại đem bày la liệt trên tấm vải trải giường trắng tinh như thế này cho nó dây bẩn ra?

– Dạ, thưa Giáo sư, không kịp ạ!

– Không kịp cái gì nhỉ? Tôi chưa rõ ý anh.

– Dạ, lúc em đói bụng ấy mà, với tay ra không kịp ạ!

– Thưa Giáo sư – người bác sĩ điều trị nói rõ thêm – anh này bị một chứng bệnh quá ư kỳ cục! Cứ một lúc lại… đòi ăn! Không có ngay lập tức một thứ gì ngòn ngọt cho vào bụng, là y như lên cơn co giật liền, bọt mép cứ sùi ra như người động kinh. Hàng phố gọi anh ta là… “ông háu ăn”! Đã có lần lên cơn, anh ta đập phá lung tung, người nhà phải đưa vào khoa tâm thần!

– Đây không phải là một ca tâm thần – GS Chung nói. – Tôi nghĩ, anh này mắc phải một chứng bệnh mà từ trước đến nay chưa một người thầy thuốc nào phát hiện được trong toàn cõi Đông Dương: bệnh hypolycémie tumorale (hạ đường huyết do u ở tuỵ). Khối u chỉ bé bằng hạt ngô, sờ nắn bên ngoài chẳng có cảm giác gì, chụp điện quang cũng chẳng rõ, do vậy dễ bỏ qua. Cách điều trị tạm thời là cho uống nước đường, nhưng muốn chữa khỏi hẳn, thì phải mổ, cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, ở nước ta chưa ai mổ ca nào như thế cả!

GS Chung nhờ GS Tùng, người bạn của ông từ thời sinh viên, nay là nhà phẫu thuật nổi tiếng thế giới, trực tiếp mổ ca đó. Khối u đúng là chỉ bé bằng hạt ngô, nằm ở khúc đuôi của tuỵ, sau khi bị cắt bỏ, người bệnh trở lại bình thường, không quá béo tốt như những năm mắc bệnh “háu ăn”…

GS Chung cũng đã phát hiện lần đầu tiên ở  nước ta nhiều chứng bệnh khác như: bệnh gút (goutte), bệnh u ở tuyến thượng thận (phéochromocytome), bệnh Seckel, bệnh mất mạch (tức là bệnh Takoyashu, tên nhà bác học Nhật Bản tìm ra bệnh này)…

Ngay từ những năm đầu sau giải phóng Thủ đô, GS Đặng Văn Chung đã bắt tay biên soạn nhiều bộ  giáo trình đại học như: Bệnh học nội khoa (hai tập), Điều trị học (hai tập). Hai bộ giáo trình này, về sau, được sửa chữa, bổ sung, in lại nhiều lần. Ông còn chỉ đạo Bộ môn Nội Đại học Y Hà Nội biên soạn cuốn Triệu chứng học nội khoa. Đó là những bộ giáo trình được giảng dạy tại các trường y ở khắp nước ta.

Ông cũng đã cộng tác với GS Trương Công Quyền biên soạn cuốn Tra cứu y – dược. Ngoài ra, để phổ cập kiến thức y học, ông đã viết cuốn Giải đáp về tim-mạch, Sức khoẻ và bảo vệ sức khoẻ

Hầu hết các thầy thuốc nội khoa ở Việt Nam hiện nay đều là học trò của GS Đặng Văn Chung, có người học trực tiếp, có người học qua sách ông viết.

Dưới mưa bom B-52

Trong những năm chiến tranh phá hoại, cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai, GS Chung ở lại thành phố, chữa chạy cho những ngời bị bệnh nội khoa nguy kịch (nếu chuyển đi xa, có thể chết ngay trên đường), và cấp cứu chiến thương: một em bé bị bom vùi, một cụ già bị ngạt, một bà mẹ bị choáng sau trận mưa bom…

Giường bệnh chuyển xuống tầng hầm. Giáo sư vẫn giữ nếp đi khám bệnh hằng ngày. Những phút ngớt bom rơi, ông ngồi sửa chữa, bổ sung những cuốn sách đã in, chuẩn bị cho lần tái bản.

Còi báo động!

Từ  phòng làm việc ở tầng hai, vị giáo sư cao tuổi vịn lan can chầm chậm bước xuống tầng một, rồi tầng hầm. Ông ngồi vào chiếc ghế đẩu đặt giữa hai dãy giường bệnh.

Bỗng có tiếng rú chói tai của máy bay phản lực B-52. Tầng hầm rung lên. Một luồng hơi cực mạnh xô ông ngã nhào. Quả bom nổ cách mười mét. Một anh bác sĩ Khoa Lây đứng cách chỗ ông mấy bước, nhô đầu lên cửa sổ thông hơi, bị mảnh bom từ ngoài bay vào phạt đứt ngang cổ!

Sau trận bom trải thảm, ông trở lại phòng làm việc, đứng sững nhìn hàng trăm trang bản thảo vừa được sửa xong bay loạn xạ khắp bốn phương tám hướng…

Không được cùng GS Tôn Thất Tùng dự trận Điện Biên Phủ năm nào trên núi rừng Tây Bắc, nhưng giờ đây, GS Đặng Văn Chung được cùng người bạn cũ dự trận “Điện Biên Phủ trên không “giữa phố phường Hà Nội.

Nhà  nước ta đã truy tặng GS Đặng Văn Chung Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.

Hàm Châu

Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201004/GS-Dang-Van-Chung-nguoi-thay-thuoc-noi-khoa-tieu-bieu-1749155/