Giảng đường mà GS Đặng Văn Chung từng lên lớp truyền đạt những kiến thức, những kinh nghiệm trong nghề cho các thế hệ sinh viên, bác sĩ không chỉ ở trường Đại học Y Hà Nội, mà còn ở các Bệnh viện trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) và một số bệnh viện địa phương. Dù ở nơi nào, với cương vị một thầy thuốc hết lòng vì người bệnh ông cũng nhiệt tình, đầy trách nhiệm truyền kiến thức, truyền tâm huyết với nghề cho những thế hệ kế tục tiếp theo.
Điều làm nhiều đồng nghiệp từng công tác cùng ông rất khâm phục, ngạc nhiên và thậm chí khó hiểu là vì sao GS Đặng Văn Chung có thể truyền dạy kiến thức ở mọi nơi mọi lúc như vậy? Ngoài trình độ chuyên môn bậc thầy về Nội khoa, ông còn thể hiện là một nhà sư phạm tài ba.
Và đối với người thầy, điều quan trọng không kém đó là việc giảng dạy phải được xuất phát từ sự yêu nghề, muốn truyền nghề cho thế hệ sau. Đó là những điều mà GS Đặng Văn Chung đã đau đáu trong suốt cuộc đời với nghiệp chữa bệnh cứu người. Những trang ghi chép với tiêu đề “Học làm thầy- Tôi làm thầy thế nào” bằng những nét bút rõ ràng, đôi chỗ có bổ sung sửa chữa của GS Đặng Văn Chung thật sự có giá trị như một cẩm nang, không chỉ cho ông trong suốt quá trình làm công tác giảng dạy đào tạo mà còn cho thế hệ sau.
"Học làm thầy- Tôi làm thầy thế nào?"
(Bản thảo viết tay của GS Đặng Văn Chung)
Điều thứ nhất của người giảng viên, theo GS Đặng Văn Chung là kiến thức phải thật chính xác. Truyền dạy những điều liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của con người nên ông rất cẩn trọng. Ngay cả khi trên cương vị là thầy, ông cũng không cho phép mọi người được quá tin tưởng những gì thầy dạy mà thường xuyên phải có sự kiểm chứng và luôn chú ý tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Không chỉ cẩn thận trong việc truyền đạt những kiến thức mà ông còn khắt khe trong giờ giấc lên lớp (bắt đầu và kết thúc).
Với GS Chung, bài giảng không phải là buổi thuyết trình mà phải có trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Ông đã sử dụng hai phương pháp phối giảng và giảng thảo để truyền đạt cho sinh viên. Phối giảng là phối hợp với nhiều giảng viên để giảng giải về một vấn đề, còn giảng thảo là hình thức thảo luận, trao đổi của giảng viên với sinh viên về một đề tài, một vấn đề. Ông không muốn sinh viên tiếp thu kiến thức một cách thụ động, một chiều nên ông đã sử dụng hai phương pháp giảng dạy trên để sinh viên có thể tiếp thu nhiều kiến thức, cùng thảo luận đưa ra những sáng kiến, phát hiện bổ ích. Với Môn bệnh học, ông minh họa bằng hình ảnh, mô hình, biểu đồ một số bệnh cụ thể để sinh viên dễ nhớ, dễ hình dung. Trong ký ức của những sinh viên Y khoađược giữ lại trường, niên khóa 1954-1960, thì trong thời gian tập sự, trước khi bắt đầu đứng trên bục giảng cho sinh viên, bao giờ GS Chung cũng yêu cầu họ phải giảng trước cho ông và một số đồng nghiệp nghe, nếu đạt ông mới cho lên bục giảng, không đạt phải tập duyệt lại.
Thông qua việc truyền đạt những kiến thức chuyên môn, GS Đặng Văn Chung luôn căn dặn, giảng giải cho sinh viên về đạo đức nghề nghiệp, điều này có thể thấy rõ qua thái độ của bản thân Giáo sư với người bệnh. Với ông vấn đề đạo đức là một trong những yếu tố không thể thiếu của một người thầy thuốc. Bệnh nhân dù giàu hay nghèo, người quen hay không ông vẫn nhiệt tình chu đáo, ân cần chữa trị. GS Vũ Đình Hải kể: "Có lần, một bệnh nhân chỉ vì bước đi chậm chạp, nói năng e dè mà bị một bác sỹ trẻ gắt gỏng, giục đi nhanh và yêu cầu phải nói to, nói nhanh. GS Chung thấy vậy nhẹ nhàng bảo người bệnh cứ đi từ từ, nói từ từ. Sau ông quay sang chấn chỉnh thái độ trịch thượng của vị bác sỹ kia”. Không chỉ đơn thuần khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, mà GS Chung còn quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người bệnh để có thể chia sẻ bớt phần nào mối lo toan của họ. GS Đặng Văn Chung chính là người đã đề xuất: Sinh viên trường Y ra trường phải học thuộc lời thề Hippocrate để trau dồi Y đức.
“Phong cách chẩn đoán bệnh của thầy xuất phát từ khách quan và toàn diện. Ai đã từng đến học tập ở Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai hẳn không bao giờ quên những buổi giao ban sôi nổi ở giảng đường C hay những buổi đi buồng thăm bệnh nhân của GS Đặng Văn Chung”, GS.TS Nguyễn Khánh Trạch – học trò và sau là đồng nghiệp của GS Đặng Văn Chung, nhớ lại. “Ông nghiêm khắc, tận tình chỉ bảo từ tất cả những kiến thức, kinh nghiệm có được, tuyệt nhiên không có tư tưởng giấu nghề”. Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam Cu-Ba) cũng đã từng nói “Tôi được học thầy ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng 8 ở Vạn Phước (Ứng Hòa) rồi Chiêm Hóa – Tuyên Quang, ngay từ khi đó thầy đã có phong cách riêng như vậy làm chúng tôi nhớ mãi”.
GS Đặng Văn Chung vừa khám chữa bệnh vừa giảng dạy cho các thế hệ bác sĩ
GS Nguyễn Khánh Trạch kể: Hiện nay có rất nhiều phương tiện hiện đại giúp các bác sỹ phát hiện được một số bệnh mà giác quan con người không thấy được. Tuy nhiên, máy móc vẫn chỉ là máy móc. GS Đặng Văn Chung đã từng nói rằng “đừng quá tin vào máy móc; chẩn đoán phải dựa trên những dấu hiệu sát thực, chính xác, đầy đủ nhất; không được dựa trên cảm giác, cảm tính, phải bám sát theo dõi bệnh nhân đến cùng”.Từ quan điểm đó, GS Chung đã xây dựng cho mình cách hỏi bệnh tỉ mỉ, cẩn thận để đưa đến những kết luận chính xác nhất. Ông không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào dù là nhỏ nhất.
Còn GS Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch) khái quát: Cụ (GS Đặng Văn Chung – TG) dạy cho chúng tôi là tất cả những gì liên quan đến người bệnh, người thầy thuốc lâm sàng phải để ý tới. Phải đào sâu suy nghĩ, chống thói nói chung chung. Làm sao cho mỗi chẩn đoán phải chuẩn…
Những phương pháp, đóng góp của GS Đặng Văn Chung trong việc đào tạo, giảng dạy cho các thế hệ học trò mang lại hiệu quả rất thiết thực trong Ngành Y tế Việt Nam. Năm 1981, sau chuyến ông đi bổ túc cho y sỹ ở huyện Tứ Lộc, Hải Hưng, Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đã viết thư gửi GS Đặng Văn Chung, có đoạn viết: “Được biết 2 đợt về bồi dưỡng y sĩ xã, anh làm việc tận tình, ti mỉ và chu đáo, anh chị em y sĩ xã cũng như các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính quyền, cán bộ phụ trách y tế địa phương hết sức hoan nghênh…Vì đây là một việc làm rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ngành trong việc xây dựng y tế phổ cập, phục vụ tới người dân, góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, thực hiện 5 mục tiêu, 5 dứt điểm về công tác y tế. Việc làm của anh không những có lợi cho Tứ Lộc, cho Hải Hưng và còn cho toàn Ngành”.
Cả cuộc đời gắn bó với ngành Y, GS Đặng Văn Chung để lại những công trình nghiên cứu Nội khoa mang nhiều giá trị thực tiễn cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đồng thời nó là cơ sở cho ra đời những tập giáo trình, những quyển sách về Nội khoa rất cần thiết cho việc dạy, học và nghiên cứu. Và với nhiều thế hệ học trò cũng như đồng nghiệp, GS Đặng Văn Chung luôn là một người thầy đáng nể trọng và quý mến, ông là một Nhà sư phạm y học hiếm có.
Nguyễn Thị Phương Thúy