Từ dòng họ khoa bảng một miền quê danh tiếng
GS Đặng Vũ Hỷ
Một ngày đầu xuân cách đây không lâu lắm, đến thăm Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tìm hiểu những kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện – đặc biệt là việc tìm ra quy trình điều chế vaccine cúm gia cầm H5N1, tôi được GS, TSKH Đặng Vũ Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng tiếp chuyện.
Câu chuyện của chúng tôi đang xoay quanh công việc hiện tại, bỗng phút chốc chuyển về những hoài niệm xa xăm, về hình ảnh GS Đặng Vũ Hỷ, người cha đáng kính đã mất của anh Minh. GS Hỷ là một trong 12 vị giáo sư y học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học y – dược vào năm 1996, người mà lúc ông còn sống, tôi đã may mắn được gặp mặt đôi lần tại Trường Đại học Y Hà Nội.
GS Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17/3/1910 (nhiều hơn GS Tôn Thất Tùng hai tuổi) tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một dòng họ khoa bảng lâu đời.
Không rõ từ bao giờ ở nước ta đã lưu truyền câu: Bắc Hà – Hành Thiện; Hoan Diễn – Quỳnh Đôi. Quả vậy, làng Hành Thiện trên đất bắc cũng như làng Quỳnh Đôi ở xứ Nghệ là hai nơi có nhiều người đỗ đạt nhất trong các kỳ thi đại khoa Nho học ngày xưa.
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu) cũng là người Hành Thiện, cháu nội cụ Tiến sĩ Nho học Đặng Xuân Bảng, con trai nhà Nho Đặng Xuân Viện. Đặng Xuân và Đặng Vũ là hai nhánh của họ Đặng ở làng này.
Thời trẻ, chàng trai họ Đặng Vũ được học hành đến nơi đến chốn: học tiểu học ở Nam Định, trung học ở Trường Albert Sarraut (hầu hết học sinh trong trường đều là “con Tây”), rồi học lên đại học ở Trường Y Hà Nội. Nhưng lúc bấy giờ trường này chỉ được phép đào tạo y sĩ Đông Dương; những ai muốn có tấm bằng bác sĩ y khoa thì, sau khi học xong năm thứ tư ở đây, phải sang Paris học tiếp. Năm 1937, Đặng Vũ Hỷ tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện Paris (một văn bằng rất khó) với bản luận văn La syphilis de l’ovaire (Bệnh giang mai buồng trứng) được Nhà xuất bản Amédée le Grand ấn hành ở Pháp, tất nhiên, chỉ dành cho số người đọc hạn chế là các thầy thuốc chuyên khoa.
Trở về nước, quá chán ngán cảnh làm việc dưới quyền bọn “quan Tây” ngạo nghễ, BS Hỷ mở phòng khám bệnh tư ở ngõ Hội Vũ, chỗ nhìn sang phố Quán Sứ, chuyên chữa các bệnh ngoài da và hoa liễu (gọi tắt là da liễu). Ân cần, đôn hậu, ông được người bệnh tin tưởng, kính yêu.
Dấn thân theo cách mạng
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ như một biến cố diệu kỳ. Một người đồng hương còn trẻ, thuộc dòng họ Đặng, ông Trường Chinh, hoá ra là một “yếu nhân” của cách mạng. Ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng nghe nói ông rất gần gũi Cụ Hồ…
Luồng gió mới của thời đại thổi tới khiến cho không gian giữa mấy bức tường của phòng khám bệnh tư bỗng nhiên trở nên sao mà chật chội, tù túng quá! BS Hỷ tìm gặp GS Hồ Đắc Di, người vừa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y kiêm Giám đốc Bệnh viện Đồn Thuỷ. Ngay trong phút đầu gặp mặt, GS Di đã vui vẻ mời BS Hỷ đến giảng dạy tại Trường Y kiêm chức Chủ nhiệm Phòng khám của Bệnh viện Đồn Thuỷ. BS Hỷ liền trở về nhà, đóng ngay cửa phòng khám bệnh tư, để dành hết thời gian và tâm trí cho công việc chung.
"Phong Lan Đình", nơi làm việc của các giáo sư Trường Đại học Y kháng chiến ở Việt Bắc (1947-1954).
Tháng 12/1946, tình hình Hà Nội cực kỳ căng thẳng. Lính mũ đỏ Pháp nghênh ngang trên đường phố, bắn vào đồng bào ta ở các phố Yên Ninh, Cửa Bắc. Xe nhà binh Pháp lồng lộn trong đêm cán chết cả người đi bộ. Khắp các ngả đường góc phố, tự vệ đào hào, dựng vật chướng ngại, sẵn sàng nổ súng đánh trả giặc ngoại xâm.
BS Hỷ cùng vợ và cậu con trai mới ba tháng tuổi Đặng Vũ Minh (hiện nay là Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vội lánh về quê nhà ở làng Hành Thiện. Tiếng súng kháng chiến nổ rền! Không đắn đo, ông gia nhập Vệ quốc đoàn, được giao phụ trách Trạm Quân y tiền phương ở Cổ Lễ. Hôm ấy, một em bé liên lạc bị giặc bắn giập nát cánh tay phải, máu chảy như xối, được cáng đến trạm. BS Hỷ lập tức cầm máu, sơ cứu cho em.
– Tây bắn như mưa, em chẳng sợ sao? – Bác sĩ hỏi.
Em lắc đầu, hơi nhíu mày, cố nén cơn đau, không hề la hét. Em được chuyển gấp về tuyến sau và ở đấy BS Nguyễn Trinh Cơ đành cắt bỏ một cánh tay em. Đó là “nhân vật” trong truyện ngắn Em Ngọc của Nguyễn Trinh Cơ in trên báo Văn Nghệ kháng chiến, về sau, được đưa vào sách giáo khoa môn văn bậc phổ thông.
Sau này, có lần GS Phạm Khuê kể lại về những tháng ngày GS Đặng Vũ Hỷ phụ trách Viện Quân y Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình:
“Tôi làm việc bên cạnh anh Hỷ. Một điều làm tôi rất cảm phục là, tuy anh ở Pháp lâu, làm chuyên môn là chính, nhưng khi cần vẫn tổ chức, chỉ huy rất tốt. Năm 1947, giặc Pháp tiến công lên Việt Bắc, đồng thời, đánh luôn căn cứ Ninh Bình, tạo nên một gọng kìm nguy hiểm. Viện Quân y chúng tôi bị đánh. Anh Hỷ đã chỉ huy đâu ra đấy đơn vị sơ tán vào chân núi Dưỡng Khê, bảo đảm an toàn cho tất cả thương binh, phương tiện, dụng cụ. Bình tĩnh đứng trên một cái gò cao, anh chỉ tay, nói to và gọn, ra những mệnh lệnh chính xác và cụ thể. Tôi thoáng nghĩ: Trí thức nước ta như thế đấy!”
Những năm sau đó, BS Hỷ làm việc tại Trường Y sĩ Liên khu III – IV ở Nông Cống, Thanh Hoá. Là thầy thuốc chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người dạy nội khoa, ông đành phải tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp (sách mượn, phải trả gấp). Chiến tranh kéo dài. Khổ cực triền miên. Nhưng vợ chồng ông vẫn một lòng sắt son đi theo kháng chiến. Là con gái nhà học giả Phạm Quỳnh, trước cách mạng từng làm Thượng thư Bộ Lại, thế mà giờ đây bà Phạm Thị Thức chịu khó trồng chuối, tưới rau, nuôi gà, kiếm củi y như một bà mẹ trẻ hay lam hay làm ở chốn làng quê!
Năm 1953, Trường Y sĩ Liên khu III – IV chuyển lên Việt Bắc, sáp nhập với Trường Đại học Y. BS Hỷ cùng gia đình lại một phen khăn gói cuốc bộ lên rừng Chiêm Hoá, Tuyên Quang gặp “cụ Di, anh Tùng”. Trường và Bệnh viện thực hành của trường đặt ở làng Ải bên con ngòi Quẵng, thuộc huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. GS Hiệu trưởng là cụ Hồ Đắc Di. Giám đốc Bệnh viện thực hành là GS Tôn Thất Tùng. GS Đặng Văn Ngữ từ Nhật Bản trở về nước qua đường Thái Lan từ năm 1949, mang theo mấy chủng nấm pênixilin, cũng đang giảng dạy tại đây.
Vị giáo sư đầu ngành da liễu
Năm 1954, trở về Hà Nội, ông mới được làm công việc đúng với sở trường: Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Trường Đại học Y – Dược kiêm Chủ nhiệm Khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai.
Trong một thiên hồi ký, GS Phạm Khuê cho biết, GS Đặng Vũ Hỷ đã từng nói với ông vào tháng 10/1954:
“Khi bước chân trở lại Hà Nội, chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như thế. Mình đã làm nhiệm vụ đối với đất nước. Cách mạng và kháng chiến có gian khổ, mất mát nhưng nếu cần làm lại cuộc đời, mình vẫn sẽ làm như vậy.”
Là người ưa thích nghiên cứu, ông đọc ngấu nghiến các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành mà ở Việt Bắc không sao tìm được, để cập nhật kiến thức. Rồi ông liên tiếp biên soạn và đưa in 5 cuốn sách về bệnh phong, bệnh hoa liễu và các bệnh ngoài da khác. Từ năm 1954 đến 1972, ông công bố 48 công trình trên các tạp chí chuyên ngành ở Pháp, Anh, Đức, Romania…
Ông hết sức thương xót những người mắc bệnh phong, luôn luôn tìm mọi cách chạy chữa cho họ.
BS Trần Văn Ngoạn, nguyên Giám đốc Trại Phong Quy Hoà ở Quy Nhơn (nơi trước kia nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng đến điều trị) thường kể với mọi người:
“Sở dĩ tôi chọn ngành này là do thầy Hỷ khuyên tôi. Thầy nói: Trong xã hội ta còn quá nhiều thành kiến sai lầm đối với người mắc bệnh phong! Anh trẻ hơn tôi, hãy giúp tôi xóa bỏ những thành kiến đó, và cứu chữa người bệnh.”
GS Đặng Vũ Hỷ ốm nặng giữa lúc không quân Mỹ đánh phá dữ dội miền bắc nước ta. Nhận rõ công lao to lớn của ông đối với đất nước, năm 1971, Chính phủ ta gửi ông sang điều trị tại Trung Quốc. Nhưng, do bệnh quá nặng, ông qua đời ngày 4/10/1972, ở tuổi 62, độ tuổi còn dồi dào năng lực sáng tạo. Các bạn Trung Quốc an táng ông tại nghĩa trang Ngân Hà ở thành phố Quảng Châu. GS Đặng Vũ Minh cho biết: Năm 2003, gia đình đã đưa hài cốt GS Đặng Vũ Hỷ trở về nước, an táng tại nghĩa trang Tiên Sơn tại quê nhà Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định.
Thương tiếc GS Đặng Vũ Hỷ, trong một bài báo viết năm 2008, GS Phạm Song, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, viết:
“Chúng tôi thuộc thế hệ sinh viên y khoa khoá 1952- 1956, khoá cuối cùng học trong rừng Chiêm Hoá, Tuyên Quang, rồi về học tiếp tại Hà Nội, được học thầy Hỷ về da liễu (…). Tỉ mỉ, ân cần, từ tốn, tôn trọng bệnh nhân là những điều cơ bản thầy Hỷ để lại trong tâm hồn chúng tôi lúc còn trẻ, mới bước vào ngành y.”
Tại Trại Phong Quy Hoà, các thầy thuốc và bệnh nhân đã dựng tượng ông với dòng chữ khắc sâu trên đá:
“Cuộc đời tận tuỵ vì người bệnh, y đức trong sáng của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ để lại những nét sâu đậm trong lòng những người mắc bệnh phong và thầy thuốc chuyên khoa.”
Ông được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về 2 cuốn sách chuyên khảo, 16 công trình nghiên cứu bệnh phong, bộ giáo trình Bệnh da liễu, và 32 công trình nghiên cứu khác.
Hàm Châu
Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201004/GS-Dang-Vu-Hy-vi-an-nhan-cua-nguoi-mac-benh-phong-1751672/