Cao vọng của nhà dược học 27 tuổi
GS, TSKH Đỗ Tất Lợi.
Ngày 30/10/1946, trên một tờ báo hàng ngày xuất bản tại Hà Nội, Dược sĩ Đỗ Tất Lợi, lúc bấy giờ mới 27 tuổi và mới ra trường hai năm, đã sớm lên tiếng về sự cần thiết phải “bảo vệ di sản y – dược của tiền nhân”. Ông viết:
“Nghề thuốc Bắc, thuốc Nam đã có mấy nghìn năm kinh nghiệm và còn để lại nhiều tên tuổi rõ ràng trong lịch sử. Thế mà ngày nay nghề này đang ở vào tình trạng suy tàn như chúng ta đã thấy, và cứ cái đà ấy, nó sẽ đi đến chỗ chết! Nghề chết thì cả cái kho tàng kinh nghiệm của tiền nhân cũng chẳng còn!”
Tất nhiên, nguyên nhân của tình trạng đó là chính sách của nhà cầm quyền thực dân Pháp khinh miệt và hạn chế Đông y.
“Chính vì muốn cứu vãn nghề thuốc Bắc, thuốc Nam và nhất là cái di sản quý hoá của tiền nhân – ông viết tiếp – mà chúng tôi thấy cần phải cải tổ nghề này”.
Chan chứa nhiệt tình, người dược sĩ đại học trẻ tuổi được đào luyện bằng văn hoá Pháp, đã sớm tìm đường trở về cội nguồn dân tộc, trân trọng di sản của ông cha, quyết tâm tìm hiểu, kế thừa và phát huy di sản ấy, coi đó là “cao vọng” của cả đời mình. Ngay từ năm 1946, ông đã đề xuất ý kiến là, trong chương trình mới của Đại học Y – Dược Hà Nội, nên có thêm phần thuốc Bắc, thuốc Nam. Ông kiến nghị một số biện pháp để cải tổ việc sao chế, bán thuốc và việc khảo cứu những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Rồi ông kết luận:
“Khi nào có những dược sĩ thông thạo những phương pháp của Âu Tây và am hiểu môn thuốc Bắc, thuốc Nam trông nom, thì nghề thuốc Bắc, thuốc Nam mới có cơ phát đạt được (…). Khi ấy ta sẽ có người đủ học lực để bảo vệ những bài học của tiền nhân, cứu vớt những kinh nghiệm cổ truyền đã phai mờ trong trí nhớ, tiếp tục và bồi bổ cái di sản của các nhà dược học phương Đông”.
Đêm 19/12/1946, Đỗ Tất Lợi đang ngồi uống trà trong ngôi nhà yên tĩnh của mình ở làng hoa Hữu Tiệp cạnh vườn Bách Thảo thì bỗng nghe tiếng súng nổ ran.
Hôm sau, rời Hà Nội đi tham gia kháng chiến, ông chỉ kịp mang theo chiếc xe đạp cà tàng và mấy thứ đồ dùng vặt vãnh. Gia nhập quân đội, ông được cử giữ chức Giám đốc Viện Khảo cứu và Chế tạo Dược phẩm, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng.
Tìm cây “mã lìn ón” đã cứu sống Bác Hồ
Ở An toàn khu Sơn Dương, một lần DS Lợi nghe ông Lê Quảng Ba kể lại rằng Bác Hồ thường dặn các cán bộ gần Bác: Hễ đi đường rừng gặp cây mã lìn ón, một loại cây leo, thì hái cả lá, bứt cả dây, đào cả củ, phơi khô, mang theo trong ba-lô, bởi vì đó là một vị thuốc chữa sốt rất hay.
Ông rất băn khoăn: Cái tên mã lìn ón nghe lạ tai quá nhỉ! Chẳng biết có nghĩa lý gì không? Thế rồi, một đêm đông, ngồi uống rượu ngô với ông ké người Tày bên bếp lửa bập bùng đỏ rực, ông dược sĩ Tây y đem điều băn khoăn kia ra hỏi. Ông ké giải thích: Mã lìn ón đọc theo âm Hán-Việt là mã liên an. Vừa nói ông ké vừa viết ba chữ Hán kia ra sàn nhà lát ván lim…
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một vị tướng quân dũng mãnh ruổi ngựa qua rừng, chẳng may lăn ra cảm sốt, thập tử nhất sinh! Một ông lang miền ngược bèn lấy lá và củ một thứ cây rừng gì đó chữa cho vị tướng kia khỏi sốt. Cảm ơn cứu mạng, vị tướng bèn “hạ mã”, đem biếu ông lang cả ngựa lẫn yên, rồi tự mình cuốc bộ xuyên rừng. Từ đấy cây thuốc “vô danh” nọ bỗng mang cái tên nghe rất “văn chương”: mã liên an (có nghĩa ngựa liền yên). Bà con miền núi đọc chệch đi theo tiếng Tày là… mã lìn ón!
Chẳng bao lâu sau, trên đường qua châu Tự Do (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hiện nay), Đỗ Tất Lợi được bà con vùng cao chỉ cho thấy tận mắt cây mã lìn ón.
Đó chính là thứ cây mà ông lang già người Tày từng chữa cho Bác Hồ khỏi chứng sốt cao, hồi còn ở lán Nà Lừa, trước ngày Tổng Khởi nghĩa (xem hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Phát hiện cây “mã xực mã xử, cẩu xực cẩu phì”
Khi còn là sinh viên, Đỗ Tất Lợi từng hỏi bác nhân viên già ở la-bô dược liệu học, mượn một ít hạt mã tiền khô.
Trong kháng chiến, Đỗ Tất Lợi được một bà cụ người Tày ở Bắc Cạn chỉ cho thấy cây mã tiền tươi sống. Ông không dễ tin ngay bởi vì, theo sách của các nhà dược liệu học người Pháp, thì mã tiền không mọc ở xứ Tonkin (Bắc Kỳ)!
– Đúng là cây mã tiền đấy, ông ơi, cái cây “cẩu xực cẩu xử, mã xực mã phì” ấy mà! – Bà cụ nói chắc như đinh đóng cột.
Mã tiền là một vị thuốc quý, nhưng có chứa chất độc; dùng ít thì tăng bài tiết dịch vị, tăng tốc độ chuyển hóa thức ăn sang ruột, do đó, ngựa ăn, ngựa béo. Nhưng, cũng vẫn với khối lượng như thế, nếu con chó – thể trọng nhẹ hơn con ngựa – ăn vào thì lại lăn quay ra chết! Bởi lẽ cây mã tiền có chứa strychnin, một loại chất độc, nếu dùng quá liều, có thể làm cho con vật co giật, rút gân hàm, lồi mắt, cứng đờ tứ chi, ngạt thở, rồi chết!
Dược sĩ Đỗ Tất Lợi trong phòng thí nghiệm hoá dược tại chiến khu Việt Bắc.
Nhìn kỹ cái cây bà cụ vừa chỉ cho xem, Đỗ Tất Lợi thấy rõ đó là một loại cây leo, hạt như những chiếc khuy áo to. Phải rồi! Đích thị là hạt Strychnos, loại hạt mà bác nhân viên già trong la-bô dược liệu học năm nào đã từng đưa cho ông mượn. Ấy thế mà vị giáo sư người Pháp dạy ông ngày trước dám quả quyết rằng mã tiền không thấy mọc ở xứ Bắc Kỳ!
Cuộc sống giúp DS Lợi nhận rõ: Chớ nên mù quáng tôn sùng sách vở! Đúng là ta cần khiêm tốn, không ngừng học hỏi Tây y. Nhưng đừng bao giờ coi nền y học ấy là “vị cứu tinh” duy nhất, tuyệt đối trong cõi người đầy đau thương bất hạnh này!
Từ lá tre, lá táo đến cây thường sơn đất Ba Thục
Năm 1948, Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Văn Đàn cho in trên tờ báo Vui Sống bài Tương lai chữa bệnh của clorophil. Lúc bấy giờ, đó là một loại kháng sinh mới. Đỗ Tất Lợi chiết được clorophil từ nguồn dược liệu vô tận là lá tre, lá táo để điều trị những vết loét, vết thương cho bộ đội.
Ở vùng rừng núi Thái Nguyên, Tuyên Quang, ông tìm thấy rất nhiều thường sơn. Sở dĩ có tên thường sơn, bởi vì người ta đã phát hiện lần đầu tiên giống cây này trên ngọn núi Thường Sơn, đất Ba Thục xưa, nơi “dung thân” của Lưu Bị, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc bên Tàu. Ông và những người cộng tác chế ra cao thường sơn chữa sốt rét, thứ thuốc mà các anh bộ đội quen gọi là “kí-ninh đen”.
Ông cũng chế tinh chế dầu tràm làm thuốc xoa, thuốc tiêm, thuốc sát trùng dùng để rửa và đắp vết thương cho đồng bào, chiến sĩ.
Từ nhiều vị thuốc dân dã như búp ổi, trần bì, lá cà độc dược…, Đỗ Tất Lợi nghiên cứu chế thành những dạng thuốc tiện dùng và công hiệu thay cho các thứ thuốc phải mua từ vùng tạm bị Pháp chiếm đóng như tanin, belladon…
Đóng góp lớn cho dược học Việt Nam và thế giới
Sau ngày Hà Nội giải phóng, Đỗ Tất Lợi có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện chí hướng của mình. Ngoài các tài liệu chuyên môn in bằng các thứ tiếng Anh, Đức, Pháp mà ông vẫn quen tham khảo, ông còn học chữ Hán, chữ Nôm để đọc thêm sách thuốc của Trung Quốc và Việt Nam xưa, như: Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, Bản thảo cương mục học di của Triệu Học Mẫn, Dược điển Trung Quốc, Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, Bách gia trân tàng, Hành giản trân nhu của Hải Thượng Lãn Ông, v.v. Rồi ông học tiếng Nga để tiếp thụ những thành tựu dược học hiện đại.
Làm việc miệt mài trong thư viện và phòng thí nghiệm, nhưng Đỗ Tất Lợi cũng là “con người điền dã”, đặt chân khắp mọi miền đất nước. Ông lên Lạng Sơn tìm cây kim anh, đến Lào Cai tìm cây tục đoạn, tới Sa Pa khai thác cây gấu tàu, hoàng liên…
Thật khó lòng điểm qua – dù chỉ là đôi nét – hơn 150 công trình nghiên cứu của ông. Chỉ có thể dừng lại ở công trình đồ sộ nhất, được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Bộ sách dày hơn 1.274 trang khổ lớn, bìa cứng, thế mà đã được tái bản tới… 15 lần! Một kỷ lục về xuất bản ở nước ta! Về bộ sách này, cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã từng nhận xét:
“Rất tốt, rất dễ hiểu, rất phong phú. Cái hay của bộ sách là trình bày kinh nghiệm bản thân cùng với kinh nghiệm dân gian, kinh nghiệm nước ngoài”.
Ngày 31/5/1968, Hội đồng Khoa học Viện Hoá dược học Leningrad, Liên Xô cũ (nay là Saint Petersburg) đã họp để đánh giá những hoạt động khoa học của nhà dược học Việt Nam và nhất trí nhận xét:
“Đỗ Tất Lợi hoàn toàn xứng đáng được tặng học vị tiến sĩ khoa học trên cơ sở những công trình của mình mà không cần bảo vệ”.
Tại buổi họp ấy, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học A. F. Hammerman nói:
“Trước kia y học dân gian chỉ được truyền miệng từ thầy sang trò, giờ đây đã được viết thành sách để khỏi mất đi những điều tích luỹ được qua mấy nghìn năm. Đó là công lao to lớn của Đố Tất Lợi, không những đối với nhân dân Việt Nam, mà còn đối với khoa học thế giới.
Công lao thứ hai không kém phần to lớn là ông đã giải thích và đưa việc phân tích các dược liệu đó lên trình độ khoa học hiện đại (…). Mỗi cây thuốc đều được mô tả đúng đắn về mặt thực vật học, sự phân bố, và, trong điều kiện có thể, về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, đôi chỗ còn có cả công thức triển khai. Nhiều cây thuốc đã được ông tự nghiên cứu về mặt hóa học hay cùng làm với học trò của ông (…).
Có thể nói, trong rất nhiều bộ sách về cây thuốc nhiệt đới đã xuất bản trên thế giới, chưa có bộ sách nào sánh được với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học…”.
Hàm Châu
Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201007/GS-Do-Tat-Loi-mot-nguoi-ke-thua-Tue-Tinh-Lan-Ong-1759656/