GS Hồ Tôn Trinh với nghiên cứu văn học phương Tây

GS.TSKH Hồ Tôn Trinh, còn được biết đến với bút danh Hoàng Trinh, sinh năm 1920 tại Viêng Chăn, Lào, nguyên quán xã Đài Nại, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông giác ngộ và tham gia cách mạng từ sớm. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông công tác tại Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Thạch Hà rồi chuyển sang làm Phó Ban Tuyên huấn tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trưởng ty Tuyên truyền văn nghệ Hà Tĩnh. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông tham gia vào các hoạt động tuyên huấn văn nghệ giáo dục ở Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1959, ông được cử về tham gia xây dựng Viện Văn học cùng với các vị Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan… trong vai trò thư ký khoa học.

Ông Hồ Tôn Trinh (hàng sau, áo trắng ngồi giữa) cùng đồng nghiệp tại Ba Vì, khoảng thập niên 50-60

Ông Hồ Tôn Trinh (hàng sau, áo trắng ngồi giữa) cùng đồng nghiệp tại Ba Vì, khoảng thập niên 50-60

Vậy là từ môi trường hoạt động tuyên huấn, tuyên truyền, gần 40 tuổi ông đến với con đường nghiên cứu. Từ đó, ông được tiếp xúc với những học giả hàng đầu của giới khoa học xã hội và nhân văn nước ta. Thời kỳ đầu, ông phụ trách nghiên cứu văn học phương Tây tại Viện Văn học, thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Trong số các tác phẩm văn học phương Tây mà ông dịch/tham gia dịch phải kể đến bộ tiểu thuyết Đất vỡ hoang của nhà văn Xô – viết M. Solokhov – tác phẩm cổ điển của nền văn học xã hội chủ nghĩa.

Ông lựa chọn hai vấn đề là thân phận con người và thời gian trong các tác phẩm văn học phương Tây để đào sâu nghiên cứu. Bởi theo ông, xoay quanh nó bộc lộ những khuynh hướng văn học, tư tưởng triết học và mỹ học[1]. Với vốn tiếng Pháp trung học, ông đi vào văn học phương Tây, vừa làm vừa học, làm đến đâu học đến đấy và học đến đâu làm đến đấy[2]. Trong quá trình nghiên cứu, ông cũng nhận sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà nghiên cứu có tiếng như Cao Xuân Huy (Viện Văn học), Vũ Khiêu (Viện Triết học) và các đồng nghiệp ở Tổ Văn học thế giới, Tổ Văn học miền Nam.

Hồ Tôn Trinh trong dịp công tác tại San Francisco, Mỹ, 9-1982

Mùa hè năm 1967, ông có dịp sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức để tìm hiểu thêm một số vấn đề lý luận trong văn học và triết học hiện đại các nước phương Tây. Chuyến đi này, ông đã được Viện Hàn lâm khoa học, Viện Nghiên cứu ngôn ngữ và văn học các nước viết bằng tiếng Roman; Viện Triết học và Thư viện Quốc gia Đức cung cấp thêm cho một số tư liệu có giá trị. Trong các tọa đàm khoa học, ông cũng tiếp thu được nhiều ý kiến bổ ích về những vấn đề đang nghiên cứu. Và ông đã tự tin để khẳng định: Câu nói đầy tội lỗi của Ruydyard Kipling[3] “Đông là Đông, Tây là Tây. Đông và Tây không bao giờ gặp nhau” đã bị nhân dân ta cũng như nhân dân nhiều nước trên thế giới, vứt vào sọt rác của lịch sử từ lâu[4].

Mặc dù vậy, nghiên cứu văn học và con người phương Tây trong giai đoạn đất nước còn đối mặt chiến tranh khốc liệt, hạn chế về nhiều mặt, thật chẳng dễ dàng. Như tác giả từng bộc bạch: Chúng tôi nghĩ rằng đi vào văn học hiện đại phương Tây thật cũng chẳng khác gì đi vào “những khu rừng rậm thường là rất khó vào”, nói như nhà văn Pháp Gabrien Macxen. Những cái tốt cũng khó mà nhìn thấy hết, những cái không tốt lại càng không phải dễ dàng một lúc mà chỉ ra ngay được[5].

Với lòng quả cảm, ông Hồ Tôn Trinh đã tự mở con đường xuyên qua sa mạc đầy khó khăn ấy. Năm 1969, ông công bố công trình Phương Tây – văn học và con người tập 1, hai năm sau tiếp tục xuất bản tập 2 (1971). Trong lời nói đầu cho tập 1, ông viết: Chúng tôi viết một số công trình nghiên cứu nhỏ này với hy vọng góp phần làm sáng tỏ thêm những biểu hiện phức tạp của một vài vấn đề và quan điểm văn học ở các nước phương Tây có ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục các vùng tạm chiếm ở miền Nam[6].

Bộ sách trên đã giúp tên tuổi ông được nhiều người biết đến. GS.TS Trần Đình Sử, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: Người ta chú ý đến đề tài văn học và con người của ông, nó có nội dung triết học. Đây là bộ sách phê phán các quan niệm văn học tư sản vốn được coi là đồi trụy, bế tắc của phương Tây mà các đô thị miền Nam đang tiếp nhận, do đó nó cũng có ý định gián tiếp hướng tới đấu tranh chống văn hóa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, thể hiện nhiệt tình chiến đấu của người chiến sĩ văn hóa, nhưng cách viết tỏ ra có sự hiểu biết về con người của một thế giới khác[7].

Bên cạnh đó, khi bộ sách ra đời, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, bàn tán về những luận điểm đưa ra trong sách. Các nhà nghiên cứu sành tiếng Pháp chưa thực sự tin vào học thuật của ông. Thậm chí, có người xem công trình của ông là thứ chỉ đáng in ronéo. Chưa kể, công trình còn được cho là chưa thiết thực với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là khi ông xuất thân là cán bộ tuyên huấn.

Nhưng  bộ sách Phương Tây – văn học và con người đã góp phần giúp nhà nghiên cứu Hồ Tôn Trinh được quốc tế công nhận như là một việc kỳ diệu. Năm 1979, ông vinh dự được bầu là Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Ngày ấy, trong giới khoa học xã hội chỉ có GS Nguyễn Khánh Toàn (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục) được bầu danh hiệu này.

Giấy chứng nhận ông Hồ Tôn Trinh là Viện sĩ của Viện Hàn lâm khoa học Hungary, 11-5-1979

Khi nghiên cứu văn học phương Tây, tác giả Hồ Tôn Trinh nhấn mạnh, phải hiểu nhiều nền văn học, văn hóa để lý giải, giới thiệu văn học nước nhà cho cặn kẽ, thuyết phục. Và trong việc tìm hiểu, tiếp thụ văn học nước ngoài, tuyệt đối không phân biệt đối xử theo định kiến. Vì thế, khi nghiên cứu văn học phương Tây hiện đại, phê phán chủ nghĩa cấu trúc, ký hiệu học, dần dần ông đã bị các lý thuyết này thuyết phục. Năm 1979, tác phẩm Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học của ông do Nxb. Văn học phát hành đã được giới thiệu với bạn đọc. Vận dụng ký hiệu học để nghiên cứu ca dao, tục ngữ, dân ca, bài ru con Việt Nam, năm 1986, ông cho ra đời công trình Đối thoại văn học (Nxb. Hà Nội). Và sau đó là Từ ký hiệu học đến thi pháp học (Nxb. Khoa học xã hội) được ra mắt bạn đọc năm 1992. Hai năm sau, ông trở thành thành viên Hiệp hội Ký hiệu học quốc tế và được nhiều bạn bè quốc tế biết đến.

Cũng theo GS.TS Trần Đình Sử, những năm 70 của thế kỷ trước, GS Hồ Tôn Trinh có thể là người sớm nhất ở miền Bắc, giới thiệu một cách khá hệ thống một số khái niệm cơ bản của ký hiệu học cấu trúc vào Việt Nam. Sự ra đời các công trình ký hiệu học của ông tạo thuận lợi cho việc truyền bá các học thuyết lý luận, mỹ học phương Tây vào Việt Nam như thi pháp, văn học so sánh, tiếp nhận văn học[8]… Tháng 6-1989, ông được mời sang Mỹ nghiên cứu ký hiệu học tại trường Đại học Cornell trong vòng nửa năm. Ngoài ra ông còn được mời thuyết trình và giảng dạy tại một số trường đại học ở Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông từng chia sẻ với đồng nghiệp: Lần đầu được mời sang Mỹ giảng về Văn học Việt Nam, hằng ngày mình phải tự học tiếng Anh từ 4 giờ cho đến 8 giờ sáng, cứ như vậy suốt sáu tháng liền mới đủ từ để giảng[9] […] Mình khi đi dự các hội thảo khoa học quốc tế luôn luôn tôn trọng quy định trình bày ý kiến không quá 7 phút/lượt; do vậy mình phải tập phát biểu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong khách sạn với đồng hồ đo thời gian, để khi đến hội nghị phát biểu rành mạch, gãy gọn, bật lên được điều chính yếu của vấn đề hoặc như người xưa nói, tức là chạm vào được cái “hồn”, cái “thần” của tư duy khoa học[10].

Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao Giấy chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

cho GS Hồ Tôn Trinh (phải), 1996

Trong những dịp sang nước ngoài nghiên cứu, công tác, GS Hồ Tôn Trinh không chỉ tiếp nhận tinh hoa của văn hóa thế giới mà còn giới thiệu những tinh hoa văn hóa dân tộc giúp cho bạn đọc nước ngoài hiểu thêm về Việt Nam. Chính sự tâm huyết, hết mình vì khoa học, cùng với đức tính giản dị, khiêm tốn, Giáo sư luôn được bạn bè, đồng nghiệp quý mến. Ghi nhận những đóng góp khoa học của ông, năm 1996, Nhà nước đã trao tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình gồm 4 tác phẩm: Phương Tây, văn học và con người (2 tập, 1969 và 1971); Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học (1980); Đối thoại văn học (1986); Từ ký hiệu học đến thi pháp học (1992). Các công trình này đến nay vẫn là tài liệu giảng dạy và nghiên cứu có giá trị, được giới nghiên cứu và bạn đọc đánh giá cao.

Nguyễn Điệp

_______________________

*GS.TSKH Hồ Tôn Trinh (1920-2011), chuyên ngành Văn học, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam.

[1] Hà Công Tài, “Trên hành trình nghiên cứu ký hiệu học”, Tạp chí  Nghiên cứu Văn học, số 8, 8-2020, tr.19.
[2] Lấy ý từ lời mở đầu của GS.TSKH Hồ Tôn Trinh trong cuốn 40 năm trên một chặng đường khoa học, Nxb. Khoa học xã hội, 1999.
[3] Rudyard Kipling là nhà văn, nhà thơ người Anh, ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1907.
[4] Hoàng Trinh, Phương Tây – văn học và con người, 1969, tr.9-10.
[5] Hoàng Trinh, Phương Tây – văn học và con người, 1969, tr.12.
[6] Hoàng Trinh, Phương Tây – văn học và con người, 1969, tr.11.
[7] Trần Đình Sử, “Giáo sư, viện sĩ Hoàng Trinh với ký hiệu học và thi pháp học”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, 8-2020, tr.7-8.
[8] Trần Đình Sử, “Giáo sư, viện sĩ Hoàng Trinh với ký hiệu học và thi pháp học”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, 8-2020, tr.10.
[9] Hoàng Chương, Nhớ Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh, https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/Nh%E1%BB%9B-Gi%C3%A1o-s%C6%B0,-Vi%E1%BB%87n-s%C4%A9-Ho%C3%A0ng-Trinh-532154.
[10] Nguyễn Ngọc Thiện,  “Kỷ niệm về Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh – Người thầy, người anh, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học hàn lâm”, Tạp chí  Nghiên cứu Văn học, số 8, 8-2020, tr.15.