* Thưa GS Hoàng Ngọc Hiến, vậy là thầy đã bát tuần thượng thọ rồi. Sức khỏe của thầy vẫn tốt chứ ạ?
– So với các cụ ở lứa tuổi tôi thì bình thường, thậm chí là khỏe vì hàng ngày tôi vẫn lao động tốt và lao động có hiệu quả. Còn so với thanh niên thì yếu quá rồi. Với tôi, sức khỏe phụ thuộc vào công việc. Nếu làm việc hiệu quả, tôi thấy rất sảng khoái và khỏe mạnh!
* Thời khóa biểu của thầy trong một ngày gồm những gì?
– Tôi sinh hoạt không giống mọi người. Buổi sáng, tôi dậy rất muộn, thường là 8h30 – 9h mới dậy vì tối tôi thức rất khuya để đọc, viết hoặc dịch. Có đêm đến 2, 3 giờ sáng tôi mới ngủ.
Sau khi dậy, tôi bắt đầu tập thở khí công, ngồi thiền khoảng 30 phút rồi mới bắt đầu làm việc. Đến khoảng 11 giờ trưa tôi mới bắt đầu ăn sáng và khoảng 13 giờ mới bắt đầu ăn bữa chính (bữa trưa). Tôi có thói quen không thể bỏ suốt 20 năm qua là đeo vợt đạp xe đi đánh tennis vào lúc 5 giờ chiều. Vừa rồi, chẳng may bị ngã, chân đang bị “chấn thương” nên tôi tạm thời phải nghỉ. Bữa tối của tôi cũng rất muộn, thường là vào khoảng 10 – 11 giờ đêm tôi mới ăn…
* Thầy là một trong những thành viên sáng lập Trường Viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa ST-LL&PB Văn học (ĐH Văn hóa HN) và tâm huyết giảng dạy, xây dựng chất lượng, tên tuổi ngôi trường này. Vậy kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy với ngôi trường này là gì?
– Năm 1974, kết thúc khóa 7 bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định giao việc này cho Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL). Anh Hà Huy Giáp, nếu tôi nhớ không nhầm khi đó là Thứ trưởng gọi tôi đến nói là Bộ sẽ thành lập Trường Đại học Viết văn và bảo tôi làm chương trình. Tôi chưa kịp trả lời, anh Giáp lại hỏi: “Anh cần thời gian bao lâu để xây dựng chương trình?”, tôi đáp luôn: “6 tháng!”.
Tôi đã phải đầu tư rất nhiều thời gian để đọc sách, gặp người này, người khác để tham khảo ý kiến. Cuối cùng, sau 6 tháng, tôi cũng làm xong chương trình, nộp cho anh Giáp. Và Trường Viết văn bắt đầu từ chương trình ấy…
Tuy nhiên, Trường Viết văn sau này không tồn tại. Điều đó làm tôi rất buồn và cảm giác trong mình như mất đi một cái gì đó rất khó diễn tả. Bây giờ, Trường Viết văn xưa đã “sống lại”, dù mang một cái tên khác (Khoa ST-LL&PB VH), vẫn ngay sát nhà tôi thì quả thực tôi vui lắm…
* Từ lâu, thầy nghiên cứu rất kỹ về “cá nhân luận văn hóa”. Vậy, cá nhân luận văn hóa có tác động hoặc ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của văn hóa, thưa thầy?
– Cá nhân luận văn hóa quan trọng nhất vẫn là cá tính và sự tự do, độc lập của cá nhân trong từng suy nghĩ. Hiện đại hóa là quá trình giải phóng cá nhân để phát huy tài năng, tiềm lực của chính mình.
Văn hóa phát triển phải là sự kết hợp của hai quá trình. Một là giải phóng cá nhân, hai là phải tích hợp cá nhân với cộng đồng. Nếu chỉ có giải phóng cá nhân không thôi thì cá nhân đó sẽ dần dần mất liên hệ với cộng đồng và dẫn đến nguy cơ cá nhân đó sẽ trở lại với bơ vơ, cô đơn và bệnh hoạn.
GS Hoàng Ngọc Hiến – Hội viên HNVVN, sinh 21/7/1930 tại Nam Định, trong một gia đình truyền thống Nho học kết hợp với Tây học. Ông học ở Liên Xô và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành lý luận, phê bình tại Đại học Tổng hợp Moskva (1959). Ông đã từng dạy ở các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa, Trường Viết văn Nguyễn Du và nhiều năm làm Hiệu trưởng “Trường bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du”.
* Theo quan sát của thầy thì đời sống văn học nước nhà trong những năm qua và mô hình đào tạo, bồi dưỡng viết văn hiện nay có gì đáng quan tâm không?
– Về văn học nước nhà, thú thật tôi không theo dõi kỹ lắm bằng văn học nước ngoài nên không dám nhận xét. Còn về mô hình đào tạo, bồi dưỡng viết văn hiện nay tôi cho rằng cần phải nâng trình độ lên nữa, làm sao đó đào tạo các nhà văn, nhà thơ có trình độ học vấn cao hơn đại học thì tốt. Trong giai đoạn mới, chúng ta cũng nên nhìn mọi việc khác đi thì mới có thể tạo ra đột phá.
* Tháng sau sẽ diễn ra Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, thầy kỳ vọng điều gì ở đại hội lần này?
– Thực sự, tôi không quan tâm đến Đại hội Hội Nhà văn bởi vì tôi cho rằng trên đời này có nhiều việc quan trọng hơn để tôi quan tâm. Chẳng hạn cho đến bây giờ câu hỏi “Văn học là gì”?, “Thơ ca là gì”? vẫn là một câu hỏi lớn làm tôi luôn trăn trở?! Tôi kỳ vọng vào thời gian sẽ giải đáp cho tôi hiểu về điều đó hơn là những việc khác…
* Với những cây bút trẻ hiện nay, thầy trông chờ gì ở họ?
– Tôi hy vọng những cây bút trẻ hãy băn khoăn đến cùng những vấn đề lớn để bằng tài năng của mình có thể tự giải đáp, tự khai thác và cho ra những tác phẩm có giá trị.
* Riêng thầy, khi nào thầy mới gác bút, nghỉ ngơi?
– Nhớ thuở trước, có lần tôi đi trên phố Ngô Quyền, gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đang đi bộ lững thững trên vỉa hè. Dừng xe, tôi hỏi anh Khoát: Bác ơi, bác chưa đi nghỉ à? Anh Khoát trả lời: Đến lúc nào đấy nghỉ luôn thể!.
Tôi chưa thấy một nhà triết học nào trên thế giới nói được như Nguyễn Xuân Khoát về quan niệm sống và chết hay đến như thế. Quan niệm về sự chết gắn liền với quan niệm về sự sống. Câu trả lời của Nguyễn Xuân Khoát vừa trả lời về quan niệm sống vừa trả lời về quan niệm chết.
* Nhưng mà em đang hỏi thầy ạ?
– Thôi thì lúc nào đấy, nghỉ luôn thể, em ạ!
* Xin cảm ơn GS. Hoàng Ngọc Hiến!
QUÀ SINH NHẬT “ĐẶC BIỆT” TẶNG GS HOÀNG NGỌC HIẾN
Sáng qua 19/7, BCN Khoa Sáng tác & Lý luận – phê bình văn học (ST&LL-PB VH, ĐH Văn hóa HN), tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du mà ông là một trong những thành viên sáng lập (1979) đã tổ chức Tọa đàm Hoàng Ngọc Hiến với triết lí văn hóa và triết luận văn chương nhằm đánh giá đầy đủ sự nghiệp của ông đồng thời qua đó bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn và chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của ông.
Nhân dịp này, Khoa ST&LL-PB VH đã đứng ra tổ chức bản thảo để xuất bản một tập sách đặc biệt làm quà tặng sinh nhật 80 tuổi cho GS. Cuốn sách sẽ gồm 2 phần: Phần một: Tấc lòng tri kỷ gồm những bài hồi ức, kỷ niệm của bạn bè, học trò viết về GS Hoàng Ngọc Hiến; Phần hai: Quà tặng trí tuệ gồm những tiểu luận khoa học tâm đắc nhất của các nhà trí thức viết về văn hóa, văn học, triết học.
Huy Thông