GS Lưu Văn Đạt: Suốt đời học Bác

Người trí thức tài năng

Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở làng Gián Khẩu, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) có cha là thầy giáo dạy học, từ bậc tiểu học cậu bé Đạt đã nổi tiếng học giỏi. Năm 1934, ông thi đỗ vào trường Bưởi, là 1 trong 2 trường THPT ở Việt Nam thời bấy giờ và xếp hạng thứ 3. Với thành tích đứng đầu lớp suốt những năm sau đó, ông thi đỗ Tú tài phần 1 và phần 2 rồi trở thành sinh viên Luật trường ĐH Đông Dương. Ông là 1 trong số gần 30 sinh viên được chuyển tiếp lên học năm thứ 2 ĐH từ mấy trăm người đăng ký ban đầu. Đến năm thứ 3, chỉ còn khoảng 20 người tốt nghiệp cử nhân, trong đó có 5-7 người Pháp. Ông xếp thứ 2 trong lớp, sau Luật gia Nguyễn Thương.

GS. Lưu Văn Đạt – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam

Tốt nghiệp cử nhân Luật, ông tiếp tục theo học Cao học chuyên ngành Luật và Chính trị – Kinh tế. Hơn 52 năm công tác trong ngành thương mại, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Giám đốc Nha thương mại kiêm Cục trưởng Cục Ngoại thương (Bộ Kinh tế quốc dân), Giám đốc nhiều vụ của Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương; Chánh văn phòng (Bộ Ngoại thương), Viện trưởng Viện kinh tế đối ngoại (Bộ Kinh tế đối ngoại), Cố vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Thương mại… Ông tham gia ban soạn thảo của nhiều bộ luật về kinh tế thời mở cửa, trong đó Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do ông chủ trì soạn thảo khi được thông qua năm 1987, đã khiến nhiều nước ngạc nhiên vì sự tiến bộ của nó trong thời điểm Việt Nam mới bắt đầu mở cửa nhưng được Hồ chủ tịch đề cập từ khi dựng nước.

Học Bác từ những việc làm cụ thể

Năm 1938, nhân cuộc họp của đông đảo nhân dân tập trung ở nhà đấu xảo Hà Nội kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, Lưu Văn Đạt khi đó là học sinh của trường Gia Long đã được ông Đào Duy Kỳ, em ruột học giả Đào Duy Anh cung cấp những tài liệu về cách mạng. Từ những tiếp cận ban đầu ấy, ông đã có suy nghĩ về vai trò của người trí thức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì thế, ngay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Uỷ ban Kiến thiết và giao cho Luật sư Phan Anh làm chủ tịch, ông đã trở thành cộng tác viên tích cực của Uỷ ban. “Có thể nói, những trí thức lúc bấy giờ hầu hết đều biết Bác Hồ là Nguyễn Ái Quốc. Tên tuổi của Người được giới trí thức hết sức tôn trọng. Vì vậy, khi Bác đưa ra sáng kiến thành lập Uỷ ban Kiến thiết với nhiệm vụ đề xuất những vấn đề để kiến thiết đất nước, Bác đã tập hợp được tất cả những trí thức có mặt ở Hà Nội và miền Bắc lúc bấy giờ, bao gồm chủ yếu những trí thức ngoài Đảng.

Uỷ ban Kiến thiết thành lập đầu năm 1946, đã thể hiện sự tin tưởng của Bác đối với đội ngũ trí thức trong hoàn cảnh nhiều người tin vào các trí thức do phương Tây đào tạo. Theo tôi, đây chính là hình thức thích hợp nhất lúc bấy giờ để huy động trí tuệ của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước”, GS. Lưu Văn Đạt nhớ lại.

Lần đầu tiên ông gặp Bác là một ngày tháng 8 năm 1946, trong cuộc gặp gỡ của Người với các trí thức. Bác đã ân cần hỏi thăm từng người, không hề có sự xa cách của một vị lãnh tụ… “Đó là một con người đặc biệt, một nguyên thủ quốc gia mà đi thăm khắp nơi, xuống cả ruộng để trò chuyện với bà con nông dân. Sự bình dị, gần gũi của Bác trong từng cử chỉ, lời nói đã thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của mỗi người chúng tôi lúc bấy giờ. Học Bác, không phải là ở những điều xa xôi mà ngay chính từ những việc làm cụ thể trong cuộc sống, công việc hàng ngày của Người. Chẳng hạn, Bác thường sử dụng giấy đã viết một mặt để viết tiếp… Một hành động nhỏ của Bác nhưng chính là tấm gương để mọi người trông vào, học tập hơn là ngàn vạn lần hô khẩu hiệu tiết kiệm. Tư tưởng cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư đến với chúng tôi như vậy”, GS. Lưu Văn Đạt chia sẻ.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn
(huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Cái gì có lợi cho dân thì nên làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Bác nói đơn giản mà thấm thía. Lĩnh hội được điều đó, GS. Lưu Văn Đạt với chuyên môn của mình đã góp phần giúp cho những người nghèo, người bị oan sai đòi lại công lý. Ông đã lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam trên 20 năm, đã là một trong những thành viên sáng lập Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh cho hàng triệu đồng bào đang quằn quại đau đớn vì bệnh tật hiểm nghèo… Đó là một cuộc chiến bền bỉ và khó khăn nhưng còn sức, ông còn làm. Nếu thế hệ này chưa làm xong thì thế hệ sau sẽ tiếp nối, bởi ông tin tưởng rồi cuối cùng lẽ phải sẽ chiến thắng.

Trăn trở vận nước

Thuộc thế hệ những trí thức cuối cùng do Pháp đào tạo trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, GS. Lưu Văn Đạt bảo ông rất mừng là trong cuộc đời của mình đã được chứng kiến tình hình trên thế giới, kể cả một số đất nước có nhiều tiến bộ, nền kinh tế phát triển. Nhưng ông cũng băn khoăn là so với nhiều nước xung quanh, Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều. Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho bộ máy lãnh đạo và người trí thức.

Về mặt luật pháp, ông cho rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam đang ngày càng hoàn chỉnh, nhưng chất lượng chưa cao thể hiện ở một số quy định không đi vào cuộc sống. Đặc biệt, Việt Nam là một nhà nước pháp quyền nhưng việc thi hành pháp luật của người dân và các cán bộ công chức rất kém, quan hệ giữa cán bộ công chức với tư cách là công bộc của dân và người dân vẫn là khoảng cách khá xa.

Thứ ba, là vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta chủ trương làm bạn với tất cả các nước. Nhưng trong vấn đề Biển Đông, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền, nhưng đồng thời phải hết sức kiềm chế. “Như Bác đã nói “các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, tức là làm sao giữ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không chỉ trên đất liền mà tất cả các biển đảo ông cha ta đã bao đời gìn giữ. MTTQ Việt Nam với vai trò tập hợp sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc có trách nhiệm phát huy mạnh mẽ trong thời điểm này để xây dựng đất nước giàu lên, mạnh lên, nâng cao thế và lực của Việt Nam”, GS. Lưu Văn Đạt nhấn mạnh.
 

GS. Lưu Văn Đạt lập gia đình với bà Hoàng Thị Hoà, nguyên cán bộ Bộ Ngoại thương năm 1942. Hơn 70 năm đồng hành cùng nhau, GS. Lưu Văn Đạt bảo ông may mắn có một gia đình “ít vấn đề” nên có thể dành nhiều thời gian và tâm sức cho công việc, cho sự nghiệp đấu tranh vì công lý. Mọi việc ông làm đều được bà hết lòng ủng hộ… Ông bà có 6 người con đều tốt nghiệp đại học và công tác ở nhiều vị trí khác nhau.

 

Thu Hương
Nguồn:http:/ This entry was posted in Ký ức nhà khoa học. Bookmark the permalink.