TÚ TÀI ĐÔNG DƯƠNG VÀ BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI
GS Nguyễn Văn Chiển sinh năm 1919, trong một gia đình nông dân ở xã Trạm Lộ (Thuận Thành). Vốn ham học lại học giỏi nên hết Tiểu học, cậu bé Nguyễn Văn Chiển ra Hà Nội quyết tâm thi và đậu vào Trường Bưởi danh giá. Nhưng mới nhập học ít ngày thì nghe tin bố mất, người mẹ khi ấy đã ngoài 60 tuổi vất vả trăm bề cố gạt nước mắt động viên con không dở dang việc học.
Chưa kịp yên tâm đèn sách nơi đô thành, thì liên tiếp những năm 1935, 1936 quê nhà bị vỡ đê, cả làng phải ăn rau ăn cháo, người mẹ dù muốn cũng không dám khuyên con tiếp tục việc học hành. Trong lúc thất vọng nhất, thì một cơ hội mới lại mở ra với Nguyễn Văn Chiển, nhờ học giỏi Chiển được xét cấp học bổng toàn phần, được nội trú miễn phí. May mắn hơn, 2 năm cuối trung học, Nguyễn Văn Chiển được thụ giáo nhiều thầy giáo xuất chúng, tiêu biểu nhất là GS Hoàng Xuân Hãn, người ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp vang danh sau này của GS, NGND Nguyễn Văn Chiển.
GS Nguyễn Văn Chiển kể: Tháng 6-1941 sau khi đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn Đông Dương, tôi đến thỉnh giáo thầy Hãn, thầy khuyên học tiếp Đại học Đông Dương. Tốt nghiệp trường này với 4 chứng chỉ kèm theo gồm: Toán đại cương, Vật lý, Hóa học và Địa chất, khi được GS nổi tiếng người Pháp Hôp – Phê mời về làm việc tại phòng thí nghiệm địa chất, tôi lại đến thỉnh giáo thầy Hoàng Xuân Hãn. Thầy Hãn không chút do dự, nói thẳng: “Giỏi Toán như tôi hay giỏi Vật lý như GS Ngụy Như Kon Tum rốt cục cũng chưa làm được gì cho đất nước, vì nước ta quá nghèo không có phòng thí nghiệm. Riêng khoa học Địa chất thì cả nước là một phòng thí nghiệm bao la, chỉ sợ không có chí…”. Lời khuyên của thầy Hãn đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi quyết tâm gắn cả cuộc đời mình với ngành khoa học Địa chất.
Cách mạng tháng Tám thành công, GS Nguyễn Văn Chiển đảm nhiệm việc giảng dạy môn Địa chất tại nhiều trường Đại học. Chưa cống hiến được nhiều cho ngành khoa học mới mẻ này, nhưng lại nổi bật với vai trò quản lý và tổ chức giáo dục nên thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Chiển được cách mạng giao phó nhiều trọng trách. Trải suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc Nguyễn Văn Chiển đã cùng các cộng sự kiên trì đào tạo, biên soạn nhiều giáo trình và tổ chức giảng dạy ở nhiều môn khoa học khác nhau. Trẻ nhưng GS Chiển sớm trở thành trụ cột của trường trung học kháng chiến đầu tiên tại Phú Thọ (1947-1950), rồi Hiệu trưởng Trường Sư phạm T.Ư Việt Bắc, Giám đốc khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) từ 1951-1953.
Cùng thời điểm này với vai trò Thư ký Ban cải cách giáo dục, GS Chiển đã góp phần quan trọng trong việc hình thành hệ thống giáo dục Việt Nam mà trước đó vẫn theo mô hình của Pháp. Chính GS Chiển là người được cử mang thư của Bác Hồ sang Trung Quốc phối hợp cùng nước bạn tổ chức khu học xá Nam Ninh, đây cũng là cái nôi đào tạo nhiều trí thức lớn, nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhiều cán bộ cao cấp cho đất nước. Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, theo yêu cầu cách mạng GS Chiển vẫn phải đảm đương nhiệm vụ quản lý Trường Đại học Khoa học trên phố Lê Thánh Tông (Hà Nội). Năm 1956 khi hàng loạt các trường ĐH mới thành lập như: Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm… GS Chiển mới có điều kiện toàn tâm toàn ý cống hiến cho ngành khoa học Địa chất nước nhà.
NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CỦA NGÀNH ĐỊA CHẤT VIỆT NAM
Thôi nhiệm vụ quản lý, GS Chiển cùng 2 cộng sự chuyển toàn bộ phòng thí nghiệm Địa chất từ Đại học Khoa học về Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiệm vụ đào tạo những lớp kỹ sư Địa chất đầu tiên cho miền Bắc, phục vụ kịp thời nhu cầu điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản cho đất nước. Đây là công việc cực kỳ khó khăn vì mọi thứ lúc đó đều mới mẻ, chưa có tiền lệ từ chương trình đến giáo trình giảng dạy. GS Chiển vừa phải tự học thêm, vừa phải dạy đuổi theo sinh viên từ môn học này sang môn học khác. Một khó khăn nữa là làm sao có đủ thuật ngữ tiếng Việt để giảng dạy một môn khoa học có quá nhiều khái niệm, có quá nhiều tên gọi bằng tiếng Pháp hoặc Hán Việt. Tài năng và nhiệt huyết của GS lại được phát huy tối đa cho công việc, kết quả hàng loạt các thuật ngữ cơ bản về khoa học địa chất ra đời và thông dụng đến tận bây giờ.
Hoàn tất nhiệm vụ xây dựng khoa Địa chất tại Đại học Bách khoa Hà Nội, GS Chiển lại được giao 2 nhiệm vụ quan trọng, một là xây dựng Trường Đại học Mỏ Địa chất và khoa mới về khoa học trái đất tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhờ quan hệ rộng rãi và sự trọng thị trí thức, GS Chiển đã tranh thủ được nhiều chuyên gia hàng đầu về địa chất của Liên Xô, Trung Quốc cùng tham gia công việc đào tạo tại Việt Nam. Như vậy từ những lớp kỹ sư địa chất đầu tiên dưới sự dẫn dắt của GS Chiển, đến nay nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành về khoa học địa chất của Việt Nam. Niềm tự hào của GS Chiển là được đi khắp trong Nam ngoài Bắc, ở đâu ông cũng có thể gặp trực tiếp hoặc gián tiếp học trò của mình, từ các GS đầu ngành đến những kỹ sư trẻ đang mải mê làm việc nơi núi thẳm rừng sâu làm giàu cho Tổ quốc.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, GS Chiển lại được đề bạt chức danh Phó Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, trực tiếp phụ trách lĩnh vực khoa học trái đất. Thời điểm này, ông đã chủ trì thành công 2 chương trình nghiên cứu lớn là “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” và thành lập “Bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”. Chương trình “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” được tiến hành trong điều kiện đất nước còn đầy thương tích sau chiến tranh, nhưng với nghị lực và tâm huyết của những nhà khoa học chân chính, GS Nguyễn Văn Chiển và các cộng sự đã xác định được 3 thế mạnh của Tây Nguyên là rừng, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc mà chúng ta vẫn đang thực hiện hiệu quả tại mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng này. Chương trình “Thành lập bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”, lại thể hiện tầm cao trí tuệ qua khả năng quy tụ các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, từ địa chất, địa lý, khí tượng thủy văn, nông nghiệp,… đến các ngành khoa học xã hội như lịch sử, văn hóa, dân tộc học… để hoàn thành công trình phức tạp này. Tập bản đồ Quốc gia ra đời là cơ sở quan trọng định hướng cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình khoa học kỹ thuật “Bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam” của GS, NGND Nguyễn Văn Chiển đã minh chứng cho ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của công trình đặc biệt quan trọng này.
Những năm cuối đời, ngoài nhiều nhiệm vụ khoa học quan trọng mà nhà nước tin tưởng giao cho GS Chiển, điển hình như việc biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Địa chất Việt Nam… GS Nguyễn Văn Chiển vẫn trăn trở với “Bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”, công trình ông đã dày công nghiên cứu, GS cho rằng: Nếu công trình này sớm được chuyển thành Atlat điện tử chỉ cần ngồi một chỗ bấm nút điện tử là có thể biết nơi nào có rừng ngập mặn, nơi nào có quá nhiều sân golf để từ đó có cơ sở đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất, bảo đảm cho sự phát triển bền vững từng vùng, miền của đất nước…
…Nhưng rồi trái tim của người thầy lớn – NGND Nguyễn Văn Chiển đã ngừng đập; bộ óc của nhà khoa học tên tuổi, người mở đường của ngành địa chất Việt Nam – GS Nguyễn Văn Chiển đã ngừng tư duy vào hồi 14 giờ 40 phút ngày 21-7-2009, trong nỗi tiếc thương vô hạn của mọi người, nhất là giới khoa học địa chất Việt Nam. Theo tâm nguyện khi còn sống, linh cữu GS Nguyễn Văn Chiển đã được an táng tại quê cha đất tổ để được hòa vào cỏ cây hoa lá, nơi chôn nhau cắt rốn của ông tại thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ (Thuận Thành).
Thanh Tú-Lê Đại
Nguồn: baobacninh.com.vn/