GS. Ngô Bảo Châu – từ phố nhỏ đến thế giới rộng lớn

Ông Nguyễn Duy Bích, một người bán nước trước cửa số nhà 88 Linh Lang cho biết: Nói thật tôi cũng không biết đến Bổ đề cơ bản là gì. Mãi khi báo chí nước ta viết bài đăng hình về cậu Châu chúng tôi mới biết cậu ấy là giáo sư Toán học. Cứ mỗi lần cậu ý về nhà, buổi chiều rảnh lại ra quán của tôi ngồi uống trà đá, cũng dân dã như những người bình dân. Có hôm thấy bàn cờ tướng cậu cũng xin được vào tỉ thí, tuy trẻ nhưng cậu ý lại đánh rất chắc, mỗi lần khai cuộc đều giành được lợi thế nhưng chẳng bao giờ cậu ý dồn đối phương vào chỗ chết, ai đánh cờ với cậu ý đều thích tuy thua mà không cay cú lúc nào cũng nể phục vì tài cầm quân thoáng đãng và bay bổng,

Trong lần về nước vừa rồi nghe hàng xóm nói anh Châu đã được nhiều doanh nghiệp trong nước tỏ ý muốn tặng nhà, nhưng anh khéo léo từ chối, và bảo hãy dành những căn nhà đó cho các nhà khoa học nước ngoài dùng để ở và làm việc, mỗi khi họ sang Việt Nam công tác.

“Đúng người ta là trí thức chỉ nghĩ tới khoa học mà không bao giờ vụ lợi, cơ hội cá nhân” – ông Bích nói.

Từ phố nhỏ đến thế giới rộng lớn

Hôm nay, GS. Ngô Bảo Châu có mặt tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới nơi tên những nhà toán học được trao giải thưởng danh giá Fields được công bố. Đối với anh, mẹ luôn là điểm tựa tinh thần ấm áp nhất và là người bạn của một tuổi thơ cặm cụi học hành.

Cứ mỗi lần nhắc đến thành công của mình, GS. Ngô Bảo Châu vẫn như một cậu bé luôn nhắc tới mẹ mình là PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp y dược Lê Hữu Trác).

 
GS. Ngô Bảo Châu cùng mẹ và hai con gái. Tuy chỉ có một cậu con trai duy nhất, mẹ và cha anh – Tiến sĩ Ngô Huy Cẩn –
không hề cưng chiều con. Ngô Bảo Châu luôn bị phạt nếu mắc lỗi và cũng thường xuyên rửa bát,
giặt quần áo cũng như giúp mẹ làm thêm để tăng thu nhập.
(Ảnh do PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền cung cấp).

PGS. Trần Lưu Vân Hiền sinh Ngô Bảo Châu vào năm 1972 tại Hà Nội, thời điểm giặc Mỹ đang điên cuồng ném bom miền Bắc. Bố anh, GS.TSKH. Ngô Huy Cẩn vắng nhà liên miên, khi thì đi dạy học cho một số trường quân đội, khi thì đi làm nghiên cứu sinh ở Nga, thành ra mẹ trở thành người bạn thân thiết của Châu từ nhỏ.

Bà cho biết: Châu biểu lộ sự thông minh từ rất sớm, cái gì cũng tò mò tìm hiểu. Khi học mẫu giáo các cô giáo coi Châu như “bảo bối” của lớp. Tiết dự giờ nào có Châu các cô đều rất yên tâm. Châu bắt đầu thích toán và say mê ngay từ những ngày đầu học tính, cứ lần nào mẹ được lĩnh lương là Châu thường bảo mẹ mua sách toán về để đọc.

Bà Hiền cho biết, Bảo Châu sinh ra vào giai đoạn đất nước còn khó khăn nên hồi nhỏ Châu thường xuyên phải uống sữa vón cục ngả mầu vàng. Những bữa cơm của gia đình anh cũng đạm bạc như bao gia đình trí thức hồi đó sống bằng tem phiếu… Giống như nhiều học sinh ham học khác, Bảo Châu không bao giờ để bố, mẹ nhắc nhở việc học bài. Trên thực tế PGS. Hiền chỉ thường xuyên giục con ngủ sớm để bảo vệ sức khỏe.

Mặc dù năm nay anh đã 38 tuổi và có gia đình riêng với ba cô con gái, ở xa nhiều năm nhưng bà vẫn thường xuyên gọi điện tâm sự cùng con. Anh càng thành công bà càng có nhiều nỗi lo lắng. Bà đã từng tâm sự rằng: "Bổ đề cơ bản" là người bạn thân thiết của Châu suốt 15 năm qua, nhưng khi Châu chứng minh được bổ đề này thì nó lại là của mọi người, không còn là của riêng Châu nữa. Thỉnh thoảng bà điện thoại cho Châu nói đùa, mẹ quen với tuổi già cô đơn rồi, mẹ phải điện thoại cho con, không con thành vĩ nhân sẽ chẳng còn thời gian trò chuyện".

Theo Dân Việt

Nguồn: dantri.com.vn/c25/s25-416501/gs-ngo-bao-chau.htm