Xin ông nói rõ hơn về ý tưởng soạn những cuốn giáo trình dạy tiếng Việt dành cho sinh viên quốc tế?
– Về vấn đề biên soạn sách dạy tiếng Việt cho người Nga thì sau khi bảo vệ thành công luận án tại Viện Tiếng Nga (Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô), tôi trở thành giảng viên trong biên chế của ĐH Lomonosov. Khi ấy, cuốn sách các bạn đồng nghiệp người Nga dùng để giảng dạy tiếng Việt được biên soạn từ những năm 1960 đã lạc hậu. Đúng vào thời điểm ấy (1983), đoàn kĩ sư dầu khí đầu tiên của Liên Xô lên đường sang Vũng Tàu làm việc.
Chính phủ Liên Xô giao cho ĐH Lomonosov dạy tiếng Việt cho họ trong một năm. Cùng với các bạn đồng nghiệp Nga, tôi bắt tay vào biên soạn bộ giáo trình dạy tiếng Việt đầu tiên với biết bao thuật ngữ về dầu khí. Sau đó, tôi còn biên soạn thêm mấy cuốn nữa, cuốn cuối cùng tôi biên soạn cùng với hai đồng nghiệp người Nga xuất bản năm 1989.
Ở bên Mỹ, tình hình sách dạy tiếng Việt cũng tương tự. Khi tôi bắt đầu giảng dạy tiếng Việt ở đây, cuốn sách tôi dùng là cuốn do một nhà ngôn ngữ người Mỹ biên soạn và xuất bản ở Mỹ vào năm 1972, trong đó có những từ như “nhà dây thép” (có nghĩa là “bưu điện”) chẳng hạn. Năm 1994, tôi bắt đầu dùng giáo trình do chính tôi biên soạn để dạy lớp năm thứ nhất tại ĐH Harvard. Sau bảy năm, tôi chỉnh lý, sửa đổi và xuất bản cuốn sách ấy với tựa đề “Elementary Vietnamese” vào năm 1999.
Năm 2003, tôi sửa lại khá nhiều để xuất bản lần thứ hai. Vừa rồi, tôi viết lại cuốn sách gần như mới, sẽ xuất bản vào đầu năm 2013. Năm 2010, tôi xuất bản cuốn “Continuing Vietnamese” cho trình độ năm thứ hai và năm thứ ba. Có hai điểm mấu chốt khi biên soạn sách dạy tiếng Việt là cơ sở ngôn ngữ học (đương nhiên tôi tránh dùng thuật ngữ ngôn ngữ quá phức tạp) và việc đối chiếu tiếng Việt với tiếng mẹ đẻ của người học. Trong trường hợp này là tiếng Anh, cũng như khi ở Liên Xô thì tôi đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga, để nêu bật những nét khác biệt và tránh những “chuyển di tiêu cực”, tức là lỗi thường mắc do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ. Đương nhiên, sách dạy tiếng phải giới thiệu về đất nước, con người, văn hoá, càng ở trình độ cao thì tỉ lệ phần này càng tăng.
Điều gì khiến ông rời Nga sang Mỹ, làm việc ở ĐH Harvard?
– Tôi chưa khi nào có ý định rời Nga sang Mỹ làm việc cả. Hoàn toàn là một sự tình cờ. Vào cuối những năm tám mươi, xã hội Liên Xô bắt đầu cởi mở. ĐH Lomonosov mời một số giáo sư đại học của Mỹ sang giảng dạy. Tôi đến nghe họ giảng, rồi tiếp xúc với họ, đương nhiên là bằng tiếng Nga, vì tôi có biết tiếng Anh đâu. Họ bảo ngành VN học ở Mỹ bắt đầu phát triển, một số nơi cần người dạy tiếng Việt. Họ giới thiệu cho tôi một vài nơi, tôi nộp đơn cho vui vì hiểu rằng ở Mỹ có đến cả triệu người Việt, trong đó có những người có bằng cấp cao, đâu đến lượt mình.
Một hôm, tôi nhận được điện thoại từ Mỹ. Đầu dây bên kia là một giáo sư người Mỹ nói tiếng Anh, tôi chẳng hiểu gì cả. Vị giáo sư này bập bẹ tiếng Nga với tôi, sau đó chuyển sang tiếng Đức. Ông là người Mỹ gốc Đức, đang tuyển người dạy tiếng Việt cho Học viện Đông Nam Á học mùa hè (SEASSI), năm 1992 tổ chức tại ĐH Washington ở Seattle. Mấy tháng sau, tôi nhận được thư của SEASSI nhận tôi vào giảng dạy tiếng Việt trong mười tuần. Tôi đang giảng dạy tại SEASSI thì Đại học Harvard tìm người dạy tiếng Việt. Tôi cũng nộp đơn “chơi” thôi, vì cái tên nghe đã thấy khiếp rồi. Trước khi SEASSI kết thúc vài tuần, tôi nhận được giấy báo của ĐH Harvard nhận tôi giảng dạy. Năm học vừa qua là năm thứ hai mươi của tôi tại ĐH Harvard.
Liệu có sự khác biệt nào về phương pháp giảng dạy tiếng Việt ở ĐH Lomonosov và Harvard hay không, thưa ông? Sinh viên Mỹ cảm nhận về văn học Việt ra sao, nhất là tác phẩm đương đại như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, hay các tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp?
– Về phương pháp chủ đạo thì không khác nhau mấy. Ở ĐH Lomonosov, tôi đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga để lưu ý những lỗi người Nga hay mắc phải khi học tiếng Việt, ở ĐH Harvard thì tôi đối chiếu với tiếng Anh. Tuy nhiên, vì cơ cấu của ĐH Nga và ĐH Mỹ rất khác nhau nên cách tổ chức lớp cũng khác nhau. Sinh viên Liên Xô ở ĐH Lomonosov khi tôi giảng dạy có nhiều giờ tiếng Việt trên lớp hơn sinh viên Mỹ của tôi hiện giờ.
Về văn học thì bắt đầu từ giữa năm thứ hai, tôi giới thiệu với sinh viên bức tranh tổng thể về văn học VN, càng lên lớp trên càng đi sâu hơn. Đương nhiên, tôi chú trọng đến văn học VN hiện đại, bắt đầu từ những năm ba mươi. Tôi nhấn mạnh đến tác động tích cực của văn học châu Âu, trước hết là văn học Pháp đến văn học VN vào thời kỳ ấy.
Văn học thời kỳ sau Đổi mới là phần quan trọng trong chương trình tiếng Việt tại ĐH Harvard. Truyện ngắn “Nàng Bua” trích trong tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp là bài gần cuối trong cuốn “Continuing Vietnamese”, tôi để nguyên tác, không sửa bất cứ một chỗ nào. Còn đối với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh mà tôi giới thiệu là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về cuộc chiến người Mỹ dính líu vào, thì tôi nói đến tác động của văn học Nga khi họ viết về cuộc chiến tranh vệ quốc của họ. Sinh viên tìm đọc bản dịch tiếng Anh “Số phận con người” của M. A. Sholokhov, thấy đoạn mở đầu trong hai tác phẩm khá giống nhau.
Mỹ hiện nay là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho giảng dạy và nghiên cứu về VN, có thể nói gì về điều này? Việc đầu tư vào lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu về VN ở hai quốc gia Nga và Mỹ có điểm giống, khác nào, theo ông?
– Nga hiện giờ không thể so với Mỹ về khả năng đầu tư cho VN học ở nước mình vì nhiều nguyên nhân, cả kinh tế lẫn chính trị. Cách đây ba mươi năm, Liên Xô và VN là đồng minh chiến lược, đặc biệt là sau khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào tháng 11 năm 1978. Tôi muốn mở ngoặc là hiệp ước này rất hệ trọng đối với VN vào thời điểm ấy. Ngành VN học ở Liên Xô rất hưng thịnh. Vật đổi sao dời, bây giờ khác rồi. Các bạn đồng nghiệp Nga của tôi ở Moskva sống khá chật vật.
Người Mỹ thấy rõ chiến tranh VN đối với họ là một sai lầm, mà sở dĩ họ mắc phải sai lầm này vì khi ấy họ hiểu biết quá ít về đất nước, con người VN. Sau chiến tranh, họ đầu tư để tìm hiểu. Gần đây họ hay nói đến “bài học VN” đối với chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Xin ông cho biết, nhu cầu học tiếng Việt của sinh viên Mỹ ở Harvard ra sao? Đầu vào bao nhiêu mỗi năm? Có thể nhận xét gì về thế hệ người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ muốn học tiếng Việt để không quên nguồn cội?
– Năm học vừa rồi tôi có 31 sinh viên cả ba lớp. Lớp năm thứ tư không có sinh viên ghi tên học. Khó nói đến đầu vào, đầu ra, vì như tôi nói ở trên, cơ cấu ĐH bên này khác ở VN. Chỉ có thể nói số sinh viên học năm thứ ba là hai người, số sinh viên năm thứ hai gần bằng số sinh viên năm thứ nhất, là năm hiếm thấy, vì thường năm thứ nhất bao giờ cũng đông sinh viên nhất.
Về nhu cầu thì khác nhau lắm. Phần lớn sinh viên Mỹ học tiếng Việt vì đề tài nghiên cứu của họ có liên quan đến VN. Tuần trước, một sinh viên Mỹ học tiếng Việt với tôi hai năm, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ đến chào tôi. Anh này nói: “Thưa thầy, trong hai năm ở đây học với thầy, em không chỉ học được tiếng Việt. Rời Harvard, em mang theo tình yêu đối với tiếng Việt, đối với đất nước VN. Chắc chắn em sẽ đi VN trong một ngày gần”.
Còn sinh viên người Mỹ gốc Việt mà năm nào cũng chiếm khoảng nửa số sinh viên của tôi thì tôi xin trích lời của một sinh viên năm thứ nhất mới đây gửi email cho tôi: “Trước khi học tiếng Việt với thầy, em chưa biết viết tiếng Việt nên khi ở xa, em không viết thư cho bà nội em được, mà bà nội thì không biết tiếng Anh. Bà em tai lại nghễnh ngãng, cũng không nói chuyện điện thoại được. Vừa rồi em về nhà nghỉ hè, bà nội cho em xem mấy bức thư em viết cho bà bằng tiếng Việt qua email, bà nhờ người khác in ra. Bà khóc. Em cũng khóc”.
Ông đã phải nỗ lực ra sao để trở thành giáo sư giảng dạy ở trường đại học danh tiếng như Harvard?
– Phải học thêm, tự học, tự nâng cao trình độ. Trước hết là tiếng Anh, rồi đến vốn hiểu biết của mình về nước Mỹ. Khi sang Mỹ, tôi chưa sử dụng được tiếng Anh. Sinh viên biết tôi không được học một ngày nào ở một nước nói tiếng Anh, hỏi tôi học tiếng Anh ở đâu. Tôi bảo: Tự học. Thế còn lịch sử Mỹ? Cũng mày mò tự học, từng bài một. Tôi dùng hình ảnh về môn lịch sử Hoa Kỳ ở trường trung học Mỹ (American History, Lesson One) để sinh viên thấy rằng mình trân trọng ngôn ngữ và văn hoá Mỹ như thế nào, và như tôi đã nói, để mình có thể đối chiếu tiếng Việt với tiếng mẹ đẻ của họ.
Nước Nga, tính cách Nga, văn học Nga ảnh hưởng sâu đậm như thế nào trong ông? Và khi đến Mỹ, nước Mỹ đã rèn giũa mình thành một con người như thế nào?
Có dịp tiếp xúc với hai nền văn hóa lớn của thế giới, ông có thể nói gì về điều giúp cho con người sống sót qua thời đại của nhiều biến động, chông chênh, khủng hoảng và mất mát như hôm nay?
– Ảnh hưởng của nước Nga, tính cách Nga, văn học Nga trong tôi hết sức sâu đậm. Tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ thứ hai của tôi sau tiếng Việt. Hằng ngày, tôi vẫn nói tiếng Nga với con gái tôi. Cháu sinh ở Moskva. Đương nhiên, cháu thông thạo tiếng Anh. Song, tôi không bao giờ nói tiếng Anh với cháu. Gửi email cho cháu cũng bằng tiếng Nga. Tôi đã thành công trong việc duy trì tiếng Nga cho cháu. Tôi vẫn thường xuyên đọc báo Nga trên mạng để biết những gì đang diễn ra ở nơi tôi đã sống những năm tuổi trẻ. Rồi cứ thứ bẩy hay chủ nhật, tôi lại thưởng thức văn học Nga bằng nguyên tác khi có thì giờ. Mỗi khi ngồi với các bạn Nga ở bên này, chúng tôi lại nói chuyện về nước Nga, về văn học Nga, đọc thơ Nga…
Điều gì giúp tôi sống sót ư? Tôi không biết. Có lẽ là bản lĩnh của mình trong công việc, trong cuộc sống chăng? Hay thái độ nghiêm túc, cầu thị, chân tình với mọi người? Cũng có thể là vốn tri thức ban đầu mà tôi có được ngay từ khi còn học và làm việc ở khoa Nga ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, rồi một năm học tiếng Đức với các thầy cô giáo Cộng hoà Dân chủ Đức ở Hà Nội, rồi sau đó là Viện hàn lâm khoa học Liên Xô chăng? Tôi biết ơn tất cả những người thầy, cô giáo ấy của tôi. Theo mong muốn của họ, tôi đã “mang theo tất cả để lên đường”, như nhà văn Nga N. V. Gogol từng nói.
Xin cảm ơn giáo sư!
GS Ngô Như Bình sinh ở Hà Nội. Từ 1968-1973 là sinh viên khoa Tiếng Nga, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Từ 1973-1978, giảng dạy tiếng Nga tại khoa Tiếng Nga. Từ 1979-1982 học nghiên cứu sinh chuyên ngành lý thuyết ngôn ngữ tiếng Nga tại Viện Tiếng Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Moskva. Năm 1982, bảo vệ luận án PTS về “trường ngữ nghĩa trong tiếng Nga”. Từ 1980-1991, giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Học viện các nước Á-Phi, thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V.Lomonosov. Từ 1992-1994, giảng dạy tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á, Đại học Harvard. Từ 1994 đến nay, là chủ nhiệm chương trình này.