GS Nguyễn Hồng Thái, nhà toán học trẻ sung sức

Được ông Chủ tịch Hội Toán học Ba Lan mời sang dạy toán             

Năm 1997, tình cờ xem một tờ tạp chí xuất bản ở Ba Lan, tôi đưa mắt lướt qua bức ảnh chụp các vị Giáo sư toàn phần mới được bổ nhiệm của Đại học Szczecin, và bỗng thấy có anh Nguyễn Hồng Thái trong bức ảnh đó với dòng chữ Dr. Sc., Dr. Hab., Full Professor (Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ Habil, Giáo sư toàn phần).

Thì ra năm 1991, 28 tuổi, Nguyễn Hồng Thái đã bảo về xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học (Doktor Nauk) ở Belarus, và ngay sau đó, 29 tuổi, anh được ông Chủ tịch Hội Toán học Ba Lan mời sang làm việc tại nước này với tư cách Giáo sư toàn phần thỉnh giảng (Visiting Full Professor). Rồi đến năm 1997, 34 tuổi, anh chính thức được công nhận chức danh Giáo sư toàn phần tại Đại học Szczecin, Ba Lan.

Học vị Tiến sĩ khoa học ở Liên Xô  (cũ) và Liên bang Nga hiện nay đòi hỏi phải thoả  mãn những tiêu chí rất cao, do đó, trong hơn nửa thế kỷ qua, chỉ có rất ít người Việt Nam ta bảo vệ thành công luận án này dưới 30 tuổi: Nguyễn Văn Hiệu (26 tuổi), Vũ Đình Cự (29 tuổi), Phan Đình Diệu (29 tuổi), Vũ Kim Tuấn (26 tuổi), Lê Hồng Vân (28 tuổi) và Nguyễn Hồng Thái (28 tuổi). Ngay tại Liên Xô cũ và LB Nga hiện nay, số người dưới 30 tuổi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học cũng rất ít.

 Như vậy là Nguyễn Hồng Thái đã chính thức trở thành Giáo sư toàn phần ở Ba Lan, một nước có truyền thống toán học và vật lý học lâu đời với những tên tuổi lẫy lừng như Nicolas Copernic, Stefan Banach… Thông thường, trước khi trở thành phó giáo sư, một nhà khoa học phải trải qua các chức danh trợ lý, giảng viên, giảng viên cao cấp.

Ở Mỹ và nhiều nước theo mô hình giáo dục Mỹ, các giảng viên cao cấp lại còn phải tuần tự là assistant professor (trợ lý giáo sư), rồi associate professor (phó giáo sư), trước khi có thể trở thành full professor (giáo sư toàn phần). Nguyễn Hồng Thái không phải lần lượt vượt qua các bậc thang từ thấp lên cao như thế, mà “nhảy thẳng” lên chức danh giáo sư toàn phần, do các công trình của anh có giá trị vượt trội.

Lời đánh giá rất cao của những người “khó tính”

Đầu thế kỷ 21, tôi gặp lại Nguyễn Hồng Thái tại Hà Nội. Cầm trên tay bản luận án Tiến sĩ khoa học của anh, tôi không khỏi cảm phục. Công trình dày 350 trang khổ lớn, nghiên cứu một lĩnh vực mới: Các không gian lý tưởng của hàm véc-tơ: hình học, nội suy và những ứng dụng cho các toán tử và phương trình phi tuyến. Một công trình đồ sộ như thế mà được anh hoàn thành khi mới 28 tuổi!

Không phải là nhà toán học chuyên nghiệp trong cùng chuyên ngành, tôi không thể tự mình liều lĩnh đánh giá công trình của Nguyễn Hồng Thái. Do đó, rất hiển nhiên, tôi phải xem kỹ lời đánh giá của các nhà phản biện, và, trong trường hợp Nguyễn Hồng Thái, họ đều là những nhà toán học quá nổi tiếng, tên tuổi ai ai trong giới toán học cũng đều biết cả.

Đó là những nhà bác học bậc thầy: V. P. Maslov, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (trước đây), Giải thưởng Lenin; M. A. Kranosensky, một trong những vị tổ sư của giải tích phi tuyến, tác giả 15 cuốn sách chuyên khảo được in bằng các thứ tiếng Nga, Anh, Đức…, trở thành sách “gối đầu giường” trong nhiều lĩnh vực khác nhau của giải tích phi tuyến… Thật không dễ dàng “lọt mắt xanh” những nhà phản biện “khó tính” như vậy.

“Tôi đã một số lần nghe Nguyễn Hồng Thái báo cáo khoa học và trao đổi ý kiến cụ thể với anh về nhiều vấn đề. Anh khiến tôi hết sức ngạc nhiên do vốn hiểu biết sâu rộng về toán học, cũng như do tiềm năng sáng tạo và sự hiến dâng nồng nhiệt hết mình cho khoa học” – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học M. A. Kranosensky nhận xét về Nguyễn Hồng Thái như vậy.

 GS, TSKH toán học Nguyễn Hồng Thái (phải) cùng người cha là PGS sử học

Nguyễn Tri Thư chụp ảnh bên tấm bia có khắc tên cụ cao tổ, TS nho học Nguyễn Công Thái, Tể tướng thời Lê-Trịnh.
 

v Còn về nội dung bản luận án Tiến sĩ khoa học của anh, thì các ý kiến phản biện đều nhất trí đánh giá tác giả của nó đã “đưa ra một cách đi mới lạ”, và bằng cách đi đó, xây dựng thành công “lý thuyết đầu tiên đẹp đẽ cho toán tử đa trị phi tuyến trong không gian hàm”.

Những năm sau đó, các kết quả ở bản luận án Tiến sĩ khoa học của Nguyễn Hồng Thái được trích dẫn và vận dụng trong nhiều công trình toán học ở Moskva, Saint-Petersburg, Novosibirsk, Voronezh (LB Nga), Minsk (Belarus)…

Xin việc ở trong nước hoá ra không dễ!…

Phó Giáo sư sử học Nguyễn Tri Thư, thân sinh của anh Nguyễn Hồng Thái kể lại:

– Sau khi Thái bảo vệ luận án, tôi có liên hệ với một số trường đại học và viện nghiên cứu ở trong nước để xin việc cho Thái, nhưng đều được trả lời: “Cơ quan chúng tôi không có chỉ tiêu!” Anh bạn tôi, một nhà giáo lão làng, cười thông cảm: “Thầy dạy toán già đời, tiến sĩ khoa học toán học như tôi đây, cũng đang thất nghiệp! Năm học này, chỉ có ba “mống” nộp đơn thi vào khoa toán trường tôi! Tiến sĩ thường, tiến sĩ khoa học cũng đành “ngồi chơi xơi nước” cả thôi! Chứ đào đâu ra học trò để mà dạy! Mấy chục ông thầy xúm lại dạy vài ba cô, cậu sinh viên, thế thì thử hỏi tuyển thêm một “anh giáo mới toanh” vào khoa để làm cái gì cơ chứ?… Hay là ông tạm thời xin việc cho Thái ở nước ngoài?…”.

Vừa lúc đó, ông Chủ tịch Hội Toán học Ba Lan mời cậu Thái nhà tôi sang làm Giáo sư toàn phần thỉnh giảng bên đó… Thật hú vía! Quả tình lúc ấy tôi muốn giữ Thái ở lại Hà Nội để tính chuyện vợ con cho cậu ta. Chả là vì cậu cũng ngót nghét “tam thập nhi lập” rồi. Nhưng, đành tiễn Thái đi Ba Lan, mặc dù vẫn biết bên đó tiền lương cũng chẳng cao gì, đâu được như Tây Âu, Bắc Mỹ.

Ba Lan cũng vừa thoát khỏi cơ chế tập trung quan liêu – bao cấp như ta thôi!…  Ấy là tôi nói chuyện cách đây nhiều năm, khi Thái mới đỗ tiến sĩ khoa học. Chứ hiện nay, đất nước ta đổi mới, tình hình Đại học Quốc gia Hà Nội khác lắm rồi, các giáo sư toán đâu đến nỗi phải “ngồi chơi xơi nước”…

Coi học vị Tiến sĩ khoa học chỉ là bước đầu…           

Đối với một số người, bản luận án Tiến sĩ khoa học thường được coi như một sự tổng kết cả đời người, như nấc thang cuối cùng trong sự nghiệp khoa học, khiến họ say sưa “ngắm nghía”, mải mê “nhấm nháp” mãi hoài, rồi tự mình đánh giá mình như một bậc… “thiên tài”, đáng khắc tên trên bia đá để đời! Đối với Nguyễn Hồng Thái, đó mới chỉ là bước đi chắc chắn đầu tiên.

Cho đến nay, anh đã hoàn thành và công bố gần 100 công trình khoa học – một con số thật đáng nể! Hầu hết các công trình của anh đều được in trên các tạp chí toán học hàng đầu. Bản thảo cuốn sách 600 trang khổ lớn của anh, cuốn Mô-đun hàm số Banach, những ứng dụng cho phương trình phi tuyến và đa trị, gửi đến Nhà xuất bản Marcel Dekker ở New York, kèm theo những lời đánh giá rất cao của nhiều nhà toán học đầu ngành của Mỹ, Nga, Đức, Italy, Belarus… đã được nhà xuất bản này chọn in.

GS, TSKH Nguyễn Hồng Thái đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh Ba Lan bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và làm tư vấn cho 3 người khác (Maciej Jumiewicz, Jolanta Zieminska (nữ) và Andrzej Wisniewski) bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học (ở Ba Lan và Đức, gọi là Tiến sĩ Habil, học vị cao nhất).

Anh cũng đang cộng tác chặt chẽ với Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga A. Khokholov để Xây dựng mô hình toán học cho các hệ pô-li-me tinh thể không thuần nhất về hướng và về sự phân bố trong không gian. Anh ôm ấp hoài bão trở thành một nhà sinh học lý thuyết lỗi lạc về pô-li-me sinh vật, tiến tới xây dựng một lý thuyết toán học đủ chính xác và tường minh cho sinh học phân tử trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Anh muốn tự mình tạo ra một mũi đột phá trong chuyên ngành toán học và để lại những dấu ấn rõ nét, không phai mờ.

Mấy năm gần đây, anh thường được một số trường đại học lớn ở Mỹ, Trung Quốc “săn đón”, mời sang làm Giáo sư toàn phần thỉnh giảng. Trung Quốc hiện đang ra sức bám sát những thành tựu khoa học và công nghệ đỉnh cao thế giới, hễ thấy một nhà khoa học nào mới nổi ở đâu đấy là tìm cách “rước” ngay.

Năm 2000, GS Nguyễn Hồng Thái đã được ông Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các nhà giải tích phi tuyến mời thay mặt Liên đoàn đọc Báo cáo tổng quan tại phiên họp toàn thể của Đại hội Liên đoàn có 2.500 nhà nghiên cứu phi tuyến trong các lĩnh vực toán, vật lý, hoá học, sinh học, tin học, kinh tế, v.v., trong đó có những người đã từng được tặng Giải thưởng Nobel, Huy chương Fields.

Hoạt động khoa học của Nguyễn Hồng Thái rất sôi nổi và đa dạng. Thế nhưng anh vẫn có thời gian tham gia đội bóng đá của Đại học Szczecin. Cao 1,70 mét, nặng 70 ki-lô-gam, anh đang ở độ sung sức về mọi mặt.

Cách đây chưa lâu, nhân về nước đọc “báo cáo mời” tại Đại hội Toán học Việt Nam, Giáo sư toán học Nguyễn Hồng Thái đã cùng ông thân sinh là Phó Giáo sư sử học Nguyễn Tri Thư đến Văn chỉ ở quê nhà, chụp ảnh bên tấm bia tiến sĩ có khắc tên tổ phụ của anh: cụ Tiến sĩ Nho học Nguyễn Công Thái. Dù ở phương trời nào nhà toán học ấy vẫn hướng về nguồn cội. Năm nào anh cũng sắp xếp trở về nước làm việc vài tháng. Anh ghi trong nhật ký:

“Cha tôi Nguyễn Tri Thư cũng như mấy anh em chúng tôi luôn tu dưỡng theo truyền thống nhân nghĩa Nho gia đã được xây đắp từ đời cụ cao tổ Nguyễn Công Thái, Đông các Đại học sĩ, 5 lần làm Tể tướng thời Lê – Trịnh, tất cả hơn 20 năm”.

                                                                                                                                                                                                             Hàm Châu

                                     Nguồn: www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/bee.net.vn/GS-Nguyen-Hong-Thai-nha-toan-hoc-tre-sung-suc/4694985.epi