Chuyện tình của hai nhà khoa học
Thuyết phục mãi, PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu mới đồng ý chia sẻ về câu chuyện về cuộc sống vợ chồng của bà và GS. Nguyễn Lân Dũng. Lý do khiến e ngại là vì bà “không muốn lên báo để kể mãi về câu chuyện gia đình mình, khi mà xã hội vẫn còn nhiều gia đình tiêu biểu”.
Bà nói: “Tôi thường xuyên đọc báo, nghe đài, và thấy thực sự khâm phục những gia đình nông dân nghèo mà vẫn nuôi được 4 -5 người con đi học đại học. Đó là những gia đình mà báo chí thực sự nên tìm để viết”.
Dẫu là vậy, tôi vẫn tha thiết được viết về gia đình bà, một gia đình của những trí thức nổi tiếng, nhưng lại có một cuộc sống đời thường rất gắn bó, giản dị và truyền thống.
Năm 1965, khi mới 23 tuổi, cô gái trẻ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã gia nhập quân đội và về công tác tại khoa truyền nhiễm, Bệnh viện 108.
Gia đình GS Nguyễn Lân Dũng
Ngày đó, tuy cả gia đình sống ngay ở căn biệt thự số 2 Trần Hưng Đạo (đối diện với cổng Bệnh viện 108), nhưng bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn xin phép bố mẹ cho vào ở tập thể trong bệnh viện, ăn ở tại tập thể.
Luôn khuyến khích con mình tự lập nên khi ấy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên rất ủng hộ quyết định của con gái.
Sinh trưởng trong một gia đình danh giá (bố là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, mẹ là con gái quan Tổng đốc Thái Bình), nhưng bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu chưa bao giờ nghĩ đến việc dựa dẫm vào danh tiếng của gia đình mà luôn tự nỗ lực phấn đấu bằng năng lực của bản thân.
Bà luôn tâm niệm: đã là con gái của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thì càng phải tự phấn đấu, tự rèn luyện.
Chính vì thế mà giờ khi nhắc đến bà, các bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện 108 vẫn nhớ đến hình ảnh một nữ bác sĩ xông xáo, nhiệt tình, không ngại khó khăn, vất vả, luôn được tất cả đồng nghiệp ở bệnh viện cũng như bệnh nhân yêu mến.
Nhập ngũ năm 1965, thì năm 1966, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và liên tục 5 năm liền sau đó đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Mải mê phấn đấu, nên ở tuổi 28, cái tuổi mà nhiều người phụ nữ thời ấy đã có mấy mặt con, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn chưa có người yêu.
GS. Nguyễn Lân Dũng hơn PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu 4 tuổi. Cũng vì say mê nghiên cứu khoa học từ trẻ, nên đến 32 tuổi, ông vẫn chưa lập gia đình.
Năm 1970, khi nghiên cứu đề tài khoa học “Chống mủ xanh cho thương binh”, Nguyễn Lân Dũng thường xuyên ra vào Bệnh viện 108 để hợp tác với các bác sĩ trong bệnh viện.
Thấy bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu chưa có người yêu, lại vốn yêu quý bà, nên một người đồng nghiệp của bà là bác sĩ Quang (Trưởng khoa Vi sinh vật) đã giới thiệu bà làm quen với Nguyễn Lân Dũng vì thấy cả hai có rất nhiều điểm chung: Nhiệt huyết, say mê công việc và luôn ý thức tự rèn luyện, phấn đấu.
“Thời đó có rất ít phim chiếu rạp, nhưng không hiểu bằng cách nào, vợ chồng anh Quang kiếm được 4 cái vé rồi rủ tôi và anh Dũng đi xem phim. Chúng tôi quen nhau rồi yêu nhau đơn giản như thế” – PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu kể.
Thời mới quen nhau, ấn tượng của bà về Nguyễn Lân Dũng là một người đàn ông rất nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát: “Tôi mến anh Dũng bởi sự chân thành, thật thà, sống tình cảm và luôn nhiệt tình, hết mình với công việc.
Từ hồi mới yêu nhau đến giờ, tính thật thà, yêu quý mọi người của anh Dũng vẫn không hề thay đổi. Anh Dũng không bao giờ nghĩ xấu cho người khác. Nếu người ta có làm gì xấu, làm gì sai, anh Dũng cũng cố tìm ra điểm tốt của họ để vẫn tiếp tục yêu quý họ.
Anh Dũng cũng có nhiều điểm giống tôi: tuy gia đình ở Hà Nội nhưng cũng xin vào tập thể ở, cũng ăn cơm mậu dịch 18 đồng/tháng. Tôi có mấy người cháu, con của các chị. Mấy đứa trẻ vẫn gọi tôi là mẹ.
Hồi yêu nhau, anh Dũng rất yêu quý mấy cháu của tôi và hết lòng chăm sóc chúng như ruột thịt của mình nên mấy đứa quấn anh Dũng vô cùng. Thường thì nhiều người đàn ông chỉ thể hiện như thế lúc yêu.
Nhưng tôi để ý là sau này, khi đã nên vợ nên chồng và đến tận bây giờ, anh Dũng vẫn yêu các cháu của tôi như con ruột, vẫn hết lòng chăm sóc chúng. Các cháu của tôi đều gọi chúng tôi là bố mẹ cả”.
Thời yêu nhau, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu ở trong tập thể quân đội, mỗi khi muốn ra cổng là phải xuất trình thẻ. Không muốn vì chuyện tình cảm mà vi phạm kỷ luật quân đội, nên nơi “hẹn hò” của hai ông bà thường chính là Khoa Truyền nhiễm, nơi bà đang làm việc.
Biết công việc của bà ở khoa bận nên ngày còn yêu nhau, không bao giờ ông đòi hỏi bà phải đi chơi, phải gặp gỡ riêng tư. Ngày ngày, GS. Nguyễn Lân Dũng vào Khoa Vi sinh làm việc, đến hết giờ làm việc lại sang Khoa Truyền nhiễm, ngồi nói chuyện với các anh chị em trong khoa.
Thỉnh thoảng Bệnh viện 108 có phát động phong trào làm bích báo thi đua giữa các khoa, GS. Nguyễn Lân Dũng chính là người vẽ đầu báo và trang trí cho bích báo của Khoa Truyền nhiễm.
Chính vì sự nhiệt tình và tính cách gần gũi, cởi mở mà cả Khoa Truyền nhiễm nơi PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu công tác ngày đó, ai cũng quý GS. Nguyễn Lân Dũng.
PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu kể: “Bố mẹ tôi luôn tôn trọng chuyện lựa chọn hôn nhân của các con. Các chị gái tôi lấy chồng, dù là một anh kỹ sư có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ tôi vẫn vui vẻ vun vào. Không bao giờ ông bà đặt áp lực cho con cái phải lấy chồng môn đăng hộ đối.
Khi tôi và anh Dũng tìm hiểu nhau, bố mẹ tôi biết anh Dũng là con của GS. Nguyễn Lân thì rất mừng, vì bố tôi vốn được nghe kể rất nhiều về gia đình cụ Nguyễn Lân.
Chúng tôi được gia đình hai bên ủng hộ. Tháng 5/1971, anh Dũng đi theo đoàn bác sĩ vào đường 9 – Nam Lào để chữa bệnh cho bộ đội. Đến tháng 9/1971 thì chúng tôi cưới nhau”.
Hành quân vào chiến trường khi bụng mang dạ chửa
Một trong những câu chuyện đã trở thành giai thoại trong gia đình PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu chính là chuyện bà đã xung phong vào chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Thời đó chiến trường Quảng Trị có thể coi là chiến trường khốc liệt nhất của ta và địch. Rất nhiều chiến sĩ của ta đã hi sinh ở Quảng Trị. Rất nhiều chiến sĩ khác bị thương, phải đưa về tuyến sau.
Vì tầm quan trọng của chiến dịch này, nên ngày đó, ta có chủ trương cố gắng chữa trị thương binh ngay tại chiến trường để có thể tiếp tục quay trở lại chiến đấu. Các bác sĩ ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội được động viên vào chiến trường để cấp cứu và điều trị cho thương binh ngay tại mặt trận.
Hương Thảo Nguyên