GS Nguyễn Lân Dũng: “Chắp cánh” để giữ gìn hạnh phúc (II)

Cưới chồng tháng 9/1971 thì tháng 1/1973, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu được lệnh vào chiến trường: “Ngày 3/1, tôi được gọi lên Phòng Tổ chức Cán bộ thông báo cắt quân số tại bệnh viện để tập trung vào đội bác sĩ phẫu thuật vào chiến trường nhận nhiệm vụ. Lệnh điều động của quân đội rất nhanh.

Ngay ngày hôm sau, đoàn bác sĩ phẫu thuật chúng tôi đã bắt đầu phân công nhiệm vụ và chuẩn bị tập luyện để vượt Trường Sơn. Sáng nào chúng tôi cũng đi bộ từ Bệnh viện 108 đi dọc theo sông Hồng, phía sau khoác một ba lô toàn gạch.

Vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng bên các con cháu

Vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng bên các con cháu

Mỗi ngày, số lượng gạch lại tăng lên. Đúng những ngày chuẩn bị lên đường, thì tôi phát hiện ra mình có những triệu chứng của người đang mang thai.

Tôi mang chuyện đó về bàn bạc với chồng và bố mẹ. Cả gia đình tôi thống nhất là tránh khám ở Bệnh viện 108, để phòng trường hợp nếu mình có thai thật thì sợ sẽ không được vào chiến trường nữa.

Nhiều người vẫn quan niệm tôi sinh trưởng trong một gia đình như thế thì phải rèn luyện nhiều mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Tôi rèn luyện từ năm 1965 đến năm 1972, năm nào cũng là Chiến sĩ thi đua, nhưng vẫn chưa được kết nạp Đảng vì vẫn được xếp vào thành phần trí thức cần được rèn luyện, thử thách.

Vì thế tôi càng quyết tâm vào chiến trường đợt đó, để khẳng định sự nỗ lực rèn luyện của mình. Tôi đi khám một bác sĩ ở Viện C. Kết quả đúng là tôi có thai thật.

Khi đó, tôi đã trình bày nguyện vọng xin bỏ cái thai đi với người bác sĩ khám cho tôi, nhưng được khuyên giữ thai lại vì ở độ tuổi tôi, nếu bỏ thai đi sẽ rất dễ mắc bệnh vô sinh thứ phát”.

Khi đó, phải đứng trước một quyết định rất khó khăn, một bên là giữ an toàn cho cái thai trong bụng – cũng là đứa con đầu lòng của hai vợ chồng, và một bên là nhiệm vụ của một người lính – bác sĩ, cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn quyết định vào chiến trường.

Bà mang chuyện đó về bàn bạc với chồng và bố mẹ. Bà kể, khi đó bà có tâm sự với chồng: “Nếu em không đi bây giờ thì chắc sẽ không bao giờ được đi. Sau này có con cái vào, sẽ không còn cơ hội xung phong vào chiến trường nữa”.

Hiểu tâm sự của vợ, nên khi đó, GS. Nguyễn Lân Dũng đã có một quyết định mà sau này bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn cho rằng đó là quyết định can đảm nhất, vĩ đại nhất của chồng.

Dù biết vợ đang mang thai đứa con đầu lòng, dù vô cùng lo lắng cho sự an nguy của con, nhưng khi đó ông vẫn nói với vợ: “Thôi, Hiếu cứ đi. Đi để rèn luyện, để chiến đấu, để phục vụ đất nước. Cố gắng giữ gìn để tránh những tai biến xảy ra”.

Nhận được sự ủng hộ của bố mẹ và chồng, PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu theo đội bác sĩ phẫu thuật hành quân vào chiến trường. Ngoài gia đình, không một ai biết bà đang mang thai đứa con đầu lòng.

Năm đó, để hành quân vào chiến trường Quảng Trị, đoàn bác sĩ phẫu thuật của PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu phải mất cả tháng trời vượt Trường Sơn rất vất vả. Cứ mỗi ngày vượt một quả núi, sáng leo lên, chiều leo xuống.

Giống như tất cả các bác sĩ trong đoàn, nên bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu cũng phải khoác một cái ba lô đựng gạo, muối, mắm B, đồ dùng cá nhân, vai đeo súng. Có những đoạn dốc thẳng đứng, phải có người đẩy, bà mới leo lên được.

Khi vượt Bãi Hà vào đến trạm H, các bác sĩ trong đoàn bắt đầu nhận ra những dấu hiệu thai nghén của bà:

“Tất cả đều bán tín, bán nghi, không một ai dám khẳng định sự thật nên cũng không ai dám nói ra. Nhưng cả đoàn đều nhất trí rằng, với sức lực của tôi nếu tiếp tục đi sẽ làm chậm tốc độ của đoàn, mà ngày đó vượt Trường Sơn phải có giờ, vì giặc ném bom theo giờ, nếu đi nhanh chậm vài phút, có thể khiến cả đoàn phải bỏ mạng.

Cả đoàn họp và quyết định để tôi và một cô nữa trong đoàn cũng yếu ở lại, để chờ ra Bắc hoặc làm việc ở đội điều trị 43, chờ đoàn ra”.

Ngày đó, dù ở lại, nhưng PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn quyết tâm rèn luyện. Ngày nào bà cũng trèo lên núi rồi lại leo xuống. 1 tuần sau, đợi đến khi đội điều trị của Đoàn 204 vào đến Trạm H, bà lại tiếp tục theo đoàn hành quân vào miền Nam.

Thế là với chiếc gậy Trường Sơn, Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã tiếp tục vượt Trường Sơn vào Quảng Trị, với đứa con đang mang trong bụng. Đến giờ những ngày vượt Trường Sơn và chiến trường vẫn để lại trong lòng bà đầy kỉ niệm khó quên:

“Ngày đó có những đoạn dốc quá, chỉ có cách ngồi xuống và trượt xuống. Cũng có những đoạn đi qua những nơi một bên là vực sâu, một bên là vách núi. Cả đoàn chỉ có cách bám vào vách núi và đi trên một cái mép đường nhỏ chỉ đặt vừa bàn chân.

Nhiều chiến sĩ của mình đi qua đây đã chẳng may bị trượt chân và tử nạn. Thế mà tôi đã vượt qua những đoạn đường đó thành công. Có hôm vượt sông Rào Quán, qua sân bay Tà Cơn lên làng Vây, cả đoàn chúng tôi bị địch phát hiện.

Máy bay địch quần khắp nơi. Khi đó tôi và nhiều bác sĩ trong đoàn đã chắc mẩm là mình sẽ khó sống qua đêm đó, nhưng may sao lại được bộ đội của ta ở bờ Bắc nổ súng, đánh lạc hướng máy bay địch và giải cứu”.

Khi vào đến chiến trường Quảng Trị cũng là lúc các bác sĩ trong đoàn phát hiện ra PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã mang bầu, vì khi đó bụng bà đã lộ rõ, không thể giấu được nữa.

Biết chuyện bà bụng mang dạ chửa mà vẫn quyết tâm vào chiến trường khốc liệt, lại phải vượt qua một chặng đường hành quân đầy vất vả, tất cả các thành viên trong đoàn đều thương và cảm phục.

Ngay khi vào chiến trường, vừa đặt ba lô xuống, chưa kịp nghỉ ngơi, bà đã ra trạm xá làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh. Suốt thời gian ở chiến trường, dù ốm nghén mệt mỏi, bà vẫn luôn hoạt động tích cực, vừa làm bác sĩ điều trị, vừa làm y tá, hộ lý phục vụ, chăm sóc thương binh.

Chuyến đi đó đã khiến PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu hoàn toàn “ghi điểm” trong mắt các đồng nghiệp đi cùng.

Đến tháng 6/1972, khi cái thai trong bụng đã sang đến tháng thứ 7, bà mới hành quân ra Bắc. Khi PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu trở về đến Hà Nội, khỏi phải nói cũng biết người mừng hơn cả chính là GS. Nguyễn Lân Dũng.

Bởi trong những tháng PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu đi vào chiến trường, chắc không ít lần GS. Nguyễn Lân Dũng nghĩ khôn nghĩ dại về sự an nguy của vợ con mình.

Sau này, câu chuyện PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu vào chiến trường trong lúc đang mang bầu đã trở thành 1 giai thoại lưu truyền trong gia đình bà. Đến giờ khi nhớ lại sự gan dạ, can đảm nhưng có phần liều lĩnh của mình, bà vẫn có đôi chút hoảng sợ:

“Thú thực là ngày ấy tôi không sợ chết, vì đã xác định đi vào nơi bom đạn, sống chết cũng là chuyện bình thường. Nhưng cái sợ nhất là sợ bị mất đi đứa con mình mang trong bụng.

Thời gian ở chiến trường, chúng tôi thường xuyên lấy nước sinh hoạt ngoài suối và hái rau ngoài rừng. Mà ngày đó cả khu vực ấy đều bị Mỹ rải chất độc hóa học màu da cam. Sau này nhớ lại, tôi vẫn không khỏi rùng mình. ư

May rủi thế nào mà mình lại không bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, có lẽ là nhờ trời thương, nên cuối cùng hai đứa con của tôi ra đời đều lành lặn, khỏe mạnh và thông minh, sáng dạ”.

Những bí quyết của hạnh phúc

Điều mà PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu tâm đắc nhất trong cuộc sống vợ chồng của mình chính là việc cả bà và GS. Nguyễn Lân Dũng đều luôn ý thức một điều:

“Cả hai vợ chồng, người này phải luôn nghĩ đến việc “chắp cánh” cho người kia “bay” lên trên con đường học vấn, sự nghiệp cũng như trong cuộc sống”.

Và với PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, thì hành động cho vợ vào chiến trường giữa lúc bụng mang dạ chửa của GS. Nguyễn Lân Dũng chính là một trong những lần “chắp cánh vĩ đại nhất” cho người bạn đời của mình. Sau này, ông cũng không ít lần tiếp tục “chắp cánh” cho bà vươn lên trong cuộc sống.

PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu tâm sự rằng, bà may mắn lấy được một người chồng vừa là một trí thức, một nhà khoa học có tâm huyết, nhưng cũng là một người đàn ông hết lòng với gia đình và rất mực yêu thương vợ con.

Mỗi khi ông bà bất đồng quan điểm về một vấn đề gì đó, ông bao giờ cũng là người im lặng, là người nhường nhịn. GS. Nguyễn Lân Dũng vẫn thường giúp vợ những công việc trong gia đình để vợ mình có thể hoàn thành tốt công tác.

Năm 1989, khi PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu được cử đi học lớp cán bộ quản lý ở Ba Lan để về làm Phó Giám đốc Bệnh viện, GS. Nguyễn Lân Dũng chính là người ủng hộ vợ nhiều nhất, dù khi đó cả hai người con của ông bà vẫn đang trong độ tuổi đi học.

Những ngày vợ đi học nước ngoài, GS. Nguyễn Lân Dũng vừa nghiên cứu khoa học, vừa gánh vác vai trò của cả người cha và người mẹ trong gia đình, chăm lo dạy dỗ con cái và bảo ban con cái học hành. Điều đặc biệt là ông hoàn toàn vui vẻ với nhiệm vụ khó nhọc đó.

Cảm nhận được sự hi sinh của chồng, PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu cũng luôn hết lòng động viên, hỗ trợ và ủng hộ chồng theo cách của mình, để GS. Nguyễn Lân Dũng có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu của mình. Bà nói:

“Tôi học được rất nhiều từ cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi đã luôn ủng hộ nhau vươn lên, luôn ủng hộ nhau phấn đấu. Tôi cho rằng, một gia đình trí thức, thì điều quan trọng nhất là cả vợ cả chồng phải biết “chắp cánh” cho nhau, và cũng biết hi sinh vì nhau”.

Chồng là giáo sư nổi tiếng, bản thân PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu cũng 11 năm giữ cương vị Phó Giám đốc bệnh viện 108, nhưng đến lúc về hưu, sổ tiết kiệm của bà chỉ vẻn vẹn 10 triệu đồng.

Dẫu vậy bà luôn hài lòng với gia đình mình, với sự nghiệp mà vợ chồng bà đã phấn đấu cả đời để đạt được, đặc biệt là hài lòng với các con trai, con gái, con dâu, con rể trong nhà.

Tuy là một người phụ nữ rất ý thức giữ gìn truyền thống gia đình, nhưng PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu cũng là một người mẹ hết sức hiện đại. Bà tâm sự:

“Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về mẹ chồng – nàng dâu và luôn tự nhủ mình sẽ không bao giờ là một người mẹ chồng khắc nghiệt trong mắt con dâu.

Tôi quan niệm mỗi thế hệ đều có một suy nghĩ riêng, một lối sống riêng, vì vậy tôi không bao giờ áp đặt lối sống, quan niệm sống của mình lên con cái, đặc biệt là con dâu. Tôi luôn coi con dâu như con đẻ và cư xử với con dâu như con ruột của mình.

Con dâu tôi cũng cảm nhận được điều đó, nên cư xử với tôi như mẹ ruột” – đó chính là những bí quyết khiến cho PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu luôn giữ được ngọn lửa ấm áp trong cuộc sống của gia đình mình.

(Kỳ I: GS Nguyễn Lân Dũng: “Chắp cánh” để giữ gìn hạnh phúc )

Hương Thảo Nguyên

www.baomoi.com/Home/TinhYeu/phunutoday.vn/GS-Nguyen-Lan-Dung-Chap-canh-de-giu-gin-hanh-phuc-II/8005566.epi