GS Nguyễn Ngọc Doãn: Một trí thức gần dân

GS Nguyễn Ngọc Doãn và các chiến sỹ tại Chiến khu Việt Bắc (người đứng thứ 3 từ phải sang)

Người thầy tài năng

GS Nguyễn Ngọc Doãn sinh ngày 17-6-1914, xuất thân trong một gia đình dòng dõi trí thức nhiều đời ở làng Thịnh Hào, Đống Đa (Hà Nội). Ông học phổ thông tại trường Albert Sarraut và đỗ đầu kỳ thi tuyển vào trường Y khoa Đông Dương (nay là ĐH Y Hà Nội) năm 1933. Với kết quả học tập xuất sắc trong cả 6 năm học, ông được nhận giải thưởng Spina – một giải thưởng cao quý dành cho sinh viên thời bấy giờ.  

Tốt nghiệp ĐH, ông vào làm việc tại Bệnh viện Quân y Pháp Đồn Thủy, đeo lon quan hai với nhiều trọng vọng ưu đãi. Nhưng chưa đầy một năm sau, ông bỏ về mở phòng khám tư ở số 1 phố Sơn Tây, Hà Nội (nay là số nhà 4). Không quản đường xa, ông lặn lội đến nhiều hộ dân lao động nghèo để khám chữa bệnh, nhiều khi không lấy tiền mà còn tặng thuốc miễn phí…Con đường đang rộng mở và một cuộc sống sung túc, quyền quý dành cho ông và gia đình tưởng như đã được định sẵn. Vậy mà ông đã từ bỏ! 

Trước toàn quốc kháng chiến, ông tình nguyện nhập ngũ và làm Viện trưởng Viện Quân y Yên Bái. Ba lô trên vai, bước chân ông đã từng đi khắp các mặt trận Sông Thao, Sơn La, Tây Bắc,… và đảm nhận nhiều trọng trách của ngành quân y trong kháng chiến. Thời gian này, mặc dù là một bác sĩ nội khoa nhưng ông vẫn thực hiện cả những ca mổ cho thương bệnh binh trên các mặt trận.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, từ chiến khu về lại thủ đô, GS Nguyễn Ngọc Doãn được cử làm chủ nhiệm khoa Tim mạch, Tổng chủ nhiệm Nội khoa, sau đó là Phó Viện trưởng Viện Quân y 108. Với lối tư duy logic và giác quan lâm sàng nhạy bén, cùng vốn tri thức sâu rộng và kinh nghiệm chủ động tích lũy mỗi ngày, ông là một trong những người thầy xuất sắc nhất trong lĩnh vực nội khoa ở Việt Nam. Ông thường tham gia hội chẩn ở nhiều bệnh viện trong cả nước. Ngay ở Viện Quân y 108 mỗi khi có trường hợp nào phức tạp, khó chẩn đoán, các bác sĩ trẻ cũng lại nhờ ông chỉ dẫn trong chuyên môn. 

GS Nguyễn Ngọc Doãn cùng với các giáo sư đầu ngành y khoa Việt Nam như Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ, Vũ Công Hòe, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên, Đinh Văn Thắng… đã hình thành nên một đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường ĐH Y Hà Nội do GS. Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Vượt qua khó khăn của những ngày đầu thành lập, khi bộ môn Dược lý chưa có chương trình, chưa có giáo án, giáo trình… GS Nguyễn Ngọc Doãn ở cương vị Chủ nhiệm đã lãnh đạo tập thể cán bộ bộ môn phát huy nhiều đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu. 

GS. Nguyễn Ngọc Doãn

Cuộc đời giản dị, khiêm tốn

Trong trí nhớ của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp, thương bệnh binh, GS. Nguyễn Ngọc Doãn là một người ăn mặc giản dị, đi chiếc xe đạp cũ kỹ không cần khóa, chia từng mẩu bánh mỳ với anh chị em. Ông rất ít nói về mình. Ông không bao giờ từ chối giải đáp thắc mắc về bệnh tật, về chuyên môn. Ngay cả trong những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, khi sinh viên y tới thăm, ông vẫn giảng bài… Ông từng tâm sự: “Niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất của người thầy là được thấy học trò giỏi hơn mình. Hiện nay, trong số các anh em trẻ, có những người rất xuất sắc…”.

GS Hoàng Tích Huyền, người kế nhiệm GS. Nguyễn Ngọc Doãn ở trường ĐH Y nhớ lại: “Cách giảng bài của thầy Doãn rất hay. Mọi sự phức tạp thầy đều biến thành đơn giản, cụ thể, xúc tích để sinh viên dễ nhớ. Cuộc đời thầy cũng thế. Không so đo tính toán thiệt hơn mà toàn tâm, toàn ý vào công tác chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu và chữa bệnh cứu người. Thầy khiêm tốn đến mức “hồn nhiên” khi nói về việc mình còn yếu mặt này, mặt kia là sự thật. Thầy cũng là tấm gương sáng để chúng tôi không ngại, không ngừng học hỏi mọi người để nâng cao tri thức…”. 

Hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà, GS. Nguyễn Ngọc Doãn được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ hạng Ba, Huân chương chiến thắng hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy Hiệu Hồ Chủ tịch… Tháng 8-1985, ông được Nhà nước phong tặng  danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hai năm sau, ngày 24-2-1987, GS. Nguyễn Ngọc Doãn qua đời trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp, những học trò và thương bệnh binh ông đã từng cứu chữa… 

 

Trong lĩnh vực nghiên cứu, GS. Nguyễn Ngọc Doãn có hơn 70 đề tài công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, đồng thời là tác giả của 12 cuốn sách chuyên ngành nay đã trở thành kinh điển về Bệnh tim mạch và tăng huyết áp (1965), Bệnh gan mật (1968), Dược lý học (1969), Một số vấn đề hiện nay trong bệnh học tiêu hóa (1974 ), Dược luật học (1979)… Ông cũng là một trong những người đặt nền móng và tham gia xây dựng bộ Dược điển Việt Nam – một bộ sách rất có giá trị về mặt khoa học.