GS Nguyễn Văn Đạo từ “xó rừng” đến viện hàn lâm

 Nhận Giải thưởng Nhà nước của Ukraine

Cách đây gần 14 năm, vào lúc 14 giờ 30 phút chiều 31/12/1996, GS Nguyễn Văn Đạo nhận được điện thoại của Viện sĩ Yu. A. Mitropolsky từ thủ đô Kiev xa xôi cho biết: Tổng thống L. Kutchma đã ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước của Ukraine về khoa học và kỹ thuật cho một số công trình khoa học lớn ở nước này, trong đó có công trình Phương pháp tiệm cận ứng dụng trong dao động phi tuyến của hai tác giả Yu. A. Mitropolsky và Nguyễn Văn Đạo.

Trường phái Kiev về lý thuyết dao động phi tuyến nổi tiếng từ những năm 30 thế kỷ 20 với những công trình mở đường của N. M. Krylov và N.N. Bogolyubov. Cho đến đầu thế kỷ 21, đó vẫn là trường phái mạnh nhất thế giới về phương pháp tiệm cận của dao động phi tuyến. Nhiều nhà toán học, trong đó có Yu. A. Mitropolsky, đã trưởng thành từ trường phái ấy.

                                                                                                                                                  
                                                                                      GS,TSKH Nguyễn Văn Đạo đón nhận bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Ukraine.     

                                                                                                                                                   

Cách đây chưa lâu, vào một buổi chiều đông lạnh cóng năm 2006, GS Nguyễn Văn Đạo còn bồi hồi tâm sự với tôi:

– Chỉ riêng việc được đứng tên cùng nhà  bác học danh tiếng Yu. A, Mitropolsky để nhận Giải thưởng Nhà nước của Ukraine đã là một niềm vinh dự lớn đối với tôi. Tôi còn nhớ rõ, gần nửa thế kỷ trước, vào năm 1957, khi vừa tròn 20 tuổi và mới trở thành cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội, tôi cầm trong tay cuốn sách chuyên khảo bằng tiếng Nga Phương pháp tiệm cận trong dao động phi tuyến của N. N. Bogolyubov và Yu. A. Mitropolsky mà… chẳng hiểu tý gì! Tiếng Nga mới võ vẽ. Còn kiến thức toán thì chưa đủ để thấu tỏ nội dung sâu sắc, tinh tế.

Chỉ có điều tôi mê cuốn sách đó! Và tôi thầm hứa với mình là phải tự học cho bằng được tiếng Nga, đồng thời kiên trì bổ túc kiến thức toán, nhất là về phương trình vi phân. Phải hoàn toàn tự học, bởi vì ngày ấy ở nước ta chưa có thầy về chuyên ngành này.

Hơn nữa, tôi lại vừa được phân công giảng dạy một môn mới mà mình chưa bao giờ được học: môn cơ học lý thuyết. Môn này còn gọi là cơ học thuần lý mà một số anh em chúng tôi thường nói chệch đi là… “cơ học thần bí” bởi lẽ nó khó quá, gần như là… thần bí! Trở ngại chồng chất nhưng rồi, cuối cùng, tôi cũng vượt qua được nhờ bền bỉ tự học…

Thế hệ Nguyễn Văn Đạo là “thế hệ vàng” những học sinh kháng chiến, những con người mà lòng khát khao hiểu biết và ý chí vượt khó đã được thử thách, luyện rèn dưới mái trường chống Pháp cột tre, vách đất, giấy nứa, đèn dầu, áo nâu, cơm độn… Những nỗi nhọc nhằn vất vả trong tuổi thanh xuân chưa hẳn đã là điều… “bất hạnh”? Bởi lẽ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”! Cuộc sống đủ đầy, nhung lụa, sữa bơ trong không ít trường hợp lại dung dưỡng thói đắm đuối hưởng thụ, ích kỷ đớn hèn của những chàng trai “công tử bột” hay cô nàng “tiểu thư chậu cảnh”!…

“Mỗi lòng người như nước suối trong”

Nguyễn Đình Thi đã viết những dòng thơ đầy xúc cảm về núi rừng Việt Bắc thời chống Pháp:

Lòng ta không ngừng ca hát
Ôi những núi chàm sáng ngời
Ta yêu những rừng Việt Bắc
Nơi ta khôn lớn nên người…

Đó là những tháng năm ở “thánh địa của kháng chiến”:

Mỗi tấc đất ngày đêm bỏng giẫy
Mỗi lòng người như  nước suối trong…

Nguyễn Văn Đạo là nhà khoa học nhưng yêu văn thơ, tâm hồn giàu cảm xúc. Nói chuyện với lớp trẻ, ông tâm sự:

– Hạnh phúc của con người ta đâu phải chỉ là ô-tô, nhà lầu, mà còn là những giá trị  tinh thần trong sạch, cao thượng, không bạc tiền nào mua nổi!

Rồi ông kể về thời trung học “xa xưa” của mình:

– Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi theo học Trường Hùng Vương dưới tán lá cọ những ngọn đồi trung du ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Bọn học sinh chúng tôi chẳng phải trả tiền thuê  trọ, mà còn được bác chủ nhà cho mượn giường phản, bàn ghế, nồi niêu, bát đĩa… Nhưng các bạn tôi và riêng cá nhân tôi, ai ai cũng đều có ý thức “dân vận”, luôn lo lắng, tự nguyện quét nhà, vác nước, kèm cặp đám em nhỏ học bài… Mưa dầm dề dai dẳng. Đường đồi đỏ quạch, dẻo quánh. Tụt dép lốp, đi chân đất, vác ống bương nước giếng làng trên vai, co mười ngón chân lại để bám chặt lấy mặt đường nhão nhoét cho khỏi trượt ngã bổ nhào lúc trở về nhà. Chủ nhật, vào rừng, cầm cái sào dài móc những tàu lá mục trên cành cọ cao, mang về đun, hay chặt mấy gốc sim khô về làm củi. Cơm độn sắn, ăn với rau rừng chấm nước muối, chứ chưa làm gì có nước mắm nhỉ Phú Quốc như hôm nay!.

GS, TSKH Nguyễn Văn Đạo.

Trường bị địch ném bom thiêu trụi! Phải học đêm, sau khi máy bay Pháp “đi ngủ”. Ánh sáng trong lớp là ánh đèn dầu –  loại dầu ép từ quả dọc, sền sệt, đựng trong những cái đĩa, đốt bằng thứ bấc lấy từ ruột xốp của một loại cây thân mềm.

9h đêm, sau buổi học tối thứ bảy cuối tháng, đốt đuốc nứa khô soi đường cuốc bộ ra bến đò, sang sông Thao, trở về nhà lấy gạo tiếp tế. Đi thâu đêm, rạng sáng mới tới nhà. Rồi 4h chiều chủ nhật, lại vác trên vai một ruột tượng gạo nặng cả yến, quay trở lại trường. Tới bến đò thì trời đã tối mịt. Máy bay địch đã “ngủ yên”, cứ ung dung đốt đuốc…

Ngay từ thời ấy, anh Đạo đã có thói quen tự học, biết tự mình mày mò dịch nhiều đề toán tiếng Pháp trong mấy cuốn sách giáo khoa mượn được, để làm thêm.

Thế đấy, thời trẻ nếu ta bị ném vào “lửa đỏ và nước lạnh”, phải sống trong cảnh túng bấn, gieo neo như Nguyễn Văn Đạo, thì có khi lại là… điều hay! Chính là vì được tôi rèn nghị lực mà về sau ta trở nên rắn rỏi hơn, sớm biết tự lập hơn, để có thể tiến xa, tới những chân trời bao la rộng sáng…

Tháng 10/1954, Hà Nội giải phóng, anh Đạo trở về Thủ đô học lên đại học.

Từ “xó rừng” Việt Bắc đến các Viện hàn lâm

Năm 1957, 20 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Sư phạm Hà Nội, anh Đạo được cử về Khoa Toán – Lý Trường đại học Bách khoa, dạy môn cơ học lý thuyết. Biết kiến thức của mình còn nhiều lỗ hổng, anh lo lắng tự bổ túc theo chương trình hoàn chỉnh 5 năm của Đại học Lomonosov ở Moskva. Đọc hiểu tiếng Nga, đạt trình độ cơ bản về toán rồi, anh bắt đầu thích tìm tòi cái mới cho khoa học. Năm 1960, anh tự mình đề ra với khoa một hướng nghiên cứu thiết thực: Dao động phi tuyến của các hệ động lực.

28 tuổi, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ  cơ học tại Đại học Lomonosov danh tiếng. Trở  về nước năm 1965, anh theo trường mình vượt qua Na Sầm, Thất Khê sơ tán đến một bản vắng của đồng bào Tày ở tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây mọi thứ đều thiếu. Nhưng, may thay, có hai thứ không hề thiếu, đó là thời gian và sự yên tĩnh – hai thứ vô cùng quý báu giúp người nghiên cứu lý thuyết có thể đắm mình trong suy tưởng. Anh nhớ lời khuyên của nhà bác học Nga lừng danh M. Lavrentiev dành cho lớp trẻ: “Bạn muốn tìm một nhà khoa học giỏi ư? Trước hết, hãy tìm trong số những người có khả năng làm việc rất nhiều, không phải 6 giờ hay 8 giờ, mà là 10-12 thậm chí 14 giờ mỗi ngày!”

Anh Đạo làm việc miệt mài như Lavrentiev mong muốn!

Năm 1976, sang Ba Lan làm thực tập sinh cao cấp, anh mang theo một bản luận án tiến sĩ khoa học hoàn chỉnh, dày 500 trang, được nghiền ngẫm kỹ càng trong những năm dài sống ở một “xó rừng” Việt Bắc bên “sông Kỳ Cùng ào ào sóng đổ/ những ngày mải miết hành quân”. Thời chống Pháp, Nguyễn Đình Thi từng hành quân vượt sông Kỳ Cùng và để lại hai câu thơ mà anh Đạo thuộc lòng.

Các giáo sư Ba Lan hết sức ngạc nhiên. Chỉ ba tháng sau, anh Đạo bảo vệ thành công luận án. Trở về nước vào dịp Tết Đinh Tỵ, anh được lãnh tụ Trường Chinh đến thăm nhà, chúc Tết. Lúc bấy giờ, gia đình anh đang sống trong một gian nhà cấp bốn, mái giấy dầu, vách nứa trát bùn trộn rơm, bên dòng Tô Lịch hôi hám tù đọng…

Không được sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, Nguyễn Văn Đạo đã viết 114 bài báo khoa học (43 bài công bố ở nước ngoài) và 8 cuốn sách chuyên khảo, chủ yếu ở trong nước, bất chấp mọi khó khăn.

Các công trình của Nguyễn Văn Đạo gây tiếng vang trong giới cơ học quốc tế.

Cuốn Applied Asymptotic Methods in Nonlinear Oscillations, do Yu. A. Mitropolsky và Nguyễn Văn Đạo viết bằng tiếng Anh, được nhà xuất bản khoa học nổi tiếng thế giới Kluwer Academic Publishers in năm 1997.

Cuốn Stability in Dynamic Systems, do Nguyễn Văn Đạo viết bằng tiếng Anh, dày 235 trang, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in năm 1998, được giáo sư L. Bevilacqua dùng làm giáo trình tại Đại học Rio de Janeiro, Brazil.

Giáo sư A. Mitropolsky, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine, nhận xét:

 “Giáo sư Nguyễn Văn Đạo là một nhà khoa học nổi tiếng thế giới, có cống hiến to lớn cho sự phát triển của cơ học và toán học ứng dụng, đặc biệt trong lý thuyết dao động (…). Các kết quả nghiên cứu của ông đã làm hình thành tại Hà Nội một trường phái về dao động phi tuyến.”

Giáo sư L. Pust, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học CH Czech, cho biết: Cuốn sách của Yu. A. Mitropolsky và Nguyễn Văn Đạo Applied Asymptotic Methods in Nonlinear Oscillations rất nổi tiếng ở CH Czech.

GS Nguyễn Văn Đạo được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học CH Czech, Viện sĩ Viện Hàn lâm châu Âu…

Năm 2000, Nguyễn Văn Đạo được tặng Giải thưởng Hồ  Chí Minh.

Sự qua đời đột ngột của GS Nguyễn Văn Đạo vào lúc 8h50 ngày 11/12/2006, do chấn thương sọ não vì bị đâm xe máy, khi đang dạo bộ tập thể dục, đã gây nên niềm đau xót tiếc thương trong giới trí thức nước ta, từ các nhà khoa học bạc đầu đến các em sinh viên trẻ tuổi…

                                                                                                                                         Hàm Châu

                                                Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201007/GS-Nguyen-Van-Dao-tu-xo-rung-den-vien-han-lam-1761050/