Trở về nước, TS Nguyễn Văn Huyên không nhận một chức quan mà đi dạy học và tiếp tục chuyên tâm làm nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (từ năm 1938). Năm 1941, ông được cử làm Uỷ viên thường trực trong Hội đồng khoa học của cơ quan nghiên cứu Đông phương học nổi tiếng này và tiếp tục công bố hàng loạt công trình mới rất có giá trị. Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ thời đó Georges Coedès đã viết về Nguyễn Văn Huyên với lòng cảm phục: “Cùng với sự đào tạo đại học vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp tại Khoa Văn và Khoa Luật của Đại học Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện nổi. Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê Việt Nam.”.
Chỉ trong hơn mười năm (từ năm 1934 đến năm 1945), GS Nguyễn Văn Huyên đã công bố 46 công trình nghiên cứu, hầu hết bằng tiếng Pháp [1]. Các công trình nghiên cứu của ông bao quát nhiều lĩnh vực: Sử học, Dân tộc học, Folklore học, xã hội học… Chỉ riêng trong lĩnh vực Folklore, những nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên đã soi rọi từ các nhà sàn truyền thống đến lịch sử một làng, từ họ hàng kiểu Việt đến một vị thành hoàng, từ một phường hát múa trong lễ hội Gióng đến những làn điệu dân ca ví đối gái trai, từ tín ngưỡng Thần nước đến Đạo thần tiên, từ mẫu Liễu đến Đạo nội dân gian… Ông đi từ sự miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, chính xác từng sự kiện văn hoá – nhân văn đến những khái quát khoa học về thể loại dân ca, về cội nguồn dân tộc, và cái đích hướng đến là làm sáng tỏ về nền văn minh Việt Nam trong bối cảnh đất nước còn đang bị đô hộ, đang bị thực dân «khai hóa văn minh». Nhiều nhà nghiên cứu hôm nay còn được học (và còn phải học) ở ông nhiều điều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể. Ông đi sâu miêu tả cái cụ thể, cho những người không được đi đến điền dã và quan sát trực tiếp như mình. Điều này tỏ ra đặc biệt có giá trị khi sự kiện văn hoá dân gian ấy đã mất đi hay đã bị biến đổi, méo mó theo một xu hướng nào đó.
Ông nghiên cứu về tục thờ cúng thần tiên, thờ thành hoàng ở VN, lễ hội Phù Đổng, các bài cúng trong lễ tế Nam Giao, những khúc ca đám cưới Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng, sự ra đời của Nội Đạo Tràng ở Việt Nam, tết Trung thu, tết Đoan ngọ, lễ xá tội vong nhân, tiết thanh minh và việc giữ gìn mồ mả. Nguyễn Văn Huyên cho rằng “môn học cổ điển Á Đông phải được phổ cập ở bậc trung học”. Ông cũng đánh giá cao vai trò của tầng lớp sĩ phu trong xã hội Việt Nam xưa. Năm 1944, khi trả lời phỏng vấn báo Tri Tân, ông khẳng định những giá trị và sự cần thiết phải bảo tồn Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Theo ý tôi có hai cách, một là sửa sang khu Văn Miếu cho có vẻ mĩ quan, lẽ cố nhiên nên theo quan điểm Á Đông, tu bổ các nhà văn của Văn Miếu làm thành một cái thư viện cho cả nước, thu thập hết thảy các sách bằng chữ Nho, Quốc ngữ và tiếng ngoại quốc nói về Á Đông và có quan hệ đến nền quốc học nước ta. Cách thứ hai là làm Văn Miếu như xưa thành một giảng đài, cho các bậc cựu học và tân học đủ tín nhiệm đến đó giảng về các bậc tiên hiền thờ trong Văn Miếu vì tôi xét nhiều người không biết Văn Miếu là thế nào và thờ những ai”…
Từ năm 1938, GS Nguyễn Văn Huyên đã hoàn thành tập sách “Hội Phù Đổng” bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Hà Nội. Cuốn sách này, sang đến những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là tư liệu cơ bản để các cơ quan chức năng Việt Nam nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận Hội Gióng đền Phù Đổng là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
GS Nguyễn Văn Huyên là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Từ năm 1944, ông đã công bố cho độc giả, nhất là độc giả phương Tây, biết rằng nhân dân Việt Nam đã phát triển nền văn hoá riêng của mình, khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng riêng của mình… Với niềm tự hào dân tộc, ông đặt tên cho công trình nghiên cứu này của mình là “Văn minh Việt Nam” để đối sánh ngang hàng với « Văn minh Trung hoa » (La civilisation chinoise, 1929), một công trình của Marcel Granet xuất bản trước đó
Từ luận án tiến sĩ đến những công trình công bố về sau, các tác phẩm của GS Nguyễn Văn Huyên đều thể hiện một phương pháp khoa học và văn phong mẫu mực. Các công trình ấy vẫn luôn được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham khảo, trích dẫn dù họ có những cái nhìn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau… Kết luận tổng quát rút ra từ tất cả các công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên đã nói lên sức sống của các dân tộc ở Việt Nam qua sự lao động sáng tạo của mình, đã “tự tạo lấy cuộc sống của riêng mình”, “không chịu sao chép” máy móc của bất cứ ai (Văn minh Việt Nam, 1944, tr.131). Kết luận khoa học đầu tiên về Việt Nam học đó đã nói lên tinh thần Việt Nam, khí phách Việt Nam. Đó cũng là tâm hồn, tình cảm của nhà khoa học Nguyễn Văn Huyên – điều làm cho cuộc đời ông gắn liền với vận mệnh của đất nước, sự nghiệp của ông là sự nghiệp phục vụ nhân dân, đưa ông đến với cách mạng. GS Nguyễn Văn Huyên đã trở thành một trí thức yêu nước tiêu biểu, một nhà giáo cách mạng. Ông là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX Các công trình của ông vẫn trường tồn cho đến hôm nay và mai sau….
Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, từ năm 1938, GS Nguyễn Văn Huyên đã tham gia vào Ban trị sự Hội truyền bá Quốc ngữ (được Xứ ủy Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo thành lập tháng 5- 1938 và mời cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng). Tháng 8- 1945, ông cùng ký tên đại diện cho giới trí thức Hà Nội trong bức điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị, trao quyền lãnh đạo đất nước cho Việt Minh… Cách mạng Tháng Tám thành công, GS Nguyễn Văn Huyên được cử làm Tổng Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục và kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. Ngày 15- 11- 1945, tại hội trường lớn ở 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội), lễ khai giảng năm học đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam đã được tổ chức long trọng do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Trong buổi lễ trang trọng mang ý nghĩa lịch sử lớn lao ấy, Tổng Giám đốc Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên đã đọc một bài diễn văn quan trọng, trong đó có đoạn: “Trong buổi lễ hôm nay, anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn tỏ rõ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn nó làm một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ, và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này.” Có thể coi đây như một lời tuyên ngôn về sứ mệnh và tôn chỉ của nền giáo dục đại học Việt Nam trong thế kỷ XX.
Tháng 11- 1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 1, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đã liên tục đảm nhiệm cương vị này gần 30 năm cho đến khi ông mất (ngày 19- 10- 1975). Tên tuổi GS Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự nghiệp giáo dục Việt Nam trong thời đại cách mạng. Ông đã có nhiều đóng góp chấn hưng nền giáo dục, văn hóa của nước nhà. Ông là đại biểu Quốc hội các khoá II, III, IV, V; Ủy viên Ủy ban Kiến thiết quốc gia, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Nhà nước; Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông còn là tấm gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… Năm 2000, GS Nguyễn Văn Huyên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Một đường phố ở thủ đô Hà Nội và một đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh được mang tên ông. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được đặt trên đường Nguyễn Văn Huyên ở Hà Nội. Tên GS Nguyễn Văn Huyên còn được đặt cho một trường phổ thông cơ sở ở quê nội của ông (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và một trường tư thục trong nội thành Hà Nội… Đó là sự ghi nhận những cống hiến của một một nhà khoa học lớn, một nhân cách lớn./.
Ngô Vương Anh
[1] Gần đây các công trình của GS Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp mới được dịch ra tiếng Việt và năm 2000-2001 đã được Nxb Giáo dục xuất bản thành bộ Nguyễn Văn Huyên toàn tập, trong đó hai tập đầu dành cho các công trình nghiên cứu khoa học xã hội.