1-Ngọn lửa khoa học
Ông là nhà khoa học tâm lý giáo dục, điều đó nhiều người biết. Nhưng có lẽ ít ai biết ông rất vui khi đã là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục mà xuống cơ sở vẫn được nhân dân và giáo viên gọi là Thầy Hạc. Có lẽ vì ký ức về những người thầy đã truyền lửa khoa học cho mình trong ông quá mạnh mẽ, ngay từ thời còn học đại học. Có lẽ cũng bởi vì ông còn nhiều lưu luyến với thời gian ngắn ngủi ông trực tiếp giảng dạy ở Trường Đại học sư phạm Hà Nội, chỉ vỏn vẹn 6 năm, kể từ khi tốt nghiệp đại học hạng ưu ở Liên Xô về, cho đến khi quay trở lại đất nước này để làm nghiên cứu sinh, đạt học vị phó tiến sĩ rồi tiến sĩ, và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học tâm lý giáo dục.
Nghe ông kể lại cái cơ duyên với tâm lý giáo dục, cũng thú vị. Khi học phổ thông, tuy vẫn được thầy Bạch Năng Thi lấy bài văn của ông đọc mẫu cho cả lớp, nhưng thiên hướng của ông vẫn là khoa học tự nhiên và từng được làm trợ lý môn toán của lớp. Ấy thế mà khi vào Đại học, ông lại chọn Văn khoa, chỉ bởi nghĩ rằng: Khoa học tự nhiên thì thế giới đã nghiên cứu từ lâu, Văn học Việt Nam mới là mảnh đất của khoa học xã hội Việt Nam mà chưa ai khai phá. Cả Hà Nội khi ấy có 500 sinh viên, trong đó có khoảng 100 sinh viên Văn khoa; sinh viên năm thứ 2 đã là diễn giả bán vé cho nhiều người nghe rồi.
Nhưng sự lựa chọn đó không theo ông đến cùng. Năm thứ hai đại học, ông cùng 3 người nữa được cử đi học Giáo dục học ở Liên Xô. Ngọn lửa khoa học được nhen nhóm từ những người thầy rất nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo…bắt đầu bén lên mạnh mẽ khi ông muốn chọn lĩnh vực khó hơn Giáo dục, đó là Tâm lý học. Ông tâm sự: Tôi muốn chọn cái khó, vì khó thì thường hay, mà lĩnh vực vừa khó vừa hay thì sẽ có triển vọng.
Với quan điểm này, ông cũng đã chọn tâm lý học thần kinh là vấn đề khó của Tâm lý học để làm khoá luận tốt nghiệp đại học. Mặc dù chọn đề tài khó, nhưng ông vẫn đỗ loại ưu và được cho làm thẳng phó tiến sĩ nhưng vì chưa phải là đảng viên nên ông phải về nước nhận công tác (Tâm lý học lúc đó được coi là Khoa học xã hội, mà ở lĩnh vực khoa học này, quy định lúc đó phải là đảng viên mới được làm nghiên cứu sinh). Kể cả luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ sau này, lĩnh vực mà ông chọn nghiên cứu cũng là những lĩnh vực khó, trong khi khoa học tâm lý ở Việt Nam còn khá non trẻ, cũng như tuổi đời của nghiên cứu sinh Phạm Minh Hạc lúc đó (33 tuổi bắt đầu làm phó tiến sĩ và 37 tuổi bắt đầu làm tiến sĩ – tức là tiến sĩ khoa học hiện nay).
2-Lòng tri ân của một trí thức
GS Phạm Minh Hạc xác tín một điều: Trí thức chỉ vinh quang khi đem trí tuệ phục vụ con người. Với tôi, hơn thế nữa, tôi còn chịu một cái ơn mà có lẽ cả đời tôi không trả hết, đó là không những chỉ học đại học ở nước ngoài mà khi cả nước đang chiến tranh ác liệt (năm 1968 và đầu năm 1973) tôi lại tiếp tục được đi học nghiên cứu sinh cũng ở nước ngoài. Vì vậy, tôi chỉ nghĩ nhiều đến việc mình làm được gì cho nước, cho dân. Chức vụ này, danh hiệu kia, tất cả đều rất quý, nhưng tôi cũng không coi đó làm trọng.
Những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam thế kỷ 20 hẳn còn nhớ cái tên Bắc Lý nổi lên trong thập kỷ 70 như một điển hình giáo dục nông thôn thời đó. Phạm Minh Hạc vừa bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô về cùng các đồng nghiệp ở Viện Khoa học Giáo dục đã “nằm vùng” ở đây 40 ngày liền với cơm ăn chỉ có dưa cải bắp với tép rang để xây dựng mô hình giáo dục mới. Bắc Lý nằm trong vùng chiêm trũng, dân rất nghèo. Thành công ở đây sẽ có ý nghĩa lớn với một đất nước mà có đến 70% dân sống ở nông thôn như Việt Nam. Và rồi, ngọn cờ Bắc Lý đã được phất lên ở nhiều trường học khác trong cả nước, trở thành một phong trào rộng lớn với khẩu hiệu cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Năm 1978-1980, Tiến sĩ Phạm Minh Hạc trong cương vị Trưởng ban Tâm lý học của Viện Khoa học Giáo dục lại lựa chọn đề tài nghiên cứu trẻ em hư ở trường phổ thông Công Nông nghiệp của Bộ Công an đặt tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. GS Hạc vẫn còn nhớ một kỷ niệm cảm động: Sau khi hỏi chuyện một em học sinh, em này kể lại với bạn: cái ông gầy gầy nói chuyện với tớ, chắc không phải là công an mà dứt khoát là thầy giáo. Ông bảo: nếu được cảm hoá tốt, các em sẽ trở thành người có ích. Bớt đi một trẻ em hư là xã hội thêm phần văn minh, lành mạnh.
Những năm đầu đổi mới là thời kỳ giáo dục như muốn vỡ từng mảng. Chính Bộ trưởng Phạm Minh Hạc là người chèo lái con thuyền giáo dục lúc đó không chìm đắm mà thực hiện được 8 chữ vàng “Giữ vững, củng cố, ổn định, phát triển”. Rồi đến năm 1990, được giao nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia xoá mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học, ông cũng đã đem hết trí tuệ và lòng tri ân của một trí thức ra để cùng toàn ngành, toàn xã hội hoàn thành nhiệm vụ đầy gian nan này đúng kế hoạch 10 năm.
Còn bao day dứt, trăn trở cho giáo dục nói riêng và khoa học nói chung, ông trải vào những trang sách. Trên 60 cuốn sách của ông chất chứa không chỉ là những tri thức khoa học mà còn là suy tư nhân văn của một trí thức luôn mang nặng lòng tri ân với dân, với nước. Mới đây, ông hoàn thành bản thảo hai cuốn rất “nặng” nữa: “Giáo dục Việt Nam thế kỷ 21” và “Giá trị học”, đang chuẩn bị ra mắt bạn đọc.
Như ông nói: Lòng tri ân là động lực để ông làm khoa học. Và cũng như ông nói, cái ơn ấy ông có trả cả đời cũng không hết. Vậy thì, một khi trái tim còn đập, chắc chắn ông còn mải miết làm khoa học. Ở thời đại mà không còn chỗ cho quan niệm phát triển bằng cách “dàn hàng ngang mà tiến” thì những người như ông sẽ vẫn là bộ phận tiên phong trong đội ngũ “hàng dọc”.
Nguyễn Thị Trâm
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam