GS Phan Ngọc: Then chốt của văn hóa là ở chữ “cho”

Giáo sư Phan Ngọc biết nhiều ngoại ngữ và sử dụng thành thục tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Giáo sư Đặng Chấn Liêu, lúc xem cuốn Từ điển Anh – Việt do ông biên soạn, đã không giấu nổi ngạc nhiên, vì người chưa một lần đặt chân đến nước Anh lại biên soạn được cuốn từ điển chuẩn xác đến vậy.

Hàng chục công trình của ông trở thành sách gối đầu của sinh viên các trường đại học và giới nghiên cứu: Đỗ Phủ – nhà thơ của dân đen, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều, Hàn Phi Tử, Cách giải thích văn hoá bằng ngôn ngữ học, Bản sắc văn hoá Việt Nam, Một thức nhận về văn hoá Việt Nam

Ông còn là tác giả của nhiều công trình dịch thuật tên tuổi: Sử ký Tư Mã Thiên, Mỹ học Hegel, Hình thái học của nghệ thuật…

1. Giáo sư Phan Ngọc là con của Phó bảng Phan Võ, người làng Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Ông học trường Providence ở Huế, tham gia kháng chiến chống Pháp; sau đó làm trợ giảng cho GS. Đặng Thai Mai tại Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp với các bộ môn Văn học Trung Quốc, Văn học Phương Tây, Ngôn ngữ học…

Rồi ông về giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường cấp 3 (nay là PTTH) Phan Đăng Lưu ở quê nhà, rồi làm Hiệu trưởng của trường. Sau này, ông chuyển qua dạy tại Trường Đại học Tổng hợp (nay là ĐH KHXH&NV).

Ông là tổ trưởng đầu tiên bộ môn Ngôn ngữ thuộc Khoa Ngữ văn của trường, ông có nhiều công lao trong việc dịch thuật các tài liệu giảng dạy và xây dựng giáo trình ngôn ngữ cho bộ môn này từ những ngày đầu còn trứng nước.

Cuộc đời ông trải qua không ít sóng gió, nhất là án kỷ luật liên quan đến vụ “Đất mới” – “Nhân văn giai phẩm”. Từ một giảng viên, ông trở thành người dịch tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy trong trường.

Trong tình huống dễ nản lòng và nảy sinh tiêu cực, ông vẫn miệt mài dịch các tài liệu về ngôn ngữ để phục vụ cho việc giảng dạy và âm thầm dịch sách. Nhớ lại ngày đó, ông cười vui nói rằng: “Sao lúc đó mình liều thế!”.

Rồi ông thủng thẳng: “Không liều cũng không được. Vợ con trông cả vào mấy đồng lương. Lương thì eo hẹp, phải dịch sách để kiếm cơm. Không cần mẫn lao động bằng chất xám của mình thì sẽ… chết”. Ông luôn muốn trở thành người có ích, nên không ngừng sáng tạo.

Giáo sư cho rằng, người thành đạt thì thường trải qua thất bại. Để thực hiện được kế hoạch đặt ra thì phải đi con đường khác người khác, nên dễ bị đả phá. “Người mình thất bại một lần là nản. Thất bại có lỗi của mình nhưng nó là một cơ hội, một bài học cho mình. Muốn giàu có mà không muốn mất cái gì cả là điều không tưởng”, ông chia sẻ.

Phan Ngọc quả là tấm gương về tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ. Nếp làm việc 16 giờ/ngày được hình thành từ hồi đi học, đến nay, ngoài 80, ông vẫn giữ “phong độ” như vậy. Từ ngày nghỉ hưu, ông vẫn viết sách, rồi dịch sách đều đặn.

Ông tâm sự, để làm khoa học, phải đặt ra những mục tiêu, những dấu mốc để phấn đấu trên cơ sở biết lượng sức mình.

“Làm những việc nhỏ, những mục tiêu ngắn hạn mà thành công thì việc lớn cũng thành công, mục tiêu dài hạn cũng đạt được. Nhưng để làm được việc, cần tránh những chuyện ồn ào. Như tôi, lao vào viết thì phải quên nhiều chuyện khác. Mình cũng muốn ăn nhậu, muốn chơi thì làm sao làm việc được. Cái gì mình cũng muốn thì làm sao thành công được. Phải biết hy sinh chứ!”, ông cười.

Vợ chồng giáo sư chuyển nhà từ khu tập thể Thành Công về khu đô thị Mỹ Đình đã mấy năm nay. Căn hộ ở tầng 6, gồm 4 phòng khang trang, rộng rãi với tổng diện tích 180m² khiến tôi nhớ cái thời gia đình ông sống ở phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội).

Nhà đông người, phòng chật hẹp, bàn làm việc của ông kê ép vào tường và ông phải ngồi ở một đầu bàn để viết, từng chồng sách bày la liệt trên bàn… Bộ Sử ký Tư Mã Thiên do ông dịch, đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.


GS Phan Ngọc. Ảnh: N.Đ.T.

2. Giáo sư Phan Ngọc đã công bố nhiều đầu sách về văn hoá. Ông thường tìm con đường riêng để tiếp cận các vấn đề văn hoá, xã hội…, xuất phát từ việc nghiên cứu cái bất biến của vấn đề để từ đó giải thích những thay đổi và chuyển động của sự vật và hiện tượng. Tuy nhiên, những cuốn sách của ông thường gây nên dư luận khen, chê trái chiều.

Không chỉ viết sách và nghiên cứu văn hoá, giáo sư Phan Ngọc từng được mời giảng dạy và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở nước ngoài.

Có lần, chương trình giảng dạy và trò chuyện về văn hoá Việt Nam tại các trường đại học ở Pháp gồm 16 buổi. Ông Thị trưởng của một khu phố ở thành phố Paris biết ông từ lần ấy, nên sang Việt Nam cứ một mực mời bằng được giáo sư Phan Ngọc tham dự các buổi gặp gỡ và làm việc…

Cách đây mấy năm, một trường đại học ở Hong Kong mời ông đến nói chuyện về Khổng Tử. Các buổi thuyết trình thu hút rất đông người đến nghe. Không ít nhà nghiên cứu về Khổng Tử từ đại lục có mặt.

Trường đại học này tha thiết mời ông ở lại nghiên cứu và giảng dạy với mức lương hậu hĩnh, nhà cửa khang trang và chế độ đãi ngộ đủ để ông bà sống sung túc đến cuối đời. Tuy lúc đó đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn một mực trở về.

Bà nói rằng, ông bà không muốn rời bỏ Tổ quốc để sống ở những nơi xa lạ, dù có được ăn sung, mặc sướng, nhà lầu, xe hơi…

Bà cho biết, ông được một trường đại học ở Thái Lan mời sang giảng dạy suốt nửa năm trời. Lãnh đạo trường cũng ngỏ ý mời ông ở lại tiếp tục công việc, nhưng cả ông bà đều quyết định trở về Việt Nam.

Phan Ngọc có cái tố chất “gàn” – hiểu theo nghĩa tốt – của dân xứ Nghệ, nghĩa là khảng khái. Ông không để mình bị “mua chuộc” vì cái bả danh lợi nhất thời mà quên “đại nghĩa” đối với dân tộc.

Là một nhà văn hóa, ông có tầm nhìn của một nhà văn hóa, một tầm nhìn xa về những vấn đề thời sự của đất nước. Cái “bất biến” vẫn là tấm lòng nhất mực yêu nước, yêu “dân đen” theo tấm lòng Đỗ Phủ.

Nghe bà vui chuyện, ông vừa thả khói thuốc vừa nói: “Nghệ thuật không chỉ ở cái tài mà còn xuất phát từ cái tâm. Muốn làm nghệ thuật, làm khoa học thì phải thanh thản, thấy con đường mình đi là đúng, là phù hợp với lợi ích dân tộc. Bởi, then chốt của văn hóa là ở chữ “cho””

Hoàng Đăng

Nguồn: honvietquochoc.com.vn/Nhan-vat/GS-Phan-Ngoc-Then-chot-cua-van-hoa-la-o-chu-cho.aspx