Đã ở tuổi thất thập song ông vẫn đảm nhiệm vai trò Viện trưởng Viện Đá quý – Trang sức Việt Nam. Viện hoạt động hoàn toàn theo cơ chế tự thu, chi nên GS Phan Trường Thị vẫn gọi nó bằng cái tên thân mật “Viện nghiên cứu tư nhân”. Ở đây có những chuyên gia giỏi và lab hiện đại vào loại hàng đầu Việt Nam trong việc kiểm định đá quý. Với kinh nghiệm cả trong nghiên cứu và trên thương trường, GS đã có những tâm sự rất chân tình với chúng tôi về những nhà khoa học “một vai hai gánh” hiện nay. Có lẽ đây cũng là tâm sự của không ít “nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp” đang dấn thân trên con đường làm giàu cho gia đình và cho đất nước bằng chính tri thức của mình.
Là một viện nghiên cứu thuộc Tổng hội Địa chất, vậy tại sao GS luôn khẳng định viện nghiên cứu do mình đứng đầu là “viện nghiên cứu tư nhân”? Như vậy có gì mâu thuẫn không, thưa GS?
Rất nhiều người hỏi tôi như vậy nhưng đây là một thực tế khá phổ biến. Để có cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động, chúng tôi cần “núp bóng” một tổ chức nào đó như Liên hiệp hội, Tổng hội… Nhưng thực chất hoạt động lại tự chủ hoàn toàn. Mặc dù thuộc Tổng hội Địa chất nhưng mọi việc đều do chúng tôi tự lo toan, trang trải. Một số đơn vị khác như Trung tâm Công nghệ Hoá học và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh) hay Liên hiệp Khoa học Địa chất Công trình (Tổng hội Địa chất) … thực chất đều do một nhóm người góp sức, “lời ăn, lỗ chịu”.
Có lẽ do trước đây mọi người chỉ quen với khái niệm công ty tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, còn nhà khoa học phải gắn với viện nghiên cứu, trường đại học nên những cụm từ như “viện nghiên cứu tư nhân”, “làm khoa học tư nhân” vẫn còn xa lạ. Nhưng đây là một xu thế tất yếu, nó chứng tỏ sự phát triển của nền kinh tế và sự gắn kết hơn với đời sống của giới khoa học. Chúng ta nên mừng vì điều này.
Theo GS thì lực lượng khoa học tư nhân ngày càng nhiều, vậy GS có nhận xét thế nào về đội ngũ này?
Muốn nhận xét đúng về họ, chúng ta đừng nhìn vào vị trí xã hội của họ, đừng xem họ thuộc đơn vị chủ quản “tiếng tăm” nào mà hãy nhìn thẳng vào thực tế hoạt động của họ. ở đây, tôi xin tạm chia ra làm 2 kiểu:
– Tư nhân nhưng vẫn dựa vào Nhà nước, nghĩa là họ vẫn dựa vào cơ quan chủ quản để lấy uy tín và quan hệ pháp lý nhất định, trong một cơ cấu nhất định để đi làm các dự án, đặc biệt là dự án tại các địa phương. Thực tế rất nhiều nhà khoa học sống tốt từ nguồn thu này. Họ dùng tiền và uy tín của Nhà nước để làm một số việc mà họ không phải chịu trách nhiệm về đồng vốn bỏ ra. Chất xám họ bỏ ra là có, song phần lớn còn hạn chế ở hình thức, chưa phát huy hết năng lực. Về danh nghĩa, họ là lực lượng khoa học tư nhân, song thực chất họ vẫn dựa vào Nhà nước, không thực sự lo toan, trăn trở và không phải mạo hiểm.
– Tự lực hoàn toàn: Đây là những nhà khoa học dựa vào sức mình là chính. Họ dám mạo hiểm và dám đặt cả danh dự và tài sản vào công việc. Tôi có anh bạn, cách đây 2 năm đã thế chấp nhà, sang Trung Quốc mua máy phun xi măng áp lực cao với giá 400.000 USD, rồi “vác” máy đi tìm việc khắp trong Nam, ngoài Bắc, đến nay anh ấy không chỉ thu hồi lại gần hết vốn mà còn xây dựng được phòng thí nghiệm về cơ lý đất, thắng thầu trong nhiều công trình xây dựng lớn. Hay ở Tp Hồ Chí Minh có Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc ký cũng từng vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nay đã tự đầu tư được nhiều máy móc hiện đại và tự nuôi được quân số gần 40 người. Ngay như bản thân tôi, cũng từng không ít lần “trắng tay”, nợ nần chồng chất. Đó cũng là lý do khiến tôi “thua bạn, kém bè” vì không có danh hiệu, bằng khen nào (cười). Nhưng đến nay, tôi rất tự hào vì đã xây dựng được Viện Đá quý – Trang sức với phòng kiểm định mạnh vào loại hàng đầu ở Việt Nam. Đặc biệt, rất nhiều chuyên gia tại các phòng kiểm định lớn ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đều từ nhóm của chúng tôi ra.
Trong xu thế hiện nay, rõ ràng là chúng ta cần những nhà khoa học dám vươn lên với tinh thần tự lực như GS nói, nhưng thực tế số lượng này chưa phải là nhiều. Vậy theo GS, đâu là nguyên nhân cơ bản?
Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính và đây cũng là 3 yếu tố mà nhà khoa học cần phải kết hợp giải quyết nếu muốn thành công trên thương trường:
– Tài chính: Trong mọi trường hợp, yếu tố này rất quan trọng vì có tiền mới có thể đầu tư máy móc, tiếp cận thị trường. Như bạn tôi, anh ấy phải thế chấp nhà để có 400.000 USD mua máy phun xi măng áp lực cao. Tức là anh ta phải có khả năng về vốn, nếu vay mượn phải có thế chấp, chịu trách nhiệm cá nhân trước đồng tiền đầu tư đó. Thế nhưng, đa số các nhà khoa học của chúng ta còn nghèo, chưa có tài sản tích luỹ.
– Kiến thức, tay nghề đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn và phải được cập nhật thường xuyên… Điều này cũng không dễ ở Việt Nam, vì thực tế nước ta còn nghèo. Ngay như việc mua các tạp chí khoa học nước ngoài không phải viện nào cũng có khả năng.
– Biết cách tổ chức để đội ngũ, tổ chức đó sống được bằng đồng tiền do họ tự kiếm được chứ không phải của Nhà nước bao cấp. Muốn vậy, họ phải có khả năng đối mặt với thị trường. Nhưng do quá trình bao cấp quá dài cho nên nó cũng là một vướng mắc không nhỏ.
Liệu có thể áp dụng công thức: Nhà khoa học + doanh nghiệp để “hoá giải” những vướng mắc mà GS vừa nêu không?
Tôi ủng hộ công thức này, bản thân tôi cũng từng dựa vào nó để tìm cơ hội cho mình. Nhưng sau một vài thất bại, tôi thấy công thức này khi áp dụng vào tình hình nước ta cũng còn nhiều khập khiễng, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Bản thân tư duy của những nhà doanh nghiệp ở nước ta hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp đầu tư là phải mong nhìn thấy lợi nhuận, điều đó đúng. Nhưng không ít doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt. Ngay khi đầu tư 1 đồng, họ muốn biết sẽ lãi được mấy đồng. Trong khi không phải nghiên cứu nào cũng thành công. Chính vì thế, bảo họ đặt lòng tin vào các nhà khoa học không dễ. Hoặc nếu có lòng tin rồi, nhiều khi doanh nghiệp lại không đủ lực. Thực tế tại nhiều nước phát triển cho thấy, để có sáng chế tốt ứng dụng vào thực tế phải mất hàng chục năm và hàng triệu USD. Thực lực này không dễ có ở doanh nghiệp Việt Nam mà chỉ có ở những tập đoàn tư bản tầm cỡ. Đó là chưa kể đến việc dung hoà lợi nhuận của doanh nghiệp và uy tín của nhà khoa học cũng không đơn giản trong thực tế.
Vậy còn về mặt cơ chế, thưa GS?
Nếu nói về cơ chế thì tôi thấy không có gì phải phàn nàn, mọi việc đều đang tốt lên. Những nhà khoa học kiêm doanh nghiệp như chúng tôi chưa bị đánh thuế thu nhập cũng là một ưu đãi rồi (cười). Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn là các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ sớm đi vào hoạt động. Nên chăng chúng ta cũng lưu ý đến việc huy động nguồn vốn cho các hoạt động nghiên cứu thông qua thị trường chứng khoán, vốn đầu tư mạo hiểm, đây là cách làm khá phổ biến và thành công ở nhiều nước phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Nguồn:www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp