Đây là đoạn cuối trong bài viết “Nước Mỹ mà ta chưa biết” được GS Tôn Thất Tùng viết ngay sau chuyến thăm và làm việc tại Mỹ vào tháng 4-1979. Bài cảm nhận này viết trên giấy Poluya đã xuống màu và ố mờ, được chúng tôi tìm thấy cùng với hàng ngàn tư liệu đã cũ theo dòng thời gian trong căn phòng làm việc của ông tại số 9 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Sau này, một số chi tiết của bài viết được ông đưa vào cuốn sách “Đường vào khoa học của tôi”, được tái bản nhiều lần. Điều muốn nói ở đây là chuyến đi đầu tiên với trách nhiệm một nhà khoa học, một công dân yêu nước của ông trên đất Mỹ vào năm 1979 đã gợi mở ra nhiều điều tại thời điểm đó. Không chỉ trao đổi về các vấn đề Y học và hợp tác trong khoa học, thông qua những hoạt động và tiếng nói của mình, GS Tôn Thất Tùng đã góp phần quảng bá hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam trên đất nước Mỹ. Ông thật sự không chỉ là một nhà khoa học tầm cỡ mà còn là một người có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, một chính trị gia chân chính.
GS Tôn Thất Tùng tại một Hội nghị khoa học về chất Dioxin
Những nỗ lực mang tính ngoại giao của một nhà khoa học
Khoa học có một tầm ảnh hưởng lớn, không có biên giới. Việc trao đổi nghiên cứu của các nhà khoa học đã phần nào làm xích gần lại các mối quan hệ hợp tác giữa những cá nhân, giữa các tổ chức, các quốc gia. Trong dòng đầu ghi lại sau chuyến đi, GS Tôn Thất Tùng viết: “Đây là lần đầu tiên tôi đi tham quan nước Mỹ, tôi không nói thạo tiếng Anh, và các bạn bè khoa học mà tôi quen biết phần đông đều không biết mặt nhau và hiểu biết nhau chỉ qua thư từ. Nước Mỹ lại là một nước được coi là tiến bộ nhất về khoa học: đối với cách làm việc của tôi trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, cảm nghĩ của họ đối với tôi sẽ như thế nào. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng đây chỉ là một dịp chưa bao giờ gặp để có thể đánh giá một cách khách quan đất nước chúng ta, sự nghiệp chúng ta, con người chúng ta và khoa học chúng ta”.
Theo lịch trình của chuyến đi, GS Tôn Thất Tùng đã đến thăm các trường đại học tại các thành phố: New York, Yale, Boston, Amsherst, Chicago, Philadelphia, Madison, Minneapolis, Rochester, Eugene, Portland, Los Angeles, San Francisco và Washington. Đến nơi đâu, ông được bố trí ở lại nhà riêng của những người bạn là các giáo sư hay bác sĩ, cũng thông qua đó ông đã có dịp tìm hiểu về họ, lắng nghe được những cảm nghĩ, nhận thức của họ đối với vấn đề Việt Nam, về nhân dân Việt Nam.
Cuốn nhật ký đi Mỹ viết từ ngày 5-4 đến 11-5-1979 cho biết GS Tôn Thất Tùng đến sân bay Airort Kennedy sau một chuyến bay dài 7 tiếng rưỡi, sau đó ông được một nhân viên phục vụ đón và làm thủ tục nhập cảnh vào nước Mỹ. Ông viết: “Đón có John Mc Auliff, cùng Đình Ba, anh em Việt kiều đưa về nhà bà Cora Weiss. Bàn chương trình. Bạn đề nghị đến 11-5 mới về Paris. Hoạt động rất căng: phải cố gắng làm cho được vì nước nhà… Bà Cora để lại cho 2 phòng quá sang trọng, sạch sẽ và đẹp, nhà ở vùng Bromx, phía bắc Manhattan. Nhà yên lặng, ngó ra ngoài phong cảnh thơ mộng của một mùa xuân bắt đầu…”[1].
Trong câu “phải cố gắng làm cho được vì đất nước” của GS Tôn Thất Tùng có lẽ mang nhiều hàm ý sâu xa, nhưng thể hiện rõ mong muốn lớn nhất của ông là làm cho người dân Mỹ hiểu hơn về đất nước Việt Nam, mở ra các sự hợp tác mới trên lĩnh vực khoa học, y tế, và góp phần nào đó trong việc cải thiện quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh. Đặc biệt trong chuyến đi, một vấn đề hệ trọng được ông rất quan tâm, đó là ảnh hưởng của chất Dioxin đối với người dân Việt Nam từng sống ở các vùng bị quân đội Mỹ rải chất diệt cỏ – đây là vấn đề ông đã từng trình bày trong Hội nghị khoa học ở Paris, Pháp và Copenhagen, Đan Mạch 10 năm về trước (1969).
Đến Mỹ thời kỳ đó, GS Tôn Thất Tùng dành thời gian để trao đổi, nói chuyện với những Việt kiều, người dân ở những bang mà ông đến. Ông viết: “Ở mỗi bang, chúng tôi khi nào cũng dành một buổi tối sinh hoạt với quần chúng… Thái độ của tôi là trình bầy theo nhận thức của mình các sự việc đã qua, rất khiêm tốn và rõ ràng, dù câu hỏi có khi có thể xúc động mình. Kết quả là các người dân đến nghe nói chuyện đều tỏ ra thông cảm với nhân dân chúng ta phải đối phó chống lại một tình hình hết sức phức tạp”[2]. Những thông điệp về hình ảnh của một đất nước Việt Nam thân thiện, luôn hướng tới những điều tốt đẹp đều được GS Tôn Thất Tùng gửi gắm khi trao đổi với người dân, với những sinh viên, thanh niên ở những trường đại học nơi ông đến thăm. Đó là kỷ niệm khi ông trình bày và thảo luận về vấn đề chất hóa học dioxin tại thành phố Portland bang Oregon. Khi đó một thanh niên Mỹ với vẻ mặt buồn bã, thân hình tiều tụy đã đến và nói với ông: “Tôi trước ở không quân Mỹ, tôi rất đau lòng đã reo rắc đau khổ trên đất nước anh, tôi xin lỗi anh”. Khi đó ông cầm tay người thanh niên và nói: “Anh đã làm những việc mà người ta bắt buộc anh, chúng ta nên nhìn vào tương lai từ nay trở đi”[3].
Hai chữ “tương lai” mà GS Tôn Thất Tùng nói đến có lẽ không chỉ có ý nghĩa cá nhân trong câu chuyện giữa hai người dân của hai đất nước, mà nó phản ánh suy nghĩ của GS Tôn Thất Tùng với mong muốn lớn lao về việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng mối quan hệ hợp tác, hòa bình. Và trong suốt hành trình của chuyến đi, GS Tôn Thất Tùng không ngừng thể hiện điều đó một cách thuyết phục, để lại hình ảnh tốt đẹp về người Việt Nam trong lòng những nhà khoa học và nhân dân Mỹ.
Có bốn vấn đề trong dư luận Mỹ mà GS Tôn Thất Tùng quan tâm tìm hiểu và tổng kết lại, đó là: Tình hình Việt Nam lúc đó; Vấn đề Y tế và khoa học Việt Nam; Vấn đề di cư; Vấn đề Campuchia.
Trong lĩnh vực Y khoa, ông đã khiến những nhà khoa học Mỹ và dư luận Mỹ biết đến tài năng của mình với những trình diễn về phương pháp cắt gan. GS Janasson – một nhà khoa học nữ nổi tiếng về ghép thận ở trường đại học Chicago đã nói với ông khi được chứng kiến ông mổ xẻ rằng: “Anh thật là một nghệ sĩ về mổ xẻ”. Ông đã rất vui trước những thành quả của mình: “Tại Washington, ở Đại học Howard và tại New York, ở Đại học Mount Sinai, cuộc nói chuyện của tôi về cách chữa ung thư gan bằng việc cắt gan phối hợp với sử dụng miễn dịch đã làm xôn xao dư luận của giới Y học về cách dũng cảm để đối phó với một bệnh tuyệt vọng, trong một hoàn cảnh quá nghèo nàn”[4].
GS Tôn Thất Tùng cũng đã rất khiêm tốn nhưng thẳng thắn trong việc mở ra mối quan hệ về Y tế giữa Việt Nam và Mỹ. Trong những buổi gặp gỡ và trao đổi, như thường lệ ông nhận được các câu hỏi của người Mỹ: “Y tế Việt Nam tốt hơn Y tế Mỹ, tại sao anh lại đặt vấn đề là các bác sĩ Việt Nam cần đến thực tập ở Mỹ?”. Ông trả lời: “Chúng tôi cần học tập kỹ thuật Mỹ để thích ứng Y tế Việt Nam vào những vấn đề mới. Chúng tôi học tập kỹ thuật Mỹ, chứ không bao giờ chúng tôi bắt chước người Mỹ cả! Thế là một tràng vỗ tay ủng hộ lời nói của tôi”[5].
Về mối quan tâm đến vấn đề Campuchia, GS Tôn Thất Tùng đã rất khéo léo nhưng cũng rất cương quyết trong quan điểm của mình để giải thích rõ ràng với những người dân Mỹ mà ông tiếp xúc. Đối với nhiều người Mỹ đây là vấn đề gây cho họ nhiều thắc mắc, nhiều điều khó hiểu . Họ hỏi GS Tôn Thất Tùng rằng: “Nước anh là 50 triệu dân, Campuchia chưa đầy 5 triệu. Anh đánh chỉ 5 ngày mà đã thắng: thế có phải là xâm lược không?”. Trên phương diện là một người dân Việt Nam và là một nhà khoa học luôn tôn trọng sự thật, GS Tôn Thất Tùng đã phải “nhẫn nại” giải thích, kể lại các diễn biến của sự kiện, từ việc Khơ me đỏ (quân đội Pôn Pốt) liên tục thâm nhập sâu bờ cõi Việt Nam và tàn sát dã man nhân dân Việt Nam…; Sự kiên trì bằng những nỗ lực hòa bình của Việt Nam trong thời gian khá dài… không mang lại kết quả đã buộc nhân dân Việt Nam phải cương quyết giáng trả để bảo vệ biên cương của Tổ quốc…Trong một cuộc trò chuyện tại trường Đại học Chicago, vấn đề Campuchia cũng được GS Tôn Thất Tùng trình bày quan điểm của mình một cách vững chắc.
Là một nhà Y học tên tuổi, nhưng những nỗ lực mang tầm ngoại giao của GS Tôn Thất Tùng thật đáng trân trọng. Khi được hỏi về vấn đề dân di cư Việt Nam ở Mỹ cũng như sang các nước phương Tây, ông cũng đã trả lời rất thẳng thắn và bản lĩnh. Báo Washington Post đã hỏi: “Làm sao có thể làm ngừng các cuộc di cư này”. Ông trả lời: “Nếu Mỹ và các nước khác giúp đỡ chúng tôi về kinh tế thì chúng tôi có thể ngăn chặn được luồng người di cư”. Câu trả lời này của ông được báo giới hết sức đồng ý và tường thuật lại trên Washington Post. Tuy vậy, ngay ngày hôm sau, Phó Tổng biên tập của báo này, một người thân cận của Kissinger đã có những lời phản bác gay gắt. Sau đó, GS Tôn Thất Tùng với tinh thần bảo vệ sự thật và lòng tự tôn dân tộc, đã nêu rõ quan điểm của mình bằng cách viết lại thư cho tờ báo này: “Nếu cứ bóp méo sự thật thì không có lợi gì cho cả hai bên Mỹ và Việt Nam. Tôi đến đây với một nhiệm vụ thiện chí đối với nhân dân Mỹ, chứ không phải để mở lại một cuộc chiến mới qua báo chí”. Đây quả thực là những lời tuyên bố hết sức thiện chí và mang tầm nhìn tương lai của ông, sau này khi gặp lại những người bạn Mỹ, họ có kể lại rằng bài trả lời ôn hòa của ông đã có một tiếng vang tốt trong dư luận Mỹ lúc bấy giờ.
Thông qua những sự việc kể trên, có thể thấy rằng GS Tôn Thất Tùng, ngoài trách nhiệm của một nhà khoa học, ông đã rất nỗ lực để các nhà khoa học, nhân dân Mỹ thấy được cốt cách của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn mong muốn một tương lai tốt đẹp cho đất nước mình. Ở GS Tôn Thất Tùng không những toát lên tâm thế của một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế mà còn là một nhà ngoại giao hết sức khéo léo, một người yêu nước chân chính.
Vấn đề Dioxin
Thông qua nhiều nguồn tư liệu, chúng ta biết được GS Tôn Thất Tùng đã nghiên cứu về chất dioxin từ 10 năm về trước, tức là năm 1969. Khi đó, ông đã tham dự và trình bày tại Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp) và Copenhagen (Đan Mạch). Ông đã có dịp trao đổi với Bửu Hội – một Việt kiều, là giáo sư Hóa học, về các vấn đề liên quan đến chất diệt cỏ, ảnh hưởng của nó đến con người để có thêm những luận điểm và chứng cứ rõ ràng. Ngoài ra cũng thông qua Bửu Hội, ông đã liên hệ với Nguyễn Đăng Tâm (người Pháp gốc Việt) để xin thuốc LH1 dùng để làm thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư gan, đồng thời sau này gửi người qua Pháp học nhằm điều chế loại thuốc này. Ông viết lại về thời điểm sang Pháp năm 1969: “Lúc đó dư luận Pháp, Anh, Mỹ đều phê phán là phản khoa học, tuyên truyền chống Mỹ. Nhưng sau đó, các thực nghiệm và quan sát đã chứng minh sự thực về những sự việc này”[6].
Và trong lần đầu tiên sang Mỹ, tại các buổi nói chuyện ở các địa điểm khác nhau, GS Tôn Thất Tùng đã dành nhiều thời gian để nói về vấn đề Dioxin, ông thẳng thắn trình bày nhận thức của mình: “Vấn đề tác hại của các chất diệt cỏ đã được các bác sĩ Việt Nam đặt vấn đề một cách toàn diện từ 1970, nhưng chẳng ai chịu theo dõi trên người, tuy chất mầu da cam vẫn dùng ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh, ở Thụy Điển và cho đến bây giờ chỉ có Pháp vừa cấm dùng chất 1-4-5T. Ở Mỹ, chính vì đấu tranh quần chúng ở Bang Oregon do một nhóm gồm 8 phụ nữ lãnh đạo, mà cuối cùng tổ chức Bảo vệ môi trường EPA ra lệnh cấm tạm thời và đưa ra trước Quốc hội để quyết định sự cấm vĩnh viễn các chất mầu da cam”[7].
Như tại Đại học Harvard ngày 15-4-1979, ông viết: “Nói chuyện ở đại học Harvard về Dioxine. Tốt. Rất nhiều người nghe và hỏi”[8]. Và những ngày ở Bang Oregon, ông ghi chép lại về buổi nói chuyện như sau: “Nói chuyện ở trụ sở thành phố Rugene, Đại học Oregon. Gặp mặt các thanh niên và các người đã hoạt động cho Việt Nam. GS ở Đại học Oregon người to béo, cao. Họp trước và sau đều có mặt… Chỗ nói cho sinh viên, rộng rãi. Độ 100 người nghe. Như thế là nhiều nhất từ trước đến khi nói về Dioxine”[9.
Qua chuyến đi Mỹ năm 1979, GS Tôn Thất Tùng đã đạt được nhiều mục đích. Ông đã gặp gỡ những người bạn, những nhà khoa học đã có quan hệ với ông từ trước đó. Ông cũng đã mang tới nước Mỹ hình ảnh và tiếng nói của đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đã thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa của dân tộc mình. Qua đó, nhiều nhà khoa học và người dân Mỹ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Thông điệp mà GS Tôn Thất Tùng đã nhấn mạnh “hướng tới tương lai” chính là mong muốn lớn lao của ông trong việc cải thiện mối quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh, mở ra cánh cửa trong quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Hồng Thanh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[1] Trích nhật ký đi Mỹ của GS Tôn Thất Tùng, ngày 5-4-1979. Cuốn nhật ký này hiện được lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Trích trong “Nước Mỹ mà ta chưa biết” do GS Tôn Thất Tùng viết sau chuyến đi, 1979, tr.3.
[3] Trích trong “Nước Mỹ mà ta chưa biết” do GS Tôn Thất Tùng viết sau chuyến đi, 1979, tr.4.