Qua đời ở tuổi bách niên, đối với người bình thường là chuyện quá viên mãn, thường người ta phúng điếu bằng những lẵng hoa hồng để bày tỏ lòng yêu mến. Nhưng với GS Trần Văn Giàu, ông mất đi đã để lại một khoảng trống lớn không gì bù đắp nổi, bởi cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, bởi tài năng, nhân cách của chính ông. Sự ra đi của ông làm xúc động không chỉ người ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Đơn giản ông không chỉ là một nhà cách mạng Macxit lỗi lạc mà còn là một nhân vật lịch sử, một phần của lịch sử.
Một con người cộng sản
Trần Văn Giàu sinh ngày 6.9.1911 ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Nếu tính tuổi Tây, ông hơn 100 tuổi; tuổi ta, ông hơn 101 tuổi. Hơn 100 năm cuộc đời ông thì phần lớn thời gian ông dành cho cách mạng, dân tộc. Học trung học ở trường Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn – TP.HCM), năm 1928 ông sang Pháp du học với ước mơ lấy cho được 2 bằng tiến sĩ. Cũng ở Pháp, ông bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng, yêu nước của mình bằng cách gia nhập Đảng Cộng sản Pháp (3.1929). Tháng 5.1930 từ Toulouse ông lên Paris tham gia cuộc biểu tình của sinh viên VN đòi xóa bản án tử hình cho 13 nghĩa sĩ Yên Bái và bị Pháp bắt giam, sau đó bị trục xuất.
GS Trần Văn Giàu cùng phu nhân chụp chung với các học trò là ‘tứ trụ’ của ngành Sử: Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (từ trái sang phải). Ảnh tư liệu
Về đến Sài Gòn ông dạy học và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1930 ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Dông Dương. Bị thực dân Pháp truy lùng ráo riết, ông tìm đường trở lại Pháp để hoạt động. Giữa năm 1931 ông được cử sang Liên Xô học trường Đại học Đông Phương. Cùng học với ông còn có những người sau này trở thành lãnh tụ của Đảng như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập… Trần Văn Giàu tốt nghiệp trường này với luận văn “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”. Về nước, ông tham gia xây dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ, làm báo Cờ Đỏ, đào tạo cán bộ cho Đảng. Sau thất bại của Mặt trận Bình dân Pháp, Trần Văn Giàu bị bắt giam ở Côn Đảo, Tà Lài. Năm 1941 ông vượt ngục Tà Lài để tiếp tục hoạt động. Năm 1943 ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Ông cùng các đồng chí của mình lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ. Sau cách mạng thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến lâm thời Nam bộ (sau này là Ủy ban Kháng chiến Nam bộ). Năm 1949 ông nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc Nha Thông tin. Đến năm 1951 ông chuyển sang công tác trong ngành giáo dục cho đến ngày nghỉ hưu.
Trong lời tựa cho Hồi ký (chưa xuất bản) của mình, ông viết: “Tôi chỉ viết hồi ký khoảng thời gian 1940 – 1945 vì đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời dài quá 80 năm xấp xỉ 90 năm…” (Tập Hồi ký này được viết vào cuối những năm 70). Điều đó cho thấy đây là giai đoạn hoạt động sôi nổi của ông và cũng là một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động. Trên hết, trong giai đoạn đó, nhà cách mạng, nhà Mác xit Trần Văn Giàu đã cống hiến tài năng, lòng nhiệt tình cách mạng của mình cho Đảng và dân tộc.
Nhà văn hóa lớn
Có những khúc quanh lịch sử, hoàn cảnh lịch sử và cả số phận cá nhân đã làm nên những điều kỳ diệu cho lịch sử và cho con người. Trần Văn Giàu là một trong những trường hợp ấy. Khi chuyển qua ngành giáo dục, bộ óc của nhà cách mạng Trần Văn Giàu thích nghi một cách nhanh chóng, để hôm nay chúng ta có một nhà sử học xuất sắc, một nhà truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin chân truyền, một nhà giáo nhân dân có những đóng góp to lớn, góp phần đào tạo nên nhiều tên tuổi lớn cho ngành sử VN. Trần Văn Giàu còn là một nhà nghiên cứu triết học, nghiên cứi lịch sử tư tưởng xuất sắc. Những tác phẩm về lịch sử, triết học, tư tưởng của ông để lại là cả một gia tài đồ sộ, là vốn quý của dân tộc. GS Vũ Khiêu đánh giá: “Chỉ riêng về hoạt động sáng tạo của một trí thức Việt trong lĩnh vực xã hội nhân văn, tôi thấy ít người có thể so sánh được với GS Trần Văn Giàu”.
Quả vậy, bước vào ngành giáo dục, GS Trần Văn Giàu đã xây dựng nên khoa lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã góp phần đào tạo nên những tên tuổi lớn cho ngành sử học VN như GS Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng… Đó là công việc cụ thể của một nhà giáo nhân dân. Còn với tư cách là một nhà nghiên cứu, Trần Văn Giàu là một tấm gương rực sáng, một sự nghiệp lao động bền bỉ và nghiêm cẩn. Chưa có một nhà nghiên cứu nào ở nước ta có sự nghiệp trước tác đồ sộ như ông với hàng chục vạn trang sách giá trị. Với trình độ uyên bác và tư cách của một nhà cách mạng lỗi lạc, dấn thân, cùng với tư tưởng Mác Lênin đã làm cho những tác phẩm của ông có tính chiến đấu rất cao.
Ông là người truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin một cách chân truyền qua bộ ba cuốn sách có ý nghĩa nhập môn: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan và Duy vật lịch sử. Tác phẩm lớn Lịch sử giai cấp công nhân, 4 tập với gần 1.500 trang là công trình nghiên cứu đầu tiên về giai cấp công nhân VN, giúp cho chúng ta có một cái nhìn đầy đủ về một giai cấp có tính cách mạng nhất. Về sử học, Trần Văn Giàu xứng danh là nhà sử học hàng đầu của VN trong thế kỷ XX khi ông để lại những tác phẩm như Lịch sử chống xâm lăng (3 quyển, 1.000 trang), Lịch sử VN ( do ông chủ biên, 1957 – 1963) đã làm nền tảng cho những công trình nghiên cứu lịch sử tiếp sau đó; Lịch sử VN cận đại (4 tập, 1.300 trang) là một tác phẩm đồ sộ khác với cái nhìn lịch sử khoa học, biên chứng. Trên lĩnh vực tư tưởng và triết học, ông là nhà nghiên cứu tư tưởng có nhiều sáng tạo như Lịch sử tư tưởng (1.000 trang), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc VN khẳng định những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta trải qua hơn 4.000 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước…
Nguồn: baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/GS-Tran-Van-Giau–tri-thuc-lon-nhan-cach-lon/201012/122869.datviet