GS. TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí: Cháy bỏng khát khao cống hiến

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS): Thưa Giáo sư, xin Giáo sư cho biết cảm xúc của ông lúc này?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Thưa các bạn, có thể nói, rất nhiều cung bậc cảm xúc đến với tôi lúc này.

Cảm xúc đầu tiên đến với tôi là cảm giác buồn. Buồn vì  tôi sẽ phải xa tập thể cán bộ nhân viên của Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đầy tình yêu thương, gắn bó. Đó là một tập thể mà tôi đã gắn bó, dày công xây dựng nguồn nhân lực, từ những ngày đầu chỉ có 86 người được tách từ Bệnh viện Bạch Mai, đến nay đã là 922 người, gồm đội ngũ cán bộ chủ chốt, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên. Có thể khẳng định tập thể Viện Huyết học – Truyền máu trung ương là một tập thể đoàn kết thống nhất và ở nơi này tôi đã trải qua rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, rất đáng nhớ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, để đạt được thành tích ngày hôm nay, mà thành tích đáng tự hào nhất là Viện được khẳng định là cơ sở điều trị hàng đầu của Việt Nam về huyết học, truyền máu. Vì vậy, xa tập thể đó tôi rất buồn. 

Những kỷ niệm tại những buổi giao ban, chào cờ, những ngày hội lớn như Lễ Hội Xuân hồng, Hành trình đỏ, hay những kỷ niệm rất giản dị ở nhà ăn, ở hội trường…, tất cả tôi không thể quên; Tôi nhớ mãi những chuyến đi cùng anh em, đồng đội trong Viện đi đến mọi miền đất nước. Dấu chân của chúng tôi cũng đặt đến những vùng sâu  xa, từ  núi cao xuống đồng bằng, ra đến biển đảo của Tổ quốc, để làm nên một phong trào có ý nghĩa hết sức to lớn đó là vận động hiến máu nhân đạo cũng như xây dựng hệ thống huyết học truyền máu của nước ta hơn một thập kỷ qua. Làm sao tôi có thể không buồn khi rời xa nơi ấy? 

Cảm xúc thứ hai, có phần hơi trái ngược một chút, nhưng lại rất logic, đó là tôi cảm thấy hài lòng về tất cả những gì mình làm được trong thời gian giữ vai trò Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương. Tôi được bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng từ tháng 5-2003 và chính thức thôi trách nhiệm quản lý ngày 1-10-2017, như vậy là 14 năm 5 tháng. Suốt chặng đường đó, điều làm tôi hài lòng nhất là công tác tổ chức cán bộ. Viện Huyết học – Truyền máu trung ương từ vị trí “viện trong bệnh viện”, ngang cấp khoa và nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai, khi tách ra trực thuộc Bộ Y tế và có trụ sở mới ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, đến nay Viện đã có đội ngũ 922 cán bộ chính thức, đó là sự tiến bộ vượt bậc.  Điều tôi tâm đắc nhất và cũng là hài lòng nhất chính là một đội ngũ cán bộ quản lý được bổ nhiệm không có sai lầm, không có sai sót. Tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Viện chúng tôi cùng đồng cam cộng khổ, đồng lòng thống nhất. Tôi rất hài lòng, tin tưởng vào đội ngũ kế cận tuyệt vời, đứng đầu là TS Bạch Quốc Khánh vừa được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương kể từ ngày 1-10-2017.

Điều thứ hai làm tôi hài lòng, đó là chúng tôi rất thành công trong công tác tài chính kế toán. Bên cạnh việc bổ nhiệm được cán bộ tốt, có năng lực, có trách nhiệm, từ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị do Nhà nước cấp, chúng tôi đã tạo ra một khoản kinh phí lớn. Tôi lấy con số cụ thể, năm 2003 tổng doanh thu của Viện là 81 tỷ, nhưng năm 2016 tổng thu của Viện là 1.400 tỷ và năm nay tôi ước tính sẽ đạt được 1.600 tỷ. Như vậy, chúng ta thấy một con số tăng trưởng vượt bậc, trong đó bao gồm cả những nguồn vận động kinh phí từ nhiều hoạt động xã hội.  Hàng năm, chúng tôi đã vận động được một khoản kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ít thì 7-8 tỷ, nhiều thì hàng chục tỷ và hàng chục tỷ cho các hoạt động từ thiện để giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nằm bệnh viện điều trị lâu dài. Phải kể đến một khoản kinh phí lớn chúng tôi vận động được từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ cử cán bộ đi học hoặc thuốc men cho bệnh nhân, năm nào ít nhất cũng 90 tỷ, có năm đạt 230 tỷ. Một điều nữa tôi hài lòng trong công tác tài chính kế toán là đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên ngày càng tốt hơn với chế độ tài chính minh bạch, đồng tiền có được do công sức lao động chính đáng và chúng tôi thụ hưởng đồng tiền đó một cách rất thoải mái, hài lòng. Hơn 14 năm làm Viện trưởng, tôi chưa gặp thắc mắc, trở ngại của nhân viên hay thanh tra kiểm tra về tài chính.

Một điều nữa cũng làm tôi rất hài lòng, đó là những hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, có thể nói là sự bùng nổ một lượng đề tài nghiên cứu được hoàn thành, ở mức cao trong toàn ngành. Trong đó, đặc biệt có các đề tài rất mới, rất khó, tầm ảnh hưởng của nó mang tính quốc gia, thậm chí có tiếng vang ra quốc tế. Tôi xin nhắc lại, tôi rất hài lòng về đội ngũ cán bộ của Viện, có những cán bộ rất trẻ nhưng lại nắm chắc về chuyên môn. Đó là kết quả của công tác đào tạo cán bộ, điều tôi hài lòng hơn nữa là chúng tôi không chỉ đào tạo cán bộ cho Viện mà còn đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành chung cho cả nước. Nhờ có nguồn nhân lực như vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện đã gặt hái nhiều thành tựu, có thể nói đội ngũ huyết học truyền máu hoàn toàn vững vàng trên trận địa đầy khó khăn thử thách này. Đặc biệt, Viện là đơn vị đầu tiên đã phát hiện ra một loại đột biến gen, phát hiện ra điểm mới của bệnh Hemophilia khác với lý thuyết tồn tại trước đó. Ví dụ, trước kia người ta cho rằng bệnh Hemophilia chỉ xảy ra ở nam, nhưng khi theo dõi  một phả hệ thì chúng tôi thấy bệnh đó đã xảy ra cả ở nữ giới. Việc đó, làm thay đổi cả lý thuyết và được làm rõ nét hơn. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ công bố một bản đồ dịch tễ gen bệnh Thalassemia và rất nhiều nghiên cứu khác.  

Tôi cũng rất hài lòng về công tác hội nhập hợp tác quốc tế của Viện. Vốn là Viện có mối quan hệ hợp tác quốc tế rất tốt của Bộ Y tế, nhưng công tác này thật sự bùng nổ trong 10 năm trở lại đây. Viện chúng tôi đã hợp tác đơn phương với các tổ chức quốc tế ở nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… về nhiều lĩnh vực. Đây là thuận lợi lớn, khi đội ngũ cán bộ đã được đào tạo ở nước ngoài, có thể giao dịch hàng ngày từng ca bệnh với các chuyên gia quốc tế để quyết định hướng điều trị. Viện Huyết học – Truyền máu trung ương còn tăng cường hợp tác thông qua những bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế. 

Tôi hài lòng với cơ sở vật chất của Viện có được hôm nay. Khi Viện nằm trong Bệnh viện Bạch Mai với diện tích sử dụng chỉ có khoảng 4000m2 cho tới bây giờ chúng tôi đã có cơ ngơi tuy diện tích không rộng nhưng được bố trí rất khoa học, ngăn nắp, đẹp đẽ, trật tự và tất cả hoạt động của Viện đều có thể tổ chức ngay trong Viện, từ hoạt động chuyên môn đến hoạt động xã hội, hoạt động riêng có của Viện như vận động hiến máu. Trước đây, khi Viện trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 200 giường bệnh thì đến nay có khoảng 1200 giường bệnh, tuyệt đại đa số bệnh nhân đều tin tưởng khi đến khám và điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương. 

Một dấu ấn của Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, đó là việc chúng tôi khởi xướng và tích cực đi đầu trong hoạt động hiến máu nhân đạo trong chặng đường hàng thập kỷ qua với rất nhiều sự kiện lớn không chỉ mang tầm cỡ quốc gia mà tiếng vang còn ra quốc tế như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ. Các hoạt động ấy đã thu hút hàng triệu người tham gia mỗi năm. Năm 2003, Viện chúng tôi tiếp nhận trên 30.000 đơn vị máu đến năm 2016 đã tiếp nhận 290.000 đơn vị máu, năm nay dự kiến sẽ tiếp nhận 310.000 -320.000 đơn vị máu. Con số đó hết sức to lớn vì nhờ thế có thể cứu được hàng nghìn sinh mạng. Trước đây Viện Huyết học – Truyền máu trung ương chỉ chuẩn bị máu phục vụ cho Viện cũng rất khó khăn thì nay Viện chúng tôi không chỉ cung cấp máu cho Viện mình mà còn cung cấp máu đến tận nơi cho các bệnh viện khác bằng phương pháp sàng lọc hiện đại nhất. Tất cả những thành tựu đó làm tôi rất hài lòng và tôi mãn nguyện với những gì mình đóng góp. 

   

  GS.TS Nguyễn Anh Trí trong một buổi giao ban tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương.

Ảnh: NIHBT

TTDS: Phải xa một tập thể thân yêu, nơi mà hơn một thập kỷ qua Giáo sư đã gắn bó và dành hết tâm sức, tài trí, năng lực của mình để đóng góp phát triển, Giáo sư muốn nhắn gửi điều gì đến với tập thể thân yêu đó?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Tôi có rất nhiều mong đợi. Tôi chúc cho Viện Huyết học – Truyền máu trung ương tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tiếp tục viết những trang sử mới đẹp đẽ hơn, hiệu quả hơn để đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, tôi chúc TS Bạch Quốc Khánh với cương vị là Viện trưởng trong nhiệm vụ 5 năm tới sẽ phát huy hết tài năng, trí tuệ, lan tỏa năng lực, ý chí và cả tâm hồn đến mọi hoạt động của tập thể này và cả những người làm về huyết học truyền máu trong cả nước. Tôi cũng chúc Viện Huyết học – Truyền máu trung ương luôn luôn giữ vững là địa chỉ tin cậy cho người bệnh đến điều trị và gửi gắm sinh mệnh của họ. Và chúc Viện Huyết học – Truyền máu trung ương luôn mãi là địa điểm đẹp, mang tính nhân văn cao cả để các tình nguyện viên, người hiến máu tin cậy, để phát triển hơn phong trào hiến máu nhân đạo ở Việt Nam.

TTDS:  Giáo sư có dự định làm việc gì trong thời gian tới?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Tôi là người đa cảm, ham công việc, khát khao cháy bỏng được cống hiến hết mình cho nghề, cho nhân dân, Tổ quốc. Tôi dự cảm  thời gian tới đây tôi còn bận rộn hơn cả chặng đường đã qua với tư cách là Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy. Tôi đã đặt ra cho mình một chương trình rất rõ ràng, trước hết mình phải là một Đại biểu quốc hội thật xứng đáng, thật đúng nghĩa. Tôi tự ứng cử và đã trúng cử nhờ sự tin cậy của cử tri, điều đó có nghĩa là tôi tự xin nhận những trách nhiệm, công việc của một đại biểu của nhân dân, vì vậy tôi hứa sẽ dành nhiều tâm sức, nhiều thời gian, nhiều trí tuệ hơn cho hoạt động này. Để trở thành một đại biểu đúng nghĩa thật không dễ chút nào. 

Nhóm việc thứ hai, tôi sẽ làm việc tại Công ty MEDLATEC, mà quan tâm hàng đầu là Bệnh viện MEDLATEC, vì đây là ước mơ của tôi kể từ khi tôi còn là sinh viên Đại học Y Hà Nội. Chứng kiến nỗi đau của người bệnh và thấy hạnh phúc vì mình là thầy thuốc, tôi nguyện đời mình sẽ cố gắng xây dựng được một bệnh viện, không chỉ tốt nhất về mặt chuyên môn và dịch vụ mà phải là nơi tốt nhất về mặt y đức. Và tôi rất vui, MEDLATEC đã đạt được thành tựu hết sức to lớn, đã khẳng định được giá trị của mình trong cộng đồng trong chặng đường xây dựng và phát triển 21 năm qua. Điều đó, là cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi khi tôi tham gia làm việc tại đây.

Nhóm việc thứ ba, tôi sẽ làm việc tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Một cơ sở ở Hà Nội, một cơ sở ở huyện Cao Phong, Hòa Bình. Hai cơ sở đó là ý tưởng, là ước mơ, là sự khát khao cháy bỏng của bản thân tôi. Mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của hai đơn vị này là nhằm tôn vinh và phát huy những giá trị di sản của nhà khoa học Việt Nam, những người đã đóng góp hết sức to lớn, hết sức xứng đáng cho sự nghiệp bảo vệ xây dựng đất nước, đặc biệt là cho nền khoa học Việt Nam. Xây dựng một Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam là việc cần phải làm, nên làm, là sự nghiệp hết sức vinh dự, hết sức vinh quang. 

Một nhóm việc nữa, đó là niềm đam mê về thơ và nhạc, cho đến bây giờ tôi đã sáng tác nhiều bài hát; nhiều bài thơ của tôi được phổ nhạc, nhưng vẫn còn nhiều tứ thơ, giai điệu tôi đang thai nghén. Và chắc chắn, dù đi đến đâu, làm gì thì những cảm xúc của tôi với đất nước, với con người Việt Nam vẫn sẽ được thể hiện qua các vần thơ cùng những giai điệu của lòng mình.

Tôi cũng có ý định sẽ viết truyện, có thể là truyện ngắn, truyện vừa hoặc truyện dài. Tôi đã có tư liệu và đang ấp ủ nhiều câu chuyện. Đó là những câu chuyện trong kháng chiến chống Mỹ rồi quá trình học Đại học Y Hà Nội, quá trình hành nghề bác sĩ, quá trình làm quản lý…

Và điều cuối cùng, tôi có mong muốn thành lập một cơ sở đào tạo về chuyên ngành Công nghệ y tế. Đây là ước mơ lớn đã nhen nhóm trong tôi từ 20 năm trước. Cùng những người khởi xướng thành lập MEDLATEC từ khi còn là Phòng xét nghiệm lâm sàng tổng hợp, là Trương Thanh Ba, Trần Văn Tính, Võ Thị Ngọc Lan, chúng tôi đã từng nói với nhau, sau này có điều kiện sẽ thành lập một cơ sở đào tạo các cử nhân về Công nghệ y tế. Và hiện nay, điều đó rất có khả năng vì:

Thứ nhất, MEDLATEC đã khẳng định “thương hiệu” với nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ giỏi nghề.

Thứ hai, Bệnh viện MEDLATEC đã có sẵn cơ sở vật chất, đặc biệt đã có đầy đủ điều kiện về số lượng mẫu xét nghiệm, hệ thống máy móc thiết bị hiện đại bậc nhất. Đó cũng là cơ sở cơ bản nhất để có thể triển khai một cơ sở đào tạo. 

Cuối cùng là, nhu cầu xã hội về y tế rất cao. Là người làm trong ngành Y nhiều năm, là người trực tiếp làm việc nhiều trong các labo, nên tôi hiểu được nhu cầu này. Nhưng để đáp ứng nhu cầu về y tế ngày càng cao, thì hai yếu tố rất cần, song lại rất thiếu trong ngành Y nước ta, đó là: Số lượng người làm việc trong labo thiếu rất nhiều, ngay trong Bệnh viện MEDLATEC hàng năm cần hàng trăm người đào tạo bài bản, quy củ có trình độ, năng lực. Và yếu tố thiếu thứ hai là về chất lượng. Kinh nghiệm tôi học được trong thời gian học tập tại Nhật Bản, trong 30 năm giảng dạy ở các trường đại học y khoa như Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y… cho tôi nhận ra rằng cần phải đổi mới đào tạo một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả để tạo ra được một đội ngũ cán bộ y tế có năng lực và năng động trong nền kinh tế thị trường biến động rất nhanh hiện nay. Thành lập một cơ sở đào tạo như vậy là ước mơ, nguyện vọng của tôi. 

Tôi mong muốn mình có đủ sức khỏe và có đồng đội tốt luôn đồng hành với mình. Về sức khỏe thì tôi cố gắng giữ gìn và nó phụ thuộc một chút vào số phận, nhưng về đội ngũ, bạn bè, đồng đội, đồng chí thì tôi tin rằng tôi có sức hút để đồng chí, đồng đội đồng tâm với mình. Tôi có niềm tin vào điều đó. 

TTDS: Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của Giáo sư. Xin kính chúc Giáo sư mạnh khỏe và tiếp tục cống hiến trong quá trình hiện thực hóa những dự định của mình.

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam