GS. TS Thái Phiên sinh năm 1934 tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông học trung học tại trường Huỳnh Thúc Kháng. Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được cử đi học đại học tại nước ngoài. Các học trò đi bộ từ khắp các vùng đến tập trung chỉnh huấn trong rừng, rồi lại đi xe tải sang Bằng Tường để đến Quế Lâm học tiếng Trung. Ông được phân công về Hoa Nam Nông học viện đóng tại Quảng Châu. Đấy là vào năm 1954, Trung Quốc mới qua chiến tranh được 4 năm, trường cũng vừa thành lập, nhóm của ông thuộc lứa sinh viên đầu tiên.
Tốt nghiệp Hoa Nam Nông học viện, về nước, GS. TS Thái Phiên được phân công làm việc tại Nông trường Điện Biên, rồi giảng dạy tại trường Trung cấp Nông nghiệp Nghĩa Đàn trước khi về công tác tại Vụ Khoa học của Bộ Nông trường Quốc doanh. Khi thì xe đạp, khi thì xe U-oát hay xe tải, ông lặn lội khắp mấy chục nông trường để chuyển giao khoa học – công nghệ tới công nhân trồng cây lâu năm ở những vùng sâu, vùng xa khắp đất nước. Trong 10 năm tồn tại của Bộ Nông trường, ông là một trong số ít cán bộ khoa học xuất sắc được cử đi nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ Thổ nhưỡng về Vật lý đất tại Viện Thổ nhưỡng Pushkarov, Bulgary năm 1976. Từ sau khi về nước, ông công tác liên tục tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995. Ở cương vị nghiên cứu viên, Trưởng Bộ môn hay Phó Viện trưởng phụ trách Viện, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ loạt bài đầu tiên về chống xói mòn trên Tạp chí Nông trường Quốc doanh viết ở nơi sơ tán Bình Đà những năm 1960, cho đến những giáo trình, bài báo và sách chuyên khảo sau này, GS. TS Thái Phiên đều dành cả trí tuệ, công sức cho việc giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật quản lý đất đồi, đặc biệt là các công trình về vật lý đất và canh tác trên đất dốc mà ông chủ biên hoặc là đồng tác giả. Có thể kể đến như: Canh tác bền vững trên đất dốc; Đất miền núi và vùng cao Việt Nam; Đất đồi núi Việt Nam – thoái hóa và phục hồi, Cây phủ đất ở Việt Nam… Các thế hệ cán bộ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đều nhớ tới ông như một bậc đàn anh trong nghề nghiệp, một chủ trì các đề tài từ cấp Viện đến cấp Nhà nước nghiêm túc và hiệu quả.
GS. Thái Phiên luôn chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học đất, mở rộng hợp tác với Hội Thổ nhưỡng Pháp về nghiên cứu đất bạc màu, với Hội Thổ nhưỡng Canada về nghiên cứu đất dốc trồng sắn (dự án VIET-CAN SOIL), với Tổ chức Nghiên cứu Quản lý đất Quốc tế (IBSRAM và WIMI sau này) trong mạng lưới nghiên cứu đất dốc và đất chua châu Á (ASIALAND NETWORK) về giữ đất, giữ nước, sử dụng đất nông, lâm nghiệp bền vững. Các kết quả chung này được đăng tải trên Công trình của IBSRAM xuất bản tiếng Anh từ năm 2000 đến 2010. Cùng với nhóm đồng nghiệp, ông cũng đã đóng góp đáng kể vào Bản đồ thoái hóa đất nhân tác trong bộ Dữ liệu đất thế giới do ISRIC chủ biên. Những công trình này đã góp phần giới thiệu kết quả nghiên cứu đất Việt Nam với giới khoa học thổ nhưỡng thế giới. Bạn bè quốc tế trong giới Nông học đã từng có cơ hội gặp gỡ cũng đều giữ ấn tượng với ông như một đồng nghiệp thân mến.
Những ngày đầu tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Hà Lan để xây dựng Bảo tàng Đất Việt Nam, đất nước chưa mở cửa, thủ tục trì trệ, nhìn đâu cũng nghi kỵ. Trước sự thúc giục của phía bạn, một người có trách nhiệm quan hệ quốc tế của ngành hỏi: “Sao họ nhiệt tình thế?” với hàm ý liệu phía sau sự sốt sắng đó là âm mưu gì vậy? GS. TS Thái Phiên vẫn điềm đạm thuyết phục các bên để ngày nay có được một Bảo tàng Đất tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, nơi lưu giữ đầy đủ các phẫu diện tự nhiên tất cả các loại đất Việt Nam và bộ sưu tập các mẫu đất thế giới – một công trình khoa học cơ bản đặc sắc.
Với công tác của Hội Khoa học Đất, GS. TS Thái Phiên là một hội viên nhiệt tình, một cán bộ có trách nhiệm trong Ban Chấp hành Hội. Các công trình của Hội về Đất Việt Nam qua các lần xuất bản đều có sự tham gia tận tâm của ông và trong đó ông luôn để lại dấu ấn tốt đẹp với người đọc. Với các đồng nghiệp trẻ, ông sẵn lòng chia sẻ tri thức, trong số đó nhiều người đã được ông đào tạo và hoàn thành các luận án từ cử nhân cho đến tiến sĩ.
Nhớ tới GS. TS Thái Phiên là nhớ tới một nhà giáo tận tâm, một nhà khoa học nghiêm túc, một đồng nghiệp chân thành, lúc nào cũng thư thái, tươi tắn với mọi người, với đất đai, mặc dù lĩnh vực mà ông theo đuổi tưởng như rất khô khan là Vật lý Đất. Là một nhà khoa học chuyên nghiệp, ông đã đặt chân đến hầu khắp các miền từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, từ châu thổ sông Hồng đến Đồng bằng sông Cửu Long thành tâm góp phần vào khoa học giữ đất, giữ nước.
Có thể nói GS. Thái Phiên là một tuýp “ông đồ xứ Nghệ” điển hình, trí tuệ và dân dã, thẳng thắn và tế nhị, nghiêm túc và hóm hỉnh, kiên quyết trong công việc nhưng cũng khiêm nhường trong đời thường. Nhớ những năm còn chiến tranh, chiếc xe đạp cũng không có, ông phải mượn bạn chiếc Favorit để vượt 300 cây số về thăm nhà. Lán trại sơ tán chiến tranh sơ sài, đêm kẻ gian trộm mất chiếc xe, bằng cả một gia sản thời ấy. Ngày phép ngắn chẳng tày gang, ông phải tức tốc bám nhờ xe quân sự trở về cơ quan, vừa lo vay mượn để đền bù, vừa soạn sửa đi học nước ngoài. Thế mà sau 4 năm làm tiến sĩ trở về, công an gọi ra lấy lại chiếc xe, chỉ còn lại cái khung mà kẻ gian đã vứt xuống hồ. Cánh anh em khoa học nông nghiệp vẫn coi đó là những kỷ niệm nhỏ thời bao cấp mà mỗi khi nghĩ lại vừa vui, vừa thương.
GS. TS Thái Phiên có tình cảm sâu nặng với quê hương. Ngẫu nhiên mà cũng là cơ may, ông có dịp làm việc nhiều năm trên mảnh đất quê hương xứ Nghệ. Những năm 1960-1980, ông có thời kỳ giảng dạy tại trường Trung cấp Nông nghiệp Nghĩa Đàn, rồi khảo cứu đất Nghệ An, lặn lội khắp các nông trường trong tỉnh; phụ trách chỉ đạo khoa học Trạm Nghiên cứu Cây nhiệt đới Phủ Quỳ (nay là Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả, cây công nghiêp Phủ Quỳ). Những năm 1990, ông lại có dịp quay về quê hương khi chủ trì đề tài hợp tác quốc tế “Mạng lưới Nghiên cứu quản lý đất chua châu Á” trong đó có điểm triển khai tại Phủ Quỳ. Mỗi dịp như vậy, ông luôn nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm với những người phụ trách nông nghiệp, tận tâm truyền đạt kiến thức cho lớp trẻ.
GS. Thái Phiên từ trần ngày 19/10/2014, để lại trong lòng những ai đã một lần gặp ông ấn tượng khó phai như một chiếc lá vàng rực, nhẹ nhàng bay rồi hòa vào trong cõi vĩnh hằng của đất mẹ ấm áp.
Nguyễn Tử Siêm *
Bộ Ngoại giao và Phát triển Canada
Nguồn: www.ngheandost.gov.vn/web/
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến Nông và Khuyến lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa