Thời điểm đất nước mới giành độc lập, trình độ học vấn nói chung, kiến thức về vệ sinh phòng bệnh nói riêng của quần chúng nhân dân còn rất hạn chế, tỷ lệ mù chữ khoảng 90%. Lực lượng y bác sĩ trên cả nước rất ít ỏi. Chỉ có con đường truyền bá kiến thức về vệ sinh, phòng dịch bệnh mới giúp mọi người hình thành nếp sống lành mạnh, tăng sức đề kháng, muốn thế cần phải có một công cụ tuyên truyền hiệu quả. Theo ý tưởng của Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng, tháng 6-1946, Báo Vui sống đã ra đời để thực hiện nhiệm vụ trên. Chủ nhiệm đầu tiên của tờ báo là bác sĩ Vũ Văn Cẩn – Cục trưởng Cục Quân y (sau là Bộ trưởng Bộ Y tế), Chủ bút là bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Còn Từ Giấy làm Thư kí tòa soạn, từ năm 1948, ông là Chủ nhiệm tờ báo này.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Báo Vui sống hoạt động với sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về vệ sinh phòng bệnh thông qua các câu chuyện, câu đối, bài thơ…, và bằng tiêu chí ngắn gọn, khoa học nhưng dễ hiểu, tờ báo đã tạo sức hút mạnh mẽ, trở thành “món ăn tinh thần” trong đời sống của nhân dân và bộ đội. Nội dung báo còn giới thiệu nhiều châm ngôn về sức khỏe có giá trị của Mạnh Tử, Hải Thượng Lãn Ông, Ivan Petrovich Pavlov… Nhiều trí thức, bác sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng tham gia viết cho tờ báo này như Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trý, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Chung, họa sĩ Bùi Xuân Phái… Báo Vui sống hoạt động phổ biến ở miền Bắc rồi dần lan tỏa vào miền Trung, miền Nam Việt Nam.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng – GS Từ Giấy (áo trắng) đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Viện Dinh dưỡng
Nguồn: Cục An toàn thực phẩm
Khi viết cho Báo Vui sống, Từ Giấy lấy bút danh “Lang Khoai”. Chuyên mục “Vui sống nói chuyện” do ông đảm nhiệm được nhiều độc giả đón nhận bởi lối nói chuyện gần gũi, dí dỏm. Chẳng hạn, có người viết thư cho báo hỏi: “Tôi đi ngoài, phân đi ra suối lại có cục nổi, cục chìm, vậy tôi có bệnh gì không?”. Lang Khoai trả lời: “Bệnh nặng đấy. Bệnh ỉa bậy!”. Nửa cuối năm 1946, Từ Giấy đã đề xuất, vận động tổ chức cuộc thi “Trẻ em khỏe và đẹp”. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt khi ấy, đây được coi là một trong những ý tưởng rất lạ và táo bạo. Sau này, Đại tá Từ Đễ hỏi cha vì sao đề xuất ra cuộc thi này, ông cho biết đó là "muốn khẳng định Việt Nam là một quốc gia hướng về tương lai, khổ đến mấy cũng sẽ chăm lo cho trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước".
Khi sơ tán lên ATK (đầu thập niên 50), Từ Giấy và các đồng nghiệp mang theo máy in, chặt nứa ngâm làm giấy, tự chế mực để đảm bảo công việc xuất bản. Khoảng 1 tuần báo ra một số, có khi 1-3 tháng hoặc lâu hơn tùy theo điều kiện in ấn. Mỗi số xuất bản trung bình 1-2 vạn bản, trong khi các báo khác, mỗi số xuất bản khoảng 2500-3000 bản. Tuy nhiên, Báo Vui sống chỉ tồn tại tới trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, số cuối cùng (số 65) ra tháng 12-1952. Mặc dù hoạt động chỉ hơn 6 năm nhưng báo đã góp phần nâng cao dân trí, quân trí trong việc bảo vệ sức khỏe, tăng sức chiến đấu của quân dân ta trong điều kiện vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong quá trình ấy, phải kể đến công lao của Chủ nhiệm Từ Giấy (1948-1952).
Nguyễn Điệp