GS Vũ Đình Cự sinh ra trong một gia đình có truyền thống lâu đời với nghề dạy học và làm thuốc. Trong thời gian đầu những năm 50 của thế kỷ 20, ông học trung học và sau đó là Trường Dự bị đại học liên khu IV tại Thanh Hóa.
Năm 1956, tốt nghiệp khóa 1 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông được phân công về Trường ĐHBK Hà Nội và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên đặt nền móng cho bộ môn Vật lý của Trường. Năm 1961, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh ngành Vật lý chất rắn tại Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp thuộc Liên Xô cũ. Năm 1965, tại Mát-xcơ-va, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ. Hội đồng khoa học của Trường đề nghị Việt Nam cho phép ông ở lại Liên Xô thêm một thời gian để phát triển công trình thành luận án tiến sỹ khoa học.
Tháng 3/1967, chỉ 15 tháng sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ, ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Toán-Lý (nay gọi là tiến sỹ khoa học), chuyên ngành Vật lý chất rắn với đề tài về màng mỏng từ tính, trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công tại Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp. Tại buổi bảo vệ, vị đại diện Trường phát biểu: “Với niềm tự hào, chúng ta tặng học vị tiến sỹ khoa học Toán-Lý cho người Việt Nam đầu tiên. Như vậy, chúng ta đã thực hiện lời hứa với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam khi các đồng chí ấy thăm Trường, là đào tạo cho Việt Nam những nhà khoa học có trình độ cao”.
Các công trình của ông được trích dẫn nhiều ở Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Tại hội nghị quốc tế về màng mỏng năm 1970 ở Tiệp Khắc, đoàn đại biểu Mỹ giới thiệu một cuốn sách giới thiệu về kết quả ứng dụng “lý thuyết Vũ Đình Cự” để sáng chế linh kiện máy tính. Giới khoa học Pháp cũng thông báo về kết quả ứng dụng “lý thuyết Vũ Đình Cự” để làm bộ nhớ máy tính…
Trở về nước, ông dồn hết tâm huyết vào công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐHBK Hà Nội. Trong đó, ông đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển bộ môn Vật lý chất rắn. Ông cũng chính là người có công trong việc xây dựng Phòng thí nghiệm vi điện tử ở nhà C9. Đặc biệt, vào năm 1972, ông được Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu giao nhiệm vụ quan trọng: biệt phái sang Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm thành viên của tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi với nhiệm vụ cụ thể là vận dụng các kiến thức đã nghiên cứu được, phối hợp với đồng nghiệp ở ĐHBK Hà Nội và các cán bộ của Bộ GTVT thành lập một tổ đặc nhiệm gọi tắt là GK1 (viết tắt là Giao thông – Bách Khoa) để nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao rà phá bom mìn, thủy lôi hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ GTVT thời điểm đó là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cùng báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương huy động các nhà khoa học vào cuộc để cùng với ngành giao thông thực hiện việc rà phá bom, mìn, thủy lôi với nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra các giải pháp rà phá hiệu quả và đặc biệt là tránh được thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Đó là chính là lý do ra đời của Tổ đặc nhiệm GK1 (sau đó còn có thêm GK2, GK3).
Nhận nhiệm vụ, GS Vũ Đình Cự cùng các đồng nghiệp ở ĐHBK và Bộ GTVT khẩn trương bắt tay vào công việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến. Được sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị thuộc ngành giao thông, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung tâm máy tính điện tử (duy nhất lúc đó ở miền Bắc) của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước và sử dụng cả các thiết bị nghiên cứu mới nhất vừa được Liên Xô viện trợ cho Trường ĐHBK, trong một thời gian ngắn, tổ GK1 đã “mổ phanh” 1 quả DST được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội để tìm ra cơ chế gây nổ tinh vi của nó, đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm tại Hải Phòng và sân bóng ĐHBK.
Từ đó, GK1 đã chế tạo thành công một thiết bị phá bom, thủy lôi từ trường tự động (như robot), có thể “lừa” được những loại bom, thủy lôi từ trường mới nhất của Mỹ lúc đó, khiến chúng phát nổ mà không gây thương vong cho cho các lực lượng rà phá. Thiết bị đó nhanh chóng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả lớn trong việc rà phá bom, thủy lôi từ trường, tránh được thương vong ở cảng Hải Phòng và nhiều nơi khác, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong việc phá tan âm mưu phong tỏa miền Bắc của Mỹ những năm 1972 – 1973.
Trong quá trình tổ GK1 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, hai Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và Tạ Quang Bửu thường xuyên quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ làm việc. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu hằng ngày đều tranh thủ xuống gặp anh em GK1, hỏi han, trao đổi, động viên, thậm chí là cùng tranh luận những vấn đề khoa học nảy sinh. Cuối tháng 11/1972, sau khi nghe báo cáo về những kết quả bước đầu đáng phấn khởi trong việc triển khai kết quả nghiên cứu của tổ GK1, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo tổ chức một cuộc trưng bày nhằm báo cáo với các cấp lãnh đạo về kết quả rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường tránh được thương vong của GK1.
Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước lúc đó như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười và một số đồng chí lãnh đạo khác: Đinh Đức Thiện, Trần Đại Nghĩa… đều đến thăm triển lãm, nghe anh em GK1 giới thiệu về kết quả nghiên cứu và cho nhiều ý kiến khen ngợi, động viên kịp thời. Sau này, kết quả nghiên cứu GK1 còn được phát triển để rà phá bom mìn trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Với những thành tích trên, GS Vũ Đình Cự và các thành viên tổ GK1 đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công. Tổ GK1 được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) lĩnh vực khoa học – công nghệ cùng với các lực lượng khác trong công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông thời chống Mỹ.
Với vốn ngoại ngữ phong phú, có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, GS Vũ Đình Cự cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề về triết học và kinh tế chính trị với nhiều phát hiện mới mẻ. Có thể nói rằng, hiếm có nhà khoa học nào có thể cùng lúc đạt được đỉnh cao tri thức ở cả 2 lĩnh vực: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như ông.
Năm 1977, ông được điều sang làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (Trung tâm nghiên cứu phát triển về khoa học tự nhiên và kỹ thuật lớn nhất vừa được Chính phủ thành lập năm 1975). Trong thời gian làm lãnh đạo Viện, hoạt động nghiên cứu khoa học của ông chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ. Ông là người thành lập và trực tiếp làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học Việt Nam) từ năm 1980 – 1991 và là người góp phần quyết định việc thành lập Trung tâm Năng lượng, nay là Viện Khoa học Năng lượng.
Năm 1984, khi nước ta đang bị cấm vận ráo riết, ông được giao nhiệm vụ thành lập Viện Công nghệ Quốc gia với mục đích tìm và phát triển những công nghệ cần thiết cho đất nước. Ông đã trực tiếp làm Viện trưởng cho đến năm 1991. Trong nhiều năm liền, ông làm Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước về điện tử, tin học, viễn thông. Đây chính là các chương trình nghiên cứu phát triển có quy mô lớn, quy tụ đội ngũ các nhà khoa học của nhiều ngành và trở thành “bà đỡ” cho nhiều thành tựu nghiên cứu phát triển, đào tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh của các trường đại học như ĐHBK Hà Nội. Học viện Kỹ thuật Quân sự; các ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…
Cẩm Lệ
Nguồn:congluan.vn/gs-vu-dinh-cu-va-hoi-uc-gk1/
Trong suốt cuộc đời làm việc và nghiên cứu, GS Vũ Đình Cự đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt quan trọng. Năm 1982, ông là đại biểu Quốc hội từ khóa VII đến khóa X. Năm 1987, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội. Đến năm 1997, ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội,… Ông đã có những đóng góp rất lớn trong việc xây dựng và ban hành các chính sách, phát luật về khoa học, công nghệ và môi trường. Ông còn được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 7, 8 và giữ chức Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương,… Dù bất cứ trên cương vị nào, ông đều làm việc với tinh thần tận tụy, hết mình phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân, luôn thể hiện là một nhà trí thức khiêm tốn, giản dị và trong sạch.