GS Willem Van Schendel thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 GS Willem Van Schendel hiện còn công tác ở Viện Quốc tế về Lịch sử xã hội Hà Lan (IISH), đây là một Trung tâm lưu trữ tư liệu lớn về các Phong trào lao động không chỉ ở Hà Lan mà còn các nước khác như: Ý, Đức, Tây Ban Nha và các nước ở Châu Âu.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu về sự hình thành, mục đích hoạt động của Trung tâm và những kết quả đã đạt được trong gần 4 năm qua.

 

GS Willem Van Schendel trao đổi thông tin cùng PGS Nguyễn Văn Huy và các nghiên cứu viên Trung tâm

GS Willem Van Schendel đã giới thiệu sơ lược về Viện IISH. Viện được thành lập từ năm 1935 nhằm sưu tầm các tư liệu gốc của các tổ chức và cá nhân để nghiên cứu lịch sử xã hội. Viện quan tâm đặc biệt đến vấn đề lao động và các quan hệ lao động mang tính toàn cầu. Sưu tập tư liệu lưu trữ của IISH có độ dài lên tới hơn 50 km giá, thư viện có hơn 1 triệu đầu bản tài liệu. Trang web của IISH (http://socialhistory.org), qua lời giới thiệu của GS Willem Van Schende, cho thấy rất phong phú, cung cấp nhiều dữ liệu như: tài liệu lưu trữ, hình ảnh và âm thanh, thư viện, các tài liệu đơn lẻ … Nét nổi bật của Trang web này là xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu rất tiện ích cho việc tra cứu danh mục chỉ dẫn tư liệu có miêu tả (catalogue) và cung cấp các tài liệu cho độc giả trên mạng.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu về các loại hình tư liệu của Trung tâm

GS Willem Van Schendel chia sẻ thêm rằng: công tác lưu trữ này được bảo trợ bởi những Quỹ tư nhân, đồng thời Viện cũng được sự ủng hộ của nhà nước. Ông cho biết, ở các nước phương Tây, Ấn Độ,… các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học thường mong muốn và tin tưởng khi gửi tài liệu của mình vào các Trung tâm lưu trữ tư nhân hơn là so với các Trung tâm lưu trữ của nhà nước.

 Một tài liệu đặc biệt hấp dẫn của Trung tâm

 Viện không những có các chuyên gia về lưu trữ, kỹ năng về phân loại, bảo quản các dạng tư liệu, hiện vật trong mọi hoàn cảnh, điều kiện do thiên tai hoặc chiến tranh, về thư viện mà còn có nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế tham gia nghiên cứu các vấn đề xã hội.

Viện có chính sách liên kết với các Trung tâm lưu trữ ở các địa phương trong nước, thậm chí là liên quốc gia trong việc bảo quản tài liệu để phòng tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra (chiến tranh, hỏa hoạn). Cụ thể là, các tài liệu, dữ liệu được sao chép thành nhiều bản được lưu giữ, bảo quản ở nhiều Trung tâm. Trong khi sưu tầm các tư liệu phải đặc biệt chú ý tới tính pháp lý của các tài liệu, khi nào thì được công bố, nhiều khi còn tùy thuộc vào nguyện vọng của người tặng tài liệu, tài liệu đó được tặng hay chỉ là được gửi trong phạm vi thời gian nhất định,…

Ông rất thú vị với những hiện vật khối lưu trữ tại Trung tâm

Viện cũng đặc biệt chú trọng tới sứ mệnh phục vụ rộng rãi cho nhu cầu khai thác, nghiên cứu thuộc mọi đối tượng trong xã hội thông qua các hình thức khác nhau như: đọc trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua Website của Viện. Vì vậy, trên Trang web có Mục chỉ dẫn kỹ càng cách khai thác tư liệu lưu trữ, kể cả đơn giá copy hay scan tài liệu.

 

Chia sẻ thành quả nghiên cứu của Trung tâm

 

Những dòng cảm nhận về Trung tâm

 Chia sẻ những cảm nhận của mình sau khi thăm Trung tâm, Willem Van Schendel viết trong sổ lưu niệm: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Trung tâm. Tôi rất vui vì không chỉ được gặp gỡ GS Nguyễn Văn Huy và cộng sự của ông mà còn được xem những thành tựu tuyệt vời về một Trung tâm lưu trữ do các bạn xây dựng lên. Tôi đặc biệt ấn tượng về cách tổ chức, sắp xếp, lưu trữ các dạng tài liệu, hiện vật mà các bạn đang tiến hành. Hiện tại tôi làm việc tại Viện Quốc tế về Lịch sử xã hội ở Amsterdam, Hà Lan, một nơi có những đặc điểm tương đồng như Trung tâm của các bạn. Tôi nhận thức được các vấn đề và thách thức trong việc tạo ra một Trung tâm như thế này. Tôi hy vọng vào tương lai sáng của Trung tâm!”

 Nguyễn Thanh Hóa