Thời quan liêu bao cấp, đất nước chìm trong cơn khủng hoảng lương thực trầm trọng. Thời mở cửa, Việt Nam đã vươn vai Phù Đổng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Được như thế, ngoài cơ chế chính sách hợp lý của Nhà nước, còn có sự đóng góp không nhỏ nguồn tri thức vô tận của các nhà khoa học. GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam(IAS) là một trong những nhà khoa học ấy. Ông là người con của quê hương Tây Ninh, đã và đang cống hiến đời mình cho nền nông nghiệp nước nhà.
Năm 1953, cậu bé Bùi Chí Bửu được sinh ra trên quê mẹ thuộc quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là huyện Tân Châu, tỉnh An Giang). Vì chiến tranh, năm 1955 cha mẹ cậu về định cư tại ấp Hiệp An, xã Hiệp Ninh, quận Phú Khương, tỉnh Tây Ninh (nay là ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Là anh cả trong gia đình có đến 12 anh em, cha mẹ không có đất cắm dùi, chẳng một người thân thích. Để có tiền ăn học và phụ giúp cha mẹ nuôi các em, Bùi Chí Bửu ngoài giờ học tại trường phải đi bán hàng rong, vá xe đạp, thậm chí đi bán vé số. Tuổi thơ của Bửu không có những ngày trên đồng thả cánh diều mơ ước, không có những buổi bắt dế, đánh u, bịt mắt trốn tìm. Trong khi các bạn đang đắm mình với ước mơ tuổi nhỏ, Bùi Chí Bửu với mâm hàng rong đi khắp ngỏ xóm, đường làng. Tuổi thơ của Bửu trôi qua không êm ả, nhưng Bửu chẳng mặc cảm với bạn bè, lấy thành tích học tập bù vào gia cảnh bần hàn. Càng khó khăn, Bùi Chí Bửu càng quyết tâm học giỏi, vừa cho cha mẹ vui lòng, vừa làm gương cho các em và để thay đổi đời mình.
Đậu Tú tài toàn phần năm 1971, giữa lúc các bạn chọn những ngành thời thượng như luật, kinh tế, y dược, Bùi Chí Bửu thi vào trường Đại học Nông nghiệp. Hình ảnh quê ngoại những năm mùa nước lũ, cả cánh đồng ngập chìm trong nước. Nước trôi nhà cửa, ruộng vườn, người dân trắng tay, cơ cực cứ ám ảnh mãi trong anh. Anh quyết định chọn ngành nông học, với mong muốn đem những hiểu biết của mình phục vụ quê hương. Thời gian học đại học là thời gian vất vả nhất, vì phải vừa học vừa đi dạy kèm để kiếm tiền trang trải việc học và sinh hoạt hằng ngày. Anh tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp năm 1977, chuyên ngành nông học, với luận văn tốt nghiệp “Nghiên cứu động thái đất phèn trồng dứa ở Lương Hòa, Bến Lức“. Ra trường, anh về công tác tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bước chân anh đã đi khắp ĐBSCL, từ thực tế đó cho anh những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống của người dân, để có bước đột phá về phát triển cây lúa sau này. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, anh được đi thực tập 4 tháng ở Viện lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines và 6 tháng ở CRRI tại Ấn Độ, chuyên ngành Di truyền số lượng và Di truyền tế bào. Với luận văn tốt nghiệp “Nghiên cứu di truyền tình trạng giống lúa nước sâu ở ĐBSCL” phục vụ cho cải tiến giống, anh nhận học vị Tiến sỹ nông học khi 35 tuổi (năm 1988), được bổ nhiệm là Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL (là Phó Viện trưởng trẻ tuổi nhất Việt Nam cho đến bây giờ). Năm 1989, anh vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1996 – 1997, anh là thực tập sinh cao cấp tại Texas A&M Univ Hoa Kỳ về Rice Genomics (Bộ gien cây lúa). Được Nhà nước công nhận học hàm PGS năm 1996 và học hàm GS năm 2004.
Để được công nhận là Tiến sỹ – Giáo sư, ông đã có những công trình khoa học để đời, được đánh giá cao trong nước và quốc tế như: bảo tồn gien lúa, khai thác nguồn gien quý hiếm từ các loài lúa hoang, làm cơ sở khoa học để chọn tạo giống lúa chống chịu stress sau này; Chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để trồng trước và sau mùa lũ. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để ĐBSCL tăng vụ, đưa sản lượng từ 4 triệu tấn/năm trước đây lên hơn 24 triệu tấn/năm như hiện nay; Ứng dụng công nghệ sinh học (đặc biệt là genome học) trong cải tiến giống lúa cao sản chất lượng cao, kháng sâu bệnh chính, chống chịu phèn, mặn, phục vụ xuất khẩu và đảm bảo chiến lược an ninh lương thực. Những giống lúa đã đi vào cuộc sống của người dân ĐBSCL như: OM 4900, OM 6162, OM 3536… đã thực sự đổi đời cho người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, góp phần đưa hạt gạo Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới. Ngoài ra, ông còn viết hơn 200 bài đăng báo, tạp chí trong và ngoài nước về lĩnh vực khoa học nông nghiệp, là biên tập viên khu vực của tạp chí quốc tế SABRAO từ 2001 đến nay; là thành viên của 4 tạp chí khoa học trong nước (ISSN): Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghệ sinh học, VAAS và OMON RICE. Ông cũng đã viết 4 giáo trình: Di truyền số lượng, Di truyền phân tử, Chọn giống cây trồng và Tin học sinh học; trong đó giáo trình Di truyền phân tử đạt Huy chương bạc toàn quốc. Ông còn viết nhiều sách chuyên khảo và tham khảo về cây lúa như: khoa học cây lúa, công nghệ sinh học trong cải tiến giống lúa, cơ sở khoa học chọn tạo giống lúa kháng stress sinh học, cơ sở khoa học chọn tạo giống lúa kháng stress phi sinh học, từ điển nông nghiệp Anh – Việt, công nghệ di truyền… và nhiều sách chuyên đề phục vụ cho khuyến nông.
Với những cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà, GS.TS Bùi Chí Bửu được Nhà nước và các bộ, ngành trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, trong đó đáng kể nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000), Nhà chọn giống giỏi Châu Á (Senadhira) do IRRI tặng năm 2008, Huân chương lao động hạng II và nhất là giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” cho công trình nghiên cứu cơ bản về Di truyền phân tử, do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên) cấp năm 2010 (ông là nhà khoa học về lĩnh vực nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được tặng giải thưởng này).
Thời gian rồi sẽ qua đi, những công trình khoa học của ông đã đi vào cuộc sống và tồn tại mãi trong lòng người nông dân ĐBSCL. Tuy hạt gạo Việt Nam đã vươn đến tầm cao, đem lại sự cảm phục của bạn bè khắp nơi trên thế giới, nhưng GS.TS Bùi Chí Bửu vẫn tiếp tục miệt mài thực hiện những công trình mới, những công trình khoa học vị nhân sinh.
Duy Đức
Nguồn: www.lienhiephoitayninh.com.vn