GS.TS Bùi Xuân Nam tâm tình chữ ‘thầy’ cao quý

Nỗ lực đi lên

GS.TS Bùi Xuân Nam sinh ngày 2/8/1974 trong một gia đình gia giáo, trên quê hương Yên Quang, Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ điểm cao vào Trường Đại học Mỏ – Địa chất, năm 1996 tốt nghiệp xuất sắc tại Khoa Mỏ và được giữ lại trường làm giảng viên. Tại đây, anh tiếp tục theo học cao học và bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Khai thác Mỏ năm 2001. Ngoài thời gian giảng dạy, anh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đi thực tế địa phương, anh là tấm gương về học tập và lập nghiệp. Để rồi anh được cử sang CHLB Đức làm NCS và đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ kỹ thuật về Khai thác Mỏ tại TU Bergakademie Freiberg năm 2005.

GS.TS Bùi Xuân Nam

GS.TS Bùi Xuân Nam

Về nước, TS. Bùi Xuân Nam tiếp tục công tác giảng dạy tại Bộ môn Khai thác Lộ thiên, anh là người thầy mẫn cán, nhiệt huyết trong giảng dạy, yêu nghiên cứu khoa học, ham viết sách và giáo trình phục vụ giảng dạy,.. Với những đóng góp ấy, anh đã lần lượt được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Khai thác Lộ thiên, Trưởng Khoa Mỏ của Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Năm 2009, anh vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt chuẩn chức danh PGS khi tròn 35 tuổi. Từ tháng 5/2013, PGS.TS Bùi Xuân Nam được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Tháng 3/2018, anh vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt chuẩn Giáo sư và được Nhà trường bổ nhiệm chức danh Giáo sư ngành Mỏ.

Đến những niềm vui trong nghề

Nhẹ nhàng, cởi mở, thân thiện, GS.TS Bùi Xuân Nam chia sẻ về nghề giáo cao quý: Hơn 20 năm công tác, anh làm việc bằng trách nhiệm, bằng cái tâm, bằng tình yêu nghề nghiệp. Vì vậy, anh được đồng nghiệp tin cậy, sinh viên kính trọng. Đặc biệt những năm qua, với cương vị lãnh đạo Bộ môn Khai thác Lộ thiên và Trường Đại học Mỏ – Địa chất, anh thấy mình càng phải phấn đấu, tu dưỡng, học tập và cống hiến nhiều hơn nữa.

Tiếp nối hành trình phát triển, Bộ môn Khai thác Lộ thiên, Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã trở thành địa chỉ đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín ở trong nước và quốc tế. Hòa cùng sự đổi mới và hội nhập quốc tế, những năm gần đây, Bộ môn đã phát triển mạnh mẽ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và bồi dưỡng cán bộ. GS.TS Bùi Xuân Nam và đồng nghiệp của Bộ môn trực tiếp giảng dạy, đào tạo các bậc cao đẳng, liên thông cao đẳng lên đại học, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ngành Khai thác Mỏ và chuyên ngành Khai thác Mỏ lộ thiên. Các hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cấp chứng nhận quản lý điều hành mỏ và chứng chỉ nổ mìn; tham gia nghiên cứu khoa học: với nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh và các đề tài NCKH phục vụ sản xuất có gắn với hợp tác quốc tế.

Để thành quả ngày một nhân lên, GS.TS Bùi Xuân Nam luôn quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có chất lượng. Đội ngũ giảng viên của Bộ môn đều được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao, đảm bảo cho công tác giảng dạy và NCKH đạt kết quả tốt trong những năm qua.

GS.TS Bùi Xuân Nam trao đổi về đào tạo và NCKH với Trường Đại học Mỏ Saint Petersburg - Liên bang Nga (năm 2014)

GS.TS Bùi Xuân Nam trao đổi về đào tạo và NCKH với
Trường Đại học Mỏ Saint Petersburg – Liên bang Nga (năm 2014)

Ngoài vai trò quản lý, giảng viên cao cấp, GS.TS Bùi Xuân Nam được biết đến là người có năng lực trong viết sách, giáo trình, bài giảng, với hơn 20 đầu sách, giáo trình, bài giảng được sinh viên đón nhận nhiệt tình; tiêu biểu là những cuốn anh chủ biên và đồng tác giả những năm gần đây: Các phương pháp chuẩn bị đất đá bằng cơ giới trong khai thác mỏ lộ thiên, 2016; An toàn, vệ sinh lao động, 2016; Khai thác quặng lộ thiên, 2017; Công tác khoan – nổ mìn và kỹ thuật an toàn sử dụng VLNCN trong ngành mỏ và công trình, 2017…

Bên cạnh đó, anh còn chủ trì và tham gia gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được nghiệm thu và đánh giá cao. Tiêu biểu từ năm 2010 trở lại đây là các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, như: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ khoan – nổ mìn lỗ khoan đường kính lớn áp dụng cho mỏ đá lộ thiên gần khu vực dân cư ở Việt Nam, 2011-2012; Xây dựng và thử nghiệm bài giảng điện tử môn học an toàn – vệ sinh lao động tại một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp nhóm ngành công nghệ kỹ thuật mỏ – địa chất, 2013; Hoàn thiện, phát hành giáo trình môn học an toàn, vệ sinh lao động và các tài liệu kèm theo cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp nhóm ngành công nghệ kỹ thuật mỏ – địa chất, 2016; Nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí nhằm bảo đảm an toàn lao động trong các mỏ khái thác than lộ thiên sâu khu vực Quảng Ninh, 2018 – 2019; Tham gia cùng Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ – MICCO triển khai đề tài: Nghiên cứu xây dựng phần mềm đọc và xử lý dữ liệu phục vụ công tác lập hộ chiếu nổ mìn trên nền Autocad, 2016; Tham gia đề tài KHCN cấp tỉnh Quảng Ninh: Nghiên cứu các chỉ tiêu kỹ thuật sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 2017-2019….

Đặc biệt, anh đã có gần 70 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, có thể kể đến các bài báo khoa học trong những năm gần đây, như: Phân loại các mỏ quặng titan sa khoáng ven biển Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp Mỏ, 2015; Status of Development Orientations for Mining Titanium Placer in Vietnam. Journal “Mining Science and Technology”, MISSIS, Russia, 2016; Mạng nơ-ron nhân tạo và khả năng xác định mức độ biến động theo thời gian của bề mặt bãi thải, Tạp chí Công nghiệp Mỏ, 2016; Application of geostatistical tools to assess geological certainty for Sinquyen Copper mine, Vietnam. Journal “Mining Science and Technology”, MISSIS, Russia, 2016; Определение влияния диаметра взрывных скважин на коэффициент сейсмичности при массовых взрывах вблизи охраняемых объектов на угольном разрезе “НуйБео”, провинции Куанг Нинг Вьетнама, Журнал “Безопасность Труда в Промышленности”,, №7, 2017; Ứng dụng phương pháp số nhỏ nhất trong bảng để giải bài toán vận tải hở trên các mỏ lộ thiên ở Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp Mỏ, 2017;… cùng hơn một trăm bài báo cáo tại các Hội nghị khoa học chuyên ngành Mỏ trong nước và quốc tế mà anh đã tham gia tại CHLB Đức, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Nhiều thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quý trọng thầy bởi thầy có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, luôn nhiệt huyết trong giảng dạy, hướng dẫn và định hướng nghiên cứu cho người học. Hướng nghiên cứu chính của thầy là: Khai thác mỏ an toàn và thân thiện với môi trường. Đến nay, GS.TS Bùi Xuân Nam đã hướng dẫn chính thành công 3 luận án Tiến sĩ, 38 luận văn Thạc sĩ và hơn 300 đồ án tốt nghiệp kỹ sư; hiện tại thầy đang hướng dẫn 5 NCS và 2 học viên cao học.

Khi ở cương vị Phó Hiệu trưởng nhà trường, GS.TS Bùi Xuân Nam đã cùng BGH vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đưa sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt được nhiều thành tựu nổi bật: ổn định quy mô đào tạo; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ cán bộ, giáo viên; chất lượng đào tạo của trường ngày càng được khẳng định.

Những phần thưởng, danh hiệu anh có không gì so sánh được. Chỉ biết rằng với chữ “Tâm” của nhà giáo – GS.TS Bùi Xuân Nam sẽ xứng đáng hơn và trọng trách cao hơn với chức danh Giáo sư cao quý. Xin chúc mừng anh.

Việt Hùng

Nguồn: http://vietnamhoinhap.vn/n9564_GSTS-Bui-Xuan-Nam-tam-tinh-chu-thay-cao-quy