GS.TS Dương Xuân Ngọc – Sống đẹp những ngày lãi thêm của cuộc đời

Vị giáo sư đáng kính này sinh ra và lớn lên từ miền quê nghèo Bắc Giang với truyền thống hiếu học và cần cù trong lao động, nơi ngày xưa nổi danh “một làng có 10 tiến sĩ”. Quá trình học tập và nghiên cứu để trở thành  một nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục của ông là một quá trình lao động không ngừng nghỉ và đầy tâm huyết.

 

GS. TS Dương Xuân Ngọc

 

Niềm say mê nghiên cứu khoa học

 

Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ tư, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cũng như bao thanh niên khác của quê hương, ông  đã “gác bút nghiên” lên đường nhập ngũ khi tròn 22 tuổi. Cái tuổi  không quá trẻ nhưng cũng đủ chín chắn để chiêm nghiệm ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, song khát vọng học tập vẫn không ngừng thôi thúc. Ông tâm sự, khi còn trong quân ngũ, mình luôn có một cuốn sổ ngoại ngữ chép tay, lúc nào rảnh thì lôi ra học. Khi nước nhà thống nhất, ông vẫn tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, mỗi lần thư về nhà ông đều nhắn gia đình gửi sách ngoại ngữ ra chiến trường để học. Xuất ngũ năm 1976, ông tiếp tục vào học năm thứ 5 Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Cùng với tinh thần ham học và lòng say mê nghiên cứu khoa học, năm 1977 ông đã tốt nghiệp Trường đại học Mỏ – Địa chất đã được nhận Bằng khen về thành tích nghiên cứu khoa học. Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên ông lựa chọn là đề tài nghiên cứu về tài nguyên khoáng sản trên quê hương ông: “Đặc điểm và nguồn gốc dải khoáng hoá  Bairit- đa kim Tân Yên – Lạng Giang”. Đây được xem như món quà đầu tay trên bước đường nghiên cứu khoa học mà ông gửi tặng quê hương thân thương của mình. Trong công trình này, ông đã phát hiện dải khoáng hoá Ba rít- đa kim Tân Yên, Lạng Giang  có chứa hàm lượng vàng, bạc có cùng nguồn gốc với mỏ vàng Ngân Sơn ở vùng núi Thái Nguyên.

 

Học trường Địa chất, nhưng lại bén duyên với môn xã hội Khoa học Mác – Lê nin. Thấy ông có năng lực, sự sáng tạo và niềm say mê, lãnh đạo Trường Đại học Mỏ – Địa chất cử đi học và ông chuyển hẳn nghiệp sang làm nghiên cứu về lý luận chính trị và đầu quân tại Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ông tâm sự, cái nghiệp nó chọn  mình, mình cũng yêu thích địa chất, nhưng lại cũng đặc biệt say mê nghiên cứu lý luận chính trị, thành ra “dan díu” với môn khoa học này.

 

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, ông tự đề ra cho mình tiêu chí trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là môn Khoa học Mác – Lênin, đó là sự trung thực, thẳng thắn, tính kiên trì, dũng cảm và kiên định. Để có công trình nghiên cứu thành công là bao nhiêu công sức, bao nhiêu lần xoá đi làm lại mà không phải lúc nào cũng kể được. Thời đó, cuộc sống khó khăn, lương của hai vợ chồng đều thấp, chi phí chật vật lắm mới  sống ở mức tằn tiện. Đấy là chưa kể những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát phải nằm viện một thời gian dài, cũng làm dang dở nhiều kế hoạch. Có những lúc tưởng buông xuôi vì thấy kiệt sức, nhưng rồi anh em bạn bè đồng hương đến động viên để mình luôn tin tưởng vào sự ủng hộ và khích lệ của mọi người.

 

Sống đẹp những ngày lãi thêm của cuộc đời

 

Ông chia sẻ rằng vẫn thường nói vui với mọi người: Khi tham gia chiến trường đã luôn sẵn sàng một tâm lý có thể hy sinh bất cứ lúc nào cho Tổ quốc. Nhiều đồng đội của mình hoặc đã hy sinh hoặc trở về với nhiều di chứng tàn độc của chiến tranh để lại. Hôm nay được trở về tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc là một may mắn, sống thêm ngày nào là lãi thêm ngày đó. Mang theo quan niệm này ông hăng say trong lao động, nhiệt tình giảng dạy để  bồi dưỡng, tôi luyện cho một thế hệ người mới sự sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu và tư duy về lý luận chính trị.

 

Thời gian học nghiên cứu sinh ở nước ngoài 1987 – 1991 có lẽ là khó khăn nhất, xa nhà xa vợ con với tình hình sức khoẻ không tốt, lại sống kham khổ nhưng ông vẫn tham gia nhiều công trình nghiên cứu với các bạn Liên Xô, đi sâu nghiên cứu về Chủ nghĩa xã hội khoa học cùng đứng tên nhiều sách. Các môn học Mác – Lênin nói chung và Chủ nghĩa xã hội nói riêng, nhiều người cho là khó và trừu tượng nhưng càng học càng nghiên cứu ông càng thấy hay, cuốn hút rồi không từ bỏ được. Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội, ông đã thành công với đề tài khoa học “Quan hệ giữa Đảng, chính quyền Nhà nước và các đoàn thể quần chúng cấp phường trong điều kiện kinh tế thị trường” và được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội khen thưởng. Hiện nay, ông là chủ biên, đồng chủ biên nhiều cuốn sách, giáo trình phục vụ trong nghiên cứu và giảng dạy các khoa học chính trị; chủ biên chương trình đào tạo chuyên ngành Chính trị học bậc đại học đầu tiên ở nước ta, được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng làm chương trình chuẩn. Năm 1991, ông được cấp bằng Phó tiến sĩ (nay là Tiến Sĩ) tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) và tiếp tục được phong hàm Phó giáo sư Triết học năm 1996.

 

Tháng 6/2010, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Quan hệ đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam” do ông làm chủ nhiệm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì, đề tài đạt Xuất sắc. Đây là đề tài  góp phần cung cấp những luận cứ khoa học mới dưới góc độ lý luận chính trị về Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phục vụ trực tiếp bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và soạn thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

 

 Hiện tại, ông đã thôi quản lý, về hưu sau khi giữ cương vị Phó giám đốc Học viện Báo chí vàTuyên truyền, tập trung nhiều thời gian cho niềm đam mê  nghiên cứu. Bên cạnh đó, ông vẫn tham gia giảng dạy các học viên cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh, luận án tốt nghiệp cho nhiều học viên. Bằng nhiệt huyết và niềm yêu nghề, sự khao khát cống hiến, ông luôn chuyên tâm, tận tình bồi dưỡng, rèn luyện những lớp người mới cho đất nước. Sự công tâm và yêu thương, dung dị trong việc truyền thụ tri thức cho học trò của mình, đã xây dựng cho ông những mối quan hệ thầy trò tốt đẹp, để khi nhắc về ông họ luôn thấy hình ảnh của một người thầy đáng kính.