GS.TS Khoa học Nguyễn Văn Trương: Nhà sinh thái học hàng đầu

1. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Trương sinh ngày 6/3/1922 tại làng Kim Liên, xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cùng làng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một gia đình nhà nho nghèo, cha làm thầy đồ. Mười ba tuổi, đỗ tiểu học, được gia đình gửi vào Huế học thêm một năm. Trở về Nghệ An, thi đỗ vào trường Quốc học Vinh. Bốn năm sau trở lại Huế, thi đỗ vào trường Quốc học Huế, bấy giờ gọi là trường Lycée Khải Định, học lên bậc trung học phổ thông. Năm 1941, đỗ thứ hai Tú tài Toán, rồi đỗ luôn Tú tài Triết học tại Huế. Năm 1944, đỗ tốt nghiệp thủ khoa tại trường Cao đẳng Nông – Lâm Brévier (Hà Nội). Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Trương được bổ nhiệm thay một “quan kiểm lâm” người Pháp ở Hạt Linh Cảm – Kim Cương (Hà Tĩnh), rồi chuyển sang Hạt Chợ Rạng – Bến Trại Lạt (Nghệ An). Cách mạng tháng Tám thành công, ông dạy học tại trường Trung học Tân Dân ngay tại Nam Đàn quê nhà (1).

GS.TS Khoa học Nguyễn Văn Trương (1922-2007)

Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Kỹ sư Nguyễn Văn Trương ra Hà Nội nhận công tác tại trường Đại học Nông – Lâm mở ở Văn Điển, đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Giáo vụ. Năm 1958, ông được điều về Bộ Lâm nghiệp, làm việc với các chuyên gia Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1974, lại chuyển về Viện Lâm nghiệp, làm Chủ nhiệm Khoa Điều tra rừng.
 
Năm 1976, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ lâm sinh, đề tài: Ứng dụng toán học trong nghiên cứu rừng thứ sinh ở Việt Nam tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Không dừng lại ở đó, được Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu hết lòng ủng hộ, mặc dù tuổi đã nhiều, ông được cử sang Cộng hòa dân chủ Đức tiếp tục viết luận án Tiến sĩ khoa học về lâm sinh tại trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden. Nhà nước ta quy định: thời gian học tiếng Đức, viết luận án Tiến sĩ khoa học là bốn năm rưỡi, nhưng với quyết tâm lớn và trí thông minh trời phú, chỉ sau vẻn vẹn hai năm, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ habil (Tiến sĩ khoa học) nhan đề: Nghiên cứu cấu trúc ba chiều của rừng nhiệt đới miền Bắc Việt Nam vào ngày 4/7/1978(2).

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Việt Nam Hoàng Văn Kiểu, Giáo sư Tiến sĩ habil Horst Kurtz, Chủ tịch Hội đồng chấm luận án viết (dịch): “Thay mặt Hội đồng chấm luận án, tôi vui mừng thông báo để đồng chí Bộ trưởng được biết: Tiến sĩ Nguyễn Văn Trương đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ habil tại trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden. Ông là người nước ngoài đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ habil tại trường chúng tôi(3).

Đạt được học vị cao, ông lập tức trở về Hà Nội giúp ích cho đất nước mình trên cương vị Cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư. Năm 1982, Bộ Lâm nghiệp chủ trương xây dựng lại rừng. Giáo sư Nguyễn Văn Trương đứng ra chỉ đạo một cuộc thí nghiệm quy mô lớn, vận dụng lý thuyết cấu trúc rừng ba chiều, lấy mô hình Nghĩa Đàn (Nghệ An) mở rộng khắp nhiều tỉnh từ miền Đông Nam Bộ đến Tây nguyên, ra Bình – Trị – Thiên đến vùng rừng Bắc Bộ. Mười năm sau, những loại cây gỗ quý như dổi, mỡ, lát hoa đã lớn, đạt độ tăng trưởng cao, đã có thể khai thác. Đó chính là sự vận dụng bản luận án Tiến sĩ khoa học của ông về lý thuyết cấu trúc ba chiều rừng nhiệt đới hỗn loại vào thực tiễn nước ta(4).

GS Nguyễn Văn Trương thăm làng sinh thái Thạch Văn,
huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh

2. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Trương là người sáng lập Viện Kinh tế sinh thái mà ông gọi là “viện hành động”. Viện ra đời năm 1990, là Viện dân lập đầu tiên ở nước ta, lúc đầu chỉ có tám biên chế, về sau tập hợp hàng mấy trăm trí thức tên tuổi (Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, kỹ sư) làm cộng tác viên. Ông muốn xây dựng lý luận kinh tế sinh thái để biến mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn sinh thái thành một thể thống nhất và xây dựng một “viện hành động” góp phần đắc lực bảo vệ môi trường. Ông luôn tâm niệm: “Cấu trúc tự nhiên của môi trường là một cơ thể sống, giống như mối quan hệ giữa quả tim, buồng gan, lá phổi trong cơ thể con người, không hiểu cấu trúc đó sẽ dẫn đến làm sai, khiến môi trường bị suy kiệt”. Ủng hộ ông, GS Tôn Thất Kiểu – Viện trưởng Viện Quy hoạch thiết kế rừng cho mượn căn buồng 12m2 làm văn phòng. Còn tiền thì ông tự xoay xở, trước hết là dốc tiền túi, ba năm sau mới có 68 triệu đồng từ Viện Khoa học công nghệ để đầu tư xây dựng làng sinh thái(5) Triệu Vân (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Tiếp đó, một thầy giáo người Pháp từng dạy ông ở trường Quốc học Vinh giới thiệu “Tổ chức Công giáo chống nghèo đói và vì sự phát triển” (CCFD) tài trợ 30.000 USD. Ít người biết GS. Trương là Viện trưởng 17 năm nằm ngoài danh sách trả lương của Viện. Với thói quen chắt chiu, tằn tiện của ông đồ xứ Nghệ “cá gỗ”, ông vui lòng sống đạm bạc với đồng lương hưu khiêm tốn của mình (sau đó có thêm lương chức vụ Tổng biên tập Từ điển Bách khoa Việt Nam). Noi gương ông, 19 vị thành viên khác của Viện, hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu cũng chỉ nhận được sự chi trả trên danh nghĩa cho những đóng góp của họ. Theo Gs Trương, “lương của chúng tôi là niềm vui cống hiến cho đời những tri thức của mình”.
 
Mười bảy năm với cương vị Viện trưởng, ông đã cùng cộng sự thành lập được 13 làng sinh thái (hay “làng thịnh vượng” theo cách gọi của các nhà khoa học) trên nhiều vùng Tổ quốc, cho nhiều tộc người (Việt, Tày, Mường, Dao). Vùng úng ngập nước ngọt có làng Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vùng úng ngập nước mặn có làng Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vùng cát có nhiều làng: làng Hải Thủy, làng Thanh Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; làng Triệu Vân, làng Vĩnh Hòa thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; làng Tiên An thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tại quê hương Nghệ An có làng núi Thượng Cồn thuộc xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn. Trong đó, ông tâm đắc nhất là làng sinh thái Hợp Nhất của người Dao thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Vì. Ba Vì đang được xem là “vườn sau của ngôi nhà lớn”,“lá phổi xanh sinh quyển” của Thủ đô Hà Nội. Ông đã xin được 25.000 USD từ tổ chức CCFD của Pháp tài trợ cho làng này. Viện chỉ giữ lại 30% làm kinh phí hoạt động: thuê trụ sở, sắm máy tính, trả lương cho các kỹ sư, cán bộ trẻ cơ hữu (thấp hơn mức mà tổ chức CCFD mong đợi), còn 70% giao đến tận tay người dân. Người dân ở các làng sinh thái rất mực quý mến ông, thường gọi ông là “ông Bụt”. Ông đã để lại một hình ảnh tuyệt đẹp trong lòng mọi người. Nhà báo Nguyễn Ngọc Phú (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ) kể lại: “Tôi kính trọng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trương bắt đầu từ cái tình của ông đối với Quảng Bình quê tôi… Có lẽ ai một lần gặp ông đều không quên: sự thông minh, cương nghị trên vầng trán cao rộng, cặp mắt sáng, gương mặt đẹp phúc hậu và giọng nói ấm áp, tự tin”(6).
 
Trên Tạp chí Bảo vệ môi trường (2001), nhà báo Minh Viễn viết: “Các nghiên cứu khoa học của Viện Kinh tế sinh thái đã chỉ ra rằng, xây dựng thành công mô hình làng sinh thái ở các vùng sinh thái nhạy cảm, kém bền vững sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và làm giàu cho xã hội, tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên cơ sở phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả đến việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai dịch bệnh, đồng thời cũng bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Nó sẽ góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Từ những lợi ích mà công trình này mang lại, người dân truyền tai nhau một câu chuyện rằng: “Ngày nảy ngày nay, có các ông giáo sư tự bỏ tiền túi và trí tuệ của mình để đi giúp đỡ những người dân nghèo xây dựng cuộc sống mới...”(7)

Gs Nguyễn Văn Trương (trái) tiếp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại
Trụ sở Ban Biên tập Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam mùa hè 1998
(Ảnh tư liệu gia đình Gs Trương)

Nói đến thành công rực rỡ của Viện Kinh tế sinh thái, Gs Trương thường nhắc đến sáng tạo của người dân, tâm huyết của các cộng sự, nhất là các kỹ sư nằm vùng ở các làng sinh thái. Và không thể không nhắc đến các vị lãnh đạo sáng suốt có tầm nhìn xa rộng như Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cử ông đi đào tạo ở nước ngoài, hay Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức giúp đỡ ông xây dựng Viện Kinh tế sinh thái. Công lao của vị Viện trưởng tài đức vẹn toàn cũng không nhỏ. Để xin được tài trợ của các tổ chức quốc tế, ông và đồng nghiệp đã tự tay thảo các dự án, trả lời hàng mấy chục câu hỏi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp không qua phiên dịch để diễn đạt chính xác các thuật ngữ chuyên môn, lột tả được hết ý tưởng và tình cảm của mình. Các tổ chức quốc tế thường cho người đến kiểm tra thực địa, và bao giờ họ cũng thấy kết quả thực tiễn ở các làng sinh thái vượt mức yêu cầu rất xa nên họ rất tin tưởng.
 
3. Giáo sư Nguyễn Văn Trương thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh, Nga, Hoa, Đức. Kinh nghiệm học ngoại ngữ của ông thật sự là bài học quý báu cho mọi người, nhất là giới trẻ hiện nay. Ông kể: “Trong những năm chống Mỹ, việc học ngoại ngữ thường thiếu thầy, thiếu sách và làm gì có băng cát- xét, đĩa CD. Riêng tôi, phải dùng cả những cuốn sách cổ lỗ sĩ! Công việc rất nhiều, cho nên phải học ở mọi nơi, mọi lúc. Học trong những phút chờ xe, chờ phà, chờ họp… Đi đâu tôi cũng mang theo trong ba-lô một cuốn vở nhỏ, hễ chưa có việc là giở ra học. Tôi thường đi rừng, những hôm trời rét, ngồi bên bếp lửa nhà sàn, lôi cuốn vở nhỏ kia ra, lẩm nhẩm đọc. Học như vậy thường nhớ mặt chữ để xem sách báo. Nhưng muốn nghe được thì phải chịu khó vặn đài, nghe các buổi phát thanh bằng tiếng nước ngoài, nghe cả những bài không liên quan gì đến chuyên ngành của mình, dù không biết hết cũng cứ nghe cho quen tai. Những từ nào mình đã nghe thủng thì mình dễ sử dụng khi nói(8). Giỏi ngoại ngữ là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất giúp ông hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học trước thời hạn gần 3 năm; giúp ông tạo dựng uy tín lớn đối với giới khoa học trong nước và quốc tế. Ông được giới khoa học cả nước coi là nhà sinh thái học hàng đầu. Đầu những năm 1990, ông được bầu làm Tổng biên tập bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam. Giúp việc ông còn có 7 nhà khoa học nổi tiếng làm Phó Tổng biên tập: Cù Huy Cận, Phan Hữu Dật, Nguyễn Văn Đạo, Đặng Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Hoàng Minh Thảo, Hà Học Trạc. Ngoài ra, còn có 40 vị Ủy viên Ban Biên tập. Bộ sách đồ sộ này đã được Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa in lần đầu 2005 và tái bản năm 2011, gồm 4 tập, mỗi tập dày trên dưới 1.000 trang khổ 19×27 cm, gồm khoảng 40.000 mục từ thuộc 40 ngành khoa học khác nhau. Từ điển nhằm mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ Việt Nam xưa và nay và những tri thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật của thế giới. Đây là bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam đầu tiên được biên soạn dưới sự tổ chức chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam với kinh phí 32 tỷ đồng và 1.200 nhà khoa học hàng đầu biên soạn trong vòng 15 năm. Tuy còn một số thiếu sót như công luận đã chỉ ra, nhưng đây thật sự là một công trình rất giá trị (9).
 
4. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Trương đã được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới khi đã 83 tuổi. Đó là vị Anh hùng lao động cao tuổi nhất được phong tặng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII, năm 2005. Hai năm sau, ông vĩnh biệt chúng ta (ngày 30/6/2007) . Hàng ngàn người đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là chưa kể hàng ngàn người dân khác ở các làng sinh thái trên khắp cả nước hướng về Thủ Đô bùi ngùi tưởng nhớ “ông Bụt” của mình.

Hồ Sĩ Hùy
Nguồn: Tạp chí KH-CN Nghệ An, số 11-2017, trang 53-56.

Chú thích
—————–

(1) , (2) Hàm Châu, Nguyễn Văn Trương – “chất xám” đâu có chịu “về hưu” trong cuốn: Người trí thức quê hương, NXB Giáo dục, 2005. T.2, tr. 332-363; Gs Nguyễn Văn Trương – người anh hùng ở tuổi đại lão, Dân trí.com.vn>Thời sự>Người Việt tài trí (3 kỳ: 9/3; 17/3; 24/3/2009)

(3), (4) Theo Hàm Châu, Nguyễn Văn Trương – “chất xám” đâu có chịu “về hưu” Tlđd, T.2, tr.350, tr.352.

(5) Vũ Toàn, Ông “Bụt” và “viện hành động” tư nhân, Norma dgurl’s Blog, March 18. 2009, Làng sinh thái tên đầy đủ là làng Kinh tế sinh thái, là nơi tái lập lại cơ bản hệ sinh thái phù hợp với sự sống của con người, cây trồng, vật nuôi, được xác định bằng công thức: Đặc trưng sinh thái + Kiến thức bản địa (kiến thức truyền thống) + Kiến thức khoa học = Mô hình làng Kinh tế sinh thái.

(6), (7) Dẫn lại theo Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Người Việt tài trí: Nhà khoa học yêu dân, Báo Thanh Niên 29/06/2014.

(8) Dẫn theo Hàm Châu, Nguyễn Văn Trương – “chất xám” đâu có chịu “về hưu”, Tlđd, tr.346.

(9) Hàm Châu, Nguyễn Văn Trương – “chất xám” đâu có chịu “về hưu”, Tlđd, tr.356, Bách khoa toàn thư mở Wkipedia, mục từ Từ điển Bách khoa Việt Nam.