GS.TS Lê Đình Quang: Nghiên cứu Dự báo bão là vấn đề tâm đắc của tôi

Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Toán, nhưng lại được phân công về ngành Khí tượng, một lĩnh vực quá mới mẻ không chỉ với ông mà với cả Việt Nam khi ấy – năm 1962, nhưng với ý nghĩ: Nhà nước đào tạo, Nhà nước phân công, thì mình sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. GS Lê Đình Quang cuối cùng đã có 41 năm tâm huyết cho nghề, 100 công trình nghiên cứu được công bố, trong đó có 29 công trình nghiên cứu về bão, mà phần lớn có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Năm 1981, ông về Trung tâm Nghiên cứu khí tượng nhiệt đới và bão, đồng thời là Đồng chủ nhiệm với phía Liên Xô trong hợp tác nghiên cứu các đề tài về Bão biển Đông cho đến năm 1992. Khi chuyển giao cho Trung tâm CPD lưu giữ toàn bộ khối bản thảo Cụm công trình nghiên cứu lớn này, GS.TS Lê Đình Quang đã cho chúng tôi biết toàn bộ diễn biến quá trình thực hiện nó.

Năm 1981, một Hiệp định hợp tác nghiên cứu về Khí tượng Thủy văn đã được Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Liên Xô về Khí tượng Thủy văn và Kiểm soát Môi trường thiên nhiên và Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam thay mặt Chính phủ hai nước ký kết. Chương trình hợp tác gồm ba giai đoạn với ba đề tài khác nhau. Hàng năm hai bên có những chuyến công tác hoặc ở Việt Nam, hoặc ở Liên Xô để thảo luận về tiến độ và việc thực hiện mục tiêu của đề tài nghiên cứu. Sau 5 năm Tổng kết, báo cáo trình lên Chính phủ hai nước. Trong hai giai đoạn đầu việc hợp tác được thuận lợi. Các chuyên gia Liên Xô có kinh nghiệm về khí tượng nhiệt đới được cử sang Việt Nam cộng tác làm việc.

  Giai đoạn 1981 – 1985

Tại Phiên họp chính thức năm 1981, Đoàn Đại biểu hai nước đã nhất trí phê duyệt Chương trình khoa học và Kế hoạch hợp tác Việt – Xô với đề tài số 1 «Nghiên cứu các nguyên lí cơ bản dự báo sự nảy sinh của Bão với thời hạn trước 3 ngày».

Hai đơn vị trực tiếp tham gia nghiên cứu Đề tài, về phía Việt Nam là Phòng nghiên cứu Liên hợp Việt – Xô về Khí tượng nhiệt đới và nghiên cứu Bão do PTS Lê Đình Quang đại diện, phía Liên Xô có Viện Nghiên cứu khoa học Khí tượng Thủy văn Viễn Đông do PTS Pavlov N.I đại diện.

“Đến thời điểm đó, ở nước ta lĩnh vực Dự báo Khí tượng về sự nảy sinh của Bão ít được nghiên cứu, chưa giải thích được đầy đủ về cơ chế phát sinh của Bão” – GS Lê Đình Quang tcho biết. Đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu ông nhận thấy Bão sinh ra do một số nhiễu động không ổn định của dòng không khí nhiệt đới, những nhiễu động này có thể là dải hội tụ nhiệt đới, sóng đông hay sóng xích đạo. Ban đầu xuất hiện xoáy và sau phát triển thành Bão. Từ đó ông nghiên cứu cấu trúc thẳng đứng của khí quyển nhiệt đới trong thời kì nảy sinh Bão và đích cuối cùng, ông cùng đồng nghiệp hai nước đã nghiên cứu thành công về khoảng thời gian 3 ngày trước khi hình thành Bão.

Kết quả Công trình nghiên cứu đã được ghi trong Báo cáo Tổng kết trình trước Hội đồng khoa học hai nước năm 1981 – 1985. Bản Báo cáo Tổng kết bằng hai thứ tiếng của nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam nhận được sự nhận xét và đánh giá cao của Hội đồng Khoa học hai bên.

  Giai đoạn 1986 – 1990

Đề tài “Nghiên cứu sự hình thành và tiến triển của xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) ở thời kì phát triển ban đầu với mục đích giải thích các nhân tố xác định quá trình này” là Công trình thuộc giai đoạn hai của Hiệp định đã ký kết.

GS Qung nói: “Cái khó khi thực hiện đề tài này là ở chỗ phải có số liệu khảo sát thực tế trên Biển, đồng thời với nghiên cứu lý thuyết. Trong khi khả năng quan sát và quan trắc của bão ở Biển Đông rất thưa thớt, chúng ta chưa làm được do đất nước còn khó khăn sau chiến tranh, không có kinh phí để đặt điểm quan trắc tự động. Mấy năm gần đây chúng ta cũng chỉ quan trắc ven bờ.” Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Liên Xô, TS Lê Đình Quang và các cộng sự Việt Nam đã thực hiện 5 đợt khảo sát trên Biển Đông trên tàu Liên Xô. Tuy nhiên số liệu quan trắc của bão mà nhóm Đề tài khai thác được vẫn không nhiều.

 

Ở thời điểm này thì Hồng Kông, Trung Quốc, Philipin là chủ nhân của hầu hết các Trạm quan trắc tự động và có mạng lưới Khí tượng trên toàn bộ Biển Đông. Kết quả của Đề tài này góp phần giúp cho việc xây dựng sơ đồ, mô hình để chẩn đoán và dự đoán Xoáy thuận nhiệt đới hình thành Bão ở Biển Đông.

  Giai đoạn 1991 – 1993

 Giai đoạn này, mặc dù không còn sự hợp tác giữa ta và Liên Xô do Liên Xô tan rã, nhưng phía Việt Nam chủ trương vẫn tiếp tục nghiên cứu. Đề tài «Hoàn thiện phương pháp dự báo sự nảy sinh, cường độ của xoáy thuận nhiệt đới và hướng di chuyển ở giai đoạn ban đầu» do Giáo sư Lê Đình Quang chủ trì trong giai đoạn này đã đi sâu nghiên cứu sự nảy sinh bão được kiểm nghiệm trong 3 năm, để từ đó hoàn thiện phương pháp dự báo.

Để thực hiện được đề tài này, trên cơ sở kết quả những lần khảo sát trên biển trước đây cùng các nhà nghiên cứu Liên Xô, với những số liệu và tính toán bằng máy tính 1022 ngay trên tàu đã thu thập được, ông cùng Đoàn nghiên cứu Việt Nam đã học được phương pháp tính cấu trúc đặc trưng nhiệt động lực học của Liên Xô, sau đó áp dụng và tính toán bằng phương pháp này. Đồng thời ông còn tham khảo các sách báo về Khí tượng Thủy văn của Liên Xô, các tài liệu từ các Hội nghị, Hội thảo…Vốn tiếng Nga đã rất đắc lực giúp ông và các đồng nghiệp hoàn thành mục tiêu của Đề tài này.

Nghiên cứu về Khí tượng Thủy văn luôn là một nhiệm vụ quan trọng mang tính toàn cầu, không chỉ của giới khoa học mà còn của các nhà quản lý, lãnh đạo các cấp, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống xã hội của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, Khí tượng Thủy văn là một ngành khoa học còn khá non trẻ, mặc dù vậy, những kết quả trong nghiên cứu khoa học,và trong thực tiễn phục vụ đời sống của ngành có giá trị và có tầm quan trọng đặc biệt. Trong thành tích chung đó, với lòng yêu nghề và say mê nghiên cứu khoa học, GS. TS Lê Đình Quang đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp Khí tượng Thủy văn, cho sự phát triển đất nước.

 

– 1962: Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp chuyên ngành Toán.

– 1962 – 1972: Kỹ sư Phòng Dự báo thời tiết, Nha Khí tượng.

– 1973 – 1977: Nghiên cứu sinh trường Khí tượng Thủy văn Ôđétxa, Liên Xô. 

– 1978 – 1980: Công tác tại Viện Khí tượng Thủy văn.

– 1981 – 1996: Phó phòng Nghiên cứu Trung tâm Liên hợp Việt – Xô về Khí tượng nhiệt đới và Nghiên cứu bão.

– 1996 – 1998: Phó Giám đốc Trung tâm Liên  hợp Việt – Xô về Khí tượng nhiệt đới và Nghiên cứu bão.

– 1998 – 2002: Giám đốc Trung tâm Khí tượng nhiệt đới và Nghiên cứu bão.

Nguyễn Thị Phương Thúy

Trung tâm CPD