GS.TS Lê Văn Tiềm (1937-2016) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thanh Nam, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1957, thời điểm Lê Văn Tiềm tốt nghiệp đại học là thời kỳ miền Bắc đang trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế và chuẩn bị cho kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960). Lúc ấy, nông nghiệp được coi là một lĩnh vực kinh tế then chốt. Do yêu cầu công tác, Lê Văn Tiềm được phân công giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Sau 6 năm ở trường, do có năng lực nghiên cứu nhất định nên ông được điều chuyển sang công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (1963). Trong suốt mấy chục năm công tác, Lê Văn Tiềm luôn thể hiện sự cần cù, ham học hỏi, khắc phục mọi hoàn cảnh để đem những nghiên cứu của mình phục vụ cho thực tiễn ngành nông nghiệp. Có thể kể đến những những công trình tiêu biểu, có tính ứng dụng cao như: Chế tạo hòm phân tích nhanh; Xây dựng phương pháp phân tích lân; Cân đối lân đạm và bố trí cơ cấu giống lúa vùng chiêm trũng; Biến đổi độ chua đất ngập nước; Tìm vùng pH tối thích của cây lúa; Lúa chết phèn; Cân đối lưu huỳnh…Trong lĩnh vực đào tạo giảng dạy, tính đến năm 2004, ông đã hướng dẫn thành công 8 luận án tiến sĩ, 4 luận văn thạc sĩ, công bố hơn 50 bài trên các báo, tạp chí, hội nghị khoa học trong và ngoài nước và viết 4 cuốn sách chuyên khảo.
Đổi mới phương pháp phân tích
Năm 1963, khi vừa về nhận công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó viện trưởng Lê Duy Thước giao cho Lê Văn Tiềm tiếp quản lý phòng Phân tích nông hóa. Ông bắt tay ngay vào việc dưới sự trợ giúp trực tiếp của ông Lê Duy Thước và một chuyên gia Liên Xô.
Nghiên cứu đầu tiên của Lê Văn Tiềm là vấn đề đổi mới phương pháp phân tích đang được sử dụng tại bộ môn Hóa học. Nhờ những kinh nghiệm có được trong quá trình giảng dạy tại bộ môn Hóa học ở trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, ông không thấy bỡ ngỡ. Khi đó, Viện vẫn áp dụng các bước phân tích có từ thời Pháp thuộc đã trở nên khá lạc hậu. Nhờ tiếp cận được với Tạp chí Thổ nhưỡng nông hóa và các sách báo khoa học mới của Liên Xô (trong đó có nhiều nội dung họ dịch từ tài liệu của các nước Tây Âu), ông nhận thấy có nhiều ý tưởng và phương pháp tiên tiến. Chuyển từ giảng dạy sang nghiên cứu khoa học, bước đột phá đầu tiên của Lê Văn Tiềm là nghiên cứu thay đổi cách công phá (vô cơ hóa) các mẫu cây, mẫu đất, mẫu phân bón… với việc sử dụng acid perchloric, nhằm công phá nhanh hơn và triệt để hơn. Tiếp đó, ông nghiên cứu chuyển đổi các phương pháp thuần túy hóa học đã lạc hậu sang phương pháp phân tích công cụ[1] hiện đại hơn.
Kết quả, chỉ sau hai năm, phòng Phân tích nông hóa đã chuyển đổi được một số phương pháp thông dụng, như: Thay đổi các phương pháp công phá mẫu cây, mẫu đất; Thay đổi phương pháp xác định kali trong đất, trong cây bằng phương pháp kết tủa sang phương pháp dùng quang kế ngọn lửa (Flame photometer), vừa nhanh hơn, giá thành lại rẻ hơn nhiều; Thay đổi toàn bộ các phương pháp phân tích photpho tổng số trong cây, trong đất, trong phân bón, các phương pháp phân tích photpho dễ tiêu trong đất, từ phương pháp kết tủa thuần túy hóa học sang phương pháp quan trắc trên photo colorimeter
Những đổi mới theo chủ trương của Lê Văn Tiềm đi theo trào lưu “hiện đại hóa”, dùng các phương pháp phân tích công cụ thay cho các phương pháp hóa học đã có từ trước. Nhờ vậy, độ chính xác ngày càng nâng cao, phân tích có kết quả nhanh hơn, ít tốn kém hơn và đáp ứng tốt cho nhu cầu phân tích ngày càng nhiều của Viện.
Việc trực tiếp tham gia nghiên cứu và thực hiện quá trình chuyển đổi này làm cho Lê Văn Tiềm càng yêu thích công việc nghiên cứu hơn. Mặt khác, dù bộ môn Phân tích nông hóa vốn được xếp vào “tuyến 2” của Viện, tức là ít quan trọng hơn, nhưng ông cho rằng bản thân mình không đứng ngoài cuộc, mà cần có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung của ngành. Với những nghiên cứu kể trên, năm 1965 phòng Phân tích nông hóa được bình chọn là Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa, chi đoàn được nhận cờ Nguyễn Văn Trỗi. Cá nhân Lê Văn Tiềm dần khẳng định vai trò, được là báo cáo viên chính trong dịp tổng kết cuối năm của Viện.
GS.TS Lê Văn Tiềm trong dịp nghiên cứu và khảo sát ở Bắc Hà, Lào Cai, 2000
Chế tạo hòm phân tích nhanh
Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới, ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Viện Khoa học Nông nghiệp phải sơ tán lên Tuyên Quang. Lúc ấy, trong chuyên môn, yêu cầu về phân tích, đánh giá mẫu đất, cây trồng, phân bón tại chỗ trở nên cấp thiết. Trước tình hình thực tế như vậy, Lê Văn Tiềm nghĩ đến việc sử dụng hòm phân tích[2] tại chỗ. Ông kể: Tôi còn nhớ, hồi đó trong một hòm phân tích của Viện có hộp phân tích pH đất theo nguyên tắc so màu, không biết của ai mang từ Nga về. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ huấn luyện cho nhân viên một buổi là làm được[3]. Ông mày mò trong các tài liệu của Liên Xô, nảy ra ý tưởng chế tạo hòm phân tích tại chỗ, dựa trên nguyên lý so màu, với thang màu chuẩn. Riêng một số đối tượng phải phân tích bằng cách chưng cất như đạm amon, H2S… thì chuyển sang phương pháp tự khuyếch tán với dụng cụ hết sức đơn giản.
Kết quả là hàng trăm hòm phân tích tại chỗ đã được Lê Văn Tiềm và các đồng nghiệp trong phòng chế tạo. Theo đó, trong điều kiện không thể xây dựng một phòng thí nghiệm chính quy, chỉ cần lấy các mẫu đất, phân… đem ra so sánh, phân tích bằng các dụng cụ, bảng trong hòm phân tích là thu được kết quả nhanh chóng. Ngoài ra, ông chủ trương tạo ra phòng thí nghiệm mini, hay còn gọi là phòng thí nghiệm nhanh. Nghĩa là, tại mỗi địa phương, từng đơn vị sơ tán không phải gửi mẫu về Viện, mà có thể tự làm các phân tích đơn giản, tự phân tích tại chỗ. Phòng thí nghiệm nhanh, phòng thí nghiệm mini còn được gọi đó là “phòng thí nghiệm nông thôn”. Năm 1966, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho xuất bản cuốn sách Phòng thí nghiệm nông thôn: Phụ thêm sổ tay pha chế của tác giả Lê Văn Tiềm. Cuốn sách trình bày các phương pháp phân tích lý tính đất, đặc điểm môi trường đất, thức ăn dễ tiêu của cây trồng trong đất, thức ăn dự trữ của cây trồng trong đất, chất độc hại cây trồng trong đất, nguyên tố vi lượng trong đất, phân tích phân bón, cây.
Để phổ biến ý tưởng này, Lê Văn Tiềm mở các lớp huấn luyện và chuyển giao thiết bị cho các địa phương. Mỗi đơn vị ở địa phương có một hòm lưu động, trong đó có những thiết bị cơ bản để đo các thông số về lượng lân, kali, đạm trong đất… Hòm có thể xách tay và tiện lợi cho việc di chuyển. Phương pháp “phân tích nhanh” hay còn gọi là “phương pháp xách tay” của ông được áp dụng rộng rãi, giảm chi phí, lại thuận tiện và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu của ông được chọn để báo cáo tại hội nghị Thanh niên tiến quân vào khoa học kỹ thuật, tổ chức tại Hà Nội năm 1968.
Sự ra đời của “Hòm phân tích nhanh” không chỉ là một thành công về học thuật mà còn có ý nghĩa lớn về thực tiễn. Trong những buổi báo cáo điển hình về phong trào tiến quân vào khoa học kỹ thuật, người ta nêu tên ông. Ông được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn, rồi danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ, danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa… Đó là những phần thưởng vô giá dành cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông.
Xây dựng phương pháp phân tích lân
Sang đến năm 1966, nhận thấy quy trình phân tích photpho tổng số trong cây và trong đất có nhiều bất cập, Lê Văn Tiềm đã xây dựng phương pháp mới với thay đổi về cách công phá mẫu, về chất khử tạo màu, về khắc phục ảnh hưởng của sự hiện diện quá nhiều sắt trong dung dịch phân tích đất. Tuy nhiên, khi trình bày ý tưởng này ở hội đồng khoa học của Bộ, có người cho rằng những thứ mà ông Tiềm trình bày chỉ là copy phương pháp phân tích photpho của Liên Xô. Những nhận xét ấy không làm Lê Văn Tiềm nản lòng, nó càng khiến ông quyết tâm chứng minh khả năng về nghiên cứu của mình. Đầu tiên, ông nhờ một người bạn dịch công trình của ông sang tiếng Nga, sau đó ông gửi hai bài với hai phương pháp khác nhau về photpho đăng báo ở Nga. Vài tháng sau, tạp chí “Agrochimi” của Viện Hàn lâm Nông nghiệp Nga xuất hiện hai bài của ông với tiêu đề Phương pháp mới xác định P tổng số trong đất và Phương pháp mới xác định P dễ tiêu. Ông nhấn mạnh “phương pháp mới” trong đầu đề của bài báo có chủ đích khẳng định ông không hề copy cách làm của Liên Xô. Ở nơi sơ tán tại Tuyên Quang, ông xúc động khi nhận được các tờ báo do tòa soạn từ Moskva gửi biếu.
Một năm sau, cả hai phương pháp phân tích photpho của Lê Văn Tiềm được giới thiệu trong cuốn sách Thực hành nông hóa được xuất bản ở Liên Xô, là sách giáo khoa về nông hóa cho tất cả các trường đại học Nông nghiệp ở Liên Xô. Cả cuốn sách chỉ có bài của hai tác giả người châu Á: một người Nhật Bản và ông. Đây là phần thưởng vô cùng to lớn cho nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của ông.
Cân đối lân đạm và bố trí cơ cấu giống lúa vùng chiêm trũng
Sau một số năm công tác, Lê Văn Tiềm ngày càng khẳng định được vai trò của bản thân trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ông không bằng lòng với những gì đã đạt được, mà muốn đi sâu vào những vấn đề thực tiễn hơn, phục vụ trực tiếp tiếp cho sản xuất, mà hồi ấy các ông thường nói vui nôm na là “làm ra thóc ra gạo”.
Qua xử lý các số liệu phân tích, ông Lê Văn Tiềm nhận thấy chỉ dựa vào “quy luật tối thiểu” là không đủ để giải thích đối với những ruộng có hiệu lực phân lân cao một cách kỳ lạ, mặc dù hàm lượng lân dễ tiêu trong đất không phải là nghèo lắm. Qua xem xét hàm lượng các nguyên tố khác, ông thấy có những trường hợp đất có hàm lượng đạm dễ tiêu trong đất khá cao. Hơn nữa, những trường hợp này thường thấy ở những cánh đồng trũng, đất có thành phần sét cao.
Với định hướng và thực tế như vậy, ông và đồng nghiệp trong phòng đã thực hiện đề tài nghiên cứu Sự cân đối lân đạm trong lúa. Bắt tay vào thực hiện, nhiều cán bộ trong Viện khuyên ông không nên thực hiện vì thiếu ý nghĩa thực tiễn, hoặc có thể sử dụng giống lúa mới (IR5) để cấy ở vùng chiêm trũng. Nhưng quyết tâm đã thôi thúc ông phải thực hiện bằng được. Lúc ấy ông nghĩ: Thôi thì các sếp phán cứ phán, việc mình mình cứ làm[4].
Không ngờ, vụ xuân 1973 thời thiết không thuận, mùa lạnh kéo dài hơn, hàng vạn hecta được cấy bằng giống IR5 không trổ bông được hoặc có trổ nhưng tỷ lệ lép cao, gây thất thu lớn cho bà con nông dân. Miền Bắc lúc đó rất thiếu lương thực, việc cứu đói bằng lúa gạo trở thành một chiến lược lớn. Cán bộ của phòng Phân tích nông hóa do ông Lê Văn Tiềm phụ trách đã cùng kỹ sư Nguyễn Tiến Huy – thư ký của Viện trưởng Bùi Huy Đáp, đến các tỉnh thu thập mẫu đất, mẫu cây ở nơi cấy giống IR5 không trổ bông và ở những ruộng cạnh đó vẫn trổ bình thường, mang về phòng thí nghiệm để phân tích, so sánh. Kết quả cho thấy, tất cả những ruộng cấy IR5 và IR8 sinh trưởng không bình thường đều là những ruộng mất cân đối lân – đạm. Hay nói cách khác, cây bị đói lân trầm trọng, không phải do đất bị quá chua, chứa nhiều độc tố Al hay chất độc H2S.
Trước tình hình ấy, Viện trưởng Bùi Huy Đáp trao đổi với tỉnh ủy Nam Hà để tổ chức một khu thí điểm 6000ha gồm 12 xã vùng trũng ở phía nam huyện Bình Lục, gọi là khu B, do một tỉnh ủy viên thường trực phụ trách. Vụ trưởng Vụ trồng trọt, cử xuống một đoàn kỹ sư nằm vùng về Bình Lục để chỉ đạo trực tiếp, trong đoàn có cả chuyên viên kinh tế. Lực lượng chỉ đạo kỹ thuật từ trung ương về khá hùng hậu. Được sự ủy nhiệm của Viện trưởng, ông Tiềm đến Vụ Kế hoạch làm thủ tục nhận 3 tấn phân Superphotphat Lâm Thao cho khu B. Đây là một sự kết hợp giữa nông dân với Viện Khoa học Nông nghiệp, kết hợp giữa trung ương với địa phương. Phía trung ương có 3 tổ chức cùng tham gia là: Viện Khoa học Nông nghiệp, Vụ Trồng trọt và Vụ Kế hoạch.
Trưởng phòng Lê Văn Tiềm tập trung cán bộ toàn phòng tiến hành phân tích gấp hàng nghìn mẫu đất lấy từ các cánh đồng, để kịp phục vụ việc hình thành “bản đồ cơ cấu giống lúa” cho 12 xã khu B huyện Bình Lục. Đây là lần đầu tiên có loại bản đồ cơ cấu giống lúa và hướng dẫn cả liều lượng phân bón. Đó là một kiểu “bản đồ canh tác” mà sau này được phổ biến rộng ra ở nhiều địa phương khác. Ông chia tất cả các cánh đồng thành 4 nhóm theo tỷ lệ cân đối lân – đạm (P/N) để lên kế hoạch bố trí cơ cấu giống lúa và chế độ bón phân hợp lý: Nhóm an toàn: cân đối giữa lân và đạm dành cho giống năng suất cao IR8; Nhóm mất cân đối nhẹ: cấy IR8 được nhưng phải bón đủ; Nhóm mất cân đối trung bình: cấy IR5 nhưng phải bón nhiều lân; Nhóm mất cân đối nặng: chỉ cấy giống chiêm cũ được cải tiến là 314.
Theo tổng kết của địa phương, với việc vận dụng bản đồ Cơ cấu giống lúa theo tỷ lệ cân đối lân – đạm ở trên, ngay năm 1974, năng suất bình quân khu B tăng từ 30 tạ/ha/năm lên 61 tạ/ha cả năm, nghĩa là tăng gấp đôi. Sản lượng thóc toàn khu B trước thí điểm chỉ vào khoảng 6.500 tấn/năm, ngay năm đầu thí điểm đã đạt 13.000 tấn/năm. Những năm sau đó, cả huyện Bình Lục áp dụng mô hình khu B, tăng sản lượng thóc lên gấp đôi[5]
Thắng lợi ngoài sức tưởng tượng khiến ông vô cùng phấn khởi. Kể về chuyện ấy, ông bộc bạch: Thật là gặp thời, từ một ý tưởng trở thành chiến công vang dội! Đó là công lao của cả một tập thể, chưa cần báo cáo, tiếng vang đã lên tận Bộ Nông nghiệp vì có cả đoàn kỹ sư cùng tham gia vào chỉ đạo các bước triển khai. Tôi chưa bao giờ có được một thử nghiệm quy mô và kết quả vang dội như vậy[6].
Sự kiện này còn được đưa tin lên đài truyền hình, hay báo Nhân dân (số 8430, thứ tư, ngày 8-6-1977) cũng có một bài viết khá dài của tác giả Trần Cung về vấn đề này. Đó là chưa kể đến tình cảm nồng hậu của bà con nông dân huyện Bình Lục dành cho ông. Ông còn nhớ khoảnh khắc chào bà con để về Hà Nội, bà con các mang rất nhiều quà ra để biếu, nhưng ông biết bà con còn nghèo nên chỉ nhận một con cá.
Tìm vùng pH tối thích của cây lúa
Năm 1980, sau nhiều năm nghiên cứu, ông Lê Văn Tiềm đã bảo vệ thành công luận án PTS: Diễn biến độ chua dưới tác động ngập nước. Việc bảo vệ luận án PTS ở trong nước như một cú hích cần thiết, làm tăng thêm động lực, đam mê và cả sự tự tin trong nghiên cứu khoa học của ông. Từ đây trở đi, ông tiếp tục những nẻo đường khoa học, với mong muốn đóng góp thật nhiều hơn nữa cho người nông dân.
Theo GS.TS Lê Văn Tiềm, ở nước ta, phần lớn lúa được trồng trên đất chua. Để xác định được lượng vôi bón cho lúa trên các vùng đất này thì cần phải biết được độ pH bao nhiêu là thích hợp. Từ ý nghĩ, đam mê chinh phục những nghiên cứu mới, PTS Lê Văn Tiềm đã tra cứu, tìm tòi và thấy nhiều tài liệu đưa ra những kết quả khác nhau. Có tài liệu công bố vùng trung tính pH = 7, nhưng cũng có những tài liệu cho là pH = 6 hoặc pH = 6,5…Qua thực tế, ông thấy ở nhiều vùng là vựa lúa của nước ta, đất chua nhưng năng suất lúa vẫn cao. Lúc ấy ông cho rằng, tại sao không tìm một cách lý giải khác, như phản ứng chua hay kiềm là những khái niệm trong hóa học dựa vào ưu thế của ion H+ hay H – trong dung dịch nước?
Qua những thí nghiệm cụ thể và phân tích, ông tìm được pH tối thích cho cây lúa như sau: Đất chua đối với lúa, kết quả là năng suất lúa khi bón kiềm sẽ cao hơn năng suất lúa khi bón acid; Đất kiềm đối với lúa, kết quả là năng suất lúa khi bón acid sẽ cao hơn so với năng suất lúa khi bón kiềm; Đất có pH tối thích đối với lúa, kết quả là năng suất lúa khi bón acid sẽ bằng năng suất lúa khi bón kiềm.
Để chứng minh luận điểm khoa học của mình, PTS Lê Văn Tiềm đã bố trí hai dãy chậu thí nghiệm cho pH diễn biến từ pH chua nặng (pH = 3,8) lên đến chất kiềm nhẹ (pH = 7,5). Phần lớn đất canh tác của nước ta có pH (KCl) nằm trong phạm vi này. Hai dãy chậu này được sắp xếp một dãy bón acid, một dãy bón kiềm. Ông dự kiến, theo chiều pH tăng dần (nghĩa là độ chua giảm dần) thì bên bón acid (cụ thể là dung dịch H2SO4 loãng), năng suất sinh khối sẽ tăng dần, còn bên bón kiềm (cụ thể là bón dung dịch NaOH loãng) năng suất sinh khối giảm dần và chúng sẽ có điểm giao nhau, điểm giao đó chính là điểm pH tối thích.
Sau khi thí nghiệm, kết quả đúng như những gì ông dự đoán. Ở chậu đất chua, năng suất bón kiềm cao cơn acid; ngược lại, ở dãy chậu đất gần kiềm, năng suất sau khi bón acid cao hơn hẳn bón kiềm. Nơi có năng suất bằng nhau chính là giao điểm giữa hai đường đồ thị năng suất và chính điểm đó là vùng pH tối thích.
Thí nghiệm cho thấy, vùng pH thích hợp nhất là đất có pH (KCl) = 5,2, để cấy mạ già hơn thì điểm giao nhau của pH (KCl) của đất ở pH (KCl) = 4,7. Như vậy, độ pH này xê dịch ít nhiều tùy thuộc giống lúa và cũng tùy thuộc vào thời kỳ sinh trưởng, bởi cây non kém chịu chua hơn cây già. Kết quả này đã áp dụng trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp, đem lại những hiệu quả nhất định
Nghiên cứu về lúa chết phèn
Thập niên 80 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế ở Việt Nam khá khó khăn, đời sống nhân dân không khá hơn là mấy so với thời kỳ có chiến tranh. Nhưng càng trong điều kiện khó khăn, những cán bộ nghiên cứu như PTS Lê Văn Tiềm càng thể hiện quyết tâm đem những nghiên cứu của mình ra phục vụ người nông dân hơn.
Năm 1982, Viện Khoa học Nông nghiệp cử một nhóm nhà khoa học nông nghiệp xuống Hải Phòng tìm cách nâng cao năng suất lúa ở vùng đất phèn Hải Phòng. Nhóm thực hiện đề tài về Đất phèn Hải Phòng gồm hai bộ môn của Viện Khoa học Nông nghiệp là bộ môn Di truyền và bộ môn Hóa học đất.
Từ lâu, PTS Lê Văn Tiềm đã có ý định đi sâu nghiên cứu về đất phèn miền Bắc. Đây là lần thứ hai ông đến Hải Phòng nghiên cứu. Lần đầu, ông đến Hải Phòng vào khoảng năm 1964, trước chiến tranh phá hoại của Mỹ. Lần này, ông đến sau bao năm chiến tranh, bom đạn, Hải Phòng tiêu điều và thiếu thốn.
Nhóm công tác của hai bộ môn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TS Đào Thế Tuấn, nhiều lần làm việc với Sở Nông nghiệp Hải Phòng. Hồi đó, năng suất lúa trên đất phèn rất thấp, phần lớn phải cấy giống chiêm cổ truyền mới trụ nổi, nhưng năng suất rất thấp, mỗi vụ chỉ khoảng 1,5-2 tấn thóc/ha. Thậm chí, lác đác có một số cánh đồng lúa bị chết phèn trong vụ đông xuân. PTS Lê Văn Tiềm đã chỉ đạo cán bộ của bộ môn thu thập hàng trăm mẫu đất ở những cánh đồng có lúa chết, rồi so với các cánh đồng lúa phát triển bình thường tại từng địa phương, qua đó tìm thấy “ngưỡng độc” của lúa chết phèn.
Qua điều tra thực địa, PTS Lê Văn Tiềm nhận thấy những ruộng lúa chết phèn đều là những ruộng cày sâu (bằng máy cày), để ải chứ không làm dầm. Đến đây, ông liên tưởng đến vấn đề biến đổi độ chua dưới tác động ngập nước mà ông đã nghiên cứu hơn 10 năm trước. Hiện tượng chết phèn chỉ xảy ra vào vụ đông xuân, còn vụ nắng nóng mưa nhiều thì cây lúa phát triển bình thường ngay trên ruộng lúa đã chết phèn trong vụ đông xuân.
Sơ bộ, ông tìm thấy ba biện pháp để đưa năng suất lúa vùng đất phèn tăng lên là: nước ngọt, giống chống chịu và bón lân. Trong ba biện pháp này, biện pháp sử dụng giống chịu phèn là dễ thực hiện và kinh tế nhất. Kết quả nghiên cứu này giúp cho việc giải quyết vấn đề lúa chết phèn, mà PTS Lê Văn Tiềm là người có những đóng góp tích cực.
Ngoài những đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn kể trên, GS.TS Lê Văn Tiềm còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khác, như: Nghiên cứu khả năng chống chịu của lúa lai; Thâm canh thung lũng giảm áp lực phát nương làm rẫy… Tất cả đều nhằm mục đích phục vụ cho người nông dân bằng những kết quả nghiên cứu cụ thể.
Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn nhất của GS.TS Lê Văn Tiềm là được thấy niềm vui của người nông dân. Xuất thân trong một gia đình nông dân, và cả đời nghiên cứu cũng vì người nông dân là đặc điểm nổi bật nhất trong con người ông. Nhớ về ông là nhớ về một con người rất đỗi hiền lành, dễ mến, và đặc biệt: một người hành động.
Nguyễn Thanh Hóa
[1] Phương pháp phân tích công cụ là phương pháp thuộc ngành Hoá (bộ môn Hoá phân tích) nghiên cứu về thành phần cấu tạo và hàm lượng các thành phần của những mẫu khảo sát.